2.1.1 Hà Nội
Hà Nội – một trái tim hồng, thủ đô thân yêu của cả nước. Hà Nội vốn có vị thế đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của đất nước. Hà Nội mảnh đất kinh kỳ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu.
Nằm ở đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội có vị trí tư 20o
53' đến 21o
23' vĩ độ Bắc và 105o44' đến 106o
02' kinh độ Đông, tiếp giáp với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình ở phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía Đông, Hòa Bình và Phú Thọ ở phía Tây.
Thuộc đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Lý, quyết định chọn vùng đất này để xây dựng kinh đô mới với tên Thăng Long. Trong suốt triểu đại Lý, Trần, Lê, Mạc kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc. Khi triều Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới đời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua các cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc.
Sau chiến tranh, Hà Nội vẫn tiếp tục giữ vai trò thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất. Ngày 21 tháng 12 năm 1978, quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng hai huyện của tỉnh Vĩnh Phú là Mê Linh, Sóc Sơn. Năm 1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, trả lại 5 huyện và một thị xã đã lấy của Hà Sơn Bình năm
47
1978 cho Hà Tây và Mê Linh được nhập vào Vĩnh Phú. Hà Nội còn lại 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên 924 km2. Đến 1/2008, Hà Nội có 14 đơn vị hành chính gồm 9 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai và 5 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì.
Ngày 29 tháng 5 năm 2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 cùng năm. Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích là 3.324,92km2 và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Hiện, Hà Nội có 29 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 quận 1 thị xã và 18 huyện và 580 đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy, Hà Nội đã trải qua 3 lần mở rộng địa giới hành chính. Trong các lần mở rộng Hà Nội hoặc là sáp nhập hoặc trả lại một số vùng cho các tỉnh lân cận. Một điều đáng chú ý là vùng Hà Nội trung tâm đặc biệt là 4 quận nội thành cũ: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa mà xưa chính là đất kinh kỳ lại không chịu nhiều biến động trong các lần thay đổi đó. Vì vậy, các quận này vẫn không thay đổi về chính trị văn hóa cũng như dân cư. Do đó, khi nghiên cứu về Hà Nội thì các quận này sẽ là gốc để xem xét về những vấn đề liên quan đến văn hóa của người Hà Nội.
Do đối tượng và mục đích nghiên cứu của đề tài, Hà Nội phải mang tính chất tiêu biểu, đại diện cho tất cả các yếu tố về văn hóa, chính trị xã hội, con người... Vì vậy, về góc độ văn hóa du lịch, tác giả chọn Hà Nội cũ hay Hà Nội chưa mở rộng để giới hạn phạm vi cho luận văn.
48
2.1.2 Người Hà Nội
2.1.2.1 Dân số
Hà Nội bao gồm 10 quận, 18 huyện và 1 thị xã với tổng diện tích: 3.324,92km2. Số dân của thành phố tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009 có 6.448.837 người trong đó dân số thành thị 2.632.087 người, tương đương 41,1% và dân số nông thôn 3.816.750 người, tương đương 58,1%, còn lại là các dân tộc Dao, Mường, Tày chiếm 0,9%.
2.1.2.2 Mật độ dân cư
Hà Nội hiện nay cũng như khi chưa mở rộng địa giới hành chính, không đồng đều giữa các quận nội ô và khu vực ngoại thành. Trên toàn thành phố mật độ dân cư trung bình 1.979 người/km2
nhưng tại quận Đống Đa mật độ lên tới 35.341 người/km2. Trong khi đó, ở những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức mật độ không tới 1.000 người/km2
. Sự khác biệt giữa nội thành và ngoại thành còn thể hiện ở mức sống, điều kiện y tế, giáo dục,...
2.1.2.3 Nguồn gốc dân cư
Hà Nội nếu tính từ khi ra khỏi ẩn số của lịch sử là thế kỷ thứ V, tới nay trên ngàn rưỡi năm. Nhưng hỏi liệu bao nhiêu gia đình có từ ngày đó và tồn tại đến nay ở Hà Nội thì câu hỏi ấy không ai trả lời được. Ngay chỉ hỏi có bao nhiêu gia đình hiện diện tại Hà Nội từ khi bắt đầu là kinh đô (1010) thì cũng không có dữ liệu.
