Môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ (Trang 46)

Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố thuộc môi trường vĩ mô như môi trường pháp lý, các chính sách kinh tế của Nhà nước, điều kiện kinh tế xã hội ….

- Môi trường pháp lý: là tổng hòa các quy định luật pháp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Sự thắt chặt hay lới lỏng hoạt động của doanh nghiệp được điều chỉnh bằng luật và các văn bản uy phạm pháp luật, bằng cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước. Thông qua pháp luật về kinh tế và các chính sách kinh tế, Nhà nước tạo ra môi trường và hành lang cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng cho các doanh nghiệp. Một hệ thống cơ chế, chính sách tốt sẽ tạo ra một môi trường thông thoáng, linh hoạt cho các hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ví dụ: cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh, hoạt động thông suốt sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, luân chuyển vốn liên tục, tăng số vòng quay vốn, thay đổi cơ cấu vốn một cách linh hoạt, trên cơ sở đó giảm chi phí sử dụng vốn. Ngược lại, nếu chính sách của Nhà nước là hạn chế doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nào đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, ví dụ như: không nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, chịu mức thuế cao, không được miễn, giảm thuế …

- Chính sách lãi suất: ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động vốn và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khi lãi suất tăng làm cho chi phí vốn tăng, hiệu quả sử dụng vốn sẽ giảm sụt. Hiện tại Nhà nước đang duy trì chính sách lãi suất cao. Nhà nước ấn định sàn lãi suất tiền gửi, trần lãi suất cho vay. Lãi suất tiền gửi cao là một khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

- Chính sách tỷ giá: Tỷ giá hối đoái điều tiết sản xuất qua việc thúc đẩy hoặc hạn chế sản xuất hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu. Khi tỷ giá giảm hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ tương đối so với hàng hóa sản xuất trong nước, điều đó sẽ khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu và sẽ tác động đến thu nhập của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mặt khác, bản thân tỷ giá hối đoái cũng tác động đến thu nhập của doanh nghiệp.

- Chính sách thuế: có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, vì sẽ làm điều chỉnh phần lợi nhuận sau thuế, ảnh hưởng trực tiệp đến thu nhập và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Khi các chính sách kinh tế trên thay đổi sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hiệu quả sử dụng vốn cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế tăng trưởng thấp thì nhà nước có thể đối phó bằng cách: hạ lãi suất cho vay, tiền gửi, tăng thuế nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động kinh tế của đất nước, làm cho nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao hơn. Ngược lại trong thời kỳ nền kinh tế khó khăn thì giải pháp đối phó là ngược lại. Với chính sách này sẽ hạn chế được những doanh nghiệp thành lập mới, đồng thời ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư phát triển của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như hiệu quả sử dụng vốn của từng doanh nghiệp. Vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào các doanh nghiệp cũng luôn mong có sự ổn định trong chính sách kinh tế của nhà nước để có chiến lược kinh doanh phù hợp, yên tâm kinh doanh.

- Môi trường kinh tế: Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn diễn ra trong một bối cảnh kinh tế cụ thể như tốc độ tăng trưởng hay suy thoái của nền kinh tế, mức độ ổn định của đồng tiền, của tỷ giá hối đoái, các chỉ số giá chứng khoán trên thị trường, lãi suất vay vốn, tỷ suất đầu tư…. Mỗi sự

thay đổi của các yếu tố trên đều có tác động đến hoạt động kinh doanh và theo đó là hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

- Môi trường công nghệ: Sự thay đổi của công nghệ sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ sản phẩm, phương pháp sản xuất, nguyên vật liệu … Vì vậy với sự tiến bộ của công nghệ khoa học kỹ thuật hiện nay, nếu như doanh nghiệp không chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ thì sẽ bị lạc hậu không có sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng kịp thời các thành tựu tiến bộ khoa học thì sẽ giành được điều kiện thuận lợi trong cạnh tranh, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

- Môi trường văn hóa – xã hội: Các yếu tố văn hóa – xã hội như phong tục, tập quán, thói quen, sở thích ….ảnh hưởng lớn đến thái độ người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm, doanh thu bán hàng …. từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Để đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao doanh nghiệp cần phải dự đoán trước để làm chủ được sự thay đổi của môi trường để thích nghi và có những giải pháp phù hợp đề giành cơ hội thuận lợi và khắc phục tối đa những thay đổi tiêu cực của môi trường

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w