Đảng nhận thức ngày càng rõ hơn tầm quan trọng của hoạt động kinh tế

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 103)

kinh tế đối ngoại

Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô làm cho cục diện thế giới và quan hệ quốc tế thay đổi một cách căn bản. Các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tan vỡ ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trung Quốc tiến hành cải cách, chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN. Phạm vi của kinh tế thị trường được mở rộng hơn góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa. Kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp của từng quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nền kinh tế thế giới đang phát triển thành một tổng thể thống nhất, nền kinh tế các quốc gia ngày càng hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, “vừa liên hệ mật thiết và phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, vừa mâu thuẫn và cạnh tranh với nhau gay gắt”[104, tr. 77].

Trước khi đổi mới, ở Việt Nam đã hình thành một cơ cấu kinh tế khép kín, hướng nội. Do nhận thức sai quy luật, ưu tiên phát triển tư liệu sản xuất và nhận thức một cách giáo điều về cơ sở duy nhất của CNXH là đại công nghiệp cơ khí, Việt Nam đã coi công nghiệp nặng là đòn bẩy đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, xác định mấu chốt của CNH XHCN là xây dựng một hệ thống công nghiệp nặng hiện đại, từ đó phần lớn ngoại tệ thu được qua xuất khẩu và viện trợ của nước ngoài giành để nhập khẩu phục vụ công nghiệp nặng, mà công nghiệp nặng lại cung cấp rất ít hàng hóa xuất khẩu. Chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu không thực hiện được vì nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, những ngành cung cấp những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, không được đầu tư thích đáng, không được hưởng phần ngoại tệ cần thiết để trang bị kỹ thuật tiên tiến. Mặt khác, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, tất yếu phải thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương. Mỗi một mặt hàng (hay một nhóm mặt hàng) chỉ do một công ty ngoại thương nhà nước kinh doanh, việc quy định tỷ giá ngoại tệ lại không hợp lý, theo hướng nâng giá quá cao đồng Việt Nam, nên không khuyến khích xuất khẩu.

Nhìn tổng thể, tư duy về đổi mới kinh tế được manh nha từ Hội nghị BCHTƯ lần thứ 6, khóa IV (8 - 1979) với chủ trương “bằng mọi cách làm cho sản

xuất bung ra”, tư tưởng trên nhen nhóm cho việc giải phóng lực lượng sản xuất khỏi sự kìm hãm, không coi kế hoạch là duy nhất mà kết hợp kế hoạch với thị trường. Đây cũng là tiền đề của bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, kinh tế hàng hóa, nhận thức sự cần thiết tất yếu của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Tiếp đến Hội nghị BCHTƯ lần thứ 8 khóa V (6 - 1985) với chủ trương dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung, thực hiện cơ chế một giá do thị trường điều tiết, hình thành tư tưởng về

hạch toán kinh doanh XHCN, thừa nhận sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị. Đặc biệt, Hội nghị Bộ Chính trị khóa V (8 - 1986), đưa ra “Kết luận đối với một số vấn đề về quan điểm kinh tế”. Những kết luận này khẳng định sản xuất hàng hóa, kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện quy luật giá trị, cơ chế thị trường. Song những điều chỉnh cục bộ chưa làm thay đổi căn bản thực trạng nền kinh tế và cuộc khủng hoảng trong nước vẫn rất trầm trọng. Với những bước đột phá trên, Đảng đã có cơ sở thực tiễn và lý luận để xác định đổi mới kinh tế là một chiến lược phát triển, một thời cơ lớn đồng thời cũng là thách thức lớn trên con đường phát triển. Đây là trọng trách lịch sử mà Đảng phải đảm trách, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước trong hoàn cảnh khó khăn. Điều đó chứng tỏ bước đột phá để thoát ra khỏi khó khăn phải hết sức căn bản, toàn bộ, đổi mới phải mang tính cách mạng và triệt để. Theo đó, công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam phải đáp ứng hai mục tiêu cơ bản: Về dài hạn, đổi mới phải hướng tới mục tiêu thay thế cơ chế kế hoạch hóa tập trung bằng một cơ chế mới tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN... phù hợp với những đòi hỏi của hoàn cảnh quốc tế đang thay đổi rất nhanh. Thực chất của đổi mới, theo nghĩa này, là áp dụng một phương thức mới, một cơ chế kinh tế có thể giải quyết được vấn đề phát triển cho đất nước; Về ngắn hạn, đổi mới phải tìm ra các giải pháp đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, giúp ổn định và khôi phục các thành phần kinh tế. Phương án thích hợp cho sự lựa chọn đó, từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế là: cơ chế thị trường, mở cửa, theo mô hình tăng trưởng hướng vào xuất khẩu. Để khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, Đảng chủ trương phải trước hết phải đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy: “Phải nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan, trong đó các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội ngày càng chi phối mạnh mẽ phương hướng chung của xã hội” [42, tr. 29].

Đổi mới toàn diện nền kinh tế trở thành một yêu cầu cấp bách đối với đất nước. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, từ khảo nghiệm thực tế, Đại hội VI của Đảng (12 - 1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định quyết tâm đổi mới theo tinh thần cách mạng và khoa học, khắc phục quan niệm, nhận thức giản đơn về sản xuất hàng hóa và thị trường XHCN. Một trong những đường lối đổi mới quan trọng nhất là đổi mới về cơ chế và chính sách kinh tế. Đại hội VI kiên quyết xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa, từng bước thực hiện cơ chế hạch toán kinh tế trong kinh doanh, thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ xuất phát từ những phân tích lý luận và nghiên cứu mô hình kinh tế mà còn là kết quả của một quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam tìm tòi, thử nghiệm khi thực hiện chuyển đổi kinh tế. Quá trình đổi mới kinh tế chủ yếu là quá trình chuyển từ một nền kinh tế chỉ có hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể sang một nền kinh tế nhiều thành phần; đó là quá trình chuyển từ một nền kinh tế khép kín và tự cấp, tự túc sang nền kinh tế mở, cả đối với trong và ngoài nước. Từ nhận thức này, Đảng từng bước có những chủ trương đổi mới kinh tế nói chung, hoạt động KTĐN nói riêng. Các chủ trương này đều theo hướng tự do hóa, ở các tầng cấp khác nhau, phụ thuộc vào thực lực cụ thể ở mỗi lĩnh vực. Cùng với việc điều chỉnh chủ trương như trên, chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương được thay bằng chế độ Nhà nước quản lý thống nhất mọi hoạt động KTĐN bằng pháp luật và chính sách. Mọi thành phần kinh tế đều được tham gia các hoạt động KTĐN. Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực và nhiều lần tu chỉnh đã thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Do đó, các lĩnh vực của hoạt động KTĐN từng bước được mở rộng, phát triển.

Như vậy, để khắc phục được khó khăn, chống tụt hậu về kinh tế, trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy. Thực tiễn từ Đại hội VI, Đảng đã có sự đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Sự kết hợp giữa đổi mới nền kinh tế trong nước với các biện pháp mở cửa để thu hút đầu tư từ bên ngoài được thực hiện. Phát triển KTĐN là việc làm phù hợp với quy luật phát triển chung của nền kinh tế, là từng bước hội nhập kinh tế quốc gia với kinh tế khu vực và thế giới.

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)