DNNVV có những đặc điểm riêng về nguồn cung cấp tài chính, cách thức tổ chức quản lý, đối tượng sử dụng BCTC,…điều này dẫn đến những điểm khác biệt giữa thông tin trình bày trên BCTC của các doanh nghiệp này so với báo cáo của các doanh nghiệp lớn. Nhiều công trình nghiên cứu đã công bố của các tác giả cho thấy rõ sự khác biệt này. Cressy và Olofsson (1997) đã trích từ kết quả nghiên cứu của Hughes cũng trong năm này khẳng định tồn tại sự khác biệt lớn về tổ chức kế toán giữa các doanh nghiệp lớn và DNNVV, chính xác hơn là khác biệt về nguồn cung tài chính của doanh nghiệp, mà điều này ảnh hưởng trực tiếp đến yêu cầu đối với từng BCTC cụ thể. Theo nghiên cứu của Holmes & Nicholls (1989) (về thông tin kế toán ở các doanh nghiệp nhỏ nên được lập bởi bản thân doanh nghiệp hay kế toán thuê ngoài), nghiên cứu này đã chứng minh được các yếu tố như: quy mô doanh nghiệp, số năm doanh nghiệp hoạt động dưới sự điều hành của bộ máy quản
lý hiện tại, lĩnh vực hoạt động, và trình độ của chủ doanh nghiệp/ nhà quản lý có tác động lớn đến việc trình bày thông tin kế toán (Asuman Atik, 2010). Còn theo kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu như Cressy & Olofsson (1997); Collis & Jarvis (2002) thì nhìn chung quy định của các quốc gia đều cho phép các DNNVV công bố thông tin ít hơn các doanh nghiệp lớn nhằm làm giảm gánh nặng quản trị cho các chủ doanh nghiệp và giúp cân đối giữa lợi ích – chi phí. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của Walton và Harvey, Collis cùng các cộng sự đưa ra kết luận, tồn tại sự khác biệt về thông tin trình bày trên BCTC của các doanh nghiệp có quy mô khác nhau do quy định pháp lý xuất phát từ hai nền tảng chính là sự khác biệt về nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng và vấn đề cân đối lợi ích – chi phí (Walton & Harvey, 1996; Collis et al., 2001; theo Brigitte Eierle, 2005).
Vì mục tiêu của BCTC là cung cấp thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng, Wilson (1995) cho rằng nhu cầu của người sử dụng BCTC sẽ quyết định mục đích của BCTC, cuối cùng dẫn đến hình thức và nội dung của BCTC (LJ Stainbank, 2010). Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia khác nhau về thông tin kế toán DNNVV cung cấp cũng như nhu cầu thông tin của các đối tượng và kết quả thu được từ các nghiên cứu này không giống nhau [Xem Phụ lục 1]. Ở một số quốc gia, mối quan hệ đặc biệt giữa DNNVV với các đối tượng sử dụng thông tin kế toán được xác định rất rõ. Soderstrom và Sun (2007) phân tích mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng, cho rằng ngân hàng yêu cầu đặc điểm chất lượng BCTC thấp hơn so với cổ đông vì ngân hàng có cách tiếp cận riêng với ban quản trị công ty. Ở Đức, các ngân hàng thường sử dụng thông tin kế toán quản trị nội bộ. Do vậy nếu đối tượng sử dụng chủ yếu là ngân hàng thì rõ ràng chất lượng thông tin trên BCTC ở quốc gia này không được chú trọng. Trong khi đó, ở Ý, người sử dụng thông tin thường yêu cầu cung cấp các tài liệu bổ sung kèm theo BCTC như báo cáo giữa niên độ, báo cáo ngân quỹ hàng năm, bản kế hoạch kinh doanh,…tùy theo mức độ mối quan hệ giữa các đối tượng này với doanh nghiệp (Venezian & Teodori, 2008), nhờ vậy người sử dụng có thể có được thông tin khá đầy đủ và toàn diện, từ đó có thể đánh giá sát sao năng lực tài chính, tình hình kinh doanh của công ty. Theo các nghiên cứu của Bolton (1971); Carsberg, Page, Sindall & Waring (1985),
phần lớn các doanh nghiệp nhỏ thường được quản lý và điều hành bởi chính người chủ sở hữu và hiếm khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu với quyền kiểm soát (Collis & Jarvis, 2000). Bên cạnh đó, Collis & Jarvis (2000) nghiên cứu 385 doanh nghiệp nhỏ ở Anh, kết quả cho thấy đối tượng sử dụng BCTC của các doanh nghiệp nhỏ giới hạn chỉ bao gồm các đối tượng như cơ quan thuế, ngân hàng và bản thân nhà quản lý – chủ doanh nghiệp. Hay nghiên cứu của Sarapairanich & Kotey (2006) trên mẫu là 158 DNNVV ở Thái Lan, kết quả cho thấy nếu hệ thống kế toán các DNNVV không minh bạch đủ để các nhà đầu tư tiềm năng dựa vào đó ra quyết định đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính và sẽ phải trả chi phí cao (Dang Duc Son, 2011). Còn Yang & Nguyen (2003) cho rằng mục đích chính của BCTC do các DNNVV ở Việt Nam cung