Phát triển kinh tế hàng hải

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo phát triển kinh tế biển từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 45)

Trước hết với cảng biển và dịch vụ cảng

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH vững chắc cùng tiến trình xây dựng cảng hiện đại, Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo: “Đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển cảng Hải Phòng thành cảng hiện đại”, “phục vụ đắc lực cho sự nghiệp

43

CNH, HĐH đất nước mà trực tiếp là các tỉnh miền Bắc và thành phố Hải Phòng, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa bàn trọng yếu” [106]. Các giải pháp cụ thể là:

Triệt để khai thác cơ sở vật chất hiện có, song song với thực hiện nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo và phát triển cảng, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1996 - 2000, đồng thời chuẩn bị tốt các tiền đề cho bước phát triển tiếp theo.

Hàng năm nạo vét, duy tu, chỉnh trị, cải tạo luồng ra vào cảng, đảm bảo đến năm 2000, tàu một vạn tấn ra vào bình thường.

Khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cụm cảng Hải Phòng đến năm 2010; xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển cảng chuyên dùng, cảng nước sâu, cảng chuyển tải.

Cùng với cục hàng hải và các ngành, đơn vị chức năng giải quyết vấn đề phối hợp đồng bộ, có hiệu quả, tạo điều kiện cho cảng hoạt động tốt [106].

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thành ủy về nâng cấp, cải tạo các cảng biển hiện có, từ năm 1997, các xí nghiệp cảng biển ở Hải Phòng bằng nguồn vốn tích lũy, tự đầu tư nâng cấp cảng theo hướng từng bước hiện đại hóa, điển hình là cảng Hải Phòng và cảng Xăng dầu Thượng lý. Đặc biệt, cảng Hải Phòng với sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ1

, cảng chính thức bước vào thực hiện nâng cấp, cải tạo giai đoạn 1. Đầu tư, nâng cấp cảng Hải Phòng được thực hiện với phương châm: triệt để khai thác cơ sở vật chất hiện có, đổi mới hiện đại hóa trang thiết bị và công tác quản lý điều hành cảng, phát triển cảng chuyên dùng và nâng cấp hệ thống giao thông cảng...

Mặt khác, để mở rộng xây dựng phát triển cảng hiện đại, UBND thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành khảo sát toàn bộ vùng cửa sông ven biển có cảng với mục tiêu ưu tiên tạo luồng lạch cho tàu lớn ra vào, đẩy mạnh công tác xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông đến cảng, xung quanh cảng và trên các đảo, phục vụ tốt hơn cho phát triển cảng và các ngành kinh tế. Trong Báocáo rà soát phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, UBND thành phố nêu rõ: Cảng biển Hải Phòng vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu quan trọng trong quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế. Với ý nghĩa vùng,“cảng phải được ưu tiên đi trước một bước bằng nguồn lực

44

của cả nước theo hướng đồng bộ (cả bến cảng và luồng lạch, trang thiết bị sản xuất, điều hành…) và hiện đại hoá theo kịp các cảng trong khu vực” [163, tr. 66 - 67]. Cùng với đó, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị liên ngành gồm các cơ quan: Cảng vụ, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, Kiểm dịch... nhằm đổi mới công tác quản lý cảng, cải tiến thủ tục hành chính giúp hàng qua cảng nhanh và thuận tiện. Theo đánh giá của Đảng bộ thành phố trong mười lăm năm tới chưa có cảng biển nào ở phía Bắc có điều kiện hậu cần tốt và thuận lợi như cảng biển Hải Phòng (đặc biệt là cụm cảng Hải Phòng).

Về xây dựng quy hoạch cảng và tìm đối tác liên doanh xây dựng cảng nước sâu, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xây dựng quy hoạch cảng biển khu vực Hải Phòng theo hướng dẫn của Chính phủ, trình Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu điều kiện xây dựng quy hoạch cảng nước sâu ở Hải Phòng. Để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố, hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng trên các lĩnh vực: thu hút đầu tư nước ngoài, xuất - nhập khẩu, du lịch quốc tế, dịch vụ thu ngoại tệ…Năm 1999, thành phố đã thu hút được 1.357,4 triệu USD vốn nước ngoài từ nguồn FDI và 334 triệu USD từ nguồn vốn ODA [163, tr. 18]. Đây là nguồn vốn đầu tư quan trọng đối với thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH thành phố nói chung, xây dựng cảng biển nói riêng.

