Khái quát về hoạt động kinh tế đối ngoại trước năm 1986

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 29)

Hoàn cảnh lịch sử

Sau năm 1975, Việt Nam trong bối cảnh “vừa có hòa bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” [45, tr. 53], đây là một tình thế đặc biệt gây trở ngại lớn cho quá trình ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng CNXH, Việt Nam có một số thuận lợi cơ bản: Đất nước độc lập thống nhất, tự chủ; tài nguyên phong phú, dồi dào sức lao động, nhân dân có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo; quá trình xây dựng CNXH để lại một số kinh nghiệm quản lý kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của miền Bắc sau 20 năm xây dựng; xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ về cơ bản có bản lĩnh cách mạng, ý thức trách nhiệm, trình độ và năng lực nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước những khó khăn to lớn, đó là một nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, chủ yếu dựa vào viện trợ của nước ngoài, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi hậu quả mấy chục năm chiến tranh (Mỹ ném xuống Việt Nam 7.850.000 tấn bom đạn, gần hai triệu người bị chết, hơn hai triệu người bị tàn tật. Hai triệu người, trong đó có khoảng năm vạn trẻ em bị dị dạng do nhiễm chất độc màu da cam...). Kinh nghiệm những năm xây dựng CNXH ở miền Bắc chưa kịp tổng kết, trình độ về tổ chức, quản lý xã hội còn yếu. Lợi dụng tình hình khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội, Mỹ đã liên kết với các thế lực phản động chống CNXH ra sức bao vây cấm vận Việt Nam, ngăn cản quá trình Việt Nam hòa nhập với cộng đồng quốc tế vì mục đích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Ở phía Bắc, Trung Quốc gây ra hàng trăm vụ lấn chiếm biên giới, tiến sâu vào Việt Nam, gây tình trạng căng thẳng ở biên giới phía Bắc.

Trong tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã nhanh chóng thống nhất đất nước, khôi phục kinh tế, thiết lập hệ thống chính trị trên cả nước, giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh biên giới.

Từ những năm 70 (thế kỷ XX), cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển với trình độ ngày càng cao, làm tăng nhanh lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho các quốc gia nhanh chóng tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế. Từ đó hình thành nên một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, rút ngắn được tiến trình hiện đại hóa. Xuất phát từ nhu cầu tăng cường phát triển kinh tế, việc liên kết hợp tác trở thành một đòi hỏi khách quan. Nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế được hình thành. Sự phát triển kinh tế không còn bó hẹp ở phạm vi trong nước mà mang tính chất xuyên quốc gia.

Tình hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có những chuyển biến mới. Xu thế hòa bình và hợp tác trong khu vực phát triển nhưng vẫn còn những bất ổn như: vấn đề hạt nhân, tranh chấp lãnh hải biển Đông, một số nước tăng cường vũ trang. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có tiềm lực lớn và năng động về phát triển kinh tế. Sau năm 1975, Mỹ rút quân khỏi Đông Nam Á, khối quân sự SEATO tan rã. Tháng 02 - 1976, các nước ASEAN ký hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali), mở ra cục diện hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Những thuận lợi, khó khăn từ tình hình thế giới và trong nước giai đoạn này đã ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tác động tới việc hoạch định đường lối kinh tế của Đảng.

Tổng hợp tình hình trước đổi mới cho thấy: “Việt Nam trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội: sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, bị bao vây cấm vận kinh tế, đời sống nhân dân khó khăn...” [35, tr. 9].

Đảng chỉ đạo hoạt động kinh tế đối ngoại

Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 24 (khóa III) tháng 8 - 1975 nêu nhiệm vụ cơ bản của KTĐN là:

Trong quan hệ hợp tác kinh tế với các nước, cần tranh thủ vốn và kỹ thuật để tận dụng mọi khả năng tiềm tàng về tài nguyên và sức lao động của nước ta nhằm nhanh chóng đưa nước ta lên trình độ tiên tiến của thế giới. Dành ưu tiên cho việc nhập kỹ thuật hiện đại để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhập các loại nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu quan trọng mà trong nước chưa có [25, tr. 55].

Báo cáo Chính trị tại Đại hội IV của Đảng (1976) nêu lên đường lối xây dựng kinh tế: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” [26, tr. 30],trong đó, Đảng nhấn mạnh vai trò của KTĐN là kết hợp phát triển kinh tế trong nước với mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài “do tầm quan trọng đặc biệt của nó, công tác kinh tế đối ngoại phải được tăng cường”. Nhiệm vụ của KTĐN được xác định là:

Không ngừng mở rộng phân công và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương, là đòi hỏi khách quan của thời đại. Đặc biệt đối với Việt Nam, từ nền sản xuất nhỏ tiến thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường quan hệ, phân công hợp tác tương trợ về kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và phát triển quan hệ với các nước khác có tầm quan trọng rất lớn [26, tr. 95].

