Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân của Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Hồ Chí Minh với việc lãnh đạo và thể chế hoá tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân trong các Hiến pháp Việt Nam (Trang 44)

7. Bố cục của luận văn

2.1.2. Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân của Hồ Chí Minh

Thấm nhuần quan điểm Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong tư tưởng chỉ đạo cũng như trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân.

Quyền lực thuộc về nhân dân nghĩa là nhân dân chính là người chủ thật sự của đất nước, làm chủ đất nước trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội... Trong đó, quyền lực thuộc về nhân dân thể hiện trong lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động Nhà nước, bởi vì quyền lực của nhân dân thể hiện trong hoạt động của Nhà nước với tư cách nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực. Hồ Chí Minh khẳng định cả trong quan điểm lẫn trong thực tế việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

41

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người đã chỉ rõ: “ Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” [12, tr.270]. Sau khi nước ta giành được độc lập, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [15, tr.698]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự khác biệt về bản chất giữa Nhà nước của dân với các kiểu Nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử.

Sau khi giành được chính quyền, nhân dân uỷ quyền cho các đại biểu do mình bầu ra, thay mặt nhân dân giải quyết các vấn đề chung của đất nước và như vậy những đại biểu do dân bầu ra chỉ là những người nhận sự giao phó của dân, chỉ là công bộc của dân. Nên, “nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu nhân dân, nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” [19,tr.591]

Trong Nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm, đồng thời có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân.

Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân của Hồ Chí Minh có thể khai quát trên mấy phương diện sau:

Thứ nhất, về pháp luật, Người viết: “ Pháp luật của chúng ta hiện nay

bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Pháp luật của ta lúc này, chưa tước bỏ quyền tư hữu, nhưng không ai được lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột thậm tệ nhân dân lao động. Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân

42

chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”. Người khẳng định: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đa đa số nhân dân”[17, tr. 453]. Vì vậy, để có một “chính quyền trong sạch”, phải kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng việc được nhân dân giao quyền, rồi cậy quyền cậy thế đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cương quyết xử lý một số cán bộ cao cấp của Nhà nước vi phạm pháp luật.

Như vậy, trong tư tưởng của Người pháp luật không phải là công cụ để bảo vệ lợi ích cho một bộ phận thiểu số trong xã hội, cũng không phải là phương tiện để bộ phận giai cấp này bóc lột bộ phận giai cấp kia. Mà, pháp luật dùng để bảo vệ lợi ích của hàng triệu người lao động, vì lợi ích chung của đại đa số nhân dân, đó là nền pháp luật thực sự dân chủ.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy nhà nước, Hồ Chí Minh nhiều lần nêu ra

quan điểm về ba bộ phận cấu thành quan trọng của Nhà nước, đó là cơ quan lập pháp - Quốc hội; cơ quan hành pháp - Chính phủ và cơ quan tư pháp - Tòa án. Trong đó, Người nói đến Chính phủ nhiều nhất và cũng chính ở đây chứa đựng nhiều quan điểm có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Người viết: “ Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”, Người khẳng định: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”[17, tr.368]

43

Kế thừa những giá trị trong tư tưởng chính trị truyền thống của dân tộc, lại được soi sáng bởi quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh thấy ở nhân dân một lực lượng có sức mạnh vô cùng to lớn. Trong tư tưởng về Nhà nước, nhân dân chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Hồ Chí Minh tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân, sức mạnh ấy một khi được tập hợp, tổ chức, định hướng sẽ tạo nên những kỳ tích to lớn, có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt lịch sử. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh niềm tin ấy của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.

Cái quan trọng nhất trong chính trị là vấn đề thiết chế chính quyền Nhà nước. Quyền lực chính trị là vấn đề trung tâm của mọi cuộc cách mạng xã hội. Ở Hồ Chí Minh, Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Như thế, với Hồ Chí Minh, Nhà nước không bao giờ đứng ngoài và đứng trên nhân dân.

