Yếu tố phi tài chính thuộc về khách hàng vay.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (Trang 56)

Đạo đức và uy tín của chủ doanh nghiệp hay cá nhân vay vốn: đây là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố phi tài chính có tác động đến khả năng hoàn trả nợ của khách hàng. Mặc dù vậy, yếu tố này rất khó đánh giá, nguồn cung cấp thông tin ở Việt Nam hiện tại chỉ là phi chính thức và Ngân hàng có thể sẽ đưa ra quyết định mang tính cảm tính. Tại SHB, rủi ro này thường xảy ra sau khi giải ngân nguồn vốn, dưới các hình thức:

- Doanh nghiệp không sử dụng vốn đúng mục đích đi vay hoặc không có thiện chí trả nợ. Nhận biết được tầm quan trọng trong việc giám sát sau khi cho vay, tránh gặp phải rủi ro đạo đức, sau khi kiểm tra SHB phát hiện không ít khách hàng cho biết một phần vốn vay được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, phần khác thì dùng cho mục đích khác. Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp và làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ngân hàng, hệ quả là phát sinh nợ xấu. Có một số trường hợp khách hàng xin vay ngắn hạn nhưng thực tế là sử dụng vào những công trình đầu tư dài hạn, vì trong tình hình nền kinh tế tăng trưởng như hiện nay, các doanh nghiệp thường có nhu cầu đầu tư trung dài hạn để cải tiến mở rộng sản xuất kinh doanh. Thậm chí có cả trường hợp sau khi kết thúc

chu kì kinh doanh, mặc dù có lợi nhuận song khách hàng vẫn cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn ngân hàng và điều này đã gây khó khăn cho nhân viên tín dụng trong quá trình thu hồi nợ, trong việc giải thích với lãnh đạo về khách hàng mà mình thẩm định, liên quan đến uy tín của nhân viên tín dụng và phần nào làm ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp khác.

- Khách hàng gian lận: rủi ro đạo đức còn xuất hiện trong quá trình cho vay với hình thức gian lận. Cho dù không phải món cho vay thương mại nào cũng hàm chứa khả năng gian lận, song thực tế chính những hành vi gian lận đã gây nên những tổn thất lớn cho ngân hàng. Gian lận có thể được coi là hậu quả tệ hại nhất khi thông tin không minh bạch. Nếu ngân hàng có thể quan sát được rõ ràng và đầy đủ mọi việc khách hàng làm thì khách hàng không thể gian lận được vì tất cả các hành động bất hợp pháp đều có thể bị phát hiện và lôi ra ánh sáng. Tổng hợp các thông tin nội bộ tại SHB về các vụ gian lận của khách hàng trong thời gian qua, có thể đúc kết như sau:

o Gian lận liên quan đến báo cáo tài chính hoặc gian lận kế toán: hình thức gian lận này xả ra khi một số công ty cố tình khai mang các số liệu trên báo cáo tài chính. Nếu các báo cáo tài chính không được kiểm toán mà do kế toán viên chuyên nghiệp xây dựng thì hành vi gian lận biểu hiện ở việc các doanh nghiệp thủ phạm cung cấp cho kế toán viên đó các thông tin giả hoặc dối trá. Gian lận báo cáo tài chính diễn ra dưới rất nhiều hình thức như sau:

 Ghi nhận doanh thu không đúng: khai khống hoặc bóp méo các giao dịch nhằm làm tăng thu nhập trên báo cáo.

Ghi nhận doanh thu không đúng kì kế toán: hạch toán một giao dịch là bán hàng trước khi nó được thực hiện.

Công bố không đầy đủ các giao dịch với các bên liên quan.

Xác định giá trị tài sản không đúng: xác định sai giá trị công nợ, cố ý định giá không đúng hàng hóa…

o Gian lận liên quan đến tài sản đảm bảo: khách hàng đi vay cố tình khai man về sự tồn tại của tài sản đảm bảo cho tài sản cho khoản vay. Ở SHB gặp chủ yếu là hình thức gian lận công nợ và hàng tồn kho-những tài sản căn bản của hình thức cho vay trên cơ sở tài sản:

Lập hóa đơn trước: khách hàng đi vay lập hóa đơn ngày hôm nay cho những hàng hóa hoặc dịch vụ ngày mai hoặc mãi sau này mới giao. Đây là hình thức gian lận phổ biến nhất để tạo tài sản thế chấp.

Phân loại công nợ trên biểu thu công nợ sai quy định: trường hợp này xảy ra khi bên đi vay chuyển những hóa đơn công nợ từ cột quá hạn không đủ tiêu chuẩn

sang cột đủ tiêu chuẩn để tăng mức tài sản thế chấp cho vay nợ.

Khai khống công nợ: trong hành vi gian lận này, con nợ tạo khống các khoản công nợ. Đó có thể là những hóa đơn chưa bao giờ tồn tại, hoặc là các hóa đơn phát sinh từ giao dịch với bạn bè hoặc những doanh nghiệp có liên quan, trong đó cả bên đi vay lẫn bên đối tác của bên đi vay đều ghi nhận doanh thu bán hàng trên sổ sách kế toán của mình. Đây là hành vi gian lận nghiêm trọng và nguy hiểm nhất.

Gian lận hàng tồn kho: khai tăng lượng hàng trong kho và hạch toán hàng trong kho theo giá trị không có thực, giả mạo hàng trong kho trên sổ sách kế toán.

o Gian lận liên quan đến việc ngụy tạo uy tín để lợi dụng vay tiền như: cố ý gây thanh thế, làm quen với những người có chức, có quyền và lợi dụng quan hệ, uy tín đó để vay tiền. Tạo cơ sở niềm tin ban đầu với ngân hàng bằng việc trả vốn và lãi đầy đủ trong những lần vay vốn đầu tiên với số tiền nhỏ và khi đã tạo được tín nhiệm mới tìm cách vay những khoản lớn hoặc tạo ra các dự án khống để vay khoản tiền lớn và chạy trốn.

- Năng lực quản trị kinh doanh của khách hàng: là yếu tố có tác động lớn và là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng. Theo thống kê tại SHB thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều trả nợ ngân hàng rất tốt. Đó là do các doanh nghiệp này có chất lượng quản trị doanh nghiệp, môi trường kiểm soát nội bộ, dự án kinh doanh của họ được xây dựng rõ ràng, cụ thể và cẩn trọng. Doanh nghiệp có trình độ quản trị cao luôn biết cách làm điều tốt nhất cho doanh nghiệp mình, thời hạn cho vay có thể kéo dài nhưng khả năng trả nợ luôn được đảm bảo. Ngược lại, các doanh nghiệp Nhà nước khả năng quản trị kém và còn ỷ lại nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên hiệu quả kinh doanh kém và khả năng tự trả nợ cho Ngân hàng cũng thấp. Điển hình vừa qua là vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, do được sự bảo trợ của Nhà nước, nên công tác quản trị giám sát điều hành kinh doanh khá lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả kinh doanh ngày càng sa sút và ngày càng giảm, khả năng trả nợ dần trở thành không có khả năng trả nợ dẫn đến tình hình nợ ngày càng tăng của Vinashin.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (Trang 56)