ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘ
2.3.2. Cơ sở hạ tầng Logistics
Cơ sở giao thông vận tải là yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động Logistics thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có hệ thống kho bãi, và hệ thống công nghệ truyền thông và thông tin để hỗ trợ hoạt động Logistics phát triển. Cơ sở hạ tầng Logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của dịch vụ Logistics nói chung, hay lưu thông hàng hóa nói riêng.
2.3.2.1. Hệ thống đường bộ
Mạng lưới đường bộ ở Hà Nội được cấu thành bởi hệ thống các đường xuyên tâm, đường vành đai, các trục giao thông chính và các đường phố được bố trí theo kiểu hỗn hợp. Mạng lưới đường bộ là hệ thống giao thông chính của Hà Nội, phần lớn lưu lượng hành khách và hàng hóa đều được vận chuyển qua hệ thống này.
Hiện nay, mạng lưới đường bộ thành phố Hà Nội (đã mở rộng) có tổng chiều dài khoảng 3.974 km trong đó 9 quận nội thành cũ có 643 km đường, quận Hà Đông có 37,1km, thị xã Sơn Tây có 50,7 km đường. Trong hệ thống đường bộ Hà Nội, có 10 đoạn tuyến quốc lộ qua Hà Nội với tổng chiều dài vào khoảng 150km. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng có khoảng 3.628km đường và 237 cầu các loại trong đó Sở giao thông vận tải quản lý 1.178km đường với 583 tuyến, còn lại 2.450 km đường giao thông nông thôn gồm các tuyến chưa đặt tên, tuyến đường trục của huyện, đường liên xã. Tỷ lệ đường nội thành được rải thảm nhựa đạt trên 90% và khoảng 50% đối với ngoại thành.
Mạng lưới đường quốc lộ tạo ra mối liên hệ giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận nói riêng và cả nước nói chung. Quốc lộ 1A phía Bắc là tuyến giao thông nối Hà Nội với cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), một trong những cửa khẩu đường bộ chính giao lưu giữa Việt Nam với Trung Quốc. Quốc lộ 1A phía Nam là tuyến đường quan trọng xuyên suốt chiều dài cả nước từ Bắc vào Nam. Quốc lộ 5 là tuyến đường nối Hà Nội với Hải Phòng, đây là tuyến đường có tầm quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, có nhiệm vụ nối liền hai trung tâm kinh tế lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Quốc lộ 6 là tuyến đường nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây và phía Nam thành phố. Quốc lộ 2 với đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài tạo
mối liên hệ giữa thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt với chủ trương tạo cơ sở cho việc triển khai xây dựng chuỗi đô thị đối trọng Miếu Môn – Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây, Nhà nước đã xây dựng tuyến đường cao tốc Láng – Hòa Lạc có độ dài hơn 30 km với chất lượng cao, đảm bảo mối liên hệ trực tiếp giữa trung tâm Hà Nội và chuỗi đô thị này. Hệ thống đường vành đai đô thị gồm bốn tuyến: vành đai I, II, III, IV đã, đang được hoàn thiện và đi vào sử dụng. Nhiều nút giao thông trọng điểm được xây dựng, mở rộng. Hàng loạt công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, các đường vành đai III, Lê Văn Lương kéo dài, trục phía Bắc Hà Đông… Đặc biệt trong năm 2012, tuyến đường cao tốc trên cao vành đai III dài gần 15km đã hoàn thành, cho thông xe và đi vào sử dụng vào tháng 10, cùng với đó là bốn cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm được đầu tư và đưa vào sử dụng: cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương – Láng, Tây Sơn – Thái Hà, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này góp phần cải thiện rõ rệt năng lực của mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế ùn tắc giao thông đô thị.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, giao thông đường bộ Hà Nội cũng đang phải chịu một sức ép lớn trước sự gia tăng về nhu cầu đi lại, mật độ dân số và phương tiện cá nhân, trong khi mạng lưới vận tải không theo kịp. Mạng lưới quy mô hệ thống giao thông độ thị ở Hà Nôi vẫn còn nhỏ, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông vẫn còn ở mức thấp (7,2% diện tích đất đô thị) và phân bố không đều, diện tích mặt đường khoảng hơn 7,3 km², nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Sự mất cân đối về mật độ dân cư giữa khu vực nội đô và ngoại thành đã và đang dẫn đến sự quá tải ở nhiều khu vực, khiến nhiều tuyến đường luôn trong trong tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, kéo dài, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Công tác quản lý và xây dựng các công trình giao thông cũng gặp nhiều vấn đề. Việc đường mới xây lại được đào lên còn khá phổ biến, gây tốn kém, cản trở giao thông, ảnh hưởng tới chất lượng sử dụng của công trình. Công trình giao thông chưa được triển khai đồng bộ với hệ thống thoát nước gây nên tình trạng ngập úng, tắc nghẽn mỗi khi mưa lớn.