Nhà nước của dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán, trong đó: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, việc nước là việc chung của mỗi người con Rồng cháu tiên, bất kỳ già trẻ, trai gái, giàu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh một phần” [ 15, tr. 698]. Việc thành lập bộ máy Nhà nước do dân cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình, là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân” [14, tr.430]

Theo Người, muốn đảm bảo được tính chất nhân dân của Nhà nước thì phải xác định và thực hiện được trách nhiệm của cử tri và đại biểu do cử tri bầu ra, giữa họ phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau do bản chất của cơ chế này quy định và khi không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là đại biểu do cử tri bầu ra thì cử tri có quyền bãi miễn tư cách của đại biểu.

44

Để nhân dân thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát Nhà nước, Người đã yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.Đó là sự đòi hỏi một chính quyền mới phải thực sự gương mẫu, trong sạch. Muốn vậy cả phía chính quyền và phía nhân dân đều phải thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính. Như lời Hồ Chí Minh đã dạy: “Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có khuyết điểm, có người làm quan cách mạng chợ đen, chợ đổ, mưu vinh thân phì ra… Xin đồng bào hãy phê bình, giám sát công việc của Chính phủ”[15, tr.61]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được thể hiện ở ngay cả cách Người dùng từ, Người thường dùng các khái niệm “ủy”, “ủy thác”, “giao quyền”, để nói đến việc nhân dân tự nguyện trao một phần quyền lực của mình cho Nhà nước. Quyền lực của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ chủ tịch nước đến cán bộ làng đều do nhân dân “ủy” cho. Khi một nhiệm kỳ của Chính phủ hết, Chính phủ sẽ trao lại quyền cho nhân dân và nhân dân sẽ trao lại quyền ấy cho một Chính phủ mới do dân “tuyển cử”. Các khái niệm “ủy”, “ủy thác”, “giao quyền” là những khái niệm chính trị học và ở Hồ Chí Minh các khái niệm ấy gắn chặt với nhân dân, là sự khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân.

Nhà nước do dân: Theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Ở Việt Nam, nhân dân cũng chính là những người đã làm nên cách mạng và xây dựng nên Nhà nước dân chủ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á vào ngày 02/9/1945. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở tất cả các cán bộ, đảng viên từ trung ương đến cơ sở phải ghi nhớ rằng: Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nhờ sự hy sinh không tiếc máu xương của các tầng lớp nhân dân.Nhân dân đã hy sinh giành chính quyền thì chính quyền ấy phải thuộc về nhân dân và phải vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

45

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước do dân có nghĩa là Nhà nước do nhân dân lập nên, vì vậy phải do nhân dân làm chủ đồng thời nhân dân cũng phải có trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của mình. Nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình tham gia vào bộ máy Nhà nước, Nhà nước đó do dân ủng hộ giúp đỡ, đóng thuế để Nhà nước chi tiêu hoạt động, Nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng để ngày càng hoàn thiện. Người nói:“ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra” [15,tr.698]. Theo Người, một Nhà nước mạnh trước hết là một Nhà nước thực sự đại diện cho quyền lợi của dân, do dân lập ra, được nhân dân ủng hộ và chịu sự giám sát của dân.Do đó Người yêu cầu: “Tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân” và “ nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” [15, tr.56]. Nghĩa là khi các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân có thể bãi miễn.

Nhà nước vì dân: theo tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có một Nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là Nhà nước vì dân được. Trong Nhà nước đó, cán bộ từ chủ tịch trở xuống đều là “công bộc” của dân.

Nhà nước đó phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi riêng, không đè đầu cưỡi cổ dân, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh” [15, tr.56]. Sinh thời Người từng nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải cố gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”. [14,tr.161]. Cả đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Người luôn nhắc nhở về

46

nhiệm vụ của Nhà nước: “ Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không là gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay:

Làm cho dân có ăn Làm cho dân có mặc Làm cho dân có chỗ ở Làm cho dân có học hành

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”. [14, tr.152]

Mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ phải đem lại lợi ích cho dân, đất nước có độc lập rồi mà dân cứ đói, cứ rét, cứ dốt… thì lỗi đó thuộc về Đảng và Chính phủ.

Quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó tập trung là vấn đề quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là nội dung lớn có tính nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyền lực Nhà nước ở nước ta là quyền lực Nhà nước thống nhất, đó là sự thống nhất của mục tiêu chung phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc.

Một phần của tài liệu Hồ Chí Minh với việc lãnh đạo và thể chế hoá tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân trong các Hiến pháp Việt Nam (Trang 44)