7. Cấu trúc của luận văn
1.3.2 Phê phán ý thức bầy đàn
Trong thế giới của Kafka, thường có hai bên: một là nhân vật chính và bên kia là phần còn lại của thế giới với lối sống bầy đàn. Quyền lực của tập thể, của số đông đối với cá nhân trong bộ ba tiểu thuyết của Kafka không còn đảm bảo cho quyền lợi riêng của mỗi cá nhân nữa, mà là một thứ quyền lực sai lạc, giống như một cỗ máy chuyên chế vô nhân đạo, phi lý, nghiền nát bản ngã của con người. Cá nhân – trong tương quan với quyền lực tập thể, không còn một chủ thể với những tư tưởng và cảm xúc của riêng mình mà hoàn toàn hòa tan vào trong tập thể, trong ý muốn của tập thể. Họ không có khả năng nói “tôi là…”, “tôi muốn…” mà chỉ tồn tại như một thứ công cụ, tuân phục những mệnh lệnh hợp lý hay vô lý từ những thế lực bên ngoài. Họ không có xu hướng khẳng định mình, càng không có mong muốn (hay khả năng?) đi ngược lại với ý muốn của tập thể.
Trong Vụ án, Jôzep K. ban đầu không tin là mình có tội. Nhưng dần dần, cả một tập thể xung quanh anh ta: từ người cho thuê nhà, hàng xóm, đồng nghiệp, khách hàng… đều mặc nhiên thừa nhận vụ án đó. Những ngày sau đó của K. là sự chênh vênh giữa xác nhận và chối từ, giữa khẳng định và phủ định. Tất cả những người mà anh ta quen biết đều khẳng định tình trạng nguy hiểm của anh ta khi vướng vào một vụ án, nhưng lại không giúp cho anh ta có cách thức nào thoát khỏi tình trạng khốn khổ của mình. Từ chỗ tự tin mình đang sống ở một quốc gia lập hiến, tin chắc vụ bắt bớ là một trò đùa vớ vẩn, anh ta bắt đầu một hành trình chạy án, cố gắng tìm hiểu xem mình đã mắc phải tội gì. Anh ta tin chắc là mình có tội, vì cả một tập thể không ai tin rằng anh vô tội cả. Dưới con mắt của Jôzep K., những người khác đều hành động giống nhau, đều buộc
34
anh ta vào một tội lỗi mơ hồ nào đấy. Anh và họ, vì thế, trở thành hai thực thể không thể hòa hợp được.
Trong Lâu đài, K. từ một người tự chủ cũng dần bị cả một tập thể làm
cho hoang mang. Một người thợ đạc điền, được gọi tới một nơi xa lạ, để nhận một công việc mà người ta chẳng bao giờ giao cho anh ta cả. Ban đầu, K. hoàn toàn ý thức được mình là người mà Lâu đài cần tìm nhưng càng về sau, mỏi mệt trong cuộc tìm kiếm một danh phận (một sự hợp thức hóa của Lâu đài) anh ta thậm chí đã hoài nghi mình là ai? Mình tới đây để làm gì? K. có một giá trị tự thân, anh ta khác với những người trong làng ở chỗ anh ta ý thức là mình đang “chiến đấu” với một quyền lực: “Lâu đài đã biết hết về chàng, họ đã nhận ra tương quan lực lượng và mỉm cười chấp nhận cuộc chiến” [15, tr. 306]. Anh ta là một người tự tin, biết tính toán, tranh thủ bất kì mối quan hệ nào có thể dẫn tới cánh cửa của Lâu đài. Nhưng cho đến những trang cuối của cuốn tiểu thuyết chưa kịp hoàn thành, người đọc chỉ còn thấy anh ta mệt mỏi và kiệt sức, tuyệt vọng và cô đơn. Hình ảnh người cha của Barnabas: “với đôi chân cứng đờ, không thể dậy ra khỏi giường được nữa”, “nằm liệt giường hàng tuần” là hình ảnh báo trước của chính K. Theo Max
Brod, Kafka có ý định viết cái kết cho Lâu đài như sau: K. sẽ nhận được giấy
phép cư trú tại làng khi đang hấp hối trên giường bệnh. Vậy số phận của K., dù dở dang như cuốn tiểu thuyết, vẫn không có một chút gì tươi sáng. Một người có ý thức mình đang đang đấu tranh với một tập thể cũng không làm gì hơn được để cứu vãn sự bi đát trong số phận của chính mình.
