Đảng chủ trương phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại đi đôi với giữ

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 109)

giữ vững tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế

Xu thế hội nhập kinh tế gần như đã trở thành xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Tất cả các nước tham gia quá trình hội nhập đều xuất phát từ mục tiêu bên trong, phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, môi trường kinh tế của một số nước có thể bị đe dọa bởi các hoạt động đang xảy ra ở ngoài nước. “Ở một số nước có thu nhập thấp, sự đe dọa này có thể nghiêm trọng đến mức làm nguy hại đến sự phát triển bền vững” [144, tr. 9].

Tham gia APTA, APEC, tiếp đó là WTO tức là bước vào một cuộc chơi đầy cam go vì sự chênh lệch quá xa giữa Việt Nam với các nước về trình độ kinh tế, kỹ thuật và kinh nghiệm trong nền kinh tế thị trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Chiến lược phát triển kinh tế và những biện pháp cụ thể cho sự hội nhập của Việt Nam vào thị trường khu vực và thế giới, trong đó mối quan hệ không cân sức, việc phát huy triệt để nội lực của đất nước với ý chí tự lực, tự cường, với sự động viên cao độ tiềm lực vật chất và trí tuệ là yếu tố rất cơ bản để có thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt. Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng chỉ rõ rằng, dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài là một yếu tố quyết định để đưa Việt Nam vượt qua thử thách, đưa đất nước tiến lên.

Khái niệm nền kinh tế độc lập tự chủ không ít lần được nhắc tới; tuy nhiên, quan niệm về nền kinh tế độc lập tự chủ trong thời gian trước đây và hiện nay có những nét khác nhau. Nếu như trước kia khái niệm nền kinh tế độc lập tự chủ làm cho người ta liên tưởng tới việc tự lực cánh sinh hoặc biệt lập, khép kín, ít giao lưu và kém hiệu quả, thì ngày nay, khái niệm này được hiểu một cách mềm dẻo và linh hoạt hơn, độc lập tự chủ có tính tương đối. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được đặt trong mối quan hệ biện chứng với việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan

hệ quốc tế, mở cửa, giao lưu với các nền kinh tế, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Nói một cách chung nhất, nền kinh tế độc lập tự chủ là nền kinh tế có thể tự thân vận động, sử dụng và phát huy được nội lực, chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai, có khả năng đối phó và đứng vững trước những thách thức, tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Độc lập, tự chủ của Việt Nam hoàn toàn khác về bản chất và luôn xa lạ với tư tưởng biệt lập, khép kín, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và biệt phái. Độc lập là thực hiện các quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện cùng bảo đảm lợi ích chính đáng của các dân tộc. Độc lập, tự chủ nhưng cần gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế. Theo đó, sự chia sẻ hệ thống các lợi ích về kinh tế phải dựa trên các nguyên tắc: 1 - Tối ưu hóa các lợi ích quốc gia và lợi ích trong nước; 2 - Chia sẻ cùng có lợi với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực; 3 - Không để sự chia sẻ bởi hai lợi ích trên đây chuyển hóa, tác động, ảnh hưởng lớn đến hệ thống lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trước hết là độc lập tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng XHCN, có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh, có thị trường quốc tế đa dạng và tránh lệ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Độc lập và tự chủ về KTĐN của Việt Nam luôn nằm trong các mối tương quan chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực trên thế giới; giữa sự ổn định, phát triển hay bất ổn, khủng hoảng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; giữa tương quan lực lượng các đối tác và đối tượng. Tính biện chứng của vấn đề độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm việc khắc phục sự lệ thuộc, chống áp đặt, lôi kéo, chi phối, can thiệp vào công việc nội bộ hay bị động, bất ngờ trước những diễn biến của môi trường quốc tế, sự hợp tác của đối tác hay chống đối của đối tượng mà còn là nêu cao và phát huy tính chủ động trong việc tham gia vào các nội dung, tiến trình hoạt động của khu vực và quốc tế.

Sinh thời, Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Quan điểm của Hồ Chí Minh được Đảng quán triệt trong chủ trương đối với hoạt động KTĐN thời kỳ đổi mới. Văn kiện Đại hội VII, Đại hội VIII, Nghị quyết Hội nghị BCHTTƯ lần thứ 4 khóa VIII (12 - 1997) đề ra nhiệm vụ: “Giữ vững độc lập tự chủ”, “hội nhập mà không hòa tan”, mở cửa nhưng không đánh mất mình, độc lập nhưng không đóng cửa biệt lập với hành trình phát triển của

nhân loại. Đại hội IX của Đảng nêu lên luận điểm và chủ trương quan trọng là “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Báo cáo Chính trị của Đại hội X nêu phương hướng: “... mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế... đến 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” [44, tr. 76]. “Chủ động” hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu là sự thể hiện khả năng tự chủ về kinh tế, trước hết là tự chủ về đường lối và các quyết sách phát triển.

Tựu chung lại, giữ vững tính độc lập, tự chủcủa nền kinh tế và KTĐN là chủ trương quan trọng của Đảng, là nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không mâu thuẫn với phát triển KTĐN mà đặt trong mối quan hệ biện chứng với mở cửa, hội nhập, chủ động tham gia giao lưu, hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là để phát triển KTĐN. Mô hình kinh tế độc lập, tự chủ là mô hình “kinh tế mở”, hướng ngoại để phát triển, nhưng không lệ thuộc vào bên ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong một số ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối nền kinh tế, giữ các khoản nợ quốc gia trong phạm vi an toàn và có nguồn dự trữ quốc gia đầy đủ. Không ngả hẳn hoặc dựa hẳn vào sự giúp đỡ quốc tế mà tất yếu phải độc lập tự chủ, sáng tạo, tự lực tự cường, ứng phó được với mọi thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, “các quốc gia độc lập ngày càng tăng cường cuộc đấu tranh để tự lựa chọn và quyết định con đường phát triển của mình” [44, tr. 65].

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 109)