7. Cấu trúc của luận văn
2.3 Tính chất phi lí
Thế giới phi lý chính là môi trường để nuôi dưỡng quyền lực phi lý. Người ta không bao giờ có thể lí giải rõ ràng về những thiết chế quyền lực trong sáng tác của Franz Kafka mà ngay cả lí do, mục đích tồn tại của nó cũng không ai giải thích nổi. Tòa án, pháp viện có mặt ở khắp nơi với đầy đủ hệ thống cần thiết của nó như một sự chi phối ráo riết đến đời sống con người nhưng cũng chẳng là gì với họ cả. Chủ nhân của lâu đài và những người đại diện của ông ta luôn được nhắc đến trong niềm kính sợ nhưng cũng chẳng ai rõ họ thế nào và họ sinh ra để làm gì!
Trước hết, tính chất phi lí của quyền lực được thể hiện qua cách thức làm việc kì quặc của bộ máy này. Quyền lực hiện thân qua một cỗ máy hành chính làm việc không ngơi nghỉ (hệ thống pháp lí trong Vụ án, hệ thống
quan chức trong Lâu đài) hoặc qua hình ảnh của một người đàn ông nguyên
tắc (nhân vật Jakob trong Nước Mĩ). Đó là một cỗ máy luôn tin tưởng vào
tính không-thể-sai của mình. Mọi thứ đều nằm trong hệ thống. Và phát triển đến một mức nhất định, nó tạo ra cơ chế “tự tìm tội lỗi” của những nạn nhân bởi đối với họ, mọi phán quyết của thiết chế dù khủng khiếp đến đâu, dù không thể nhận thức được thì họ vẫn luôn luôn tin vào tính-không-thể-sai của quyền lực.
52
Trong Vụ án, anh chàng Jôzep K., một nhân viên ngân hàng tốt bụng,
bỗng nhiên bị bắt vào dịp sinh nhật lần thứ 30 của mình mà không hề rõ lí do. Anh ta bị bắt “lúc tờ mờ sáng ở trên giường” [15, tr. 116]. Và từ đó, Jôzep K.bị ném vào không gian mê cung của hệ thống pháp lí dày đặc, mở ra như một thứ thuốc thử thần kinh hoặc một cái bẫy chờ sẵn. Anh không rõ mình đã mắc tội gì, không biết tòa án nào sẽ xét xử mình, xử bao giờ và ở đâu. Những kẻ tới bắt anh cũng chẳng hề nói lí do vì sao anh bị bắt. Jôzep K. dần dần bị tước đi cái quyền tối thiểu là được sống yên ổn, phải tồn tại thấp thỏm trong sự bủa vây của hệ thống pháp lí, cái thiết chế quyền lực nghiệt ngã được tổ chức tinh vi, bí ẩn vô cùng, có khả năng siêu phàm trong việc đánh lạc hướng nhân vật. Và Jôzep K., trong hành trình khốn khổ đó, “cần phải bằng mọi giá tránh sao cho đừng bị để ý, phải im hơi lặng tiếng cho dù cảm thấy tức tối không chịu được, phải cố mà hiểu rằng cái bộ máy tư pháp khổng lồ kia như thể lúc nào cũng ở trên mây trên gió, và nếu ta tìm cách dùng quyền lực của mình sửa đổi một chút gì đấy, ta sẽ bị hẫng dưới chân, có nguy cơ bị ngã, trong khi cái bộ máy khổng lồ mà tất cả gắn với nhau thành hệ thống có thể dễ dàng tìm được phụ tùng thanh thế, và vẫn y nguyên như cũ, trừ phi nó trở nên mãnh liệt hơn, chăm chú hơn, nghiệt ngã hơn, tàn ác hơn và điều này rất có thể xảy ra.” [15, tr. 190-191]. Hệ thống pháp lí hiện ra như một mê cung khủng khiếp, với “những viên thanh tra hám tiền, những đội trưởng cảnh binh và những viên dự thẩm ngu độn”, “các quan tòa cao cấp với một lô một lốc những tay chân cần thiết của họ, các kí lục, sen đầm, phụ tá, có lẽ cả đao phủ nữa” chỉ với mục đích lạ lùng là “bắt những người vô tội, truy tố họ không lí do, và (…) không kết quả” [15, tr. 119]. Những lực lượng đen tối bao vây lấy nhân vật, nó tấn công anh ngay trên giường ngủ, trên gác xép, trên xe điện. Nó không hề công khai rõ ràng mà luôn mập mờ trong cảnh tranh tối tranh sáng. Quyền lực không thể tìm gặp nhưng lại hiện diện ở khắp nơi. Bất cứ ai
53
