Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và

Một phần của tài liệu Hồ Chí Minh với việc lãnh đạo và thể chế hoá tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân trong các Hiến pháp Việt Nam (Trang 30)

7. Bố cục của luận văn

1.3.1.Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và

năm 1959

Nhìn lại một chặng đường lịch sử gần hai phần ba thế kỷ kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, càng hiểu ra sự minh triết của Hồ Chí Minh, cha đẻ của Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền đích thực của dân tộc Việt Nam.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay của Nhà nước, trong đó nhiệm vụ thứ ba là tổng tuyển cử và lập hiến, Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ cai trị, rồi đến chế độ

27

thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” [14,tr.8]. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch ra sắc lệnh 14/SL về cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Xét thấy rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết cho toàn dân tham gia vào cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm”[46, tr.31]; Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh việc thành lập ra Quốc hội không phải để hạn chế hay chia sẻ quyền lực với bất kỳ thế lực nào mà nhằm mục đích thống nhất ý chí dân tộc, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để giành và giữ nền độc lập của dân tộc; đồng thời Quốc hội cũng chính là cơ quan đại diện tối cao cho tiếng nói và lợi ích của nhân dân, thay mặt nhân dân giải quyết các công việc của quốc gia, trong đó có một nhiệm vụ cấp thiết là soạn thảo Hiến pháp.

Ngày 20-9-1945, Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh thành lập ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Với tinh thần tránh nhiệm cao trong công việc và để không phụ lòng tin của nhân dân, ban dự thảo đã hoàn thành công việc vào tháng 11-1945 và lập tức công bố bản dự thảo cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người dân Việt Nam đã hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày bản dự thảo Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội (khoá I, kỳ họp thứ nhất) đã thành lập Ban dự thảo hiến pháp gồm 11 người là đại biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ban dự thảo hiến pháp lần này có nhiệm vụ tổng kết các ý kiến đóng góp của nhân dân và xây dựng bản dự thảo cuối cùng để đưa ra quốc hội xem xét và thông qua.

28

Ngày 28-10-1946,kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I đã khai mạc. Ngày 9-11-1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, quốc hội đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống.

Vào thời điểm này, khiQuốc hội thông qua Hiến pháp, thực dân Pháp tiếp tục phản bội các hiệp định đã ký kết với Chính phủ ta, chúng không ngừng khiêu khích và tấn công bằng vũ lực ở nhiều nơi, hòng lật đổ chính quyền non trẻ và lập lại ách thống trị của chúng ở Việt Nam. Trước tình hình đó, trong phiên họp ngày 9-11-1946, sau khi tuyên bố Hiến pháp trở thành chính thức, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện thuận lợi. Theo Nghị quyết của Quốc hội trong điều kiện chưa thi hành được hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật.

Ngày 19-12-1946, mười ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp không có điều kiện thực hiện; Vì vậy, lúc đầu Quốc hội được thành lập là Quốc hội lập hiến nhưng vì hoàn cảnh lịch sử nên mặc dù Hiến pháp đã được ban hành song Quốc hội chưa hết nhiệm vụ mà cần tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân (Quốc hội lập pháp), do đó Quốc hội lập hiến được duy trì thành Quốc hội lập pháp.

Như vậy, trong bộn bề những việc cấp bách hàng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp năm 1946 mà cho đến nay, giới nghiên cứu về luật pháp đánh giá là bản hiến pháp mẫu mực nhất - một hiến pháp dân chủ.Hiến pháp gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều.

29

Chín năm (1945-1954) - một chặng đường phát triển của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đó là một khoảng thời gian ngắn ngủi so với chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, nhưng trong chín năm đó đã xảy ra nhiều sự kiện chính trị vô cùng quan trọng làm thay đổi tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước; đồng thời đó cũng là khoảng thời gian để Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định thêm một lần nữa vai trò và khả năng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam.

Nhân dân ta hưởng không khí của ngày độc lập mùng 2-9-1945 chưa được bao lâu, đã buộc phải tiếp tục cầm súng đứng lên chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp; với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cùng với sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta quyết đập tan mọi âm mưu nô dịch của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Bước sang năm 1954, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ trấn động địa cầu, buộc Pháp phải kí với ta Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), công nhân độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mĩ đã nhanh chóng nhảy vào thay thế hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình đó, cách mạng Việt Nam đứng trước nhiệm vụ mới: Tiến hành cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Mĩ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ làm cho đất nước bị chia cắt. Nhưng đó là sự chia cắt tạm thời. Xét về mặt pháp lí, giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) không phải là biên giới quốc gia. Việt Nam phải được độc lập và thống nhất hoàn toàn - đó là tâm huyết cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là khao khát cháy bỏng của toàn thể nhân dân hai miền Nam - Bắc, Người từng nói: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi” [14, tr.246]

30

Trong hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “So với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy” [19,tr.595]

Việc sửa đổi Hiến pháp được quy định tại điều 70, Hiến pháp năm 1946: “ Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; Nghị viện bầu một ban dự thảo những điều thay đổi; Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng thuận thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” [34, tr. 27]. Như vậy, quyền sửa đổi Hiến pháp được quy định bởi quyền lập hiến. Có nghĩa là quyền lập hiến là quyền nguyên thuỷ vì thể hiện một cách toàn diện nhất chủ quyền quốc gia, ấn định cơ cấu đầu tiên của quốc gia, nhưng quyền sửa đổi hiến pháp không phải là quyền nguyên thuỷ vì nó phái sinh từ quyền lập hiến, do quyền lập hiến ấn định. Tuy không phải là quyền nguyên thuỷ, nhưng quyền sửa đổi Hiến pháp cũng là một biểu hiện khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân. Vì vậy, trong kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1946 và thành lập ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Sau khi làm xong bản dự thảo đầu tiên, tháng 7 năm 1958 bản dự thảo đã được thảo luận trong các cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan. Sau đợt thảo luận này, bản dự thảo đã được chỉnh lý lại và ngày 1 tháng 4 năm 1959 đem công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng. Cuộc thảo luận này làm liên tục trong bốn tháng tại khắp các nơi: trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học và các tổ chức khác của nhân dân, ở thành thị và nông thôn, việc nghiên cứu và thảo luận dự thảo Hiến pháp tiến hành sôi nổi và đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi có đủ các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày 18-12-1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi. Ngày 31-12-1959,

31

Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp. Hiến pháp năm 1959 gồm lời nói đầu, 10 chương với 112 điều.

Mười ba năm (1946-1959) - một chặng đường tồn tại và phát triển của Hiến pháp Việt Nam. Nếu như Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là bản Hiến pháp đầu tiên và dân chủ nhất trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, thì sự xuất hiện của Hiến pháp năm 1959 lại được đánh giá là bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Nhà nước ta. Mỗi bản Hiến pháp ra đời trong một hoàn cảnh riêng, đáp ứng những yêu cầu riêng của lịch sử, nhưng cả hai bản Hiến pháp đều ghi đậm dấu ấn về vai trò và tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu Hồ Chí Minh với việc lãnh đạo và thể chế hoá tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân trong các Hiến pháp Việt Nam (Trang 30)