Kết luận rút ra từ việc xem xét chuẩn mực kếtoán quốc tế cho DNNVV và khung pháp lý chi phối công tác kế toán tại DNNVV ở một số quốc gia.

Một phần của tài liệu Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 58)

Những năm gần đây, toàn cầu hóa hoạt động kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn làm nảy sinh nhu cầu về bộ chuẩn mực BCTC được chấp nhận toàn cầu (Fazeena Fazneen Hussain et al, 2012). Chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV ra đời để đáp ứg nhu cầu cấp thiết đó và hiện đã có hơn 80 quốc gia đưa vào áp dụng hoặc thông báo kế hoạch áp dụng (IASB cập nhật đến tháng 7 năm 2013). Một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Campuchia cũng nằm trong số này.Qua phần trình bày ở trên, có thể thấy quy định về kế toán cho DNNVV giữa các quốc gia cũng như trong chuẩn mực kế toán quốc tế có một số điểm khác biệt do bị chi phối bởi đặc điểm môi trường kế toán như văn hóa, chính trị, hệ thống luật pháp,… Đối với Pháp, quốc gia này tách biệt rõ quy định đối với doanh nghiệp niêm yết, dù là doanh nghiệp nhỏ cũng phải áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), các DNNVV không niêm yết thì quy định kế toán đơn giản hơn, giảm bớt yêu cầu về trình bày và công bố thông tin. Xu hướng trong tương lai, Pháp có kế hoạch ban hành quy định riêng cho các DNNVV trên cơ sở IFRS for SMEs nhưng có chỉnh sửa nội dung phù hợp với đặc thù của DNNVV tại quốc gia này. Trong khi đó, Ủy ban chuẩn mực kế toán Mỹ cũng đang nỗ lực thực hiện dự án ban hành chuẩn mực kế toán riêng cho các công ty tư nhân trên cơ sở IFRS for SMEs nhưng cho đến nay cũng chỉ mới đưa ra một số bản thảo luận, hướng dẫn một số vấn đề liên quan cho các công ty không niêm yết. Romania và Trung Quốc tình hình cũng tương tự. Nhìn chung các nước này đều chung quan điểm ban hành quy định riêng cho các DNNVV theo hướng đơn giản hóa so với quy định kế toán cho các doanh nghiệp nói chung áp dụng lý thuyết về việc điều chỉnh BCTC theo quy mô doanh nghiệp dựa trên sự cân nhắc về nhu cầu thông tin kế toán của các đối tượng sử dụng và mối quan hệ lợi ích - chi phí.

Xét một cách tổng quát thì các quy định pháp lý về kế toán cho DNNVV Việt Nam hiện nay nhìn chung có một số điểm tương đồng so với các nước trên thế giới xuất phát từ mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích và xu hướng hội tụ kế toán quốc tế. Mặc dù chưa có bộ chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV nhưng Việt Nam cũng đã xem xét giới hạn phạm vi áp dụng bộ chuẩn mực hiện tại cho DNNVV. Đồng thời Việt Nam cũng có chế độ kế toán riêng áp dụng cho các doanh nghiệp này theo quyết định 48/2006/QĐ-BTC.

Rõ ràng, chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV giúp cải thiện khả năng so sánh, tính minh bạch và chất lượng BCTC. (Jermakowicz, 2004; Veneziani & Teodori, 2008; theo Cătălin Nicolae Albu et al, 2010). Nhưng vấn đề xây dựng bộ chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV không phải tất cả mọi ý kiến đều thống nhất. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam xuất hiện quan điểm đối lập đó là không nên ban hành chuẩn mực kế toán riêng cho các doanh nghiệp này. Quan điểm của một số nhà nghiên cứu cho rằng chỉ nên có một bộ chuẩn mực kế toán duy nhất áp dụng cho các doanh nghiệp không phân biệt quy mô. Một trong những lý do được đưa ra là người ta lo ngại việc xây dựng riêng bộ chuẩn mực kế toán cho DNNVV đồng nghĩa với việc điều chỉnh BCTC theo quy mô có thể làm giảm khả năng so sánh và tính trung thực của thông tin kế toán (Walton & Harvey, 1996; Brigitte Eierle, 2005). Tuy nhiên quan điểm này không được phần đông cộng đồng ủng hộ. Kết quả nghiên cứu của Dang Duc Son và các cộng sự (2006) chỉ rõ việc áp dụng chung một bộ chuẩn mực trở thành gánh nặng chi phí đối với các DNNVV. Doanh nghiệp nhỏ có thể phải bỏ ra chi phí tương ứng cao hơn cho việc áp dụng các quy định kế toán vì các doanh nghiệp này không thu được lợi ích kinh tế như các doanh nghiệp lớn (Murrey & Johnson, 1983; theo Brigitte Eierle, 2005). Từ quan điểm này mà Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành IFRS for SMEs. Trước đó, một số nước như Anh, Canada, New Zeeland,… cũng đã ban hành chuẩn mực kế toán riêng cho các DNNVV (Stefan Bunea, 2012). Đối với quan điểm ủng hộ việc xây dựng chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV cũng tách làm hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất là chấp nhận toàn bộ chuẩn mực kế toán quốc tế vào áp dụng tại quốc gia mình như Brazil, Nam Phi, HongKong, Thổ Nhĩ Kỳ, Malayxia, Philipine,... (Hana Bohusova,

