Đối với Bộ GD&ĐT

Một phần của tài liệu Báo in Việt Nam trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 95)

7. Kết cấu luận văn

3.1.Đối với Bộ GD&ĐT

Báo chí hoạt động hiệu quả nếu có sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía các cơ quan quản lý. Luật Báo chí được sửa đổi để theo kịp thực tế, bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm hợp pháp cho nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ban ngành cần có những cơ chế thuận lợi, cởi mở để thông tin được thông suốt. Lúc đó, báo chí mới trở thành cánh tay đắc lực để tuyên truyền các chủ trương, chiến lược lớn cho đất nước. Như với Bộ GD&ĐT và các Bộ, Ban ngành khác, việc cần thiết trước hết phải là thực hiện tốt Quy chế Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007, một số địa phương trong cả nước đã xây dựng quy chế, quy định người có trách nhiệm phát ngôn cho báo chí. Từ quy chế người phát ngôn, nhiều đơn vị trong các tỉnh đã có cách làm hay. Như Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của tỉnh Đồng Nai được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND. Quy chế người phát ngôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong vấn đề chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời giúp người phát ngôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí và giải quyết những vấn đề mà báo chí phản ánh. Khi báo chí đặt vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành đã được đáp ứng kịp thời, đầy đủ, chính xác về nội dung thông tin. Có những tổ chức, đơn vị chủ động thực hiện việc

kiểm tra, giải quyết những vấn đề báo chí phản ánh mà không chờ kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc văn bản đề nghị của cơ quan báo chí yêu cầu trả lời.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị lại lợi dụng quy chế này để khước từ các nhà báo. Và số đông cơ quan, đơn vị làm cho có như kiểu: cử ra người phát ngôn là chánh văn phòng, khi gặp báo chí thì đọc một bản viết sẵn, phóng viên hỏi thêm thì không biết trả lời thế nào, hoặc trả lời rằng phải để xin ý kiến lãnh đạo vì không thuộc thẩm quyền. Đây là những cách làm chiếu lệ. Bên cạnh đó, một số nơi lợi dụng quy chế này để nói rằng phải chờ người phát ngôn chính thức, trong khi đó những cá nhân, bộ phận khác trong cơ quan hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho nhà báo. Vì vậy trong nhiều trường hợp, báo chí vẫn chưa có thông tin kịp thời để cung cấp đến bạn đọc. Người thiệt thòi không những là bạn đọc bởi không được thông tin đầy đủ mà còn là chính các cơ quan, đơn vị. Vì khi thông tin không được cung cấp đầy đủ, các thông điệp gửi qua báo chí sẽ không nhất quán, không đúng quan điểm, thậm chí sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến cơ quan, đơn vị đó. Bộ GD&ĐT cần quán triệt rõ Quy chế này và thực hiện tốt để tạo một hành lang thông tin chính thống, đầy đủ, hiệu quả nhất cho phóng viên, báo chí.

Ngoài kênh thông tin chính thức là người phát ngôn, Bộ GD&ĐT nói riêng, các cơ quan, đơn vị nói chung cần phát huy hình thức cung cấp thông tin hoạt động thông qua các trang website. Đây là nơi đăng tải những thông tin kịp thời, chính xác, là nguồn cung cấp chính thống cho các cơ quan báo chí, đồng thời còn là cách thức để quảng bá hình ảnh của đơn vị. Song song với đó, Bộ GD&ĐT cần tổ chức họp báo thường xuyên, không chỉ mỗi tháng một lần như hiện nay, mà bất kể khi nào cần sẽ tổ chức để cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình giáo dục cả nước, các chủ trương, quan điểm mới của Bộ.

Bộ GD&ĐT cũng cần học tập các đơn vị khác là xây dựng Câu lạc bộ các nhà báo giáo dục. Hiện nay đã có khá nhiều câu lạc bộ báo chí, câu lạc bộ các nhà báo hoạt động trong các lĩnh vực nào khác nhau được thành lập và hoạt động hiệu quả. Có thể kể đến: Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam - trực thuộc Hội nhà báo Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em - trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS - trực thuộc Cục Phòng chống HIV/AIDS, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam, Câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp… Khi ra đời, đây sẽ là nơi trực tiếp tiến hành nâng cao chất lượng thông tin phản ánh về các lĩnh vực trên báo chí. Các câu lạc bộ sẽ tổ chức đều đặn những buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí liên quan đến chuyên môn và các hình thức đào tạo nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành cho hội viên. Đây cũng là nơi giao lưu, học tập và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ sẽ tạo lập được một kênh thông tin giữa các cấp quản lý, cụ thể là Bộ GD&ĐT với các Sở địa phương và các phóng viên, các cơ quan báo chí thông qua một cơ chế riêng.

Một biện pháp hiệu quả nữa để nâng cao chất lượng thông tin về giáo dục trên báo chí mà Bộ GD&ĐT cần làm là tập huấn cho phóng viên, nhà báo trước những sự kiện, vấn đề lớn cần tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt là các sự kiện quốc tế như tổ chức các kỳ Olympic. Công tác này sẽ thống nhất về quan điểm, chủ trương thông tin tuyên truyền giữa Bộ và các cơ quan báo chí; đồng thời diễn tập cho các nhà báo, phóng viên các môi trường thông tin, các cách thức đưa tin khác nhau. Như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, riêng đợt chủ đề viết về người khuyết tật hướng tới Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 đầu năm nay, Bộ này đã tổ chức trước một Hội thảo có tên: “Báo chí với công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về người khuyết tật” diễn ra từ

ngày 9 đến 10/4/2010 tại Hải Phòng. Hội thảo nhằm làm rõ đặc điểm, tâm sinh lý, cuộc sống, thực trạng người khuyết tật Việt Nam; cách nhìn nhận của báo chí, truyền thông đối với người khuyết tật; từ đó có cách làm phù hợp khi tiếp cận, khai thác đề tài và tuyên truyền về người khuyết tật. Tại đây, các nhà báo, phóng viên còn được trải nghiệm cả những cảm giác của người khuyết tật khi bị trói chân, trói tay, bịt mắt… Qua đó, sự chia sẻ, đồng cảm mới thực sự thấm sâu vào mỗi bài báo, mỗi tác phẩm báo chí, các thông điệp mới thực sự có ý nghĩa. Qua hội thảo này, Câu lạc bộ Nhà báo với công tác bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng đã được thành lập. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần học tập, nghiên cứu, thiết lập công tác tập huấn, đồng thời phát huy sự phối hợp với các tòa soạn cho phóng viên, nhà báo đi thực tế, bám sát thực tiễn giáo dục các địa phương trong cả nước.

Một phần của tài liệu Báo in Việt Nam trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 95)