Hiện tại thành phố Hà Nội có 5 bến xe chính là: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Lương Yên và Nước Ngầm là nơi các xe khách liên tỉnh tỏa đi khắp quốc gia theo các tuyến quốc lộ. Với tốc độ gia tăng phương tiện nhanh như hiện nay, nội thành Hà Nội đang rơi vào tình trạng thiếu điểm đỗ xe trầm trọng. Theo thống kê 10 quận nội thành chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu trông giữ xe,số còn lại đỗ ở chung cư, khu đô thị, cơ quan, nhà riêng, đặc biệt có tới 12% bãi đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường.
2.3.2.2. Hệ thống đường sắt
Hệ thống đường sắt nằm trên địa bàn Hà Nội có chiều dài khoảng 90km, trong đó có khoảng 20km hầu như chưa được sử dụng (đoạn qua cầu Thăng Long đến ga Văn Điển). Trên địa bàn thành phố có 9 ga, trong đó có 5 ga chính: ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Gia Lâm, ga Yên Viên, ga Văn Điển và 4 ga phụ gồm: ga Thường Tín, ga Phú Xuyên, ga Chợ Tía, ga Ba La. Hà Nội là đầu mối của các trục đường sắt quốc gia. Hiện có 5 tuyến đường sắt nối vào đầu mối Hà Nội. Các tuyến đường sắt bao gồm: Tuyến đường sắt Bắc – Nam (Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh), Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn.
Bảng 2.1. Các tuyến đường sắt có Hà Nội làm đầu mút
Đơn vị:Km
Tuyến đường Tổng số Đường chính Đường ga Đường nhánh
Bắc - Nam 1.997,44 1.724,95 212,49 40,01
Hà Nội – Đồng Đăng 228,8 163,3 53,37 12,14
Hà Nội – Hải Phòng 136,37 95,74 20,75 19,89
Hà Nội – Lào Cai 362,05 285,18 58,65 18,22
Hà Nội – Thái Nguyên 69,56 54,68 13,08 1,81
Ngoài ra, thành phố đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt trên cao, gồm tuyến Yên Viên – Ngọc hồi, Nhổn – Ga Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng đường sắt Hà Nội còn cũ, lạc hậu, chưa được đầu tư hiện đại, việc vận tải hành khách và hàng hóa còn nhiều hạn chế. Khổ đường có bề rộng 1 mét, chỉ phù hợp với đầu máy hơi nước đốt than và toa xe cỡ nhỏ thời Pháp. Tốc độ bình quân chỉ đạt 50 km/h vì không thể nào mạo hiểm tăng tốc trên khổ đường 1 mét. Các nút giao thông cắt với đường bộ phần lớn là giao đồng mức, còn nhiều tuyến đường ngang qua đường sắt thiếu rào chắn, đèn báo hiệu, người gác.
2.3.2.3. Hệ thống đường thủy
Hà Nội hiện có 8 con sông đi qua với tổng chiều dài khoảng 550 km, trong đó có hai con sông có tiềm năng vận tải lớn nhất là sông Hồng và sông Đà. Các tuyến sông do Trung ương quản lý bao gồm: sông Hồng (118 km), sông Đà (32 km), sông Đáy (38 km). Các tuyến sông do thành phố Hà Nội quản lý gồm: sông Tích (55 km), sông Nhuệ (49 km), sông Bùi (26 km), sông Hồng (40 km), ... Trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ: cảng Khuyến Lương, Thanh Trì, Phù Đổng, Đức Giang, Chèm, Sơn Tây, Hồng Vân, Vạn Điểm, Chu Phan. Ngoài ra, Hà Nội có 17 bến thủy nội địa và 58 bến khách ngang sông. Với hệ thống giao thông đường thủy như vậy nhưng Hà Nội mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ của tiềm năng vận tải do ở Hà Nội đội tàu có trọng tải không đáng kể và thiết bị, dịch vụ cảng còn yếu kém.
