Thể chế pháp luật

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững hệ thống Logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ Logistics (Trang 38)

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘ

2.3.1. Thể chế pháp luật

Trong kinh doanh hiện đại, các yếu tố chính trị, pháp luật ngày càng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi dịch vụ Logistics phát triển ở nước ta, sự thiếu hụt về mặt luật pháp đã gây cản trở không nhỏ trong việc quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển loại hình dịch vụ này. Vì vậy việc ra đời các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics là một tất yếu. Hà Nội cũng như các vùng khác trên cả nước cùng chịu sự điều chỉnh của các quy định đó.

Trước năm 2005, luật pháp Việt Nam chưa hề có các quy định về kinh doanh dịch vụ Logistics. Đến khi Luật Thương mại mới của Việt Nam được thông qua ngày 14/6/2005 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2006, thay thế bổ sung cho Luật Thương mại 1997, có những quy định về dịch vụ Logistics tại Mục 4, từ Điều 233 đến Điều 240. Các điều liên quan đến dịch vụ Logistics bao gồm nội dung về khái niệm dịch vụ Logistics, điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistics, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics, quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các trường hợp miễn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics khi cầm giữ hàng hóa của khách hàng. Tuy còn chưa đầy đủ và chính xác, nhưng sự ra đời của Luật đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam, phản ánh sự thay đổi nhận thức cơ bản ở Việt Nam trong việc thừa nhận dịch vụ Logistics như là hoạt động

thương mại, là tiền đề quan trọng, cơ sở pháp lý chủ yếu để phát triển lĩnh vực Logistics ở Việt Nam.

Để phối hợp chặt chẽ với các quy định và chính sách, tập quán quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics. Nghị định đã được chi tiết hóa để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường như thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và phải có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu của công việc. Tại nghị định, các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng được đưa ra. Các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ những quy định hạn chế mở cửa thị trường hoặc hạn chế đãi ngộ quốc gia theo các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế. Chẳng hạn như đối với kinh doanh dịch vụ bốc xếp dỡ hàng hóa thì chỉ được thành lập công ty liên doanh với tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%, trường hợp kinh doanh dịch vụ kho bãi thì tỷ lệ này không quá 51%, quy định này đến năm 2014 mới chấm dứt.

Ngoài các văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp dịch vụ Logistics nói trên, Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản luật và dưới luật khác liên quan đến hoạt động Logistics nhằm góp phần tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động này. Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 với phạm vi điều chỉnh rộng, quy định về hoạt động hàng hải áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam, là cơ sở pháp lý quan trọng trong điều chỉnh hoạt động Logistics. Nghị định 115/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển thay thế cho hai Nghị định là Nghị định số 57/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển và Nghị định 10/2001/NĐ-CP ngày 19/3/2001 về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải.

Luật Giao thông đường bộ năm 2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, quy định quy tắc giao thông đường bộ, các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông đường bộ của kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ. Luật quy định việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (điều 64) và vận chuyển hàng nguy hiểm (điều 65). Tuy nhiên, luật chưa quy định về trách nhiệm dân sự và giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận tải đường bộ.

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 có hiệu lực từ ngày 1/1/2005 có các quy định liên quan về vận tải hàng hóa như: bồi thường hàng hóa khi bị mất mát, hư hỏng; thời hạn gửi yêu cầu bồi thường, thời hạn giải quyết bồi thường và thời hiệu khiếu nại; giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải; miễn bồi thường; vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng; vận tải động vật sống.

Luật Đường sắt 2005 có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động Logistics như: hợp đồng vận tải hàng hóa, vận tải quốc tế, miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, giải quyết tranh chấp, thời hạn khiếu nại, thời hiệu khởi kiện.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 có hiệu lực từ 1/1/2007, thay cho Luật năm 1991 và Luật bổ sung 1995. Luật có những quy định liên quan như: vận chuyển hỗn hợp; trách nhiệm dân sự của người vận chuyển; mức bồi thường thiệt hại hàng hóa, hành lý; bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm; miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại; mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển; khiếu nại và khởi kiện người vận chuyển; thời hạn khiếu kiện và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển.

Luật Giao dịch điện tử 2005, có hiệu lực từ 1/3/2006. Luật quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định như: chữ ký điện tử; thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài; hợp đồng điện tử, giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử.

Luật Hải quan có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, quy định quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, kho ngoại quan, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Cùng với các bộ luật là các Nghị định và các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện. Liên quan đến hoạt động giao nhận vận tải – là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn trong dịch vụ Logistics, một số văn bản đã được ban hành. Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2009/NĐ-CP ngày 29/10/2009, có hiệu lực từ ngày 15/12/2009 về vận tải đa phương thức thay thế cho Nghị định 125/2003/NĐ-CP. Đây được coi là những cơ sở pháp lý quan trọng trong điều tiết các hoạt động có liên quan đến hoạt động Logistics.

Để phát triển giao thông vận tải, thương mại, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ phát triển Logistics, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đưa ra một số chính sách như: Công văn 1616/UBND-THCB của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ứng dụng văn bản điện tử trong giao dịch hành chính của thành phố năm 2012; Công văn 1263/UBND-GT của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông vận tải; Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 30/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch 49/KH-UBND ngày 20/3/2013 về thực hiện giai đoạn 2013 – 2015 chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 – 2015”. Cùng với các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành như: Quyết định 5814/QĐ-UBND năm 2011 thành lập Ban chỉ đạo thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định 5629/QĐ-UBND năm 2010 về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015; Quyết định 6374/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2020; Quyết định 1059/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội… Mới đây Ủy ban nhân dân thành phố cũng ra Quyết định 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 về việc ban hành Kế hoạch

hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững hệ thống Logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ Logistics (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w