Môi trường làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến công tác đánh giá và đãi ngộ nhân lực của doanh nghiệp. Môi trường tạo cho doanh nghiệp một bầu không khí sôi nổi, môi trường cũng tạo cho nhân viên một khuôn khổ trong phạm vi cho phép. Chính vì vậy, nó ảnh hưởng đến công tác đãi ngộ và bao gồm các yếu tố: Chính sách của doanh nghiệp, bầu không khí văn hoá của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Công tác đãi ngộ được xây dựng dựa trên cơ sở phù hợp với các chính sách khác của doanh nghiệp và các chính sách của Nhà nước quy định trong Luật Lao động. Những chính sách và các nội quy, quy định của doanh nghiệp đưa nhân viên làm việc vào một khuôn phép nhất định. Nhờ đó, dễ dàng thực hiện công tác đãi ngộ trong doanh nghiệp hơn. Một số doanh nghiệp muốn đứng đầu trong việc trả lương cao hơn một số doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này muốn thu hút nhân tài, bởi vì họ cho rằng trả lương cao hơn các doanh nghiệp khác sẽ thu hút các ứng viên có khả năng cao. Trả lương cao cũng thúc đẩy nhân viên làm việc có chất lượng cao, năng suất cao và vì thế chi phí lao động cho từng đơn vị sản phẩm sẽ thấp hơn.
Một số doanh nghiệp khác lại áp dụng mức lương thịnh hành – nghĩa là mức lương trung bình mà hầu hết các doanh nghiệp khác đang áp dụng. Họ cho rằng họ vẫn có thể thu hút những người có khả năng vào làm việc, đồng thời họ vẫn duy trì được vị trí cạnh tranh của mình bằng cách không ngừng tăng giá trị các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Nhiều loại công việc trong dây chuyền sản xuất chỉ đòi hỏi các công nhân có khả năng trung bình là được rồi.
Bầu không khí ở doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến cách tuyển chọn nhân viên, đến thái độ của cấp trên và cấp dưới, đến hành vi công tác, đến việc đánh giá thành tích công tác và do đó nó ảnh hưởng đến việc sắp xếp mức lương và đãi ngộ. Nếu trong doanh nghiệp luôn có sự công bằng giữa người này với người khác, giữa cấp trên với cấp dưới, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, cán bộ công nhân viên thực sự được quan tâm với các chế độ đãi ngộ thoả đáng, hợp lý thì sẽ tạo ra bầu không khí thoải
mái khích thích tinh thần làm việc hăng say của mọi người trong doanh nghiệp. Ngược lại, ở những doanh nghiệp không có được không khí hoà đồng thoải mái, ở đó có thể mức lương dành cho nhân viên cao nhưng không có được niềm say mê làm việc của nhân viên, niềm tự hào về doanh nghiệp của nhân viên. Như vậy thì công tác đãi ngộ nhân lực chưa hoàn thiện, chưa pháp huy tối đa tác dụng của nó.
Cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp ảnh hưởng tới cơ cấu tiền lương, chính sách đãi ngộ nhân lực. Trong một doanh nghiệp lớn có nhiều giai tầng, nhiều cấp quản trị thì quản trị cấp cao thường quyết định cơ chế trả lương.Chính điều này dễ gây bất lợi cho nhân viên bởi vì cấp cao ít đi sâu đi sát nhân viên. Ngược lại đối với các doanh nghiệp có ít cấp bậc quản trị, hoặc ngay cả các doanh nghiệp lớn có nhiều cấp bậc quản trị, nếu họ để cho cấp quản trị trực tiếp quyết định các vấn đề về lương, nhân viên sẽ được hưởng lương hợp lý hơn, vì các cấp quản trị này đi sâu đi sát nhân viên hơn. Do đó chế độ đãi ngộ cũng tuỳ thuộc vào cơ cấu của doanh nghiệp.
Khả năng chi trả, thế đứng tài chính của doanh nghiệp và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng quyết định cơ chế trả lương và đãi ngộ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp kinh doanh thành công thường có khuynh hướng trả lương cao hơn, có trợ cấp, phúc lợi nhiều hơn, điều kiện làm việc thoải mái hơn, công việc sẽ hoàn thành tốt hơn trong niền say mê của nhân viên.