cũng có thể có liên quan tới tòa án, dù là những em bé, một họa sĩ, một luật sư, vị linh mục hoặc là người tình… Nó theo dõi Jôzep K. từng bước rồi bỗng nhiên túm lấy anh, kết luận anh có tội và hủy hoại cuộc sống của anh mỗi ngày, khiến anh đi từ chỗ là một người vô tội đến mức dần thích nghi với trạng thái tội lỗi và cuối cùng đón nhận cái chết nhục nhã “như một con chó” [15, tr. 300]. Cái cơ quan hành pháp ấy cũng tuân theo một cung cách xét xử phi lí chỉ tạm tha, hoãn xử chứ không bao giờ tha hẳn. Quyền tha hẳn thuộc về tòa án tối cao nhưng nó dường như không tồn tại trên mặt đất này. Những vụ án phi lí như thế tồn tại mà “chẳng biết sẽ kéo dài bao lâu” [15, tr. 77] và những người đại diện cho công quyền thì thản nhiên trả lời theo kiểu: “chúng tôi thậm chí hầu như không biết gì” [15, tr. 86], “việc gì phải thất vọng? ông chỉ bị bắt thôi mà” [15, tr. 88]…
Cũng như Jôzep K. trong Vụ án, anh chàng đạc điền K. trong Lâu đài là
nạn nhân của hệ thống quyền lực, của bộ máy hành chính quan liêu. K. được gọi đến làm thợ đạc điền của Lâu đài từ một lệnh triệu tập nhất thời mà rất có thể là một sai sót vặt vãnh: “trong cái văn phòng lớn như của bá tước, có thể xảy ra việc ban này cần cái này, ban kia cần cái kia, ban này không biết đến chỉ thị của ban kia, cho dù sự kiểm tra của cấp trên là hết sức chính xác nhưng thực chất lại diễn ra quá muộn, cho nên luôn luôn xảy ra một sự lộn xộn nho nhỏ” [15, tr. 370]. Người ta không thể tìm ra ai là người đã triệu tập K. cũng không đủ thẩm quyền để loại bỏ K. Trưởng thôn, một mặt, phủ nhận tính pháp lý trong thân phận người đạc điền của K., thông báo cho anh ta lá thư mà Klamn gửi cho anh ta chỉ là một lá thư riêng; mặt khác, lại khẳng định “làm sao một sự thông báo của một viên chức nói ra từ Lâu đài lại không có ý nghĩa?” [15, tr. 386] và “vấn đề mời ông đến đây là một sự phức tạp hơn nhiều nên chúng ta không thể phân tích hết được trong một cuộc trao đổi ngắn ngủi” [15, tr. 386]… Anh ta phải đối mặt với hệ thống
54
quản lí hành chính với mọi tầng bậc và hình thức. Nó xuất hiện đột ngột trong những ngõ hẻm, và trong mọi hình hài: từ một gã xa lạ đánh thức K. trong đêm đầu tiên ngủ tại làng, cô hầu gái ở quán Ông chủ, người đưa thư, thư ký của Klamn… đến bà chủ quán với câu chuyện tình xưa cũ... Bất cứ ai cũng có vai trò nào đó trong cuộc chạm trán của K. với Lâu đài. Và bất cứ ai dường như cũng là một sự hiện hình cho quyền lực vô hình, đè nặng lên cuộc đời của chính họ và cuộc đời của nhiều người khác nữa…
Trong tác phẩm Nước Mĩ, tính phi lí của quyền lực chưa hiện diện một
cách rõ nét lắm. Cuốn tiểu thuyết này vẫn còn mang nhiều nét hiện thực kiểu Dickens, có cốt truyện khá rõ ràng và được PGS. Đặng Anh Đào đánh giá là tươi vui trong sáng nhất trong bộ ba tiểu thuyết của ông. Nó không quẩn quanh, mù mịt như Vụ án hay Lâu đài. Cuốn tiểu thuyết này gần gũi với những cuốn tiểu thuyết hiện thực phê phán hơn là tiểu thuyết phi lí. Tuy vậy,
trong Nước Mĩ, chúng ta có thể tìm thấy những mầm mống của quyền lực phi
lý, chẳng hạn như cách hành xử lạ lùng của ông chú Jakob. Ông cho phép Karl tới chơi nhà Pollunder, gửi ông này trao cho cháu một mảnh giấy chỉ mở ra lúc nửa đêm, trong đó có ghi rằng: ông sẽ đuổi Karl ra khỏi nhà nếu cậu không trở về nhà trước mười hai giờ đêm. Sau này, sự đeo bám dai dẳng của hai gã bụi đời, Delamarche và Robinson, cũng khiến Karl rơi vào tình trạng bị đe dọa, bị rình rập. Chúng ăn hết món salami mà mẹ cậu làm riêng cho cậu, lục lọi vali của cậu, tống tiền cậu, hại cậu mất việc, rồi biến cậu thành một thằng nhỏ bị giam lỏng, quẩn quanh trong một gác trọ kì quái, nơi mà thân hình đồ sộ của Brunelda cũng đủ lấp kín ban công nhìn ra thế giới bên
ngoài… Trong Nước Mĩ, mô típ trục xuất lặp lại nhiều lần: Karl bị bố mẹ tống