“Công tác xuất khẩu và nhập khẩu vì vậy là một bộ phận rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế” [26, tr. 97].

Tháng 9 - 1975, Bí thư Thứ nhất Đảng lao động Việt Nam Lê Duẩn thăm chính thức Liên Xô. Trong chuyến thăm này, Việt Nam ký với Liên Xô một số hiệp định hợp tác kinh tế, trong đó Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, Trị An, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Cũng trong tháng 9 - 1975, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn thăm chính thức Trung Quốc, phía Trung Quốc cam kết thực hiện 111 công trình đã hứa giúp trước năm 1975.

Cùng với chủ trương của Đảng, hoạt động KTĐN của Nhà nước được triển khai.

Với mong muốn hội nhập khu vực, sau khi thống nhất đất nước về mặt nhà nước, ngày 05 - 7 - 1976, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nêu chính sách 4 điểm của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đối với các nước Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh: Phát triển sự hợp tác giữa các nước trong khu vực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi nước, vì lợi ích của độc lập, hòa bình, trung lập thật sự ở Đông Nam Á, góp phần vào sự nghiệp hòa bình trên thế giới. Chính sách 4 điểm trên phù hợp với tinh thần hiệp ước Bali nên được các nước ASEAN hoan nghênh và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippin ngày 12 - 7 - 1976, với Thái Lan ngày 06 - 8 - 1976 (Việt

Nam đã lập quan hệ ngoại giao chính thức với Inđônêxia từ năm 1964, với Malaixia, Singapo từ năm 1973).

Ngày 19 - 4 - 1977, Chính phủ ban hành Điều lệ đầu tư nước ngoài ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kèm theo Nghị định số 115-CP với mong muốn bước đầu mở rộng quan hệ KTĐN với các nước, không phân biệt chế độ xã hội khác nhau

(xem Phụ lục 1, mục 1.3). Nội dung này được thể hiện trong Điều lệ đầu tư: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh việc đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam và hai bên cùng có lợi” (Điều 1). Tuy còn những hạn chế nhất định, bản Điều lệ đã thể chế hóa chính sách đầu tư tương đối cởi mở, theo hướng đa phương hóa quan hệ và đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Mặc dù vậy, do tình hình chính trị trong khu vực và thế giới lúc bấy giờ không ổn định nên việc triển khai Điều lệ và Nghị định còn gặp nhiều khó khăn. Một mặt về phía các nước tư bản chịu sự chi phối bởi lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, mặt khác, thực tế lúc này việc hợp tác trong lĩnh vực đầu tư sản xuất và dịch vụ của Việt Nam chủ yếu diễn ra với các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô. Đến đầu những năm 80 (thế kỷ XX), nền kinh tế của Liên Xô và Đông Âu đã bộc lộ sự khủng hoảng, trì trệ. Nguyên nhân chính của tình hình là do Liên Xô không hòa nhập được với sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ, bị thiệt hại nặng do chạy đua vũ trang và cơ bản là do những khuyết tật, yếu kém của mô hình tập trung, quan liêu, bao cấp chưa được sửa chữa kịp thời để thích ứng với tình hình mới.

Ở trong nước cũng gặp những khó khăn lớn, tình hình kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng gay gắt. Từ năm 1975 đến năm 1985, tổng sản phẩm xã hội bình quân mỗi năm chỉ tăng tăng 4,6%, lạm phát với 3 con số ngày một tăng (1978: 128%, 1981: 313%), công nghiệp phát triển chậm (những năm 1976 - 1980 chỉ tăng bình quân 0,6%), cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, trình độ khoa học công nghệ chuyển biến chậm, nạn đói xảy ra ở một số vùng.

Nguyên nhân khách quan của khủng hoảng là do nền kinh tế vốn đã nghèo nàn lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ngày 03 - 7 - 1978, Trung Quốc đơn phương quyết định cắt toàn bộ viện trợ kinh tế kỹ thuật cho Việt Nam, điều về nước các chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam. Một số nước XHCN cũng không viện trợ thêm cho Việt Nam với lý do Việt Nam đã ra khỏi chiến tranh - điều đó đã gây

căng thẳng trong việc cung cấp vật tư, kỹ thuật cho Việt Nam. Thiên tai ba năm liền (1976, 1977, 1978) làm cho tình tình càng thêm khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là do Đảng và Nhà nước Việt Nam không đánh giá đầy đủ khó khăn, phức tạp sau chiến tranh, nhất là trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng. Bên cạnh đó, sai lầm phổ biến, kéo dài là việc duy ý chí, chủ quan, nóng vội, muốn xóa bỏ nhanh các thành phần kinh tế phi XHCN và đốt cháy giai đoạn cũng khiến cho tình hình kinh tế Việt Nam càng thêm khó khăn.