Về đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức sản xuất, Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng nghiên cứu giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tạo sức hấp dẫn cho cảng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố, tính đến cuối năm 1999, Hải Phòng đã xây dựng thêm được 5 cảng mới, đưa tổng số cảng ở Hải Phòng lên tới 16 cảng [113]; năm 2000 sản lượng hàng thông qua cảng Hải Phòng đạt 7,57 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu đề ra; hoàn thành cơ bản cải tạo, nâng cấp cảng giai đoạn 1 bằng nguồn vốn ODA [114]. Về giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng bình quân của cảng trong những năm 1996 - 2000 đạt cao lên tới 76,05% [35]. Cùng với sự gia tăng công suất cảng, các nhu cầu dịch vụ hàng hải như cung ứng nguyên nhiên liệu cho tàu biển nước ngoài, sửa chữa tàu biển, các dịch vụ ăn nghỉ, bán hàng hoá, vui chơi, giải trí của thuỷ thủ...ngày càng phát triển.

45

Có thể khẳng định, cảng biển là kết cấu hạ tầng quan trọng của kinh tế hàng hải, nó phải được đầu tư đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian này do quy hoạch tổng thể cảng quốc gia vẫn chưa được phê duyệt, quy hoạch chi tiết cảng biển ở Hải Phòng chưa được xây dựng nên các cảng phát triển tự phát. Công tác đầu tư cải tạo luồng vào cảng Hải Phòng triển khai chậm, công tác quản lý hành chính tại cảng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên hạn chế khả năng cạnh tranh của cảng, các hoạt động dịch vụ liên quan đến cung ứng hàng hải, vận tải ở cảng còn xẩy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với vận tải biển

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ về tổ chức sắp xếp, phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, trước hết là dịch vụ cảng, vận tải biển, vận tải đường sông, các Đảng bộ trong ngành vận tải biển xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển, trẻ hóa đội tàu kết hợp với cải tiến quản lý, đưa các tiêu chuẩn an toàn hàng hải quốc tế ISM vào áp dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, phát triển mạnh giao thông vận tải biển.

Đặc biệt, ngày 30/9/1999, trong Báo cáo số 45 - BC/TU, Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ: “Dành quyền ưu tiên cho đội tàu vận chuyển trong nước vận chuyển hàng hóa, trước hết là hàng hóa nội địa, hàng hóa các đơn vị sản xuất của Việt Nam và liên doanh nước ngoài ở Việt Nam” [113]. Quan điểm chỉ đạo này đã tạo điều kiện cho ngành vận tải biển của địa phương phát triển mạnh. Vận tải biển Hải Phòng trong những năm cuối của thế kỷ XX ngoài lực lượng doanh nghiệp nhà nước giữa vai trò nòng cốt, đã huy động được sự tham gia ngày càng nhiều các đơn vị kinh tế khác. Cụ thể, đến năm 1999, lực lượng vận tải biển ngoài quốc doanh ở Hải Phòng có tới: 26 công ty TNHH, 1 doanh nghiệp cổ phần, 3 xí nghiệp tư nhân, 1 hợp tác xã vận tải, tổng số tàu hiện có lên tới 95 tàu với tổng trọng tải là 50.991 tấn. Các tàu của những đơn vị vận tải này chủ yếu chạy tuyến nội địa, 12 đơn vị được đăng ký quốc tế (nhưng chỉ có 1 đơn vị đủ điều kiện tham gia hoạt động). Xét trên phạm vi địa bàn thành phố, tổng số tàu vận tải biển là 177 chiếc với tổng trọng tải 436.691 DWT [113]. Sau 5 năm (1996 - 2000), năng lực đội tàu biển Hải Phòng tăng lên nhanh chóng, số lượng phương tiện vận tải biển năm 2000 tăng 1,7 lần so với năm 1995, khối lượng hàng hoá luân chuyển, vận chuyển tăng bình quân mỗi

46

năm 28 %[114, tr. 18], mở rộng vận tải ở các thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách nước ngoài ra vào Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất của vận tải biển là 5,26% [35].

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Đảng bộ thành phố, vận tải biển Hải Phòng vẫn còn một số hạn chế như: “đội tàu chưa đủ mạnh, tốc độ trẻ hóa, đa dạng hóa chưa thật cao và chưa đều khắp ở các doanh nghiệp”. “Công tác phối hợp quản lý trong toàn ngành vận tải biển chưa được thật tốt nên các hoạt động dịch vụ phát triển tràn lan, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ngay trong nội bộ ngành”[114, tr.18]. Để khắc phục tình trạng này, năm 2000, trong Báo cáo rà soát phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, UBND thành phố khẳng định: Hải Phòng tập trung phát huy lợi thế về cảng biển phát triển mạnh dịch vụ vận tải quốc tế, “phát triển đội tàu biển với hạt nhân là đội tàu quốc gia”, “phát triển các loại hình dịch vụ hàng hải để Hải Phòng sớm hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực hàng hải” [163, tr. 67]. Đây sẽ là hướng đi mới cho dịch vụ cảng và vận tải biển Hải Phòng phát triển trong thế kỷ XXI.

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo phát triển kinh tế biển từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 45)