Kafka giữa thời đại của các thái cực

Một phần của tài liệu Quyền lực trong tiểu thuyết của Franz Kafka (Trang 72)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1Kafka giữa thời đại của các thái cực

Đầu thế kỉ XX, những khám phá dồn dập về khoa học kĩ thuật, tâm lí học, triết học… đã khiến nhân loại lâm vào cuộc khủng hoảng lí tính và thay đổi cách nhìn về thế giới. Sự ra đời của thuyết lượng tử của M. Planck, thuyết tương đối của A. Einstein, thuyết cấu trúc phân tử của N. Bohr… đã dẫn đến “sự phá sản của khoa học” (Brunetière). Với những phát minh này, người ta không còn nhìn nhận thực tại theo một mô hình tuyến tính, tầng bậc trong mối quan hệ nhân quả nữa. Thay vào đó, mọi thứ trở nên tương đối, ngẫu nhiên và bất định. Thời đại này cũng đánh dấu sự ra đời và trỗi dậy của nhiều trào lưu, chủ nghĩa, tư tưởng lớn, tiêu biểu như phân tâm học (Freud), hiện tượng học

69

(E. Husserl), triết học hiện sinh (J. P. Satre)… Những cuộc chinh phục của khoa học kĩ thuật mang lại cho con người nhiều lo âu hơn là tin tưởng. Thế giới đã trở nên bí ẩn và phức tạp, không thể thấy hết được. Giống như Lawrence đã nói, “khi ông khám phá ra ê-te thì ê-te bốc hơi hết. Khi ông lặn sâu xuống nền tảng chân thực của một hiện tượng thì hiện tượng sẽ tan rã ra hàng ngàn tiểu hiện tượng, mỗi tiểu hiện tượng lại nêu lên một vấn đề khác. Ông giải quyết được bao nhiêu vấn đề thì lại xuất hiện từng ấy vấn đề khác” [2, tr. 11]. Biến động này đã kéo theo những khủng hoảng giá trị, tạo nên những thay đổi lớn về nhiều mặt, từ chính trị xã hội cho đến văn hóa, tư tưởng và dĩ nhiên, cả văn học nghệ thuật.

Nền văn minh vật chất mới, sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã giúp con người phát hiện ra những bí mật của đời sống, của tự nhiên, vũ trụ. Sự xuất hiện các thuyết lượng tử, phân tử, thuyết tương đối, những phát hiện về y học, tâm lí học… đã khiến người ta thấy rõ hơn những vấn đề mà triết học duy lí trước đây không thể giải quyết được. Điều này kéo theo sự lung lay, sự nghi ngờ nền tảng tinh thần cũ và yêu cầu xem xét lại những giá trị đó khi người ta thấy rằng một số chân lý khoa học và tư tưởng của thế kỉ trước đã

không còn chính xác nữa. Nói về thời đại này, trong cuốn Cuộc phiêu lưu tư

tưởng văn học Âu châu thế kỉ XX (1900-1959), R. M. Albérès đã có nhận xét xác đáng như sau: “Từ năm 1900 đến năm 1914, đã có sự khủng hoảng thực sự mà tầm quan trọng ít người biết đến, quan trọng vì chính sự khủng hoảng ấy chi phối cả thế kỉ XX… Có lẽ tại hy vọng hiểu biết rõ ràng và tổ chức hoàn hảo của thế hệ trước đã tiêu tan vì tư tưởng duy lý trở nên khô rắn, vì sự tổ chức xã hội gặp nhiều khó khăn gây ra bởi những cuộc tranh chấp Quốc hội, vì vấn đề vô sản trở nên nan giải, sau hết vì khoa học khám phá ra một vũ trụ vô cùng phức tạp, khó mà hiểu thấu ngay như người ta vẫn tưởng.” [2, tr. 16]. Đối diện với sự hoài nghi về cái cũ lẫn cái mới, bầu không khí văn hóa tinh

70

thần của Tây phương rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Đây là thời kì người ta luôn bị ám ảnh bởi sự suy đồi và mệt mỏi. Không ai biết tương lai ra sao. Niềm tin tôn giáo đã mất. Niềm tin tưởng vào khoa học cũng đã lung lay tận gốc rễ. Trong khi đó, những giá trị mới vẫn chưa được hình thành.

