Tại sao phải bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Bài giảng Vệ sinh môi trường (Trang 26)

Chương 3 SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

3.1. Tại sao phải bảo vệ môi trường

Kể từ khi xuất hiện trên Trái đất cách đây khoảng 4 tỷ năm, các dạng sống tiếp tục phát triển và tiến hóa không ngừng để tạo nên thế giới sinh vật rất đa dạng.

Qua lịch sử tiến hóa, các sinh vật đơn bào đã tiến hóa thành các sinh vật đa bào, rồi từ đó mà phát triển thành các sinh vật khác nhau sinh sống trên mặt đất. Con người cũng đã được sinh ra từ quá trình sinh học này và vì thế mà chúng ta không thể tách ra khỏi mối liên hệ với các sinh vật khác đang sinh sống trên Trái đất.

Một hệ sinh thái được hình thành và phát triển là nhờ có được những sự cân bằng rất phức tạp trong hệ sinh thái đó. Chức năng của một hệ sinh thái phụ thuộc rất chặt chẽ vào sự đa dạng của các sinh vật và mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa các loài để chúng tồn tại và phát triển. Sự tiêu diệt một loài trong hệ sinh thái sẽ làm cho sự cân bằng bị tổn thương và làm giảm giá trị của hệ sinh thái.Trong quá trình sinh sống, lao động và tiến hành các hoạt động của mình, con người vốn có nhiều mối quan hệ mật thiết với môi trường. Các mối quan hệ này không ngừng biến đổi và phát triển qua các thời đại. Sự phát triển công nghiệp đòi hỏi phải đưa vào chu trình sản xuất những nguồn tài nguyên mới. Quy mô sử dụng đất đai, rừng, thực vật, động vật, các nguồn khoáng sản và nguồn nước cũng tăng.

Sự bùng nổ về dân số trong những năm gần đây đã kéo theo việc tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, không gian sản xuất…Tất cả những cái đó đều dẫn đến việc khai thác một cách gia tốc các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường do đó dễ bị suy thoái. Vấn đề suy thoái môi trường hiện nay đang diễn ra trên quy mô hành tinh. Nếu như các nước công nghiệp phát triển, suy thoái môi trường chủ yếu do các chất thải công nghiệp làm ô nhiễm các nguồn nước, bầu không khí…thì sự suy thoái môi trường ở các nước đang phát triển lại do sự tăng nhanh dân số, khai thác tài nguyên không hợp lí để phục vụ cho các nhu cầu trước mắt của mình.

Thực tiễn môi trường hiện nay, trái đất nóng lên, “Sự biến đổi khí hậu toàn cầu”, có nguy cơ xâm hại bầu khí quyển của chúng ta. Hậu quả của sự biến đổi khí hậu đến trái đất, đến con người toàn cầu vô cùng khủng khiếp và khôn lường: tổn thất về kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và mọi hoạt động sản xuất của con người như: động đất, sóng thần, bão, lũ lụt, hạn hán, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ Trái đất ngày càng tăng cao…Nguyên nhân dẫn đến xảy ra các ảnh hưởng trên là do chính những bàn tay vô tâm của con người gây ra, do sự thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Trước sự cần thiết và cấp bách đó, việc bảo vệ môi trường không còn là một việc riêng của một quốc gia nào, mà phải có sự tham gia của tất cả các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, trên thế giới thường tổ chức các hoạt động bảo vệ

môi trường mang ý nghĩa thiết thực như: “ Giờ Trái đất”. Trong đó, nước Việt Nam của chúng ta hưởng ứng tích cực phong trào “ Giờ Trái đất.”

Hậu quả mất đa dạng sinh học là sự sụp đổ hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học sẽ gây nên một số tác động nghiêm trọng lên người dân sinh sống tùy thuộc trực tiếp vào các dịnh vụ của hệ sinh thái quanh họ. Ví dụ như, nhóm dân cư sinh sống trong một vùng có thiên nhiên, phong phú tại các nước đang phát triển, họ có đầy đủ nước cho sinh hoạt. Nếu như hệ sinh thái bị phá hủy, họ sẽ mất hết nguồn cung cấp các thức ăn thiết cho cuộc sống hàng ngày và nếu như vùng sống của họ chưa phát triển về kinh tế, họ không thể mua được các thứ cần thiết như nước uống, lương thực và các sản phẩm khác. Như vậy, sự suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái sẽ gây nên nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với những người nghèo khổ, những vùng nghèo, hay vùng sâu, vùng xa. Vì thế, việc bảo tồn đa dạng sinh học là hết sức quan trọng. Muốn bảo tồn đa dạng sinh học, con người phải thực hiện ngay việc bảo vệ môi trường, chấm dứt ngay các hành động phá hoại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng lại những mảng xanh của các khu rừng nguyên sinh đang dần mất vì con người.

Một phần của tài liệu Bài giảng Vệ sinh môi trường (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w