7. Kết cấu luận văn
2.2.3. Tính linh hoạt trong luân chuyển, phối hợp tin, bài giữa các trang báo
trang báo và các thể loại báo chí
Linh hoạt ở đây là linh hoạt trong luân chuyển tin, bài giữa các trang báo của một số báo; linh hoạt trong việc phối hợp sử dụng các thể loại tin, bài về một vấn đề. Mục đích cuối cùng đạt được là hiệu quả thông tin và sự hấp dẫn của tờ báo. Qua khảo sát ba tờ báo cho thấy, hai tờ báo Tuổi trẻ và báo Lao động đã làm rất tốt công tác này. Không chỉ giật tít lên trang bìa, toàn bộ nội dung thông tin về một vấn đề nóng đều được chuyển hẳn sang trang Thời sự để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi, không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục. Cùng đó, mức quan trọng và nóng hổi của vấn đề cũng được đẩy lên khi được
luân chuyển sang trang “Thời sự” từ trang “Kinh tế - Xã hội” (Báo Lao động), hay trang “Giáo dục” (Báo Tuổi trẻ). Đáng tiếc là báo GD&TĐ lại chưa làm tốt điều này. Sự cứng nhắc trong bố trí tin bài cũng như chất lượng bài báo, cách thức làm nổi thông tin nóng chưa đạt đã khiến tờ báo không có được sự thành công ở khía cạnh này. Đôi khi cũng có sự luân chuyển nhưng tính chất bài vở không phải là vấn đề nóng mà chủ yếu là các sự kiện lớn trong ngành sẽ được chuyển lên trang bìa và trang Thời sự. Ví dụ như các cuộc Hội nghị giao ban cuộc vận động Hai không các vùng: “Hội nghị giao ban cuộc vận động hai không vùng 4 ở Phú Yên: Đặt ra nhiều giải pháp huy động học sinh ra lớp” - số 51 ra ngày 26/4/2008 đăng trên trang 1 và 2 (trang bìa và Thời sự); “Bước tạo đà cho năm ứng dụng CNTT” đăng trên trang 1, 2 (trang bìa và Thời sự), số 37 ra ngày 25/3/2008…
Có thể kể ngay hàng loạt trường hợp bài báo được hai tờ Tuổi trẻ và Lao động sử dụng cách thức này. Với báo Tuổi trẻ đó là: “Chương trình sách giáo khoa: Còn nặng và kém linh hoạt” - số 134 ra ngày 19/5/2008 đăng tải trên trang 1 và 4 (trang bìa và trang Thời sự); “Môn lịch sử trong nhà trường phổ thông: Sách áp đặt, thầy dạy nhàm, trò chán!” đăng trên trang 3 số 82 ra ngày 28/3/2008 - trang 3 Thời sự; “Hội nghị thi và tuyển sinh 2009: Còn nhiều băn khoăn” - số 18 ra ngày 18/1/2009 trên trang 1 và 3 (trang bìa và Thời sự); “Sẽ điều chỉnh học phí” - trang 1 và 3 số 117 ra ngày 5/5/2009;
“Gặp gỡ đầu tuần: “Học phí tăng, chất lược giáo dục phải tăng” - trang 1 và 3 số 130 ra ngày 18/5/2009… Báo Lao động là: “Tình trạng dạy chay, học chay vẫn chưa được cải thiện” đăng trên trang 2 (Thời sự); “Đề án đổi mới: Thi một lần, kết quả dùng 3 năm” đăng trên trang 2 - Thời sự số 71 ra ngày 29/3/2008; “Nhiều trường ĐH, CĐ dân lập tăng học phí: Mức nào, lộ trình tăng ra sao là vấn đề cần bàn” - số 231 ra ngày 7/10/2008 trang 1 và 2 (trang bìa và Thời sự)…
Bên cạnh đó, các vấn đề giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục nói riêng còn xuất hiện cả ở các trang, các chuyên mục khác trên hai tờ báo này, như chuyên mục “Bạn đọc& Tuổi trẻ”, “Gặp gỡ đầu tuần” - báo Tuổi trẻ, “Vấn đề và Dư luận’, “Công đoàn và Bạn đọc” - báo Lao động. Ví dụ như bài
