Trung Quốc Đang Chuyển Đổ

Một phần của tài liệu Trí tuệ kinh doanh châu Á Những doanh nhân thành công nhất khu vực (Trang 101)

“Ngày nay, sự cần thiết phải giải trình tài chính để thu hút đầu tư từ bên ngoài và

đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán hiện đại đang buộc các công ty Trung Quốc hoạt động kiểu truyền thống phải thay đổi cách thức tiến hành kinh doanh.”

David K.P.Li Chủ tịch, Giám đốc điều hành,Ngân hàng Đông Á, Hong Kong

David K.P.Li, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Hong Kong, là Chủ

tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Đông Á. Ông Li bắt đầu làm việc tại ngân hàng này năm 1969 và được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào năm 1986 và trở thành chủ tịch năm 1995.

Ôâng Li sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh, học toán tại Đại học tổng hợp London cho tới khi ông nhận ra rằng có người trong lớp học giỏi hơn ông. Sau khi chuyển sang học luật tại trường Cambridge, ông vẫn trở thành một kế toán viên vì ông không hài lòng với vị trí thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp luật. Mặc dù có một cuộc sống với nhiều ưu đãi, ông Li vẫn có một ao ước mà ông đã từng bày tỏ - rằng một ngày có thêm mười hai tiếng đồng hồ để ông có thể hoàn thành nhiều công việc hơn nữa.

Ngoài việc có ghế trong một số hội đồng của các công ty nhà nước, ông Li còn là một thành viên của Ủy ban Tư vấn Quỹ chứng khoán, Ủy ban Tư vấn ngân hàng và

Hiệp hội Ngân hàng Hong Kong, tất cả các cơ quan đó đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách tiền tệ của Hong Kong. Ông còn làm giám đốc cho Campbell Soup Co., Dow Jones, Hongkong Telecom, San Miguel Brewery, Sime Darby, và Vitasoy International.

Ông Li được biết đến như là một “guanxi” - nghĩa là mối “quan hệ” hay “sự ảnh hưởng” - ở Trung Quốc, nơi quan hệ cá nhân thường tạo ra những khác biệt giữa thành công và thất bại. Ông đã kết hợp nhiều công ty cổ phần hợp tác với các đối tác từ cả phương Tây lẫn đại lục. Trong bài viết sau đây, ông Li đã thăm dò doanh nghiệp Trung Quốc, cách thức quản lý, miêu tả cách thức họ thay đổi và dự đoán sự phát triển năng động của Đại Trung Hoa.

Cuộc khủng hoảng tài chính làm khuynh đảo nhiều thị trường cổ phiếu và tiền tệ Đông Á là một hiện thực đau đớn nhưng thiết yếu, nhắc nhở chúng ta rằng cách kinh doanh châu Á không phải là miễn dịch đối với logic không khoan nhượng của các thị trường toàn cầu. Nhìn lại trước đây, một số đã trở nên quá tự mãn trong chuỗi thành công tưởng như vô tận của khu vực. Thay cho sự tập trung chú ý vào những nguyên tắc cơ bản của tài chính lại là những bài giảng về sự ưu việt của cái gọi là “giá trị châu Á”.

Đối với một số người, các giá trị châu Á dường như là sự toàn quyền hành động đối với sự huyênh hoang về tài chính. Tóm lại, một số đã trở nên tham lam. Những

nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh bị phớt lờ để kiếm chác lợi nhuận trước mắt. Bất kể tất cả những điều này, điều quan trọng là phải nhớ rằng những giá trị chủ chốt đã làm nên điều kỳ diệu Á châu chưa hề thay đổi. Tinh thần làm việc đáng chú ý của các công nhân châu Á, một cam kết có kỷ luật phải tiết kiệm, một cam kết phải học tập vẫn còn và vẫn sẽ tiếp tục là những lý do chủ chốt cho những thành công của các nền kinh tế châu Á trong quá khứ và trong tương lai.

Khi người ta nói về các giá trị châu Á, họ thường nói về những nguyên tắc đạo Khổng đã chỉ đạo “doanh nghiệp kinh doanh Trung Hoa” - một trong những đơn vị kinh doanh quan trọng ở châu Á và một cơ sở khách hàng chủ chốt của Ngân hàng Đông Á kể từ khi nó được thành lập năm 1918. Ngoài Nhật Bản, các doanh nghiệp gia đình của Trung Hoa kiểm soát một phần lớn tài sản kinh tế của châu Á.

