Các khía cạnh học thuật và thông tin

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ pháp lí giữa quá trình xác lập quyền và giám định xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểu dáng công nghiệp (Trang 37)

9. Bố cục của luận văn

2.2.Các khía cạnh học thuật và thông tin

Về khía cạnh học thuật, việc xác lập quyền đối với KDCN được hiểu là những nội dung chính về điều kiện bảo hộ, nộp đơn đăng ký (viết bản mô tả), trình tự và thủ tục xác lập quyền, các quy tắc/lý thuyết áp dụng trong quá trình đăng ký. Một trong những nội dung quan trọng ở khía cạnh học thuật là tìm hiểu quy trình xem xét đơn để cấp Bằng độc quyền KDCN, trong đó đặc biệt là việc đánh giá khả năng bảo hộ của KDCN. Vì vậy, các vấn đề mang tính học thuật như việc đáp ứng tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp; cách thức đánh giá tính mới, tính sáng tạo của KDCN trên cơ sở so sánh với KDCN đối chứng để đưa ra kết luận về khả năng cấp Bằng độc quyền KDCN… cũng là những nội dung quan trọng của khía cạnh học thuật. Ngoài ra, các nội dung mang tính lý luận nói trên còn được bổ sung bằng

những lý thuyết có được từ các các vụ việc giải quyết tranh chấp về KDCN, nó không chỉ đúc kết từ thực tiễn xác lập quyền mà còn từ thực tiễn tố tụng nhưng được áp dụng làm tiền lệ trong việc xác lập quyền.

Như vậy, có thể thấy rằng về mặt học thuật giữa việc xác lập quyền và giám định xâm phạm KDCN có sự quan hệ mật thiết với nhau. Mặc dù cả hai quá trình này được thực hiện một cách độc lập với những công đoạn khác nhau, tuy nhiên khi đi vào chi tiết thực hiện có thể áp dụng hoặc tham khảo những lý thuyết/quy tắc của cả hai quá trình. Trong nhiều trường hợp, các lý thuyết/quy tắc về giám định xâm phạm KDCN có vai trò bổ sung hoặc làm rõ thêm nhưng tình tiết thực tế trong quá trình xác lập quyền nhưng có khả năng làm thay đổi kết quả của quá trình này, chẳng hạn như các quy tắc xác định yếu tố xâm phạm quyền có thể được viện dẫn để làm căn cứ củng cố việc xác lập quyền hoặc hủy bỏ quyền đã được xác lập.

Về khía cạnh thông tin, nguồn thông tin phục vụ việc xác lập quyền đối với KDCN bao gồm nguồn thông tin về tình trạng kỹ thuật của KDCN được sử dụng để đánh giá tính mới, tính sáng tạo. Ngoài ra, để xác định chính xác phạm vi bảo hộ, đặc biệt là để hiểu rõ ràng và thống nhất nội dung của yêu cầu bảo hộ và các thuật ngữ chuyên ngành được nêu trong yêu cầu bảo hộ và phần mô tả KDCN, có thể phải sử dụng các tài liệu bổ trợ khác. Nguồn thông tin phục vụ việc giám định xâm phạm KDCN thường được gọi là các chứng cứ, bao gồm các tài liệu là sản phẩm của quá trình xác lập quyền và các tài liệu phù hợp khác.

Các loại thông tin cụ thể phục vụ quá trình xác lập quyền và giám định xâm phạm KDCN được thể hiện tại Bảng 2.2.

Bảng 2.2. Thông tin phục vụ xác lập quyền và giám định xâm phạm KDCN

Nguồn thông tin phục vụ quá trình xác lập quyền đối với KDCN

Nguồn thông tin phục vụ quá trình giám định xâm phạm KDCN

Tiếp nhận đơn: - Đơn đăng ký do cơ quan cấp văn bằng tiếp nhận - Đơn đăng ký hoặc Bằng độc quyền KDCN do cơ quan cấp văn bằng công bố - Các tài liệu kỹ thuật, ấn phẩm, quảng cáo… được phát hành chính thức, rộng rãi - Các tài liệu khác do người nộp đơn, người thứ ba cung cấp

