Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững hệ thống Logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ Logistics (Trang 35)

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘ

2.2.2.Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập

Kể từ khi Hà Nội triển khai thực hiện Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2007 đến nay, kinh tế xã hội của thành phố đã có chuyển biến tích cực. Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2007-2011 đạt bình quân 10,8%/năm. Năm 2012, GRDP tăng 8,1%. Cơ cấu kinh tế

chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2012, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,7%, giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 9,3%, nông – lâm – thủy sản 0,4%. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng nhanh, mạnh và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố. Tính đến nay, Hà Nội có khoảng trên 2000 doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tới trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2007-2011 đạt 21,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này tương đương với mức tăng 21,3% của giai đoạn trước hội nhập 2002-2006.

Đầu tư quốc tế tăng mạnh và là điểm nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Hà Nội luôn là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2007-2012, Hà Nội đã phê duyệt và cấp phép 1.705 dự án FDI bao gồm cả cấp mới và tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.267 triệu USD, vốn đầu tư trực tiếp thực tế giải ngân là 5.415 triệu USD. Đến năm 2012, có 1.964 dự án còn hiệu lực đang hoạt động sản xuất kinh doanh với vốn đầu tư đăng ký 21,9 tỷ USD, vốn thực hiện được khoảng 9,95 tỷ USD.

Công nghiệp được phát triển có chọn lọc, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao như: điện tử - tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và vật liệu mới, các nhóm sản phẩm có lợi thế và thương hiệu. Đặc biệt, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Hà Nội là địa phương thực hiện thành công chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đã góp phần đáng kể với đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Hiện Hà Nội có 53 sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với 47 doanh nghiệp chiếm 26,73% giá trị sản xuất công nghiệp, 9,5% kim ngạch xuất khẩu, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách thành phố.

Bên cạnh đó, du lịch Hà Nội ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Từ sau khi gia nhập WTO, Hà Nội trở thành một trong hai trung tâm du lịch có lượng khách quốc tế đến nhiều nhất, từ chỗ

chỉ chiếm 20% lượng khách quốc tế cả nước đã tăng lên 30%, riêng năm 2012, Hà Nội lần đàu tiên đạt trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 11,3% so với 2011, chiếm 1/3 lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong 5 năm qua, nguồn nhân lực của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô và chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội đang chiếm hơn 60% cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo là khoảng 35%. Nếu xét lực lượng trí thức thì tỷ lệ bình quân trí thức trên 1 vạn dân tại Hà Nội là 884, gấp 4 lần mức bình quân chung của cả nước.

Về lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, Hà Nội đã chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế sâu rộng. Hiện, Thành phố đã có quan hệ hữu nghị hợp tác và hợp tác với gần 100 Thủ đô, thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới.

Có thể nói, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thành phố Hà Nội ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Quá trình tái cấu trúc kinh tế đang được thúc đẩy, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng cao. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có tiến bộ. Doanh nghiệp Nhà nước được đổi mới sắp xếp lại; đã hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch được chính phủ phê duyệt. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, năng động trong kinh doanh. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, có mức tăng trưởng cao, có vai trò quan trọng trong thu hút vốn và công nghệ, kỹ năng quản lý. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ. Sức cạnh tranh chung của kinh tế thủ đô có tiến bộ, từng bước đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sức cạnh tranh của nền kinh tế thủ đô, của các doanh nghiệp và các sản phẩm nhìn chung chưa cao, tiềm năng thị trường trong nước còn chưa được khai thác hiệu quả do doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô vốn thấp, phụ thuộc nhiều vào vốn vay; tăng trưởng xuất khẩu chưa vững chắc, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng sơ chế và gia công...

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững hệ thống Logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ Logistics (Trang 35)