Một là, Đảng chủ trương đổi mới hoạt động KTĐN nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội
Hiệu quả kinh tế - xã hội là tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự phát triển KTĐN. Quan điểm này xuất phát từ thực tế hoạt động kinh tế phải tính đến hiệu quả và có hiệu quả.
Hiệu quả KTĐN là mức độ tác động của hoạt động KTĐN vào việc thực hiện mục tiêu của nền kinh tế quốc dân. Hiệu quả kinh tế thể hiện các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực KTĐN phải làm ăn có lãi, kinh doanh hợp pháp, đúng chính sách của Nhà nước và phải có đóng góp cho Nhà nước. Nghị quyết số 06-NQ/TW
của Đảng (1989) khẳng định: “Hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại phải thể hiện ở mức độ đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nước” [45, tr. 610]. Sự phát triển KTÐN chỉ thực sự có ích cho đất nước nếu có hiệu quả kinh tế - xã hội, mà trước hết là hiệu quả kinh tế. “Hiệu quả kinh tế phải là quan điểm cần được coi trọng, xuyên suốt, là tiêu chuẩn quan trọng nhất” [10, tr. 25] để xem xét, đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư, các biện pháp và chính sách kinh tế cũng như hoạt động của đơn vị cơ sở hoạt động KTĐN.
Nếu bản thân hoạt động KTĐN không có hiệu quả, thường xuyên thua lỗ thì sẽ không còn tác dụng cho việc tạo nguồn vốn, cho việc nâng cao đời sống nhân dân và sự nghiệp CNH. Ngân sách nhà nước phải bù lỗ, phải trợ cấp cho các hoạt động KTĐN nghĩa là phải cắt giảm các khoản chi tiêu có ích khác về văn hóa, xã hội, đời sống, đầu tư.
Hiệu quả xã hội thể hiện hoạt động KTĐN góp phần giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; thoả mãn những nhu cầu của nhân dân mà trong nước chưa đáp ứng được; tăng cường trao đổi thông tin và mở rộng quan hệ hữu nghị với nước ngoài.
Hiệu quả phải xét cả mặt kinh tế và xã hội, trước mắt và lâu dài. Mọi lĩnh vực KTĐN, dù ở thành phần nào, ngành nào, cấp nào đều phải đưa lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở và phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế.
Hai là, chủ trương đa dạng hóa các hoạt động KTĐN và đa phương hóa các quan hệ KTĐN
Quan điểm đa dạng hóa, đa phương hóa KTĐN xuất phát từ xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động KTĐN của Việt Nam.
Hoạt động KTĐN rất phong phú và đa dạng, tập trung ở bốn lĩnh vực chủ yếu là: ngoại thương, xuất nhập khẩu; đầu tư trực tiếp, viện trợ cho vay; hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ. Đa dạng hóa các hoạt động KTĐN là sử dụng tất cả các lĩnh vực khác nhau để mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài. Mặt khác, thị trường thế giới vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó, mỗi nước đều có thế mạnh của mình và đồng thời mỗi thị trường đều có những lợi thế so sánh ở một số mặt hàng cụ thể. Không thể có một thị trường toàn diện, ở đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều có lợi thế. Tình hình mới đòi hỏi
phải đa phương hóa quan hệ KTĐN, tìm ra những thế mạnh của từng mặt hàng ở từng thị trường. Đa phương hóa quan hệ KTĐN với nhiều nước, nhiều khu vực, nhiều đối tượng còn là chủ trương chiến lược nhằm phá thế bao vây, cấm vận. Khai thác nhiều nguồn lực để bảo đảm thế chủ động trong nhiều mối quan hệ. Đảng chủ trương mở rộng thị trường và đối tượng hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên nguyên tắc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên bình đẳng, cùng có lợi.
Hoạt động KTĐN từ năm 1975 đến năm 1985 chủ yếu trong phạm vi giữa Việt Nam với các nước XHCN. Trong thời gian này, những chuyển biến phức tạp của tình hình thế giới và thực tiễn Việt Nam đặt ra những yêu cầu cấp bách phải giải quyết: Một là, phải giải toả tình trạng bao vây, cấm vận, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Hai là, phải thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong hoàn cảnh các nguồn viện trợ, đầu tư từ các nước XHCN không còn. Theo quan điểm này, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải biết tổ chức và phát huy có hiệu quả các hoạt động KTĐN vốn có; đồng thời, biết tìm kiếm và đón nhận các hoạt động KTĐN mới trên cơ sở thực tiễn trong nước và điều kiện thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Đại hội VI của Đảng rút ra những bài học kinh nghiệm về sự cần thiết phải đổi mới phương thức tập hợp lực lượng “phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới” [30, tr. 30], nhận thức được “xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” [30, tr. 31]. Từ đó, Đảng chủ trương “sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” [30, tr. 31]. Những nhận thức trên đã đặt nền móng cho việc hình thành chủ trương đa dạng hóa các hoạt động KTĐN và đa phương hóa các quan hệ KTĐN.