Không còn cái nhìn tuyệt đối như từ thế kỉ XIX trở về trước, con người thế kỉ XX nhận ra sự bất lực của mình trong việc dùng tri thức khoa học để khám phá thế giới cũng như nhận ra bản chất giả tạo, bị chi phối của lịch sử, của hiện thực. Đồng thời, sự lên ngôi của xã hội kĩ trị đã khiến con người dần trở thành nô lệ của máy móc. Đi cùng với nó là sự phát triển ngày càng hoàn thiện của các thiết chế quyền lực mà độ tàn nhẫn và phi nhân của nó hơn hẳn các thời đại trước… Tất cả những điều này đã làm thay đổi thế giới quan của những nhà văn nói chung và Kafka nói riêng. Bởi vậy những nhà tư tưởng lớn như Kafka, James Joyce… cố gắng phản ánh sự đổi thay của thời đại bằng cách kể lại những điều nằm sâu trong tiềm thức. Thời đại đã cho họ một tiền đề để tư duy lại về lẽ sống và thân phận con người.

Từ những năm đầu thế kỉ XX trở đi, những xung đột xã hội xảy ra, tiêu biểu là hai cuộc thế chiến đã khiến châu Âu lay chuyển tới tận gốc rễ. Biến cố ấy đã vượt quá những giới hạn mặc nhiên được mọi người nhìn nhận, và kéo theo một chuỗi những hậu quả không hề được tiên liệu. Đói khổ, điêu tàn, hàng triệu thây ma la liệt ở khắp nơi, những cuộc tàn sát giết chết hàng ngàn nhân mạng..., tất cả những điều đó bày ra trước mắt nhân loại một diện mạo xấu xa đến sửng sốt của đời sống hiện đại. Con người bị ném vào một thế giới hỗn mang, bất định, làm mồi cho những cơn cuồng nộ điên khùng và phù phiếm. Họ bị mắc kẹt, bị đánh bẫy trong các thiết chế quyền lực và loay hoay đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình…

Trong bối cảnh lịch sử chung đầy biến động đó của châu Âu, khu vực Áo – Hung cũng không thể tránh khỏi những xáo trộn to lớn. Vào năm 1867,

71

sau thất bại của chiến tranh Áo Phổ, vương quốc Áo và vương quốc Hungari đã hợp nhất, củng cố quyền lực, xây dựng một nền quân chủ kép, hình thành nên đế chế Áo-Hung (vương quốc Áo-Hung gồm hai phần: phần Áo gồm các dân tộc Đức, Séc, Slovakia… với tiếng Đức là ngôn ngữ hành chính; và phần Hung gồm các dân tộc: Hung, Serbia, Croatia, Bosnia,… với tiếng Hung là ngôn ngữ hành chính). Vương quốc này mặc dù là một quốc gia đa sắc tộc, nhưng chỉ chú trọng quyền lợi của người Áo và người Hung. Điều này đã gây ra nhiều xung đột sắc tộc giữa các nhóm thiểu số, đặc biệt là giữa người Séc và cư dân nói tiếng Đức trong lãnh thổ của đế chế này.

Vào năm 1883 khi Kafka ra đời, tình trạng này vẫn chưa hề thay đổi. Prague lúc đó là thủ phủ của Bohemia, thuộc phần Áo của vương quốc Áo- Hung. Đây là một thành phố đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và có nhiều khuynh hướng chính trị xã hội. Tại Prague cũng như phần lớn lãnh thổ Bohemia, người Séc chiếm đa số còn người Đức chỉ chiếm thiểu số. Tuy nhiên riêng ở trung tâm Prague (còn gọi là khu Thành Cổ) thì dân nói tiếng Đức lại chiếm đa số, và gần một nửa trong đó là dân Do Thái. Để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, một gia đình Do Thái bắt buộc học tiếng Đức và được “mặc định” là những người Đức. Điều này dẫn đến sự thù địch của cộng đồng người Séc ở Prague trong khi không hề khiến cho nhóm người Đức có thêm cảm tình với cư dân Do Thái. Với vị thế bất lợi này, cộng đồng Do Thái đã nhanh chóng trở thành vật tế thần cho những nỗi thất vọng cho tất cả các dân tộc xung quanh. Đối với những người Do Thái sinh ra ở Séc, nói tiếng Đức, nhưng không phải là người Séc, cũng không phải là người Đức, việc có thể sinh tồn ở môi trường này là một vấn đề khó khăn, chưa bàn tới việc họ rất khó có thể tìm kiếm được bản sắc văn hóa của riêng mình. Người Do Thái bị tẩy chay, kì thị ở khắp nơi. Lâu lâu lại rộ lên tin đồn dân Do Thái giết người để tế lễ. Năm 1901, tại Prague, diễn ra nhiều cuộc biểu tình ầm ĩ chống Do

