0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (90 trang)

Tính chất huyền thoại

Một phần của tài liệu QUYỀN LỰC TRONG TIỂU THUYẾT CỦA FRANZ KAFKA (Trang 46 -46 )

7. Cấu trúc của luận văn

2.2 Tính chất huyền thoại

Tính huyền thoại là một trong những đặc trưng nổi bật trong nghệ thuật sáng tác của Kafka. Có thể phân tích huyền thoại qua sáng tác của Kafka qua các mô típ biến dạng, mô típ mê cung, thời gian huyền thoại, không gian huyền thoại, nhân vật huyền thoại… Tuy nhiên, trong phạm vi của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung khai thác những yếu tố, những chi tiết làm sáng rõ tính chất huyền thoại của quyền lực.

43

Nói về tính chất huyền thoại của quyền lực, không thể không nhắc tới biểu tượng trong tiểu thuyết của Kafka. Về cơ bản, Kafka đã sử dụng một hệ thống các biểu tượng mang tính tôn giáo trong tác phẩm của mình, ví dụ như biểu tượng “lâu đài”, “bóng tối”, “kiếm”… nhằm chuyển tải những nội dung đa nghĩa. Ông đã xây dựng huyền thoại từ những “nguyên liệu” của hiện thực, nhào nặn chúng qua thế giới chủ quan của nhà văn để tạo ra những thiết chế quyền lực đầy ám ảnh.

Lâu đài là hình ảnh xuyên suốt trong tiểu thuyết cùng tên của Kafka. Khi K. lần đầu tới đây, anh ta không hề nhận thấy sự tồn tại của Lâu đài: “sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi có thành lũy và tòa Lâu đài lớn, dù chỉ là một ánh sáng mờ nhạt nhất” [15, tr. 303], anh ta “đứng hồi lâu trên cái cầu gỗ dẫn từ đường quốc lộ vào làng và nhìn vào khoảng trống” [15, tr. 303]. Nhưng càng về sau “cái khoảng trống” ấy dần dần hiện hữu. “Nhìn từ xa, Lâu đài nói chung đúng như K. chờ đợi… Nhưng càng đến gần, chàng càng cảm thấy thất vọng” [15, tr. 310]. Lâu đài, một thứ theo lẽ thông thường thì phải có một hình dáng cố định nhưng trong cuốn tiểu thuyết này, nó lại có sự dịch chuyển giữa xa và gần, giữa những lần gặp đầu tiên với những lần gặp sau. Và sự chạm trán liên tiếp cũng không đem lại một sự tri giác toàn diện về Lâu đài mà trái lại, chỉ làm tăng thêm tính hồ nghi. Những ánh sáng ban ngày làm tan băng tuyết cũng không giúp làm hình ảnh Lâu đài trở nên rõ ràng hơn. Nó là tòa lâu đài chìm trong bóng tối và “câm lặng như vẫn thế”, “chưa bao giờ thấy ở đó dấu hiệu nhỏ nào của sự sống” [15, tr. 414]. Mọi nỗ lực quan sát đều chỉ khiến nhân vật thấy khó nắm bắt hơn, “thấy tất cả chìm sâu vào mờ ảo”. Tòa lâu đài trước mặt anh ta đã luôn luôn thực hiện một trò ảo thuật. Nó trở thành một huyền thoại đích thực như Roland Bathes đã từng nói: “tống khứ hiện thực ra, huyền thoại, theo đúng

44

nghĩa, là sự tháo chảy không ngừng, sự xuất huyết, hoặc có thể nói, sự bay hơi, tóm lại là sự thiếu vắng ta cảm nhận được” [Những huyền thoại, tr. 346].

Trong cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hình ảnh Lâu đài được khái quát lại là “một công trình vững chãi và khó xâm nhập. Nó gây ấn tượng về sự an toàn, nhưng là một sự an toàn có thương số cao. Nó là biểu trưng của sự bảo hộ”, “trú ngụ một quyền lực bí ẩn và không thể nắm bắt” [6, tr. 506]. Có thể nói, ở nét nghĩa này, Kafka đã khai thác triệt để trong Lâu đài. Công trình thảm bại trong thực tế nhưng tồn tại một cách hiển nhiên và bất biến. Lâu đài cũ kĩ và bắt đầu tróc vữa nhưng lại “đóng đinh” trong lòng người. Nó là một bí ẩn không có lời giải đáp, tượng trưng cho đế chế của sự cai trị và sắp đặt, cho một quyền lực vô hình và vô danh, không thể tiếp cận, không thể tìm gặp. Lâu đài ở đó, trong hình thức huyền thoại, vừa như là điều mà người ta mơ ước, vừa như là địa ngục đọa đầy con người. Nó giống như hình ảnh của một đấng tối cao, tồn tại như một thứ tôn giáo trong tâm trí của các tín đồ… Song song với hình ảnh lâu đài là hình ảnh con đường. Con đường vòng vèo, lúc xa lúc gần, tưởng như có thể dẫn tới lâu đài nhưng hóa ra lại chẳng dẫn tới đâu cả. Cả lâu đài lẫn con đường đều thường xuyên xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết với tình trạng ngập trong băng tuyết. Điều này càng làm tăng tính huyền thoại của nó.