Trong số những cảng sông của Hà Nội, cảng Khuyến Lương là một cảng khá lớn và đó có những bước phát triển đáng kể trong hoạt động chuỗi vận tải trên địa bàn. Cảng có năng lực khoảng 1,7 đến 2.0 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 1000 đến 2000 tấn nhưng thực tế mới chỉ tiếp nhận tàu 500 đến 700 tấn do hạn chế luồng vào. Cảng Khuyến Lương đang từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ bốc xếp, cho thuê kho, ngoài ra đơn vị đã mở thêm các dịch vụ thương mại, tập trung vào khai thác hàng hóa, mở rộng thị trường, đa dạng hóa hình thức kinh doanh đầu tư, đổi mới thiết bị bốc xếp, công cụ và phương tiện vận tải, đầu tư cơ sở hạ tầng về cảng, kho bãi, phát triển theo hướng bền vững.
Có thể thấy, hệ thống đường thủy của Hà Nội chưa thực sự phát triển, cơ sở hạ tầng chưa được trang bị tốt về thiết bị, đội tàu chưa có kinh nghiệm. Ở Hà Nội, tiềm năng giao thông đường thủy còn rất lớn, nhất là ở vùng ngoại ô, với 3 tuyến sông gồm sông Nhuệ, sông Tích và sông Đáy hiện nay vẫn chưa được khai thác. Do vậy, Hà Nội cần có các chương trình và các dự án để cải tạo và làm sống lại các dòng sông, khai thác tối đa vận tải đường thủy vùng ngoại ô phục vụ vận tải hành khách, phát triển du lịch.
2.3.2.4. Hệ thống đường hàng không
Hà Nội hiện có hệ thống các sân bay: sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, Hòa Lạc. Sân bay Nội Bài là sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc, công suất khoảng 2,5 đến 3 triệu lượt khách/năm. Sân bay Gia Lâm chỉ phục vụ vận tải nội địa và quốc phòng với các loại máy bay nhỏ. Sân bay Hòa Lạc hiện nay được dùng làm sân bay quân sự. Còn sân bay quân sự Bạch Mai hiện không sử dụng.
Sân bay quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế ở miền Bắc Việt Nam. Sân bay này là cửa ngõ giao thông quan trọng không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả miền Bắc. Đây là sân bay lớn thứ ba của nước ta, sau Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và Sân bay quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hòa về diện tích và là sân bay lớn thứ 2 của Việt Nam xét về công suất nhà ga và số lượt khách thông qua mỗi năm. Có ba sân đỗ máy bay A1, A2,A3 với tổng diện tích 165.224 m², nhà ga hành khách T1 với tổng diện tích 90.000 m² và công suất khoảng 6 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2010, nhà ga T2 hoàn thành và đi vào hoạt động đưa sân bay quốc tế Nội Bài đạt công suất 16 triệu hành khách mỗi năm. Hiện nay, tại Cảng có 43 hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác thường xuyên đến 35 vùng lãnh thổ, thành phố trong nước và trên thế giới. Đối với đường bay quốc tế, cảng hàng không Nội Bài cung cấp dịch vụ bay trên 17 tuyến bay hàng không quốc tế với tổng số 474 chuyến bay/tuần do Airlines và 16 hãng hàng không quốc tế khác khai thác. Tuy nhiên, sân bay Nội Bài chủ yếu là nhà ga hành khách, chưa có khu vực kho bãi, trung tâm Logistics tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp
Logistics hoạt động, khiến cho việc khai thác sân bay này trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa còn hạn chế.
