10. Nội dung và cấu trúc của luận văn
2.3.1. Về đề xuất nhiệm vụ
+ Với quy trình đề xuất nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Thái Bình và tham khảo ở một số tỉnh khác (Hải Dương, Bắc Giang) cho thấy, kế hoạch KH&CN của các tỉnh chủ yếu được hình thành trên cơ sở những đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các ngành, các cấp và các đơn vị trong tỉnh. Phương thức đề xuất nhiệm vụ KH&CN hàng năm như trên có ưu điểm là nhiệm vụ KH&CN được hình thành trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của các ngành, các cấp, kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp trong quá trình nghiên cứu tại các ngành, các cấp, các đơn vị đề xuất nhiệm vụ KH&CN. Tuy vậy, phương thức xây dựng kế khoạch KH&CN nêu trên có một số nhược điểm sau:
- Thiếu những ĐT/DA liên ngành, nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội mang tính chiến lược.
- Việc đề xuất nhiệm vụ KH&CN bị động, phụ thuộc nhiều vào việc đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các ngành, các cấp, các đơn vị. Vì văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH&CN cho năm kế hoạch lại do một cơ quan cùng cấp ban hành,
không có sự chỉ đạo từ cấp trên nên tính mệnh lệnh chưa cao. Theo phần lớn các ý kiến tại buổi hội thảo liên quan đến đề tài, việc gửi văn bản của cơ quan quản lý đã
xảy ra tình trạng: “Nếu lãnh đạo ngành nào có quan tâm, tâm huyết với NCKH thì sẽ tổ chức thông báo đến toàn bộ các phòng, ban, đơn vị để đề xuất ; còn không quan tâm thì sẽ để đó và không được xử lý.” Hơn thế nữa các nhiệm vụ KH&CN do
Sở, Ban, Ngành đề xuất chủ yếu là suy nghĩ của một số người (bộ phận được lãnh đạo Sở, Ban, Ngành giao nhiệm vụ). Mặc dù lãnh đạo Sở, Ban, Ngành có duyệt qua những nhiệm vụ này trước khi đăng ký đề xuất với Sở KH&CN, nhưng cũng chỉ mang tính hình thức chứ không được cân nhắc kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo của cơ quan. Trong số những ĐT/DA được các Sở, Ban, Ngành đề xuất chủ yếu là phục vụ cho riêng ngành mình, nhiều ĐT/DA chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tế nên không khả thi hay không có giá trị thực tiễn.
- Thiếu những nhiệm vụ KH&CN dài hạn nhằm giải quyết những vấn đề KT- XH mang tính chiến lược.
- Sự không chuyên, trình độ chuyên môn không cao và sự hạn chế về kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng của đội ngũ cán bộ KH&CN của các ngành, các cấp, các đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nghiên cứu.
- Đề xuất nhiệm vụ chủ yếu là những vấn đề mang tính nghiệp vụ của ngành, đơn vị, hoặc những vấn đề hẹp, không thể đem áp dụng ở nơi khác được.
“Sự phối kết hợp giữa ngành KH&CN với một số ngành liên quan trong hoạt động nghiên cứu-ứng dụng, nhất là việc đề xuất, triển khai các chương trình KH&CN với quy mô lớn và tổ chức nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án ra sản xuất và đời sống còn chưa chặt chẽ và hiệu quả.” Là câu trả lời của lãnh đạo Sở
KH&CN trong cuộc phỏng vấn sâu.
+ Về thành phần tham gia xây dựng, đề xuất nhiệm vụ KH&CN:
Như đã phân tích ở mục đề xuất nhiệm vụ KH&CN trong phần 2.2.2 ta thấy số lượng các nhiệm vụ KH&CN do các doanh nghiệp tham gia đề xuất và thực hiện vẫn còn ít, chỉ chiếm 23,5% tổng số ĐT/DA trọng điểm cấp Tỉnh và 8,67% tổng số ĐT/DA cấp ngành. Các ĐT/DA thuộc diện chính sách khuyến khích đều do các doanh nghiệp thực hiện, mới chỉ có 14 đề tài trong 3 năm 2006, 2007 và 2008, năm
2004 và 2005 không có đề tài nào. Kết quả này phù hợp với nhận định được trích ra trong “Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình đến năm 2020”
như sau: “Hoạt động KH&CN của tỉnh chưa khơi dậy được tiềm lực KH&CN trong xã hội, chưa tạo ra được các phong trào sâu rộng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong các đơn vị doanh nghiệp”.
“Một số ngành chưa đi sâu đề xuất xây dựng kế hoạch KHCN hàng năm của ngành mình nên số đề tài có hàm lượng KHCN cao, có ý nghĩa tác động to lớn đến sự phát triển KT-XH của tỉnh còn ít. Một số đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV còn dàn trải” theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch KHCN 2007 và phương hướng
nhiệm vụ kế hoạch KHCN năm 2008 của tỉnh Thái Bình.
Thực tế cho thấy, phần lớn các ĐT/DA do các doanh nghiệp đề xuất, đăng ký là những ĐT/DA gần nhất với nhu cầu của xã hội, phản ánh đúng, sát thực những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Vì đa phần các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vì mục đích lợi nhuận, họ luôn luôn phải tìm hiểu nhu cầu xã hội đang cần gì? Do vậy, những bức xúc của doanh nghiệp chính là những bức xúc của xã hội. Chính vì thế cần giúp đỡ, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KH&CN nhiều hơn nữa.