Phát triển du lịch biển

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo phát triển kinh tế biển từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 56)

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch Hải Phòng theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vùng ven biển kết hợp với du lịch văn hoá, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, UBND thành phố Hải Phòng xác định “du lịch biển sẽ được phát triển như một mũi nhọn quan trọng trong mối liên kết với các tỉnh, địa bàn trọng điểm, vùng Bắc Bộ và nước ngoài”, “xây dựng các tuyến du lịch liên vùng Hà Nội - Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long, tiếp tục nâng cấp khu du lịch quốc tế Đồ Sơn, xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch biển có tầm cỡ quốc gia, quốc tế” [163, tr. 53]. Ngày 14/3/1997, UBND thành phố ra Chỉ thị số 08 - CT/UB về tăng cường quản lý hoạt động du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà, quyết định thành lập 2 phòng du lịch tại Thị xã Đồ Sơn và huyện Cát Hải để tăng cường quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch tại hai trọng điểm du lịch này. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các ban ngành như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảng vụ, Tài chính, Giao thông Công chính và các quận, huyện, thị xã trong thành phố, nhất là UBND Thị xã Đồ Sơn, huyện đảo Cát Hải phối hợp với Sở Du lịch tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho du lịch phát triển. Ngày 11/7/1997, UBND thành phố ra Quyết định số 1151 - QĐ/UB phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 1996 - 2010, trong đó nội dung cơ bản là quy hoạch các khu du lịch biển làm cơ sở cho việc triển khai phát triển du lịch theo đúng định hướng của Đảng bộ thành phố. Từ năm 1998, Sở Du lịch Hải Phòng lập các dự án đầu tư, cải tạo và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Ngoài nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, ngành du lịch Hải Phòng đã tổ chức “mùa du lịch” tại các điểm du lịch lớn như: Mùa du lịch trên đảo Cát Bà gắn với chương trình Lễ hội tuổi trẻ Cát Bà và khôi phục Lễ hội Chọi Trâu vào ngày 19/8 âm lịch hàng năm, nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến trong mỗi mùa lễ hội, bước đầu tạo sự gắn kết giữa du lịch biển và du lịch văn hóa.

54

Thực hiện đẩy mạnh liên kết với Hà Nội, Quảng Ninh trong phát triển du lịch, chú trọng thị trường khách trong nước và mở rộng thị trường khách nước ngoài, UBND thành phố xác định nhiệm vụ trước mắt là phát triển các mối quan hệ liên vùng, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch biển để Hải Phòng trở thành một trung tâm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Tiếp đó, ngày 6/4/1999, tại Hội nghị tổng kết về tình hình du lịch Hải Phòng từ năm 1994 đến năm 1998 và xác định phương hướng phát triển du lịch những năm 1999 - 2000, UBND thành phố nêu rõ: Du lịch Hải Phòng tiếp tục phát triển theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, Hải Phòng sẽ trở thành là điểm trung chuyển, đầu mối phân phối khách du lịch của các tỉnh thành phố phía Bắc theo hướng hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành một trong ba trung tâm du lịch của trọng điểm du lịch phía Bắc, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những giải pháp lớn được thành phố đưa ra là: Tập trung quán triệt và triển khai các kết luận, chương trình của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy để các cấp, các ngành hiểu đúng và rõ hơn vị trí quan trọng của phát triển du lịch; thành lập Ban chỉ đạo về du lịch, chủ động mở và khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế (đặc biệt hướng tới khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc, mở rộng thị trường khách du lịch Đông Nam Á, Tây Âu, Nga, Mỹ...) [84].