Trong Nước Mĩ, hình ảnh về bức tượng Nữ thần Tự do cũng là một điểm cần lưu ý. Ngay ngày đầu tiên đặt chân trên đất Mĩ, cậu bé Karl Rossmann “đã bất ngờ thấy tượng Nữ thần Tự do mà có đôi lần đã ở sẵn trong tầm mắt, dù trong ánh sáng chói chang hơn. Thanh kiếm trong tay bà ta dường như đã được nâng cao” [he suddenly saw the Statue of Liberty, which had already been in view for some time, as thought in an intense sunlight. The sword in her hand seemed only just to have been raised aloft…] [45, pg. 3]. Việc hình ảnh tượng Nữ thần Tự do bị “bóp méo” (tay cầm kiếm thay vì cầm

45

ngọn đuốc như trong thực tế) được các nhà phê bình nhìn nhận như là dấu hiệu của quyền lực hủy diệt hoặc như một ngụ ngôn về công lí [49, pg. 26].

Điều này cũng báo hiệu cái kết u ám của Nước Mĩ như trong Kafka đã từng tiết

lộ trong Nhật kí khi ông quyết định “tuyên án tử hình” cho hai nhân vật Karl Rossmann và Jôzep K: “Rôxman và K, kẻ vô tội cũng như người có tội, cả hai rút cục sẽ bị trừng trị tội chết không khác nhau, kẻ vô tội do một bàn tay nhẹ nhàng hơn, được gạt sang bên lề chứ không phải là bị quật chết” [8, tr. 654].

Hình ảnh bóng tối xuất hiện với tần suất cao hơn trong tiểu thuyết của Kafka. Cả ba cuốn tiểu thuyết Nước Mĩ, Vụ án, Lâu đài đều chứa đầy bóng

tối. Trong Lâu đài, đó là sự song trùng của biểu tượng lâu đài và bóng tối:

“sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi có thành lũy và

tòa Lâu đài lớn, dù chỉ là một ánh sáng mờ nhạt nhất” [15, tr. 303]. Trong Vụ

án, các phòng xét xử, nơi ở của các viên chức luật pháp luôn được mô tả trong tình trạng thiếu ánh sáng. Bóng tối xuất hiện ở khắp nơi, và dày đặc nhất là ở Chương IX: Nhà thờ lớn, nơi Jôzep K. gặp vị linh mục của tòa: việc thắp nến “chỉ càng làm cho bóng tối tăng thêm” [15, tr. 276], “những chiếc đại phong cầm vẫn im bặt và chỉ lấp lánh một cách lờ mờ trong bóng tối” [15, tr. 279], “màu sắc của những khung kính màu to lớn hắt xuống không đủ sức

làm tiêu tan bóng tối của các bức tường” [15, tr. 283]. Ở Nước Mĩ, căn buồng

trên gác trọ của ca sĩ Brunelda cũng phủ đầy bóng tối.

Bóng tối nhấn chìm nhân vật vào cõi hoang mang, và là nơi trú ẩn của những quyền lực giấu mặt. Nó xuất hiện như một sự bổ trợ cho quyền lực: “cái bóng, không tự sinh ra và cũng không tự định hướng, không có cuộc sống và cũng không có quy luật của riêng mình, theo Lie-tseu, đó là biểu tượng của mọi hành vi chỉ tìm được nguồn gốc chính đáng của mình trong tính tự nhiên”, “bóng là tất cả những gì chủ thể không chịu thừa nhận hay chấp nhận, nhưng những cái đó vẫn luôn đè nặng lên nó” [6, tr. 96]. Nó làm

46

tăng thêm vẻ bí ẩn của quyền lực. Người ta càng có mong muốn xác minh: “Quyền lực đó thực sự là gì? Là ai?”, “Tại sao nó lại có sức mạnh khủng khiếp đến như vậy?”… thì lại càng bị nhấn chìm sâu hơn vào trong sự mơ hồ đến mức ngột ngạt, kiệt sức và suy vong.

Trong tiểu thuyết của Kafka, quyền lực hiện lên như một huyền thoại giữa những đối thoại rời rạc uể oải, những nhân vật bí ẩn và những chân dung kì quái. Hầu hết các đặc điểm của nhân vật đều bị xóa nhòa, không có tính cách, không có diện mạo rõ ràng. Thậm chí, những chi tiết lịch sử cụ thể: các mối quan hệ gia đình, bạn bè, những dấu vết nghề nghiệp… cũng đều bị xóa mờ. Các nhân vật của Kafka lặng lẽ tồn tại mà không cần đến một tiểu sử.

