Một số lý thuyết nền liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án

Một phần của tài liệu Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 61)

Việc nghiên cứu xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV và quá trình đưa khung pháp lý này vào thực tiễn cần dựa trên cơ sở một số lý thuyết đã nền tảng nhằm đảm bảo tính logic, khoa học và các quy định pháp lý đưa ra có tính khả thi, mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, cho các đối tượng sử dụng thông tin cũng như cho toàn xã hội. Nội dung một số lý thuyết được sử dụng làm lý thuyết nền cho việc nghiên cứu xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam bao gồm:

2.3.1. Lý thuyết tín hiệu (signalling theory):

 Nội dung cơ bản của lý thuyết tín hiệu:

Lý thuyết này được Spence giới thiệu lần đầu vào năm 1973, trong điều kiện thị trường không hoàn hảo và bất cân xứng về thông tin. Đây là lý thuyết được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lý thuyết về quản trị. Nội dung Lý thuyết diễn tả hành vi hai bên tiếp cận thông tin khác nhau, phía cung cấp thông tin phải lựa chọn để truyền thông, chuyển tải thông tin gì và bằng cách nào còn về phía người nhận thông tin phải tìm cách để hiểu thông tin như thế nào. Trong lĩnh vực kế toán, mức độ không hoàn hảo và bất cân xứng về thông tin kế toán thường rất cao. Bởi vì đứng ở góc độ doanh nghiệp, người làm kế toán tại doanh nghiệp đóng vai trò là người “sản xuất” thông tin, là những đối tượng bên trong tiếp cận những thông tin nội bộ rõ ràng hơn, sớm hơn và cũng biết rõ về chất lượng thông tin họ cung cấp trong khi các đối tượng sử dụng thường gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận, xác định và đánh giá chất lượng thông tin kế toán doanh nghiệp công bố ra bên ngoài.

 Mối liên hệ giữa lý thuyết tín hiệu với nội dung nghiên cứu của luận án:

Qua nội dung cơ bản của Lý thuyết tín hiệu được giới thiệu ở trên cho thấy lý thuyết này đặt ra một vấn đề cơ bản khi nghiên cứu xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng, đó là các nhà soạn

thảo văn bản cần ban hành các quy định rõ ràng, thống nhất về cách thức xử lý, yêu cầu công bố thông tin và các doanh nghiệp cần áp dụng, tuân thủ quy định một cách nghiêm ngặt để mang lại thông tin kế toán hữu ích, đáp ứng yêu cầu các đối tượng sử dụng. Ngoài ra, cần vận dụng lý thuyết tín hiệu vào vấn đề cung cấp thông tin kế toán, theo đó, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin kế toán (tức tín hiệu) một cách trung thực và minh bạch cho thị trường để các đối tượng bên ngoài đánh giá đúng về tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp.

2.3.2. Lý thuyết tính hữu ích cho việc ra quyết định (decision-usefulness theory):

 Nội dung cơ bản của lý thuyết:

Việc xác định mức độ sử dụng thông tin tài chính của các đối tượng sử dụng dựa trên cơ sở lý thuyết về tính hữu ích cho việc ra quyết định (Staubus, 1961, 1977; theo Dang Duc Son et al, 2006). Lý thuyết này lần đầu tiên được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ năm 1973 với quan điểm xem mục tiêu của BCTC là cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc ra quyết định. Trong những năm 1980, lý thuyết tính hữu ích cho việc ra quyết định được xem như là nền tảng để xây dựng chuẩn mực kế toán quốc tế, là cơ sở để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng thông tin cho việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin kế toán. Giai đoạn phát triển của lý thuyết này đáng chú ý là vào nửa cuối thế kỷ 20 khi mà BCTC bị chỉ trích là cung cấp quá ít thông tin cho các đối tượng sử dụng trong việc ra quyết định (Edwards, 1989), dẫn đến việc ra quyết định sai lầm.

 Mối liên hệ giữa lý thuyết với nội dung nghiên cứu của luận án:

Theo lý thuyết tính hữu ích cho việc ra quyết định, kế toán được xem xét như là một quá trình cung cấp thông tin thích hợp cho các đối tượng sử dụng. Vì thế, tính hữu ích của thông tin được đánh giá thông qua mức độ nó hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng trong việc ra quyết định. Đây là nền tảng của vấn đề công bố thông tin, cơ sở lý thuyết và thực nghiệm của lý thuyết về tính hữu ích cho việc ra quyết định đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kế toán tài chính và quá trình ban hành chuẩn mực kế toán ở các nước phát triển. Ứng dụng trong bối cảnh luận án, việc xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNVVV ở Việt Nam

cũng không ngoại lệ. Khi ban hành các quy định pháp lý về kế toán cho các doanh nghiệp này cần dựa trên cơ sở lý thuyết tính hữu ích cho việc ra quyết định, theo đó các quy định đưa ra cần quan tâm đến tính phù hợp, tính hiệu quả và khả thi khi các doanh nghiệp áp dụng để mục tiêu cuối cùng là làm sao mang lại thông tin thích hợp, hữu ích nhất cho các đối tượng sử dụng, giúp hình thành một môi trường lành mạnh về thông tin kế toán do DNNVV cung cấp, giúp thông tin kế toán mang lại giá trị cao nhất.

2.3.3. Lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory):

 Nội dung cơ bản của lý thuyết:

Lý thuyết các bên liên quan của Freeman được đưa ra vào năm 1984. Theo lý thuyết, doanh nghiệp cần quan tâm đến mối quan hệ với các đối tượng có liên quan như chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan quản lý Nhà nước,..bên cạnh mối quan hệ truyền thống là nhà quản lý – chủ sở hữu vì các bên liên quan này có tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động của doanh nghiệp cần được thực hiện dựa trên nhu cầu, lợi ích và quan điểm của nhiều bên khác nhau.