Sân bay Gia Lâm là sân bay cấp II, thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố Hà Nội 8 km. Đây là sân bay chính của Hà Nội trước năm 1970. Sau năm 1975, sân bay này đã được thay thế bằng Sân bay Quốc tế Nội Bài. Hiện nay, sân bay Gia Lâm dành cho hoạt động bay huấn luyện và bay taxi phục vụ các chuyến du lịch bằng máy bay trực thăng. Sân bay Gia Lâm đang được quy hoạch và đầu tư thành một cảng hàng không nội địa dành cho các chặng bay ngắn. Theo đó, đến năm 2015, Cảng hàng không Gia Lâm sẽ có nhà ga với công suất có thể tiếp nhận 162.000 khách/năm, đến năm 2025 là 300 nghìn khách/năm. Theo Ban Quản lý Cảng hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, sân bay Gia Lâm hiện là nơi dùng chung cho cả quân sự và dân sự. Toàn bộ diện tích sân bay này rộng khoảng 302,61 ha. Trong đó, diện tích đất dành cho quân sự là 144,44 ha, dân sự khoảng 80 ha; và diện tích dùng chung cả quân sự, dân sự là 66,4 ha.
2.3.2.5. Hệ thống kho bãi
Tại Hà Nội hiện có hai cảng thông quan nội địa (Inland Clearance Deport – ICD) nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, đặc biệt là hàng container trên địa bàn thành phố. Hai ICD đó là ICD Gia Lâm và ICD Mỹ Đình. Đây là một trong những cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng của hệ thống Logistics thành phố.
Cảng ICD Gia Lâm là cảng container được thành lập đầu tiên ở miền Bắc, bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Vị trí của ICD Gia Lâm tại km9-QL5, thuộc địa phận xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội được hình thành theo quyết định sô 312/TCHQ-TCCB ngày 4/4/1996 của Tổng cục Hải quan. Tổng diện tích khu đất của ICD là 1 ha. Công ty phát triển hàng hải (Vinadeco) là chủ khai thác và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/1996. ICD Gia Lâm nằm cạnh đường QL5 và đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, gần các khu công nghiệp của Hà Nội như Sài Đồng, Deawoo – Hanel,… ICD Gia Lâm có vị trí thuận lợi cho việc khai thác hàng container xuất nhập khẩu giữa cảng Hải Phòng, Hà Nội và khu vực lân cận. Tuy nhiên, hiện nay khách hàng chính của ICD Gia Lâm là Công ty điện tử Hanel, nhà
máy Toyota Vĩnh Phúc với lượng hàng nhập khẩu, làm thủ tục thông quan tại ICD khoảng 30 – 40 container mỗi tháng. Các khách hàng nhỏ lẻ, khối lượng hàng thông quan ít và không thường xuyên.
Cảng ICD Mỹ Đình nằm cạnh đường vành đai 3 Hà Nội, được thành lập và hoạt động theo giấy phép số 3241/TCHQ/GSQL ngày 15/8/2005 của Tổng cục Hải quan. Đây là cảng cạn lớn nhất phía Bắc Việt Nam. Phía đông giáp với khu thương mại Cầu Giấy, phía bắc giáp cầu Thăng Long, phía nam giáp Trung tâm Triển lãm quốc tế và đối diện phía tây là bến xe Mỹ Đình. Hiện có những hãng vận tải lớn thường xuyên đưa hàng về ICD Mỹ Đình như Mearsk, Gemartrans, Gemadept… ICD Mỹ Đình có diện tích 55.000 m2 với hệ thống kho hơn 22.000 m2 gồm kho ngoại quan, kho thông quan, kho đông lạnh và kho bảo thuế. Diện tích sân bãi rộng rãi có thể lưu giữ xe và container trong quá trình làm thủ tục hải quan với số lượng lớn thuận tiện cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông quan tại ICD Mỹ Đình chủ hàng phần lớn thuộc khu vực Hà Nội với khối lượng hàng thông quan trung bình khoảng 1000 TEU/tháng, chủ yếu là hàng nhập. Với tốc độ đô thị hóa nhanh đã đưa ICD Mỹ Đình vào khu vực nội đô dẫn đến khả năng mở rộng khó khăn và tổ chức vận tải phức tạp, gây ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, tại Hà Nội cũng có hệ thống kho lớn như tổng kho Đức Giang, kho ga Giáp Bát, ga Văn Điển… Do các kho này đã được xây dựng từ lâu nên đường