“Tăng học phí, tăng nặng nỗi lo” đăng trang 4 số 28 ra ngày 2/2/2008 - mục
“Công đoàn và bạn đọc”, báo Lao động. Hay như báo Tuổi trẻ có bài “Rà soát chương trình học và sách giáo khoa: Cần thận trọng và khoa học”
đăng trên số 77 ra ngày 23/3/2008, trang 7 - mục “Bạn đọc & Tuổi trẻ”… Và rất nhiều trường hợp tương tự như vậy. Có thể thấy, sự linh hoạt luôn có trong phân bổ, bố trí và trình bày tin, bài giáo dục trên các trang báo của tờ Tuổi trẻ và Lao động. Tuy nhiên, sự linh hoạt còn chưa đủ, vì cần phải có sự phối hợp uyển chuyển, hài hòa giữa các trang báo, giữa các chuyên mục. Thể hiện ở chỗ, với dạng thông tin, vấn đề nào thì đẩy lên trang “Thời sự”, dạng nào thì đưa sang các trang thông tin khác hay cùng một vấn đề nhưng cần phải viết ở dạng bài nào thì sẽ được cơ động chuyển sang trang thông tin, chuyên mục đặc trưng. Hoặc với các vấn đề rất nóng được dư luận đặc biệt quan tâm có thể phối kết hợp nhiều dạng bài trong nhiều trang, nhiều chuyên mục. Thể hiện rõ nhất là trong mỗi đợt thi ĐH, CĐ. Ở báo Tuổi trẻ đó là các bài viết về những điểm mới của kỳ thi ở trang “Thời sự”, về giải đáp thắc mắc ở mục
“Tư vấn tuyển sinh”, “Bạn đọc và Tuổi trẻ” về các kinh nghiệm ôn thi ở chuyên mục: “Ôn thi cùng bạn”, “Sổ tay” hay nhận định về kỳ thi qua chuyên mục: “Gặp gỡ đầu tuần”… Với báo Lao động cũng vậy, cũng là sự phối kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các chuyên mục trong thể hiện các sự kiện, vấn đề giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục nói riêng. Đó là các chuyên mục như: “Vấn đề & Dư luận”, “Công đoàn & Bạn đọc”, “Thời sự”, “Kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, do đặc thù báo Lao động là khổ báo rộng, các chuyên trang, chuyên mục được bố trí xen kẽ nhau giữa các trang báo nên nhiều
trường hợp dẫn đến khó theo dõi do trình bày không hợp lý. Mặc dù các chuyên mục cũng có cơ chế linh hoạt trong dịch chuyển vị trí trên các trang của tờ báo này nhưng tờ báo chưa tận dụng được triệt để, thậm chí nhiều lần mắc lỗi trình bày. Như cùng chuyển tải các vấn đề liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng tờ báo bố trí các chuyên mục lại quá cách xa nhau, không tuân theo qui luật theo dõi báo của độc giả dẫn đến hiệu quả tiếp nhận thông tin thấp. Như số 54 ra ngày 10/3/2008 hay số 66 ra ngày 24/3/2008… Cụ thể như ở số 66, ở trang 2 - “Thời sự” có bài: “Các ngành khối C: Học để làm gì?” nhưng mục “Tư vấn tuyển sinh” lại ở trang 4 - “Công đoàn - bạn đọc”. Như vậy, sự liên kết thông tin cùng một chủ đề, lĩnh vực là không có. Qua đây rút ra kinh nghiệm cho báo Lao động là nên tổ chức bài vở về một vấn đề, lĩnh vực cụ thể là giáo dục theo cụm tin, bài trên cùng một mặt báo, không nên phân bổ nhỏ lẻ, rải rác trên nhiều trang báo, gây loãng thông tin, khó tiếp nhận thông tin.
