Việc nghiên cứu ban hành hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh hướng dẫn thực hiện công tác kế toán tại các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng là vấn đề hết sức cần thiết nhằm đảm bảo công việc kế toán được thực hiện một cách thuận lợi, mang lại thông tin kế toán trung thực và hợp lý. Tuy nhiên, từ ban hành các quy định đến việc vận dụng các quy định này vào thực tiễn như thế nào là cả một quá trình và luôn gặp nhiều rào cản do các đặc trưng về kinh tế, hệ thống pháp lý, năng lực và thói quen của kế toán viên (Choi et al, 2011; theo Trần Đình Khôi Nguyên, 2013). Do đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là cần nghiên cứu các giải pháp khả thi để các văn bản pháp lý về kế toán ra đời phát huy hiệu quả ở DNNVV. Để giải quyết vấn đề này, tác giả tiến hành phân tích, nhận định các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các văn bản pháp lý vào thực tiễn công tác kế toán tại DNNVV Việt Nam, thông qua đó sẽ có những giải pháp thích hợp giúp vận dụng hiệu quả khung pháp lý về kế toán cho các DNNVV ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Trên bình diện quốc tế, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xem xét các nhân tố ảnh hưởng việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán, trong đó chủ yếu tập trung vào nghiên cứu việc vận dụng chuẩn mực kế toán. Hầu hết các nhân tố này liên quan đến đặc trưng của doanh nghiệp như: quy mô (Chow & Wong-Boren, 1987; Cooke, 1991,..); khả năng sinh lời (Belkaoui & Kahl, 1978; Singhvi & Densai, 1971; Wallace & Naser, 1995; nhận thức của chủ doanh nghiệp (Page, 1984; Collis & Jarvis, 2000); trình độ giáo dục (Doupnik & Salter, 1995); cấu trúc nợ (Sekely & Collins, 1998). Tuy nhiên các nghiên cứu này hầu hết được thực hiện
ở các nước theo trường phái kế toán Anglo-Saxon, hoặc ở các nước phát triển (Trần Đình Khôi Nguyên, 2011).
Nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố tác động đến việc áp dụng văn bản pháp lý về kế toán tại DNNVV ở một quốc gia không nhiều. Chủ yếu các nghiên cứu công bố liên quan đến vấn đề này chỉ tập trung phân tích về các nhân tố vĩ mô, phân tích đặc điểm riêng của quốc gia cũng như các nhân tố tác động đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Qua quá trình tham khảo các nguồn tài liệu là những bài báo khoa học, công trình nghiên cứu đã công bố tác giả tìm thấy một số nhân tố tác động đến việc vận dụng khung pháp lý về kế toán tại DNNVV như sau:
Trước hết, trình độ nhận thức, khả năng xử lý của bản thân người làm kế toán có ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng các văn bản pháp lý về kế toán. Theo nhiều nghiên cứu, người làm kế toán và năng lực chuyên môn của họ là hết sức quan trọng, trong đó sự đánh giá, xét đoán nghề nghiệp (professional judgment) là vấn đề then chốt (Bunea, 2006; theo Cătălin Nicolae Albu et al, 2010). Với vai trò là người trực tiếp “sản xuất” ra thông tin, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của bộ phận kế toán sẽ có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng thông tin kế toán cung cấp. Trong trường hợp hạn chế về chuyên môn thì nhận thức kém của người làm công tác kế toán dẫn đến hiểu không đúng, vận dụng không đầy đủ các quy định pháp lý, hệ quả các văn bản này không được triển khai và thực hiện một cách hiệu quả. Với vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay nhìn chung ở các doanh nghiệp nhỏ, kỹ năng của kế toán viên để hiểu và áp dụng chuẩn mực kế toán còn hạn chế (Joshi & Ramadhan, 2002; Martin, 2005; theo Dang Duc Son, 2011). Đồng quan điểm này, kết quả nghiên cứu của Cătălin Nicolae Albu và các cộng sự (2010) ở Romania (một nước có lịch sử phát triển kinh tế và hệ thống kế toán khá giống với Việt Nam) cho thấy, trình độ của người làm kế toán là rất quan trọng trong quá trình vận dụng chuẩn mực kế toán vào thực tiễn.