Thực trạng về kinh tế, xã hội đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam những yêu cầu lịch sử mới là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội, tìm giải pháp để khắc phục khó khăn trước mắt và con đường quá độ lên CNXH.

Tháng 9 - 1979, Hội nghị lần thứ 6 BCHTƯ Đảng (khóa IV) nêu ra một số chủ trương liên quan đến hoạt động KTĐN, trong đó khuyến khích các quan hệ thương mại, quan hệ hàng hóa, đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy một số nội dung của KTĐN chưa đề cập đầy đủ, toàn diện nhưng là bước khởi đầu rất có ý nghĩa. Tư tưởng cơ bản là “làm cho sản xuất bung ra đúng hướng” [27, tr. 18] đã góp phần khắc phục những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, trong cải tạo XHCN, đề ra chủ trương phù hợp để phát triển lực lượng sản xuất.

Đại hội V của Đảng (1982) đề ra mục tiêu của chính sách đối ngoại: “Phải ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế to lớn và nhiều mặt cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước” [28, tr. 143]. Đối với hoạt động KTĐN, Đại hội chủ trương:

Nguyên tắc chiến lược và phương hướng chủ yếu của công tác kinh tế đối ngoại là: mở rộng và tăng cường hợp tác toàn diện với Liên Xô và phát triển hợp tác với các nước khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế, theo hướng liên kết kinh tế xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất trên những lĩnh vực thích hợp [28, tr. 69].

Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ Đảng khóa V (1984) đã chủ trương: Trung ương cùng địa phương tập trung đầu tư và quản lý để xây dựng 25 mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mặt khác, Nghị quyết đề ra việc hết sức khuyến khích các ngành, các địa phương khai thác mọi khả năng để tăng khối lượng và mặt hàng xuất khẩu. Kiểm

soát chặt chẽ nhập khẩu, phải luôn tính toán hiệu quả và khả năng trả nợ. Ban hành chính sách bảo hộ và phát triển sản xuất hàng hóa trong nước.

Một cách tổng quát, những năm 1976 - 1978, tình hình hoạt động KTĐN diễn ra tương đối thuận lợi, nhưng từ cuối năm 1978 đầu năm 1979, tình hình diễn ra rất phức tạp theo hai chiều hướng ngược nhau: 1 - Liên Xô và các nước XHCN tăng cường hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam khắc phục khó khăn; 2 - Mỹ và một số nước phương Tây chủ trương bao vây kinh tế, cấm vận thương mại và cô lập Việt Nam. Những năm 1980 - 1985, mặc dù đối tác quan hệ KTĐN của Việt Nam chủ yếu vẫn là các nước XHCN, song Việt Nam cũng đã mở rộng quan hệ với một số nước TBCN như Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản. Bên cạnh hình thức quan hệ kinh tế song phương, Việt Nam bắt đầu tham gia hình thức hợp tác kinh tế đa phương trong khối SEV, trở thành thành viên của một số tổ chức quốc tế và hoạt động KTĐN diễn ra với nhiều hình thức phong phú hơn.

Đánh giá thành tựu, hạn chế

Thời kỳ từ khi thống nhất đất nước đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới là một trong những thời kỳ khó khăn: cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng kéo dài; hậu quả của hơn 30 năm chiến tranh tàn phá nặng nề; ba năm bị thiên tai bão lụt; Mỹ tăng cường siết chặt cấm vận; những sai lầm về lãnh đạo kinh tế (chủ quan, nóng vội, duy ý chí, giản đơn, cơ chế kế hoạch hóa tập trung); cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc. Trong tình hình đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động KTĐN thời kỳ trước đổi mới (1976 - 1985) thể hiện tập trung ở một số thành tựu và hạn chế sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thành tựu

Một là, Đảng chủ trương tăng cường quan hệ với các nước XHCN

Quá trình hình thành và phát triển của CNXH cho thấy cần khai thác tính ưu việt và sức mạnh của chế độ xã hội mới một cách có kế hoạch. Mặt khác, trong điều kiện có sự đấu tranh giữa các nước XHCN với tư bản chủ nghĩa (TBCN) phải coi trọng sự phân công lao động quốc tế XHCN. Điều này thể hiện sự liên kết giữa các thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) nhằm tạo khả năng thực hiện có hiệu quả sự phân công lao động quốc tế. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ VI (1986) khẳng định: Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, Việt Nam “phải tham dự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là mở

rộng quan hệ phân công, hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào và Cămpuchia; với các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa” [30, tr. 54].

Tham gia vào phân công lao động quốc tế XHCN, Việt Nam có cơ hội hiện đại hóa đất nước. Từ khi Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) (ngày 27 - 6 - 1978), sau đó ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô (11 - 1978), viện trợ hàng năm và kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với Liên Xô

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 1986 đến năm 2006 (Trang 29)