Những kẻ liên quan đến bộ máy công quyền, đến luật pháp bao giờ

cũng bí ẩn với con người, mà biểu hiện tập trung nhất là ở Lâu đài. Những

nhân vật thuộc về Lâu đài được miêu tả một cách rất mơ hồ. Họ hiện diện ở khắp mọi nơi, ai cũng có thể biết họ mà không ai biết họ một cách thực sự cả. Schwarzer chỉ là con trai người giúp việc của quan phòng thành, một chức quan bé nhỏ trong một hệ thống chằng chịt nhưng vẫn là một người “có quyền thế lắm”. Sorditi được nhắc tới như một viên chức mẫn cán nhất nhưng chưa ai từng gặp anh ta “công việc cứ chồng chất lên đầu đến mức anh ta không thể xuống làng được” [15, tr. 378]. Sortini là người đã gây ra một vụ ồn ào với gia đình Barnabas nhưng ngay sau đó cũng không thấy xuất hiện trở lại. Burgel và Enlanger xuất hiện trong con mắt đầy mệt mỏi và kiệt sức của K., về cơ bản, cũng không được khắc họa một cách rõ nét và chi tiết. Klamn – một nhân viên cao cấp của Lâu đài thì mang đầy sắc màu huyền thoại: “Ông ta hoàn toàn khác khi đến làng và hoàn toàn khác khi ra đi, ông ta khác trước khi uống bia và khác sau đó, khác lúc thức và khác lúc ngủ, khác lúc ở một mình và khác lúc trong khi nói chuyện. Và như vậy: thật dễ hiểu là ông ta hoàn toàn khác khi ở trong Lâu đài. Và ngay ở trong làng thôi thì người ta

47

cũng mô tả về ông rất khác nhau: những sự khác biệt tương đối lớn về chiều cao, tư thế vạm vỡ, về bộ râu rậm của ông ta, chỉ có về quần áo của ông ta là may mắn có sự nhất trí với nhau: ông ta luôn luôn mặc một bộ quần áo, với cái áo bành tô màu đen tà dài, có hai hàng cúc” [15, tr. 499]. Hình ảnh về ông ta không có một sự cố định nào, nó cũng giống như con đường rất gần Lâu đài nhưng không bao giờ dẫn tới Lâu đài cả. Klamn là một dấu hỏi lớn đối với bất cứ ai. Ngay cả những người tình của Klamn cũng không thể nhận biết ông ta một cách rõ ràng.

Giới quan tòa trong Vụ án mà đại diện là luật sư Hun cũng được khắc

họa một cách rất lạ lùng. Ông ta đau ốm liệt giường, không thể nào tự lo liệu được cho mình nhưng vẫn có đầy quyền uy, vẫn khiến những người chạy án phải quỵ lụy, “mong mỏi lê lết tới cùng vụ án của y bằng con đường quanh co ngoắt ngoéo nhục nhã này” [15, tr. 266]. Những viên thanh tra “người mảnh khảnh nhưng chắc nịch, mặc chiếc áo đen bó lấy người, có thắt lưng và đủ thứ nào li áo, nào tút, nào khóa, nào khuy” [15, tr. 75], hoặc không được mô tả gì nhiều về diện mạo như viên đội, linh mục của tòa án. Quan dự thẩm, quan tòa xuất hiện trong những bức chân dung kì lạ và đã được “phóng đại” lên để biến các ngài từ bộ dạng bé tí xíu thành những vị thần công lí oai vệ, biến “cái ghế làm bếp, trên phủ tấm chăn ngựa gấp tư” [15, tr. 180] thành “cái ngai cao mạ vàng lộng lẫy” [15, tr. 179] và ở bức tranh nào cũng “không ngồi trầm tĩnh uy nghi, mà cảnh tay trái tì mạnh vào lưng ghế và tay ghế, còn cánh tay phải không tì vào đâu cả, chỉ có bàn tay vịn vào tay ghế, nên quan tòa trông như đương tức tối sắp bật dậy để nói một điều quyết định, cũng có thể là để đọc lời phán quyết ghê gớm” [15, tr. 179]. Nhân viên của tòa thì có thể là bất kì ai: một họa sĩ nghèo, đám trẻ con lít nhít, một viên mõ tòa bị cắm sừng, vài nhân viên ngân hàng. Họ xuất hiện như những bóng ma, bất thành nhân dạng và lẫn vào “đại dương” các nhân vật có dính líu tới tòa án. Và ở trong bất kì

48

vị trí nào, những nhân vật này cũng vẻ nhếch nhác lạ lùng, không hề tương xứng với quyền lực mà họ nắm trong tay.