Tiếp đó, nhân tố quy mô doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán. Cătălin Nicolae Albu và các cộng sự (2010) trích từ nghiên cứu của Haller và Eirle năm 2008 cho thấy, quy mô doanh nghiệp
càng lớn thì mức độ minh bạch thông tin, tính trách nhiệm và tính tuân thủ các quy định về kế toán, kiểm toán và công bố thông tin càng cao. Sian & Roberts (2009) chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ tương ứng giữa quy mô doanh nghiệp và sự phức tạp của tổ chức công tác kế toán. Trong khi các doanh nghiệp lớn bị ràng buộc bởi rất nhiều các quy định, nguyên tắc, yêu cầu kế toán để từ đó mang lại các thông tin tài chính đáng tin cậy, các DNNVV do khá đơn giản trong hoạt động và rủi ro thấp hơn từ các nguy cơ đến từ bên trong cũng như bên ngoài doanh nghiệp nên hệ quả là các doanh nghiệp này được đối xử khác biệt dẫn đến bất cân xứng thông tin giữa chủ doanh nghiệp – nhà quản lý và các bên liên quan, chủ yếu là chủ nợ, chính phủ, dẫn đến chất lượng thông tin trên BCTC không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, kết quả nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cho thấy quy mô doanh nghiệp được xem là nhân tố ảnh hưởng đáng kể đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán, như Chow và Wong-Boren (1987), Cooke (1989, 1991), Meek và Gray (1995),…(Trần Đình Khôi Nguyên, 2010). Do vậy, luận án đưa nhân tố quy mô vào mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng khung pháp lý về kế toán tại các DNNVV để kiểm chứng tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, người sử dụng thông tin và nhu cầu thông tin kế toán của họ có tác động đến chất lượng thông tin kế toán. Điều này gián tiếp tác động đến việc vận dụng khung pháp lý để tạo ra thông tin kế toán minh bạch, thích hợp với người sử dụng. Vấn đề chất lượng BCTC là vấn đề sống còn của công tác kế toán vì nếu người sử dụng BCTC không cho rằng BCTC là hữu ích và đáng tin cậy thì BCTC cũng không có giá trị (Ha van Wyk & J Rossouw, 2009). Bên cạnh đó, Zeghal & Mhedhbi (2006) khảo sát 64 quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố như: mức độ phát triển giáo dục, sự tồn tại của thị trường tài chính và đặc điểm văn hóa là các nhân tố có tác động đáng kể đến việc vận dụng chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các nước đang phát triển có thị trường vốn sẽ dễ dàng áp dụng chuẩn mực kế toán kế toán quốc tế để đảm bảo chất lượng thông tin kế toán cung cấp hữu ích cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định. Điều này chứng tỏ nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng tác
động tích cực đến việc vận dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Thêm vào đó, một số nhân tố như: trình độ đào tạo (education level) tác động đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán ở các nước đang phát triển vì yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của người quản lý, kỹ năng của người làm công tác kế toán cũng như nhận thức của các đối tượng sử dụng thông tin. Nghiên cứu của Adela Deaconu và cộng sự (2012) ở công hòa Séc đã chứng minh áp lực thông tin kế toán của các đối tượng sử dụng và mối quan hệ giữa chi phí bỏ ra và lợi ích nhận được tác động đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán. Dang Duc Son (2011) cũng đã thực hiện nghiên cứu nhằm khảo sát để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán của các DNNVV ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy 5 nhân tố chủ yếu tác động đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán ở DNNVV Việt Nam, trong đó: Tính bắt buộc tuân thủ, yêu cầu cải thiện chất lượng thông tin của các đối tượng bên ngoài là hai nhân tố chính. Ngoài ra, việc xem xét mối quan hệ lợi ích – chi phí, việc thiếu kỹ năng quản lý và kế toán, thiếu cơ sở vật chất, áp lực về thông tin có tác động đến việc vận dụng các quy định và chuẩn mực kế toán của DNNVV. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là chỉ khảo sát ở phạm vi hẹp, tập trung vào đối tượng khảo sát là những người đang làm kế toán nên tính tổng quát của kết quả nghiên cứu chưa cao.
Cơ sở hạ tầng kế toán là các hệ thống và dịch vụ cơ bản cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động kế toán đúng chức năng và thành công, bao gồm tổ chức nghề nghiệp, hệ thống đào tạo kế toán,…Với cơ sở hạ tầng phát triển thì hoạt động kế toán sẽ thực hiện thuận lợi và các văn bản được vận dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Tóm lại, mỗi tác giả có nhận định riêng về các nhân tố tác động đến quá trình vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán ở DNNVV, có nhiều nhân tố được chỉ ra tùy theo từng quốc gia, từng nhóm đối tượng mà các nghiên cứu tiếp cận cũng như tùy môi trường các nghiên cứu được thực hiện tuy nhiên tựu chung đều cho rằng các nhân tố như: Mức độ phát triển kinh tế và giáo dục của quốc gia, mức độ mở
cửa nền kinh tế, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của người làm công tác kế toán, quy mô doanh nghiệp, quan điểm và nhu cầu thông tin của nhà quản lý, tính bắt buộc tuân thủ, cơ sở hạ tầng kế toán, mối quan hệ lợi ích chi phí, áp lực cung cấp thông tin từ các đối tượng sử dụng và bản thân nội dung các văn bản này là những nhân tố chủ yếu.
2.2. Chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV (IFRS for SMES), hệ thống văn bản pháp lý về kế toán cho DNNVV ở một số quốc gia và ở Việt Nam.