ra khỏi nhà vì làm “chuyện người lớn” với cô hầu gái, trong khi cậu đã trình bày rằng trường hợp xảy ra là ngược lại, cậu bị dụ dỗ, cậu vô tội, nhưng không ai tin; ở Mĩ, cậu tiếp tục bị chú Jakob đuổi khỏi nhà; sau đó bị người
55
quản lí đuổi khỏi khách sạn Phương Tây. Hành trình lang thang tìm việc của Karl Rossmann giống như một hành trình khốn khổ mà hình phạt dành cho
cậu ta cứ lặp lại hết lần này đến lần khác. Trong Một cách hiểu phân tâm học
về cuốn Nước Mĩ, Anne Fuchs đã tiếp cận những chi tiết này như sau: “Karl Rossamnn xuất hiện như một phiên bản trẻ từ hình ảnh thất bại của người con trai hiếu thảo ám ảnh trong những trang viết của Kafka. Trong suốt cuốn tiểu thuyết, nam giới tượng trưng của sức mạnh cảm nhận anh ta như một mối đe dọa đối với một cơ cấu xã hội phụ thuộc hoàn toàn và pháp luật của người cha” [40, tr. 4].
“Quyền lực không có hình tháp như là Luật pháp muốn chúng ta phải tin theo, nó bị phân mảng và trải theo chiều tuyến tính, nó thực thi bởi sự gần gũi, chứ không phải nơi cao và xa (do đó mà những kẻ ở cấp dưới thành ra quan trọng). Mỗi mảng là quyền lực, một quyền lực đồng thời là một phương diện của ham muốn.” [10, tr. 166]. Tất cả đều bất định, ngẫu hứng, tùy tiện, không tuân theo một thứ lề luật nào và nói chung, khó tìm thấy hình thức tương ứng của nó trong cuộc sống dưới bất cứ thời đại nào. Trong thế giới nghệ thuật của Kafka, quyền lực phi lý như mọc ra từ từng ngõ ngách của đời sống và điều lạ lùng là các nhân vật thường chấp nhận những hiện tượng đó một cách bình thường, nghĩa là người ta mặc nhiên thừa nhận cái phi lí như một hiện tượng phổ biến tất yếu của đời sống, tồn tại bình đẳng với những hiện tượng bình thường. Họ bình thản chấp nhận điều phi lí và tỏ ra ngơ ngác trước những điều hoàn toàn bình thường ... Số phận của những con người như Karl, Jôzep K., K., trong bàn tay của quyền lực, đều là phép cộng của những trò đùa, đều những điều phi lí được tổ chức một cách có hệ thống cả ở tầm vĩ
mô và vi mô. Trong Vụ án, Jôzep K. thấy mình chẳng làm gì nên tội, nhưng
vẫn thừa nhận điều phi lí ấy như một điều bình thường: vẫn đi hầu tòa, vẫn đi gặp hết luật sư tới họa sĩ của tòa để tìm cách “chạy án”. Anh mắc tội gì, chẳng
56
ai biết nhưng trước điều phi lí hiển nhiên, anh ta dần dần chấp nhận, rồi tin theo, để rồi một năm sau, nhận một nhát dao vào ngực. Những người dân và những viên chức trong Lâu đài không hề ngạc nhiên với việc phải mất vài năm để giải quyết một công văn hay thi hành một quyết định, thậm chí những cuộc thẩm vấn ban đêm cũng được mặc nhiên chấp nhận… Còn Karl, trong
Nước Mĩ, mỗi lần gặp những chuyện không may, cậu gần như không có bất kì một phản kháng mạnh mẽ nào. Trước quyết định cứng rắn và lạ lùng của người chú hay quyết định đuổi việc của chủ khách sạn, thói ăn cắp trắng trợn của Delamarche và Robinson, Karl chỉ có sự ngơ ngác và nước mắt. Cậu chấp nhận mọi sự áp chế phi lí mà không hề cố công chống cự hoặc tìm hiểu lí do vì sao cậu phải chịu đựng tất cả những điều này… Có thể nói, “người ta đã đánh mất, một cách không tránh được, cảm giác về cái có thực” (Milan Kundera) để mãi mãi mắc kẹt trong mê cung của quyền lực. Nó đem đến cho cá nhân mặc cảm bị truy đuổi và lưu đày khi phải đối mặt với mọi dạng mê cung ở khắp nơi, từ căn phòng trọ của anh ta tới khu nhà tồi tàn nơi tòa án ngự trị và những dãy hành lang nhằng nhịt. Mỗi bước đi của nhân vật đều rơi vào một mê cung mới, mà tận cùng của nó là sự bế tắc, không hề có lối thoát. Cuộc sống bế tắc, không thể nào chịu đựng được đến nỗi, kẻ vô tội bị trừng phạt phải đi tìm tội lỗi của mình, phải van vỉ người ta thừa nhận là mình có tội.