2011). Đồng ý với quan điểm này, Downes (2006) chứng minh rằng chuẩn mực kế toán quốc tế giúp xây dựng lòng tin trong thị trường tài chính; Nghiên cứu của Tarca (2008) cho thấy các nước đang phát triển muốn phát triển nhanh chóng thì cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc hệ thống kế toán và nên đưa chuẩn mực kế toán quốc tế vào áp dụng. Xu hướng thứ hai cho rằng không nên bê nguyên bản chuẩn mực kế toán quốc tế vào vận dụng mà nên dựa trên chuẩn mực quốc tế cho các DNNVV để các nước ban hành riêng bộ chuẩn mực kế toán, vì theo Talaga &Ndubizu (1986), các nguyên tắc kế toán của một quốc gia phải tùy thuộc vào các đặc điểm riêng của quốc gia đó; Perera (1989) cho rằng thông tin kế toán cung cấp theo quy định hệ thống kế toán của các nước phát triển không phù hợp với việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng ở những nước đang phát triển (Zeghal & Mhedhbi, 2006). Bên cạnh đó, nếu đưa nguyên bản chuẩn mực quốc tế vào áp dụng sẽ dẫn đến thiếu sự liên kết giữa BCTC và các Luật Thuế cũng như quy định pháp luật khác có liên quan (Jermakowicz & Gornik-Tomaszewski, 2006; Larson & Street, 2004; theo Cătălin Nicolae Albu et al, 2010); Ngoài ra hệ thống chuẩn mực này được xây dựng trên cơ sở trường phái Anglo-Saxon, quy định theo hướng đưa ra các nguyên tắc (principles-based) hơn là đi sâu vào các quy định cụ thể (rules-based), khi vận dụng đòi hỏi tính linh hoạt và khả năng xét đoán nghề nghiệp cao (Adela Deaconu et al, 2011), trong khi các nước chịu ảnh hưởng của trường phái kế toán Châu Âu lục địa như Việt Nam có đặc điểm quản lý thống nhất, dẫn đến tính thống nhất cao trong công tác kế toán, vì vậy khó có thể đưa chuẩn mực kế toán quốc tế vào áp dụng ngay ở các nước này.

Từ một số điểm đã trình bày và phân tích ở trên, theo quan điểm của tác giả, các nhà soạn thảo văn bản cần quan tâm đến đặc thù kinh tế, xã hội ở mỗi nước để xây dựng nội dung chuẩn mực kế toán cho DNNVV một cách phù hợp. Đối với Việt Nam, tác giả cho rằng hướng khả thi nhất là nên chọn xu hướng thứ hai trong hai xu hướng nói trên bởi vì hội tụ với kế toán quốc tế mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển, nó đưa đến cho các nước này hệ thống các chuẩn mực được soạn thảo kỹ lưỡng cũng như nền tảng kế toán và các nguyên tắc kế toán có chất lượng cao nhất (Wolk et al, 1989; theo Zeghal & Mhedhbi, 2006), mặt khác các quy định

này khi được thiết kế, điều chỉnh lại sẽ phù hợp hơn trong điều kiện Việt Nam. Vấn đề này sẽ được tác giả làm rõ trong chương giải pháp.

Một phần của tài liệu Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)