2.1.1.1. Định nghĩa về DNNVV
Vai trò quan trọng của DNNVV được công nhận trên toàn thế giới, tuy nhiên để thống nhất định nghĩa thế nào là một DNNVV là một việc khó khăn vì mỗi quốc gia có một định nghĩa riêng. Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về DNNVV được đưa ra dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, do đó chưa thể có một định nghĩa thống nhất được chấp nhận về DNNVV (Storey, 1994, theo Edmore Mahembe, 2011). Quan điểm của hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế cho rằng, DNNVV là những doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, phát hành BCTC vì mục đích chung cho các đối tượng sử dụng bên ngoài doanh nghiệp (IASB, 2009). Trong khi đó, đối với Mỹ, doanh nghiệp nhỏ là những doanh nghiệp có số lao động dưới 100 trong khi doanh nghiệp quy mô vừa có không quá 500 lao động. Còn theo quy định của Ủy ban châu Âu (The Recommendation of the European Commission 2003/361/EC, tháng 5/2003) thì DNNVV được định nghĩa là những doanh nghiệp mang các đặc điểm: ít hơn 250 lao động, doanh thu dưới 50.000 EUR/năm và tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán không quá 43 triệu EUR, trong đó những doanh nghiệp có
dưới 10 lao động được coi là siêu nhỏ, có khoảng từ 10 đến dưới 50 lao động là doanh nghiệp quy mô nhỏ và có khoảng từ 50 đến 250 lao động là doanh nghiệp có quy mô vừa. Theo một tài liệu thu thập được, tác giả đã tổng hợp lại điều kiện để một doanh nghiệp được xem là DNNVV ở một số quốc gia (xem phụ lục 4).
Ở Việt Nam, theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, DNNVV được định nghĩa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên) (xem phụ lục 5). Tuy nhiên, theo tác giả, nếu chỉ dựa vào tiêu chí giá trị tổng nguồn vốn để phân loại doanh nghiệp như trên thì không phản ánh đúng quy mô doanh nghiệp vì trong tổng nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán bao gồm vốn chủ sở hữu và cả nợ phải trả mà nợ phải trả lại là nghĩa vụ doanh nghiệp phải cam kết thanh toán nên tiêu chí phân loại này sẽ dẫn đến nhiều bất cập và không hợp lý. Do vậy, theo quan điểm của tác giả, chỉ nên dựa vào số lượng lao động để xem xét quy mô doanh nghiệp sẽ phản ánh đúng thực chất hơn.
2.1.1.2. Vai trò của DNNVV
Trong những thập niên trở lại đây, sự đóng góp của DNNVV vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội được ghi nhận trên toàn thế giới, DNNVV còn được xem là nhân tố chính trong công thức thành công để đạt được sự phát triển về kinh tế (Vosloo, 1994, theo Edmore Mahembe, 2011). Ở Việt Nam tình hình cũng tương tự, các DNNVV luôn đóng góp một phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách quốc gia, tạo ra một lượng việc làm lớn, khai thác và huy động mọi tiềm năng của các địa phương, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Theo thống kê, hàng năm các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước; 33% giá trị sản lượng công nghiệp; 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước; Là khu vực đóng góp rất quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và việc làm đặc biệt là lao động chưa qua đào tạo, vùng sâu vùng xa (Tô Hoài Nam, 2014).
Sự phát triển vượt bậc của DNNVV cả về số lượng và chất lượng trong những năm qua đã thể hiện sức mạnh tiềm tàng của khu vực doanh nghiệp này. Sự phát triển của các DNNVV đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP bình quân đầu người, bổ sung giá trị gia tăng thực tế cho sản phẩm dịch vụ, tăng sản lượng sản xuất trong nền kinh tế; góp phần phát triển các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị, hoạt động tích cực của các doanh nghiệp này dưới hình thức các nhà thầu phụ, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, qua đó tăng cường chuyên môn hóa trong quá trình sản xuất.