Không nghi ngờ gì khi sự sụp đổ của thị trường đã làm nổi bật một số điểm yếu trong cách thức mà các doanh nghiệp châu Á tiến hành kinh doanh. Mặc dù vậy, điều có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người sẽ là tốc độ của sự phục hồi. Lịch sử của khu vực này (và của những người Hoa ở nước ngoài, hoặc “mạng lưới doanh nghiệp Trung Hoa toàn cầu”) là một lịch sử thích nghi và thay đổi trước những điều không chắc chắn và thù địch.

Hãy để tôi mạnh dạn tranh luận rằng thế kỷ tới vẫn sẽ tiếp tục là thế kỷ Thái Bình Dương. Như bất cứ doanh nghiệp kinh doanh tốt nào của Trung Hoa cũng biết, rủi ro và cơ hội luôn đi cùng nhau.

Khi chúng ta bước vào thế kỷ 21, môi trường sinh ra những doanh nghiệp Trung Hoa đã biến mất. Được trang bị bằng những công nghệ hiện đại nhất và có thực tiễn, các giám đốc điều hành tại Nhật Bản và phương Tây đang làm cho cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Áp lực của thị trường toàn cầu đang đẩy cái gọi là doanh nghiệp gia đình vào hoạt động theo một kiểu quản lý cởi mở hơn. Các công ty và nền kinh tế phát triển hơn trong thế kỷ tới là những công ty và nền kinh tế có thể thích nghi tốt nhất với môi trường xã hội và công nghệ thay đổi không ngừng. Các doanh nghiệp Trung Hoa cũng không phải là ngoại lệ.

Mạng lưới quan hệ

Vậy thì “doanh nghiệp Trung Hoa” là gì? Đó vừa có thể là một nhà hàng Trung Hoa mà bạn yêu thích hoặc một số doanh nghiệp kinh doanh và tài chính lớn nhất thế giới. Thông thường, doanh nghiệp Trung Hoa khởi đầu bằng cách bán lẻ hoặc buôn bán ở trong một thành phố như Hong Kong, Đài Bắc, Jakarta, Singapore, Băng Cốc, Manila hay Sài Gòn.

Thông qua mạng lưới quan hệ đó, doanh nghiệp Trung Hoa có thể kinh doanh với các đối tác khác trên toàn bộ Đông Á. Những mạng lưới này mở rộng tới các làng mạc ở Phúc Kiến và Quảng Đông - Trung Hoa, quê gốc của phần lớn những người di cư ở Đông Á. Thành viên của những gia đình như thế đã hình thành nên những mạng lưới toàn cầu.

Sau nhiều năm, nhiều doanh nghiệp có tham vọng hơn đã trở thành các tập đoàn quốc tế lớn trong các ngành công nghiệp như bất động sản, vận tải hàng hải, chế tạo, bán lẻ, phân phối và viễn thông. Địa bàn hoạt động của họ có thể là Đông Nam Á, châu Âu, hoặc Bắc Mỹ. Ngày nay, hầu hết trong số họ đang cung cấp phần lớn đầu tư nước ngoài vào Trung Hoa đại lục - thị trường cơ bản và là quê hương tổ tiên của họ.

Không ngạc nhiên khi thấy rằng sự thành công này đã đánh thức sự quan tâm tới phong cách quản lý kiểu Trung Hoa. Tôi rất vui mừng khi thấy rằng giờ đây Trường đại học Cambridge của tôi đã có một giáo sư dạy môn quản lý kiểu Trung Hoa. Sự quan tâm này được đánh thức vì một lý do rất đơn giản: các học giả và nhà quản lý phương Tây nghĩ rằng doanh nghiệp gia đình Trung Hoa truyền thống có thể dạy cho các công ty phương Tây cách thức làm việc tốt hơn.