Với cách vận hành quan liêu, các thiết chế quyền lực vẫn có những tác động khủng khiếp tới từng cá nhân. Nó không chỉ bóp méo đời sống của Karl, Jôzep K. hay K., những người luôn bị các thiết chế quyền lực săn đuổi, đe dọa, mà còn đè nặng lên cuộc sống của cả những người đại diện của quyền lực. Việc luật sư Hun tiếp chuyện Jôzep K., trưởng thôn tiếp chuyện K. trên giường ngủ trong trạng thái bệnh tật, ngoài ý nghĩa thể hiện sự quan liêu, ọp ẹp của bộ máy hành chính, còn mang ý nghĩa tương trưng cho sự chi phối của bộ máy này tới tận cùng đời sống cá nhân, bất luận người đó là ai, có vị trí
57
như thế nào. Hun, Klamn… là đại diện cho quyền lực, mà thực chất chỉ là những nô lệ của quyền lực bởi họ không có sự vận động thực sự, mà chỉ tồn tại theo một tập quán nhất định, chỉ là những cỗ máy dịch chuyển theo ý chí của kẻ khác. Tác động khủng khiếp của thứ quyền lực mà họ sở hữu lên những cá nhân khác cũng không đem lại một sự cứu vớt nào cho chính họ trong mê cung của quyền lực. Những kẻ kiến tạo mê cung lại rơi vào mê cung của chính mình.
***
Khảo sát những đặc trưng về quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka không phải là một vấn đề dễ dàng. Tính vô hình, tính huyền thoại và tính phi lí luôn có một sự đan cài vào nhau, rất khó phân tách. Hơn nữa, trong khi hai
cuốn tiểu thuyết Vụ án và Lâu đài khá “đồng dạng” với nhau, biểu hiện quyền
lực trong hai tác phẩm này cũng khá trùng khớp thì cuốn Nước Mĩ lại là một
cuốn tiểu thuyết khác hẳn của Kafka, biểu hiện của quyền lực trong tác phẩm này thường ít nét hoang tưởng, quái dị, hoặc mới là một dạng phôi thai của quyền lực vô hình, huyền thoại và phi lí. Tuy nhiên, vấn đề quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka vẫn hiện diện sừng sững như một cỗ máy đánh bẫy con người, chậm chạp trong công việc nhưng lại nhanh chóng trong thông tin về đời sống cá nhân, một cỗ máy luôn luôn giết chết con người nhiều lần trước khi giết họ chết hẳn. Nó như một ảo ảnh dẫn dụ con người, một ảo ảnh lừa bịp siết chặt con người trong vòng vây vô hình, và truy bức con người một cách ráo riết. Một cuộc săn đuổi có tương quan quá chênh lệch. Và cá nhân, luôn luôn chỉ là một con tốt trong tay Thượng đế, vốn không thể tự điều khiển số mệnh của mình, thậm chí, đến một cái kết cũng không thể tự lựa chọn được cho mình.
58
CHƢƠNG 3
QUYỀN LỰC: TÂM THẾ VÀ THỜI ĐẠI
Ám ảnh quyền lực trong sáng tác của Kafka có lẽ không cần phải khẳng định thêm. Tuy nhiên, trong suốt một khoảng thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã không ngừng đặt ra câu hỏi rằng: điều gì đã dẫn tới những cuộc tranh đấu chống lại các thiết chế quyền lực vô hình và phi lí trong tác phẩm của ông? Bản thân vấn đề này cũng thu hút nhiều cách lí giải ở nhiều góc độ.
Bằng cách khảo sát qua thư từ và nhật kí của Franz Kafka, ở trong chương này, chúng tôi chỉ cố gắng điểm lại một số lí giải cho vấn đề quyền lực từ yếu tố tiểu sử và thời đại, cụ thể là lí giải ám ảnh quyền lực thông qua mối quan hệ của Kafka đối với gia đình (đặc biệt là người cha) và thông qua bối cảnh lịch sử đất nước Áo - Hung nói riêng, và toàn châu Âu nói chung