 Mối liên hệ giữa lý thuyết với nội dung nghiên cứu của luận án:

Trong lĩnh vực kế toán, lý thuyết này được ứng dụng như là cơ sở cho việc công bố thông tin hữu ích đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng khác nhau trong nền kinh tế đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung, trong đó có DNNVV. Bên cạnh đó, các nhà lập quy cần lưu ý đến nền tảng lý thuyết này khi ban hành các quy định liên quan đến xử lý, trình bày và công bố thông tin kế toán để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, giữa doanh nghiệp công bố thông tin và người sử dụng thông tin cũng như giữa các đối tượng sử dụng thông tin với nhau. Nội dung này cũng cần được vận dụng triệt để khi nghiên cứu xác lập và áp dụng khung pháp lý kế toán cho DNNVV.

2.3.4. Lý thuyết lợi ích xã hội (public – interest theory)

Lý thuyết lợi ích xã hội được đưa ra bởi nhà kinh tế học người Anh là Arthur Cecil Pigou dựa trên giả định rằng thị trường rất dễ bị tổn thương, các thị trường sẽ hoạt động không hiệu quả nếu để bản thân nó tự điều chỉnh mà không có bất kỳ sự can thiệp nào. Vì thế, theo Lý thuyết này, các quy định cần được thiết lập nhằm đáp ứng yêu cầu của cộng đồng xã hội trong việc điều chỉnh sự bất công hoặc hoạt động không hiệu quả của thị trường, qua đó bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Lý thuyết này giải thích cho sự can thiệp của Nhà nước vào những vấn đề khác nhau, trong đó có lĩnh vực kế toán.

 Mối liên hệ giữa lý thuyết với nội dung nghiên cứu của luận án:

Trong lĩnh vực kế toán, lý thuyết lợi ích xã hội là cơ sở thiết lập các tổ chức lập quy về kế toán. Nhất là đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng của trường phái kế toán Châu Âu lục địa như Việt Nam, việc vận dụng lý thuyết này trong vấn đề ban hành các quy định pháp lý chi phối công tác kế toán ở doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng là đương nhiên vì kế toán được coi là công cụ quản lý. Thông qua công cụ này, cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp để quản lý hoạt động kế toán tại doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của các bên có liên quan và lợi ích chung của toàn xã hội, đồng thời có thể thực hiện một số điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

2.3.5. Lý thuyết nắm giữ (capture theory)

 Nội dung cơ bản của lý thuyết:

Lý thuyết nắm giữ được đưa ra bởi George Stigler, nó còn được gọi là lý thuyết nhóm lợi ích (interest-group theory). Theo lý thuyết này, các quy định được thiết lập theo yêu cầu của các nhóm lợi ích trong xã hội nhằm tối đa hóa lợi ích của các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, lý thuyết này cũng cho rằng, bản thân các tổ chức lập quy có thể không độc lập trong quá trình lập quy và các nhóm lợi ích khác nhau sẽ tranh giành để kiểm soát quyền lực của tổ chức lập quy (Vũ Hữu Đức, 2010).

 Mối liên hệ giữa lý thuyết với nội dung nghiên cứu của luận án:

Trong lĩnh vực kế toán, lý thuyết nắm giữ thể hiện rõ trong vấn đề lập quy, các cơ quan tổ chức nắm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hướng dẫn thực hiện

công tác kế toán thường dùng quyền lực của mình để chi phối nội dung quy định sao cho quyền lợi của mình được đảm bảo tối đa. Đặc biệt ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...điều này thể hiện khá rõ nét, các chuẩn mực kế toán chịu sự chi phối mạnh mẽ của Ủy ban chứng khoán và các tổ chức nghề nghiệp. Còn ở các nước chịu ảnh hưởng của trường phái kế toán Châu Âu lục địa như Pháp, Đức, Trung Quốc, Việt Nam,...sự kiểm soát và nắm giữ này thuộc về cơ quan Nhà nước nên tổ chức ban hành các văn bản pháp quy về kế toán sẽ là cơ quan Nhà nước để đảm bảo quyền quản lý, kiểm soát hoạt động kế toán của các tổ chức lập quy này. Do vậy, khi nghiên cứu vấn đề xác lập khung pháp lý kế toán cho DNNVV cũng không ngoại lệ, vận dụng tinh thần của lý thuyết này, các kiến nghị và đề xuất mà luận án đưa ra trên cơ sở tác động trực tiếp vào cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Bộ tài chính sẽ chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

TÓM TẮT CHƢƠNG 2

Việc hệ thống hóa các vấn đề lý luận chung về DNNVV và khung pháp lý về kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp này là cơ sở quan trọng hướng đến mục tiêu xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam. Vì vậy, trong chương này, luận án đã đi vào định nghĩa DNNVV, phân tích vai trò, những hạn chế của DNNVV và khung pháp lý về kế toán cho các doanh nghiệp này cũng như đặc điểm về thông tin kế toán DNNVV cung cấp. Bên cạnh đó, nội dung của chương đã tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng các văn bản pháp lý về kế toán vào thực tiễn hoạt động kế toán tại DNNVV từ nhiều nghiên cứu đã công bố trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời luận án tiến hành xem xét quy định của kế toán quốc tế cũng như khung pháp lý về kế toán cho DNNVV của nhiều quốc gia khác nhau để từ đó có cái nhìn toàn diện, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng hội tụ kế toán quốc tế.

Một phần của tài liệu Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)