72

Thái. Cả người Séc lẫn người Đức đều thù ghét họ. Họ “hầu như không được gia nhập quân đội”, “không được tuyển vào làm việc trong các công sở”, “không được làm giáo sư trong các trường đại học” [18, tr. 54]… Kafka và những người đồng hương Do Thái của ông thuộc về một cộng đồng thiểu số, cả về ngôn ngữ, cả về địa vị văn hóa chính trị. Họ “phải sống trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan của những bất khả” [31, tr. 1], và việc lựa chọn tiếng Đức – ngôn ngữ của kẻ thống trị để viết văn cũng là “một thái độ phản kháng thường trực đối với các giá trị và quyền lực trung tâm” [31, tr. 1].

Sinh ra trong dòng chảy của mối bất hòa xã hội và giữa thảm trạng này của người Do Thái, không ngạc nhiên khi Kafka có cảm nhận sâu sắc về sự phù du của thân phận con người trước quyền lực của các thiết chế phi lí. Việc mắc kẹt giữa các nhóm sắc tộc, các ngôn ngữ, và các khuynh hướng chính trị xã hội khiến Kafka sớm có cảm giác bị cô lập, lẻ loi, không nơi bám víu và luôn có mặc cảm tội lỗi. Ám ảnh quyền lực của ông được “thai nghén” từ trong mối quan hệ gia đình, lại được “vun xới” thêm bởi bối cảnh lịch sử xã hội trong thời đại “hoàng hôn của các thần tượng” (Nietzsche).

Không giống như một số nhà văn khác, Kafka không phải đi lính trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông không bị động viên một phần vì sức khỏe yếu, phần nữa vì ông là viên chức chính phủ (lúc này, Kafka đang làm việc cho Viện Bảo hiểm công nhân). Trong Nhật kí, ông nhắc đến cuộc chiến này một cách khá bình thản: “Đức tuyên chiến với Nga – Buổi chiều đi bơi” [4, tr. 45]. Trong bối cảnh châu Ấu súng nổ ùng oàng thời đấy, ông có lẽ là nhà văn xa lánh thời thế nhất, “nhưng, nói như John Banville, ông lại tìm được dòng chảy khinh khoái nhất của sáng tạo văn học: ông có khả năng hòa tan mình vào các nhân vật, các hoàn cảnh nhỏ bé, thả mình tự do phát triển trong nó và tường thuật nó từ bên trong. Và như thế, ông tìm được đến con người. Ông cho chúng ta bài học rằng, bên cạnh những cái chết ở chiến

73

trường còn có những cái chết khác, và bằng cách đó, ông chỉ cho chúng ta một hiện thực khác, để rồi trong tất cả sự tĩnh lặng, chúng ta kinh ngạc thấy rằng, đấy mới là cái hiện thực ghê gớm” [26, tr. 1].

Dù vậy, sự tàn khốc của cuộc chiến vẫn tác động mạnh đến Kafka với hình dung về một cỗ máy giết người tàn khốc và sự phi lí của cuộc đời. Nói như nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc, “Lùi lại sau bức tranh khói lửa đó, Káp-ka có đủ thời gian để chiêm nghiệm, để lần ra cội nguồn của những động thái lọc lừa, bỉ ổi của các thể lực cầm quyền nhân danh sự thịnh vượng, đạo lí để hủy hoại sự sống và đạo đức tốt đẹp của con người” [18, tr. 11]. Cuộc chiến phi nhân tính đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận con người và thế giới của nhiều người, trong đó có Kafka. Sự tin tưởng vào lương tri, vào sự phát triển của lịch sử đã sụp đổ, con người chỉ còn lại cái nhìn hoài nghi, bi quan về

cuộc sống. Trong cuốn Kafka đối với thế kỉ XXI (Kafka for the Twenty First

Century), phần Dẫn nhập, hai tác giả Stanley Corngold và Ruth V. Goss có nhắc tới một chi tiết là khi phản ứng lại lời phàn nàn của người cha về cách cư xử của mình, coi đó là “điên khùng, không bình thường”, Kafka đã trả lời: “Không bình thường chẳng phải là điều tồi tệ nhất. Điều gì được coi là bình thường, cuộc chiến tranh thế giới chăng?” [43, pg. 1]. Quan niệm về cái bình thường của Kafka đã vĩnh viễn thay đổi.