Tháng 3 - 1990, Hội nghị lần thứ 8 BCHTƯ khóa VI ban hành nghị quyết 8A tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta. Trong đó, việc mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm “thêm bạn, bớt thù” được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quán triệt không để các vấn đề cục bộ, tạm thời, thứ yếu cản trở việc thực hiện
nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam; đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đẩy lùi chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam; xác định cách đóng góp tốt nhất và thiết thực nhất vào cách mạng thế giới lúc này là thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, làm cho Việt Nam ngày càng ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong điều kiện mới, Đại hội VII của Đảng khẳng định “đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại” [32, tr. 64] là một trong những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Đảng chủ trương: “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” [32, tr. 88]. Đại hội VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó, đặc trưng thứ sáu của xã hội XHCN, được xác định “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới” [47, tr. 134]. Những quan điểm trên đây là một bước điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh quốc tế mới và yêu cầu mở rộng quan hệ KTĐN của Việt Nam.
Tháng 6 - 1992, Hội nghị BCHTƯ lần thứ 3 (khóa VII) nhấn mạnh việc mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, cả về Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng cửa để tiếp thu vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, tiếp cận thị trường thế giới. Tháng 01 - 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đề ra quan điểm: “Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng một nền kinh tế mở cả trong và ngoài nước, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ với nước ngoài” [33, tr. 28].
Trong 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới, từ quan điểm mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài tại Đại hội VI, sau đó tiếp tục bổ sung, phát triển tại các Nghị quyết Trung ương tiếp theo đã đặt nền móng cho việc đổi mới hoạt động KTĐN. Đến Đại hội VII và các Hội nghị BCHTƯ khóa VII, đặc biệt là Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, đã hình thành chủ trương đa dạng hóa và đa phương hóa KTĐN.
Ba là, chủ trương đổi mới hoạt động KTĐN góp phần quan trọng phá thế bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị
Đổi mới hoạt động KTĐN là một tiến trình mang tính hai mặt: Một mặt, khai thác các nhân tố bên ngoài; mặt khác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực bên trong.
Các nhân tố bên trong bao gồm đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật và điều kiện vật chất cần thiết cho sự phát triển và mở rộng KTĐN. Các nhân tố bên ngoài bao gồm môi trường chính trị - kinh tế thế giới và khu vực, quan hệ đối ngoại với các nước và các tổ chức quốc tế, các nguồn lực có thể tranh thủ được như vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường, hàng hóa, dịch vụ, tài chính, lao động... Trong các nhân tố bên trong thì đường lối, chính sách là những nhân tố quyết định nhất. Trong các nhân tố bên ngoài, cần coi trọng những điều kiện quốc tế thuận lợi; đồng thời, có sách lược đúng, tranh thủ đến mức tối đa các nguồn lực của thế giới. Kết hợp nhân tố bên trong với nhân tố bên ngoài và khai thác triệt để tính ưu việt của sự kết hợp này là một trong những giải pháp cơ bản để đổi mới hoạt động KTĐN, là phương hướng chủ yếu để đưa đất Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng. Đây thực chất là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Sau 10 năm đổi mới (1986 - 1996), những thành tựu về đối ngoại nói chung, hoạt động KTĐN nói riêng đã góp phần to lớn tạo nên những tiêu đề cho việc khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế của đất nước, đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế (GDP tăng hàng năm 3,9% (1986 - 1990) và 8,2% (1991 - 1995)), đưa Việt Nam sớm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống cho nhân dân, tạo nên thế và lực mới đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ bình thường với các với các nước và với các trung tâm kinh tế - chính trị lớn, kể cả năm nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ngoài ra còn chuẩn bị tốt cho việc lập quan hệ với khoảng 20 nước khác là những thành viên của Liên hợp quốc. Ngoài quan hệ song phương, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ quan hệ đa phương. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, đến năm 1995, Việt Nam đã có quan hệ quốc tế rộng mở, thiết lập quan hệ ngoại giao với 164 nước, ngày 11 - 7 - 1995 Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 17 - 7 - 1995 Việt Nam ký Hiệp định khung với Liên hiệp châu Âu, ngày 28 - 7 - 1995 Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, khi gia nhập ASEAN, Việt Nam tích cực thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN (xem Phụ lục 4, mục 4.1).