- Báo cáo kết quả tra cứu, báo cáo kết quả thẩm định, tiền lệ giải quyết khiếu nại, thực tiễn các vụ việc do cơ quan thực thi/tố tụng công bố lên quan đến KDCN nêu trong đơn

- Đánh giá thông tin bảo hộ nêu trong đơn một cách chính xác

- Đánh giá theo các điều kiện bảo hộ, đặc biệt là: tính mới, tính sáng tạo - Củng cố về mặt lý luận và thực tiễn cho việc đưa ra kết quả đánh giá khả năng được bảo hộ của KDCN

Tiếp nhận đơn: - Bằng độc quyền KDCN, đăng bạ quốc gia

- Các công văn, tài liệu của cơ quan cấp văn bằng, người nộp đơn, người thứ ba trong đơn đăng ký/đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại có nội dung liên quan đến phạm vi và hiệu lực bảo hộ

- Tài liệu ghi nhận việc chuyển dịch quyền (hợp đồng li-xăng)

- Đối tượng giám định được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau: giấy, ảnh chụp, mẫu vật…

- Tài liệu diễn giải, lập luận của các bên có liên quan - Các thông tin khác liên quan đến vụ việc/đối tượng giám định đã được giải quyết

- Xác định phạm vi quyền, kiểm tra tình trạng bảo hộ, xác định yếu tố xâm phạm - Xây dựng công thức so sánh các đặc điểm tạo dáng của đối tượng bị xem xét với KDCN được bảo hộ theo các tiêu chí phù hợp: hình khối, đường nét, bố trí, tương quan vị trí và màu sắc - Củng cố về mặt lý luận và thực tiễn cho việc đưa ra kết luận giám định

Từ kết quả so sánh ở Bảng 2.2 nói trên, với các loại thông tin cụ thể từ kết quả của việc xác lập quyền đều được phục vụ, áp dụng vào từng công đoạn của quá trình giám định xâm phạm KDCN, trong đó thông tin quan trọng nhất đồng thời là điều kiện tiên quyết để tiến hành giám định là tài liệu thể hiện các căn cứ xác lập quyền (Bằng độc quyền, đăng bạ quốc gia, hợp đồng chuyển giao quyền). Căn cứ vào các thông tin như yêu cầu bảo hộ, bản

mô tả và báo cáo kết quả tra cứu KDCN đối chứng…, chuyên gia giám định/tổ chức giám định có thể nhận biết rõ hơn quan điểm của cơ quan cấp văn bằng về việc xác định đặc điểm tạo dáng cơ bản, quan điểm về tính mới, tính sáng tạo phục vụ cho việc đánh giá mức độ tương tự giữa hai đối tượng trong việc giám định. Bên cạnh đó, mọi tài liệu liên quan đến phạm vi và hiệu lực bảo hộ của KDCN trong đơn đăng ký cũng cho phép xác định rõ ràng và chính xác phạm vi quyền.

Ngược lại, với các thông tin có được từ kết quả của việc giám định xâm phạm KDCN, như đối tượng giám định được thể hiện dưới dạng tài liệu giấy, ảnh chụp, mẫu vật, tài liệu diễn giải lập luận của các bên liên quan… cũng như các tài liệu củng cố về mặt lý luận và thực tiễn sử dụng cho việc đưa ra kết quả xác định yếu tố xâm phạm, có thể được dùng làm tài liệu bổ trợ hoặc cung cấp thêm bằng chứng phục vụ quá trình xác lập quyền. Ví dụ, từ các nguồn thông tin này làm bằng chứng để làm rõ KDCN đã được bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn, khi đó văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc có thể xác định được KDCN nêu trong đơn đã bị mất tính mới.

Từ việc làm rõ cơ sở lý luận về các khía cạnh học thuật và thông tin nêu trên, có thể khẳng định rằng việc xác lập quyền đối và giám định xâm phạm KDCN có mối quan hệ phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó những vấn đề mang tính học thuật của quá trình này có thể áp dụng tương tự ở quá trính kia; nguồn thông tin phục vụ quá trình này có thể trở thành công cụ để thực hiện quá trình kia và ngược lại.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ pháp lí giữa quá trình xác lập quyền và giám định xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểu dáng công nghiệp (Trang 37)