Trong những tiểu thuyết của Kafka, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể đã mất đi sự hòa hợp và thăng bằng. Ý thức bầy đàn tồn tại trong tập thể đã khiến cá nhân có cảm giác bị đánh bẫy, bị lừa gạt. Tập thể chỉ còn là một đám người vô danh, nhạt nhẽo, thiếu bản sắc. Còn cá nhân trở thành những phân mảng vỡ vụn của những phát ngôn chung, hoạt động như một cỗ máy,
35
như một con rối “cho cuộc đời giật dây” (Chế Lan Viên). Họ không còn những khoảng không riêng, không có một cuộc sống bình thường nữa mà chỉ còn tồn tại bằng “vai trò xã hội”, “chức năng xã hội” của mình. Hạnh phúc riêng tư, những giá trị liên quan đến sinh tồn của cá nhân hoàn toàn bị quy định bởi những tất yếu xã hội. Trong những cuốn tiểu thuyết này, người ta không thể tìm thấy sự tác động của cá nhân đối với tập thể mà chỉ tìm thấy sự tác động một chiều của tập thể đối với cá nhân, khiến cá nhân mất đi bản sắc của mình, trở nên cau có và thù địch một cách tự động. Mọi sự khác biệt đặc trưng mang màu sắc riêng tư đều bị lờ đi, bị “xóa sổ”. Tập thể bầy đàn đã chế ngự đời sống cá nhân của con người, biến họ thành những kẻ nói theo, làm theo một cách vừa hài hước vừa tội nghiệp.
***
Khi tiến hành khảo sát về đề tài, mô típ, chủ đề trong ba cuốn tiểu thuyết: Nước Mĩ, Vụ án, Lâu đài của Kafka, chúng tôi thấy chúng là những phương tiện nghệ thuật hướng về sự ám ảnh, ở đây là hiện diện ám ảnh của quyền lực. Dù là ở đề tài, mô típ hay chủ đề, quyền lực vô hình, vô danh và phi lý đã hiện lên như một huyền thoại mà không ai có thể phủ nhận được.
36
CHƢƠNG 2
BIỂU HIỆN ĐẶC TRƢNG CỦA QUYỀN LỰC
Trong Ai điếu Franz Kafka, Milena Jesenka đã viết: “ông là một người sống ẩn dật, một hiền nhân luôn mang nỗi sợ hãi với cuộc đời… Tất cả những cuốn sách của ông vẽ nên sự ghê rợn của những ngộ nhận thầm kín, của niềm ngây thơ tội lỗi giữa những con người” [30, tr. 1]. Thế giới trong sáng tác của Kafka là những căn phòng tồi tàn ẩm mốc, nơi mà mặt tối của đời sống hiện đại hiện ra trần trụi, phi lí và bạo lực. Quyền lực vô hình, vô danh vây bọc đời sống cá nhân của nhân vật, hiện lên giữa những trang viết của Kafka như là một thứ tôn giáo, một quyền lực của Chúa trong một thế giới đã mất Chúa… Quyền lực vô hình và vô danh hiện diện ở khắp mọi nơi trong sáng tác của Kafka. Nó kìm kẹp đời sống cá nhân, đánh bẫy con người ta ngay trên giường ngủ, trên đường phố, trong tòa án, trong nhà trọ. Sự hữu hình của quyền lực thì mơ hồ, mà sự trừu tượng của quyền lực thì hiện hữu một cách rõ ràng. Nó trở thành điều không thể xác định, không thể nắm bắt và vì thế, không thể truy kích, không thể chạm tới: “Trong tác phẩm, cái quyền lực vô hình và phi lý tồn tại như một bóng ma. Nó mờ mờ ẩn hiện và được vây bọc bởi một “mê cung” không thể vượt qua được” (Nguyễn Văn Dân).
Khảo sát biểu hiện đặc trưng của quyền lực trong bộ ba tiểu thuyết của Kafka, chúng tôi tập trung phân tích và lí giải ba tính chất: tính chất vô hình, tính chất huyền thoại và tính chất phi lí của quyền lực. Qua đó, làm sáng rõ việc nhân vật đã bị các thiết chế quyền lực bóp méo và nhào nặn như thế nào, quyền lực đã đem đến cho cá nhân mặc cảm bị truy đuổi và lưu đày ra sao... Trước quyền lực tối cao, con người đã luôn luôn dùng lý trí để truy tìm sự thực, nhưng trước những điều không thể nhận thức: những ảo ảnh, những mê cung…, họ dần dần đã nộp mình cho một nỗi sợ hãi không rõ ràng, bị giam hãm trong sự tuyệt vọng và phi lý.
37