Gương mặt của những người đại diện quyền lực được miêu tả hoàn toàn khái quát. Nó giống như một trò chơi ghép hình, nhặt một vài chi tiết ngẫu nhiên và lắp ghép lại, không có nét gì đặc biệt hay quá ấn tượng. Họ là những nhân vật không thể nắm bắt được bản chất, hay không có bản chất, chỉ đơn giản là một cái tên được gọi lên, được nhắc tới. Những viên chức của Lâu đài hoặc tòa án, giống như những sản phẩm được nhân bản vô tính, dù có một vài nhận xét về đường nét khuôn mặt hay tính cách, cũng không có một chút gì đọng lại một cách rõ ràng trong cảm giác của người đối diện. Tất cả đều chung chung trừu tượng, giống như “bức chân dung sẫm màu viền khung đen đập vào mắt K. khi chàng bước ra cửa” - một bức tranh khiến anh ta chú ý nhưng “không nhận ra bức ảnh”. Tất cả đều lặng lẽ và u tối.

Trong tiểu thuyết của Kafka, những hình ảnh như thế không phải chỉ xuất hiện một lần hay như những hiện tượng có tính chất đơn lẻ, mà thực sự là những hệ thống, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự xuất hiện của hai tên phụ tá Artur và Jeremias, sự xuất hiện của Frida, vị trưởng thôn… trong cuộc đời K. vừa có nghĩa là may rủi cá nhân, nhưng cũng có ý nghĩ tất yếu khi bộ máy quyền lực bắt đầu khởi động. Cái độc đáo ở đây là Kafka đã thông qua những hiện tượng tưởng chừng như đơn lẻ để dựng lên hình ảnh của một thiết chế quyền lực vây bọc con người, can thiệp một cách sâu sắc vào đời sống riêng tư của họ. Kundera đã có những phân tích về hai kẻ giúp việc của K. như sau: “những tên đe dọa phát giác khốn khổ, những kẻ quấy rầy… đại diện cho toàn bộ cái hiện đại, tính đáng sợ của thế giới lâu đài: chúng là bọn cớm, phóng viên phó nháy, viên chức của cuộc hủy hoại hết sạch đời sống riêng tư” [15, tr. 228]. Quyền lực có thể hóa thân vào những hình ảnh khác nhau và ở bất cứ lần xuất hiện nào cũng đều gây ra những sợ hãi mơ hồ, những ám ảnh

49

đặc biệt. Trong lúc thể hiện sức mạnh quyền lực, những tên giúp việc cho K., những kẻ theo dõi Jôzep K., đồng thời cũng thể hiện tính chất sơ đồ hóa, máy móc hóa của con người hiện đại. Những nhân vật này được miêu tả giống nhau đến lạ kì, và đối tượng săn đuổi hay điều khiển chúng thường phải xem

chúng là một. Sự vâng lời một cách lố bịch ấy của hai tên giúp việc trong Lâu

đài hàm ẩn cái nhìn chua chát của Kafka về hiện tượng con người dần trở thành những cỗ máy khô khốc, những công cụ giản đơn, bị triệt tiêu mọi cảm xúc, khả năng tư duy, khả năng nhận thức bằng chính năng lực của mình

trong thời đại văn minh kĩ trị. Trong Vụ án, hai gã giúp việc này đã hóa thân

thành hai nhân viên cảnh sát theo dõi, bắt bớ, kết liễu đời Jôzep K. Trong những lời nói, những hành động và trong những bộ đồng phục, không thể phủ nhận tính chất đại diện của những nhân vật này trong mối liên hệ với bộ máy quyền lực. Những bộ đồng phục mà Kafka khoác cho chúng chẳng có nghĩa gì ngoài khả năng báo hiệu rằng con người của bộ máy quyền lực, hoặc chính nó, đã đến. Nỗi ám ảnh về uy quyền và tính chất dị hợm của các bộ đồng phục, cũng như của những kẻ mặc nó cũng được Kafka thể hiện ngay trong cả hình ảnh những người thân của nhân vật nào đó. Trong Hóa thân, hình ảnh ông bố đầy quyền uy cũng được miêu tả ấn tượng chẳng kém các viên chức. Người ta có thể nhận ra nỗi ám ảnh về quyền lực của người cha được thể hiện rất rõ nét qua nhân vật này.

Người ta không bao giờ có thể nhận thức được bản chất đích thực của những viên chức/những người đại diện đó và bản chất của chính quyền lực.

Một phần của tài liệu QUYỀN LỰC TRONG TIỂU THUYẾT CỦA FRANZ KAFKA (Trang 46 -46 )

×