Ngày 28/5/1999, Ban chỉ đạo về du lịch được thành lập do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, Giám đốc Sở Du lịch làm phó ban. Ban chỉ đạo đã đề ra chương trình hành động về du lịch đến năm 2000 với 5 nội dung lớn, trong đó nhấn mạnh du lịch Hải Phòng phát triển theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vùng biển. Sở Du lịch phối hợp với UBND thị xã Đồ Sơn và huyện Cát Hải thực hiện xuất bản cuốn sách về Du lịch Hải Phòng để giới thiệu các điểm du lịch của thành phố, đưa tin và hình ảnh du lịch Hải Phòng trên sóng phát thanh và truyền hình. Đề nghị thành phố cấp đất cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển du lịch xây dựng cơ sở hoạt động, tiến tới thành lập Trường Dạy nghề Du lịch vùng duyên hải phía Bắc. Sở Du lịch kết hợp với Hội đồng liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Hội nghệ nhân thành phố và các ngành chức năng tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu “Hàng thủ công Mỹ nghệ lưu niệm du lịch” để đáp ứng nhu cầu của khách. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngành du lịch được thành lập

55

tạo điều kiện cho sự thống nhất giữa hoạt động kinh tế với hoạt động chính trị, tư tưởng nhằm tăng cường sức mạnh của ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những năm 1996 - 2000, dưới góc độ kinh tế, du lịch Hải Phòng có những bước phát triển mới, chủ yếu là du lịch biển. Số lượng khách du lịch đến Hải Phòng bằng tàu biển năm 1998 tăng 15,4% so với năm 1997, trọng điểm du lịch biển Đồ Sơn và Cát Bà, năm 1998 thu hút khoảng 60% tổng số khách du lịch toàn thành phố [84]. Duy trì và mở rộng tuyến du lịch bằng đường biển Bắc Hải - Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc. Thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch biển, đặc biệt nguồn vốn tư nhân. Riêng Cát Bà từ chỗ có 3 khách sạn với 50 phòng năm 1994 đến năm 1999 lên tới 30 khách sạn với tổng số trên 600 phòng chưa kể nhà trọ [113].

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng phải thẳng thắn nhận định ngành du lịch Hải Phòng nói chung, du lịch biển nói riêng hiệu quả đạt được còn thấp so với các tỉnh, thành phố khác (năm 1998 khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng là 120.336 lượt, trong khi đó khách du lịch quốc tế vào Quảng Ninh là 150.000 lượt, vào Hà Nội là 370.000 lượt) [84], nhiều mục tiêu phát triển du lịch đề ra chưa được triển khai, chưa khai thác được hết thế mạnh về tài nguyên du lịch biển của thành phố, lợi nhuận thấp. Thành phố chưa có quy hoạch chi tiết cho việc mở rộng và phát triển du lịch biển, nhất là Cát Bà và Đồ Sơn cho tương xứng là trọng điểm du lịch; chưa có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ quản lý; việc mở các tuyến du lịch mới và nội tuyến chưa chủ động, kém hiệu quả; thiếu khách sạn sang trọng, những công trình vui chơi giải trí mang tính đặc thù của biển. Do đó, du lịch biển Hải Phòng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng du lịch cảnh quan văn hóa, thể thao kết hợp với nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí. Môi trường tự nhiên có hiện tượng bị ô nhiễm, công tác bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường biển chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của những hạn chế:

Vấn đề quán triệt chủ trương về phát triển du lịch đến địa phương chưa hiệu quả, các cấp chính quyền nơi có các cơ sở hoạt động du lịch chưa nhận thức được du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của thành phố.

56

Chính sách và cơ chế quản lý đối với ngành du lịch chưa đồng bộ, còn qua nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều ngành, chưa tạo được môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động.

Công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch còn chậm, là thành phố cảng biển lớn, hướng phát triển du lịch sinh thái biển là chính nhưng chưa có cảng chuyên dùng và đội tàu du lịch mạnh. Thành phố chưa có định hướng cụ thể mở rộng nối kết tua du lịch với các thành phố, quốc gia biển khác. Đây là những vấn đề lớn cần được khắc phục.

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo phát triển kinh tế biển từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 56)