Có thể sự khác biệt rõ nét nhất giữa doanh nghiệp phương Tây và doanh nghiệp Trung Hoa là tầm quan trọng của gia đình và mối quan hệ họ sử dụng để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh của họ. Doanh nghiệp Trung Hoa thường do gia đình sở hữu, và được gia đình quản lý theo chế độ thứ bậc một người - mô hình gia trưởng. Người đó sẽ là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm trưởng ban điều hành luôn. Trong khi một công ty Nhật Bản phải đạt được sự đồng thuận, và một công ty phương Tây cần phải vận động thị trường và những nghiên cứu khác, thì công ty Trung Hoa chỉ dựa vào bản năng kinh nghiệm và sự nhạy bén của một người.

Chủ nghĩa cơ hội thuần túy

Theo truyền thống, Hoa kiều thường chỉ dựa vào mạng lưới vô hình và sự bí mật để tồn tại trong các môi trường thù địch và bất ổn. Mô hình gia trưởng của công ty

thường là một phần của mạng lưới quan hệ kinh doanh rộng lớn hơn, nơi mà “những người quen biết” là quan trọng hơn cả. Những mối quan hệ này sẽ được bổ sung bằng chiến lược, nghiên cứu, và các hợp đồng: ví dụ như tòa nhà cao nhất ở Hong Kong, Central Plaza, đã được xây một nửa trước khi hợp đồng chính được ký kết.

Cách kinh doanh này đã mang lại lợi thế cạnh tranh quan trọng cho các doanh nghiệp Trung Hoa. Nó đã và vẫn còn cho phép doanh nghiệp Trung Hoa quản lý các tổ chức một cách linh hoạt tuyệt đối. Một người nổi tiếng đưa ra quyết định, và công ty nhanh chóng thực hiện. Đó là một cấu trúc hướng tới chủ nghĩa cơ hội thuần túy.

Tôi chưa biết có loại tổ chức nào khác có thể hoạt động một cách nhanh chóng và hiệu quả đến như thế. Quá trình ra quyết định nhanh chóng cho phép các công ty gia đình Trung Hoa truyền thống phản ứng một cách kịp thời với những mối đe dọa cũng như đối với các cơ hội.

Sự cần thiết phải giải trình tài chính ngày nay, nhằm thu hút đầu tư từ bên ngoài và đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán hiện đại đang buộc các công ty Trung Hoa theo kiểu truyền thống thay đổi cách thức họ tiến hành kinh doanh. Điều này không chỉ đúng với cách quản lý tập đoàn, mà nó còn đúng với cả những vấn đề khác như chính sách con người nữa.

Ngày nay, tôi là chủ tịch và giám đốc điều hành của Ngân hàng Đông Á, nhưng tôi chỉ là một thành viên gia đình trong tổ chức hùng mạnh của 4.000 con người này. Những người quản lý của chúng tôi được tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên khả năng của họ. Chúng tôi có cách quản lý mở, khuyến khích suy nghĩ sáng tạo. Kết quả là chúng tôi trở thành ngân hàng có tính cạnh tranh. Thực sự, chúng tôi không bao giờ có thể phát triển thành ngân hàng trong nước lớn nhất Hong Kong nếu không có những cách thức quản lý theo tiêu chuẩn phương Tây.

Thế hệ giám đốc điều hành Trung Hoa mới là những Thạc sĩ quản trị kinh doanh được đào tạo từ những trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới. Họ hiểu rằng “điều bạn biết” cũng quan trọng không kém gì “người bạn biết”. Họ đã tạo ra một loại quan hệ mới, bao gồm không chỉ thành viên gia đình, mà còn gồm cả những người bạn học cũ cùng các trợ lý kinh doanh mới của họ. Thế hệ mới này sẵn sàng khai thác các công nghệ mới, vui lòng thuê các chuyên gia và nhà quản lý chuyên nghiệp, và sẵn sàng tới thị trường chứng khoán để huy động vốn.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Hong Kong và Trung Hoa? Mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính, tôi chưa bao giờ lạc quan hơn về triển vọng tương lai của nền kinh tế châu Á và Đại lục. Nhân tố phát triển kinh tế quan trọng nhất của thế kỷ tới sẽ là sự hội nhập của nền kinh tế Trung Hoa vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Điểm chủ chốt của thành công này sẽ là trở thành đối tác với các doanh nghiệp Trung Hoa toàn cầu.

