Những ảnh hưởng của ô nhiễm nước gây ra đối với nguồn nước tiếp nhận

Một phần của tài liệu Bài giảng Vệ sinh môi trường (Trang 49)

- Xuất hiện các chất nổi trên mặt nước hoặc có cặn lắng: Các hiện tượng nhiễm bẩn này thường do nước thải từ các xí nghiệp chế biến thực phẩm hoặc nước thải sản xuất của các xí nghiệp có chứa dầu mỡ và các sản phẩm mỡ. Chúng tạo nên lớp màng dầu, mỡ nổi trên mặt nước và nếu cặn nặng thì lắng xuống đáy. Chúng làm cho nước có mùi vị đặc trưng và làm giảm lượng oxy trong nước nguồn. Với hàm lượng dầu 0,2 ÷ 0,4 mg/l sẽ làm cho nước có mùi dầu. Khử mùi dầu là một việc làm khó khăn. Tôm cá sống trong nước bị nhiễm bẩn do các sản phẩm dầu mỡ có tốc độ sinh trưởng rất kém, thậm chí không sinh trưởng được và thịt của chúng có mùi dầu. - Thay đổi tính chất lý học: Nguồn nước tiếp nhận nước thải sẽ bị đục, có màu, có mùi do các chất thải đưa vào hoặc do sự phát triển của rong, rêu, tảo, sinh vật phù du... tạo nên.

- Thay đổi thành phần hoá học: Tính chất hoá học của nguồn nước tiếp nhận sẽ bị thay đổi phụ thuộc vào loại nước thải đổ ra. Hiện tượng này tạo ra là do nước thải mang tính axid hoặc kiềm hay chứa loại hoá chất làm thay đổi thành phần và hàm lượng các chất có sẵn trong thủy vực.

- Lượng oxy hòa tan trong nước bị giảm: Hàm lượng oxy hoà tan trong nguồn nước tiếp nhận bị giảm là do tiêu hao oxy để oxy hoá các chất hữu cơ do nước thải đổ vào. Hiện tượng giảm hàm lượng oxy hoà tan (< 4 mg/l) trong nước gây ảnh hưởng xấu cho các loài thủy sinh vật.

- Xuất hiện hoặc làm tăng các loại vi khuẩn gây bệnh: Nước thải kéo theo các loài vi khuẩn gây bệnh vào nguồn nước tiếp nhận làm suy giảm chất lượng đối với việc cung cấp nước cho các mục đích trong đó đặc biệt là mục đích sinh hoạt.

Tóm lại, nước thải nếu bị lưu đọng hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước tiếp nhận, hậu quả kéo theo gây tác động xấu đến vệ sinh môi trường và sức khoẻ con người.

Một phần của tài liệu Bài giảng Vệ sinh môi trường (Trang 49)