Còn với báo GD&TĐ, tuy tính hấp dẫn chưa cao, nhưng trong một vài số báo, tờ báo đã bắt đầu phối kết hợp bài vở ở nhiều chuyên mục khác nhau, như: “Vấn đề bạn đọc quan tâm”, “Góc nhìn & Sự kiện”, “Tòa soạn với bạn đọc”. Đồng thời, tờ báo đã biết tận dụng lợi thế báo ngành, diện tích báo nhiều để tổ chức các số chuyên đề tập trung nhiều bài viết về một vấn đề nhất định, như chuyên đề “Ngân sách giáo dục năm 2008” - số chuyên đề ra ngày 11/1/2008; chuyên đề “Đào tạo nhân lực sao cho “trúng” nhu cầu doanh nghiệp” - số chuyên đề ra ngày 11/4/2008; chuyên đề “Bồi dưỡng giáo viên và đổi mới phương pháp giảng dạy: Nên như thế nào?” - số đặc biệt tháng 1/2009. Tuy nhiên, vẫn còn một số chuyên đề do thiết kế theo hợp đồng phục vụ hội nghị chuyên đề, có nội dung chưa hấp dẫn, không được dư luận quan tâm nhiều, như chuyên đề “Phổ thông dân tộc nội trú” -số chuyên đề ra ngày 15/2/2008 phục vụ hội nghị tổng kết công tác trường phổ thông dân tộc nội
trú; chuyên đề “Đổi mới công tác đào tạo nguồn cho cán bộ dân tộc thông qua các trường dự bị đại học” - số chuyên đề ra ngày 14/3/2008; chuyên đề
“Du học sinh - nguồn nhân lực quan trọng phát triển đất nước” - số chuyên đề ra ngày 16/5/2008…
*
Thực tế khảo sát cho thấy, trên cả ba tờ báo, thể loại được sử dụng nhiều nhất trong việc thông tin các vấn đề giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục nói riêng là tin, phản ánh và phỏng vấn. Các dạng bài phóng sự, điều tra
hầu như không có. Dạng bài bình luận cũng được sử dụng nhưng không nhiều, ở trong các mục như “Góc nhìn & Sự kiện” - báo GD&TĐ, “Vấn đề & dư luận” - báo Lao động”. Chủ yếu vẫn là dạng bài phản ánh, đánh giá sự kiện, vấn đề ở một góc độ nhất định, chứ ít bài viết đưa ra được các giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, đối với báo GD&TĐ, đôi khi vẫn sử dụng những bài viết khô cứng, khuôn mẫu về những sự kiện mới của ngành giáo dục mà không hề có những chi tiết ấn tượng để cuốn hút, tạo dấu ấn cho bạn đọc. Đây là cách đưa tin, bài theo lối mòn, chậm đổi mới về nội dung và hình thức nên ít được bạn đọc đón nhận khi cầm đọc tờ báo. Thậm chí với báo Tuổi trẻ cũng vậy, có thời kỳ, Báo quá phụ thuộc vào thể loại phỏng vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý. Tuy phỏng vấn có cách thể hiện hiệu quả nhất trong việc tuyên truyền, thông tin về những vấn đề, sự kiện mới, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục và các ý kiến khách quan của những chuyên gia, những nhà quản lý và những người có trách nhiệm là căn cứ, chỗ dựa cho thông tin. Nhưng nếu lạm dụng điều này, tờ báo sẽ lại làm mai một niềm tin nơi độc giả. Có nghĩa là, nếu muốn phát huy triệt để sự phối hợp, tính cơ động trong phối hợp giữa các thể loại, hình thức thể hiện thì cả ba tờ báo này cần phải đầu tư nhiề hơn trong đa dạng hóa các kiểu, dạng thể hiện thông tin. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của một số bài trên cả ba tờ báo còn lủng củng, không ít bài có cách đặt tít kể lể, dài
dòng, không gây ấn tượng và chưa hấp dẫn được bạn đọc. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là từng cơ quan báo chí phải có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên.
Tuy nhiên, qua câu hỏi khảo sát đánh giá về mặt hình thức nói chung của ba tờ báo GD&TĐ, báo Lao động và báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh, gửi đến 200 độc giả tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, kết quả thu được như sau:
Cơ quan báo chí Hấp dẫn Bình thường Kém Không ý kiến Báo Lao động 63 104 22 11 Báo GD&TĐ 67 101 17 15 Báo Tuổi trẻ 72 103 17 8
Từ kết quả trên, phân tích cụ thể ta thấy rằng:
Với Báo Lao động, có 63 phiếu nhận xét hình thức tuyên truyền của báo là hấp dẫn, chiếm tỷ lệ 31,5%; có 104 phiếu nhận xét bình thường, chiếm tỷ lệ 52% và 11 phiếu cho rằng hình thức của báo vẫn còn kém, chiếm tỷ lệ 5,5%.
Báo GD&TĐ thì nhận được 67 phiếu đánh giá hình thức của báo là hấp dẫn, chiếm tỷ lệ 33,5%; 101 phiếu đánh giá hình thức báo bình thường, chiếm tỷ lệ 50,5% và 17 phiếu cho rằng, hình thức báo còn kém, chiếm tỷ lệ 8,5%.
Còn 72 phiếu đánh giá hình thức của báo Tuổi trẻ là hấp dẫn, chiếm tỷ lệ cao nhất - 36%; 103 phiếu đánh giá hình thức báo bình thường, chiếm tỷ lệ 51,5% và 17 phiếu cho rằng, hình thức báo còn kém, chiếm tỷ lệ 8,5%.
Qua đó có thể thấy, tuy về thể loại thể hiện chưa thực sự phong phú nhưng hình thức tuyên truyền nói chung trên 3 tờ báo đã bước đầu hấp dẫn và
thu hút được sự chú ý của công chúng. Nhưng số phiếu đánh giá hình thức báo bình thường còn chiếm số lượng lớn, vì vậy, 3 tờ báo cần tiếp tục cải tiến hơn nữa về mặt hình thức để thu hút bạn đọc.