Singapore là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đất nước này có môi trường kinh doanh mở, nền kinh tế chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ, tính minh bạch tài chính cao, những điều này đã tạo điều kiện cho ngành nghề kế toán phát triển.
Ở Singapore, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán kiểm toán là Bộ Tài chính, trong đó phụ trách chính là hai đơn vị trực thuộc: Cơ quan quản lý kinh doanh và kế toán (Accounting & Corporate Regulatory Authority – ACRA) chịu trách nhiệm quản lý và tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán và kế toán viên công chứng; và Ủy ban chuẩn mực kế toán (Accounting Standards Council – ASC) chịu trách nhiệm soạn thảo, soát xét, sửa đổi và ban hành các chuẩn mực kế toán Singapore (ASC, 2014)
Cũng như các nước thuộc trường phái Anglo-Saxon, văn bản pháp lý chi phối công tác kế toán ở các doanh nghiệp Singapore chủ yếu là hệ thống chuẩn mực kế toán. Các chuẩn mực này được gọi là chuẩn mực báo cáo tài chính Singapore
(Singapore Financial Reporting Standard – SFRS). Bộ chuẩn mực kế toán SFRS đầu tiên được ban hành và đưa vào áp dụng từ ngày 01/01/2003, từ đó đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. SFRS được ban hành gần như song song và có nội dung tương đồng với chuẩn mực kế toán quốc tế, tuy nhiên một số phần trong chuẩn mực có thể giải thích, cung cấp thêm hay bớt các lựa chọn so với chuẩn mực kếtoán quốc tế, một số ít nội dung quy định riêng cho phù hợp với đặc điểm các doanh nghiệp ở Singapore, cụ thể như: chưa đưa vào áp dụng IFRS 3 – Hợp nhất kinh doanh, đưa ra một số quy định riêng khi đánh giá lại tài sản, một số điểm khác biệt trong yêu cầu về trình bày BCTC hợp nhất và quy định về kế toán công ty liên doanh. Theo lộ trình ASC công bố thì đến năm 2018, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ theo IFRS còn các doanh nghiệp khác thì khuyến khích áp dụng bộ chuẩn mực này (ASC, 2014)
Sau khi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành IFRS for SMEs vào năm 2009, tháng 12/2010, Ủy ban chuẩn mực kế toán Singapore cũng ban hành hệ thống chuẩn mực riêng cho các doanh nghiệp nhỏ (Singapore Financial Reporting Standard for Small Entities– SFRS for SE) và các chuẩn mực này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 (ASC, 2014). Thực chất nội dung của SFRS for SE cũng gồm 35 phần hoàn toàn giống với IFRS for SMEs, chỉ có điểm khác biệt đó là cụ thể hóa đối tượng và phạm vi áp dụng ở phần 1 của chuẩn mực. Theo quy định của Singapore, thì các doanh nghiệp được xem là có quy mô nhỏ khi thỏa mãn ít nhất hai trong ba đặc điểm: tổng doanh thu mỗi năm không quá 10 triệu đô Singapore, tổng tài sản không quá 10 triệu đô Singapore, tổng lao động không quá 50 (ASC, 2014). Các doanh nghiệp này có thể được lựa chọn áp dụng hoặc theo SFRS hoặc theo SFRS for SE.
Như vậy, đối với Singapore, quy định kế toán dành cho doanh nghiệp nhỏ được thể hiện qua hệ thống chuẩn mực kế toán ban hành riêng rẽ, tách biệt với các doanh nghiệp lớn theo hướng rút gọn, đơn giản hóa các yêu cầu, quy định kế toán đối với các doanh nghiệp này. Hệ thống chuẩn mực này hầu như được lấy nguyên bản từ IFRS for SMEs do Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành.