cho các doanh nghiệp này.
Các DNNVV có những nét đặc trưng riêng ảnh hưởng đến đặc điểm khung pháp lý về kế toán tương ứng áp dụng cho các doanh nghiệp này. Thực ra, doanh nghiệp nhỏ không chỉ đơn giản là phiên bản thu nhỏ của một doanh nghiệp lớn mà các nghiên cứu cho thấy, các DNNVV có những điểm khác biệt hẳn so với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt liên quan đến nguồn lực, thị trường, mức độ linh hoạt, lãnh đạo và cơ cấu tổ chức (Banham Heather C., 2010). Bên cạnh đó, do các nguồn lực và yêu cầu đặt ra đối với công tác kế toán có giới hạn nên việc đầu tư vào trang thiết bị, nguồn nhân lực cho công tác kế toán ở DNNVV gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh của các DNNVV thường tập trung vào một loại ngành nghề kinh doanh chủ yếu, ít hoạt động đa lĩnh vực như các doanh nghiệp lớn. Nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong các doanh nghiệp này thường là những nghiệp vụ cơ bản gắn liền với hoạt động kinh doanh chủ yếu, các quan hệ kinh tế, tài chính phức tạp thường ít khi xảy ra. Những đặc điểm này có ảnh hưởng lớn trong tiến trình nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý về kế toán cho DNNVV cũng như trong quá trình tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp này. Ngoài ra, do đặc điểm về quy mô nên việc cân đối giữa lợi ích và chi phí cũng là yếu tố nền tảng cần xem xét khi ban hành các quy định kế toán cho DNNVV cũng như khi vận dụng các quy định này vào thực tiễn.
Về đặc điểm sở hữu và loại hình doanh nghiệp, tỷ lệ DNNVV có sự khác biệt lớn trong khu vực kinh tế tư nhân, nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Ở
Việt Nam, trong khu vực kinh tế tư nhân các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ cao nhất là 98,54% trong khi tỷ lệ này ở khu vực nhà nước chỉ là 56,45%. Trong những năm qua, loại hình doanh nghiệp tư nhân có xu hướng giảm dần, thay vào đó là sự tăng cao của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, đặc biệt là công ty cổ phần (Sách trắng DNNVV năm 2011). Đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường khi người thành lập doanh nghiệp đã xác định rõ các quyền và nghĩa vụ tách bạch trong quản lý tài sản cá nhân và pháp nhân. Điều này làm nảy sinh nhu cầu ngày càng cao đối với thông tin kế toán, đòi hỏi việc tổ chức công tác kế toán bài bản hơn, khung pháp lý về kế toán đầy đủ và chặt chẽ hơn để điều tiết hoạt động kế toán tại các DNNVV. Tuy nhiên nhìn chung phần đông DNNVV thường không phải là công ty đại chúng nên đối tượng sử dụng thông tin kế toán của các doanh nghiệp này tập trung vào cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu, chủ nợ hiện tại và tiềm năng. Do vậy, nghĩa vụ pháp lý công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp này có những giới hạn nhất định và đơn giản hơn so với các công ty đại chúng quy mô lớn. Đây cũng là điểm đáng lưu ý chi phối tới việc ban hành các quy định về kế toán áp dụng cho DNNVV theo hướng giảm bớt các yêu cầu về trình bày và công bố thông tin trên BCTC.