Thời điểm mà cuộc thế chiến nổ ra, những người Séc theo chủ nghĩa dân tộc đã nhìn nhận nó như là một cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của đế chế Áo-Hung và cộng đồng Do Thái, như thường lệ, lại bị mắc kẹt ở giữa. Những người Séc mặc nhiên coi người Do Thái đứng về phe người Đức, còn người Đức lại luôn có sự kì thị với dân tộc của kẻ đã giết Chúa. Trên thực tế, hầu hết những người Do Thái ở Prague đã ủng hộ Đức chống lại quân Đồng Minh, và sau đó chưa đầy một thập kỉ, trớ trêu thay, họ đã được người Đức “đáp lại” bằng một loạt các cuộc thảm sát tại các trại tập trung… Tình trạng kì

74

thị người Do Thái này vẫn tiếp tục sau năm 1918, khi Cộng hòa Tiệp Khắc ra đời. Người Séc khi giành được quyền làm chủ đã trút cơn giận lên cư dân nói tiếng Đức. Hàng loạt những người nói tiếng Đức đã bị sa thải và các biển hiệu viết bằng tiếng Đức bị gỡ xuống. Họ bị tấn công trên đường phố và các cơ sở kinh doanh của họ thường xuyên bị cướp phá… Sự chuyển giao quyền lực giữa người Đức và người Séc, trong giai đoạn đó, dường như không hề đem lại tia sáng nào cho cộng đồng Do Thái. Chính thân phận lạc loài này đã hun đúc nên cảm thức bị cô lập, không nơi bám víu trong tác phẩm của Kafka.

Sống trong một thời đại biến động dữ dội, thậm chí là trước những bước ngoặt vĩ đại của lịch sử, trong một xã hội thản nhiên trước thảm họa, Kafka đã cảm thấy, đã nhìn ra những chuyển động sâu thẳm và đôi khi còn mơ hồ của những mâu thuẫn xã hội và cất lên “tiếng kêu đầy lo âu (…) trước tính chất bạo liệt và bùng nổ của văn minh châu Âu” (Bách khoa toàn thư Laurousse) [15, tr. 610]. Ông đã truyền tải ám ảnh về quyền lực phi nhân vào trong những sáng tác của mình. Nói như Milan Kundera, Kafka không còn tự hỏi “đâu là những động cơ bên trong quyết định ứng xử của con người. Ông đặt một câu hỏi khác về căn bản: đâu là những khả năng còn lại của con người trong một thế giới mà những quyết định từ bên ngoài trở thành nặng trĩu đến nỗi những động cơ bên trong chẳng còn chút trọng lượng nào nữa cả?”. Những nhân vật của ông cũng phản ánh tâm thế của con người hiện đại, những người đã không còn niềm tin tuyệt đối vào những bảng giá trị cũ. Toàn bộ đời sống nội tâm của con người đều bị thu hẹp vào cái tình thế cạm bẫy mà anh ta đang rơi vào. Xã hội trở nên phi lý và không thể hiểu nổi với những mặt nổi chìm bất định, những xung đột tiềm ẩn mà ghê gớm. Những sáng tác của Kafka vì thế phản ánh sâu sắc sự đổi thay và những vết thương của một thời đại không còn những cột giá trị trung tâm, những điểm tựa vững chãi như thế kỷ XIX. Bằng đôi mắt tiên tri, ông đã thể hiện một thế giới đầy khác biệt,

75

phi lý, nơi cái chung, cái tập thể nghiền nát bản ngã của con người trong những mẫu số chung: chung về ý kiến, chung về nhận định… thậm chí chung về cảm xúc. Ông khẳng định tính hiển nhiên của cái ác và tính phi tự nhiên hãn hữu của cái thiện, miêu tả chính xác hình ảnh của con người bị ném vào cuộc hiện tồn, hiện tồn trong lưu đày, xa lạ với thế giới, mọi nơi mọi lúc không ngừng bị săn đuổi bởi những câu hỏi… Đồng thời, phơi bày và tố cáo “những thiết chế quyền lực không thực sự vì lợi ích của con người” [41, tr. 197].

Một phần của tài liệu Quyền lực trong tiểu thuyết của Franz Kafka (Trang 72)