Hoa kiều là những người đầu tiên nhận ra được tiềm năng kinh tế mà Trung Hoa đang tạo ra thông qua cải cách. Hong Kong, trung tâm thương mại lớn thứ tám trên thế giới, không chỉ là một cánh cổng lớn nối Trung Hoa với thế giới, mà còn là một tấm gương về thành công kinh tế của Trung Hoa. Trong vòng mười năm, chúng ta sẽ chứng kiến sự thống nhất tiềm năng kinh tế của Trung Hoa. Đến lúc đó, Trung Hoa sẽ chắc chắn bước trên con đường thiết lập được hệ thống luật pháp, và một cơ sở hạ tầng mới sẽ thay đổi bộ mặt của Trung Hoa.

Khi Trung Hoa tiếp tục phát triển, người ta sẽ thấy những điểm chốt cho sự phát triển kinh tế với những mô hình thành công giống như những gì mà các công ty đã trải qua tại những nơi như ở Thung lũng Silicon, California. Trong năm năm qua, Trung Hoa đã dành ra hàng tỷ đô-la để nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin của mình. Tiềm năng công nghệ của Trung Hoa được đánh dấu bằng một tập đoàn lớn về tài năng khoa học hàng đầu. Khi Trung Hoa tiến lên, phát triển mọi thứ từ tên lửa cho tới công nghệ sinh học, tia laser và quang học, nước này sẽ trở thành một cường quốc về khoa học công nghệ trong thế kỷ 21. Thực ra, Trung Hoa là nền kinh tế công nghiệp đang phát triển duy nhất chắc chắn sẽ thách thức Mỹ, Nhật Bản hoặc châu Âu trên mặt trận công nghệ.

Việc này có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ tới các doanh nghiệp Trung Hoa. Sự kết hợp tiềm năng khoa học của Trung Hoa, sự thành thạo của Đài Loan trong lĩnh vực cơ khí sản xuất, và khả năng tài chính, đóng gói và tiếp thị sản phẩm của Hong Kong sẽ mở ra con đường cho sự phát triển năng động của Đại lục.

Trong vòng 50 năm tới, Trung Hoa cũng sẽ phát triển thành một xã hội tiêu dùng khổng lồ và đa dạng với hơn một tỉ người tiêu dùng đầy hăm hở. Chúng ta thấy những công ty Trung Hoa mới đang tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho thị trường Trung Hoa, như Hãng truyền hình MTV Trung Hoa đang nổi lên. Cuối cùng, nhãn hiệu Trung Hoa sẽ tiến ra toàn thế giới và văn hóa Trung Hoa, giống như văn hóa Mỹ, sẽ trở thành thứ hàng hoá xuất khẩu quan trọng và có ảnh hưởng toàn cầu.

Văn hóa tiêu dùng mới của Trung Hoa sẽ được hiện thực hóa bằng nhân tố giúp phát triển kinh tế quan trọng nhất trong nửa thế kỷ qua - sự mở cửa nền kinh tế Trung Hoa cho doanh nhân Trung Hoa và đối tác nước ngoài của họ. Việc này sẽ có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu. Với sự kiên trì, hiểu biết, sự hội nhập của hệ thống Trung Hoa vào nền kinh tế thế giới sẽ báo trước sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, của sự bùng nổ kinh tế toàn cầu.

Tại thời điểm đầy bất ổn này, kỷ nguyên mới đó có thể còn là điều xa vời. Việc hội nhập đòi hỏi phải xây dựng sự hiểu biết chân thật từ hai phía. Mặc dù vậy, con đường tiến lên phía trước là phải thông qua quan hệ đối tác - quan hệ đối tác giữa các công ty của phương Tây, của Hoa kiều và của Trung Hoa đại lục. Đó sẽ là quan hệ đối tác của

những hệ thống quản lý khác nhau được xây dựng dựa trên những mối quan hệ và sự tin cậy. Cả hai bên phải sẵn sàng tôn trọng nhau và học tập lẫn nhau.

Mặc dù đó sẽ là một quá trình diễn ra chậm chạp, những quan hệ đối tác thành công này sẽ học tập và thay đổi lẫn nhau. Cuối cùng, câu hỏi về cách quản lý “kiểu Trung Hoa” và “kiểu phương Tây” sẽ dần phai nhạt đi và chỉ hai cách quản lý còn phổ biến, đó là “tốt” và “tồi” mà thôi.

Một phần của tài liệu Trí tuệ kinh doanh châu Á Những doanh nhân thành công nhất khu vực (Trang 101)

w