cấp là nhằm phục vụ cho cơ quan quản lý hơn là để quản trị tài chính hay kênh truyền thông của doanh nghiệp (Dang Duc Son, 2011). Nghiên cứu của Page (1984) cho thấy đối tượng chủ yếu sử dụng thông tin kế toán của doanh nghiệp nhỏ là cơ quan thuế; Các nghiên cứu của Carberg et al (1985); Deakins & Hussain (1994) lại cho rằng: thông tin trên BCTC đóng vai trò quan trọng trong quyết định cho vay của ngân hàng, đối tượng cung cấp tài chính chủ yếu cho các doanh nghiệp nhỏ. Vậy ngân hàng cũng là đối tượng cung cấp thông tin mà các doanh nghiệp nhỏ nhắm đến (Dang Duc Son et al, 2006). Nghiên cứu của Huge và Linh năm 2003 ở Việt Nam cũng cho thấy rằng, kế toán ở DNNVV cũng chủ yếu quan tâm đến vấn đề kê khai thuế (Trần Đình Khôi Nguyên, 2013). Qua kết quả nghiên cứu đã tổng hợp ở trên cùng nhiều nghiên cứu khác đã công bố, có thể thấy nhu cầu từ phía các đối tượng sử dụng thông tin kế toán của các doanh nghiệp nhỏ không chỉ khác so với doanh nghiệp lớn mà nhu cầu về thông tin kế toán do doanh nghiệp nhỏ cung cấp cũng rất khác nhau giữa các nhóm đối tượng sử dụng. Các kết quả này bổ sung cho nhau, đôi khi có những nghiên cứu đem lại kết quả trái chiều. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng đối tượng khảo sát, môi trường khảo sát mà các nghiên cứu trên thực hiện là khác nhau, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Như vậy, thông tin kế toán của các doanh nghiệp lớn, công ty niêm yết khác biệt so với các doanh nghiệp nhỏ không chỉ về số lượng mà còn về bản chất và nội
dung thông tin. Nhìn chung thông tin trình bày trên BCTC của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu thông tin của đối tượng sử dụng BCTC. Mà những nhu cầu này, trước tiên, phụ thuộc vào bản chất của quyết định kinh tế. Người sử dụng BCTC DNNVV phải đối mặt với những quyết định khác so với người sử dụng BCTC của doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, nhà đầu tư vào doanh nghiệp lớn, các công ty niêm yết sử dụng thông tin tài chính để đưa ra quyết định bán hay giữ cổ phiếu, trong khi đối với nhà đầu tư vào DNNVV thì việc rút vốn khỏi công ty không phải là một quyết định khả thi. Thêm vào đó, mặc dù khả năng sinh lợi và khả năng thanh toán là hai yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng đối với chủ DNNVV thì bên cạnh đó còn có những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng như sự độc lập và tư cách tham gia trong doanh nghiệp, vấn đề quản lý chính doanh nghiệp mình,…Vì thế, đối với nhà đầu tư của các DNNVV, không giống nhà đầu tư của doanh nghiệp lớn, việc so sánh, phân tích thông tin trên BCTC không quá quan trọng, và nhiều thông tin được yêu cầu đối với công ty đại chúng thì lại không thật cần thiết đối với các doanh nghiệp này.
Với những đặc điểm về đối tượng sử dụng thông tin, đặc điểm riêng về quy mô và quản lý của DNNVV, dẫn đến thông tin trình bày trên BCTC của các doanh nghiệp này nhìn chung đơn giản, ngắn gọn hơn. Theo quy định hiện nay ở Việt Nam, thông tin trình bày trên BCTC của DNNVV trên cơ sở mẫu biểu trong quyết định 48/2006/QĐ-BTC, bao gồm các báo cáo: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; và Thuyết minh báo cáo tài chính, trong đó báo cáo lưu chuyển tiền tệ không yêu cầu bắt buộc. Các báo cáo này nhìn chung rút gọn số lượng chỉ tiêu và yêu cầu trình bày hơn so với BCTC của các doanh nghiệp nói chung theo quyết định 15/2006/QĐ-BTC. Ngoài ra, các DNNVV được yêu cầu cung cấp thêm Bảng cân đối tài khoản. Báo cáo này có thể lập cho tài khoản cấp 1 hoặc cả tài khoản cấp 1 và tài khoản cấp 2, trong đó báo cáo số dư đầu năm, số phát sinh trong năm và số dư cuối năm của các tài khoản. Bảng cân đối tài khoản chỉ gửi cho cơ quan thuế để làm cơ sở cho việc kiểm tra số liệu khi quyết toán thuế và giúp cho công tác quản lý chặt chẽ hơn. Như vậy, có thể nói việc cung cấp BCTC của DNNVV chủ yếu nhắm tới đối tưởng
chính là cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn chung các quy định pháp lý về kế toán hiện nay áp dụng cho các DNNVV đều dựa trên cơ sở quy định chung cho các doanh nghiệp lớn, từ đó thu hẹp các nguyên tắc, nội dung cũng như yêu cầu công bố thông tin.
2.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng các văn bản pháp lý về kế toán vào thực tiễn hoạt động kế toán tại DNNVV