Ở những làng ngoại thành và ven đô cũ (nay đa số đã nằm trong nội thành) thuộc những phường nông nghiệp thì dân cư ít xáo trộn nên có nhiều gia đình còn giữ được gia phả nược lên đến tận thế kỷ XV, XVI. Như ở làng Trung Tự, vốn thuộc phường Đông Tác xưa nay là phường Trung Tự, quận Đống Đa có họ Nguyễn (của những học giả Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Kha,...) còn giữ gia phả cho biết là gốc từ Gia Miễu – Thanh Hóa ra cư trú tại
49
Trung Tự từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và đến nay trẻ nhất là thế hệ thứ XVII.
Họ Phạm ở Đông Ngạc (Vẽ) - huyện Từ Liêm một gia tộc lớn với những chi Phạm Gia, Phạm Quang có nhiều danh nhân, bác học, gia phả cũng ghi gốc là làng Đông Biện – Thanh Hóa ra cư trú tại Vẽ từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, nay trẻ nhất là thế hệ 18.
Hay ở làng Vân Điểm (Đông Anh) có họ Nguyễn đã sản sinh ra các bậc đại nho Nguyễn Án, Nguyễn Tư Giản và nhà viết tiểu thuyết lịch sử tài danh Nguyễn Triệu Luật, thì coi cụ Nguyễn Thực (1555 – 1637) là tổ thứ 1 và nay trẻ nhất là đời thứ 16. (Gia phả còn cho biết đây chính là dòng dõi nhà Lý bị đổi ra họ Nguyễn, có điều là thời gian quá xa nên không rõ tên họ các các cụ tổ họ Lý). Đó là trường hợp những nơi ít biến động dân cư. Còn những khu vực vốn là phường thương nghiệp và thủ công nghiệp ở ven cửa sông Hồng và ven sông Tô (nay là khu các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thì dân cư xáo trộn nhiều. Người buôn bán và người làm hàng thường ít trụ nhiều đời ở một địa điểm. Có hai hướng: một là phá sản, phải bật đi nơi khác, hai là khá giả lên thì lại tìm những nơi khác rộng rãi hơn, thuận tiện hơn cho kinh doanh, thậm chí chuyển sang tỉnh khác để làm giàu. Bên cạnh đó, điều ghi nhận của câu ngạn ngữ cũ cũng có nhiều trường hợp đúng: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời!". Việc hưng thịnh hay sa sút trong kinh doanh không phải là hiếm. Không kể nhiều trường hợp con em các gia đình ở khu vực này thi đỗ, đi làm quan tỉnh xa rồi cư ngụ luôn ở đấy, đôi khi kéo theo cả họ hàng. Ngoài ra luồng nhập cư vào Thăng Long luôn diễn ra thường xuyên.
Người "Tứ chiếng" thường xuyên về Thăng Long – Hà Nội làm ăn. Ngay từ thế kỷ XV dân các trấn về Thăng Long đông quá khiến vua Lê Thánh Tông toan đuổi về nguyên quán. Nhưng khi biết rằng chính họ là nguồn cung
50
nạp thuế quan trọng và làm ra nhiều sản phẩm cần thiết nên cuối cùng vua chỉ đuổi bọn du thủ du thực vô nghề nghiệp mà thôi.
Hay như thế kỷ XVIII, trong Thượng Kinh phong vật phú đã ghi: "Khách bốn phương những người thích nơi thượng kinh đua nhau đến ở quanh cả kinh đô, không lúc nào ngớt đều cố nhanh chân rảo bước mà đến như tranh đến kinh đô nước Yên xưa". Một ví dụ tiêu biểu như ở ngõ Phát Lộc nay thuộc quận Hoàn Kiếm có một ngôi nhà thờ họ Bùi Huy là một họ lớn nổi tiếng ở Thăng Long từ thế kỷ XVII và cho tới nay họ vẫn có nhiều thành viên thành đạt cả trong và ngoài nước. Họ này vốn không phải gốc ở đây. Và ngay cái tên Phất Lộc cũng không phải là tên gốc của ngõ đó. Đây vốn là ngõ Phúc Lộc thuộc huyện Thọ Xương.
Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, có một ông họ Bùi quê quán làng Phất Lộc thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình lên Thăng Long ngụ ở ngõ Phúc Lộc. Con cháu ông sau phát đạt người làm quan, người buôn bán giàu có nên mua phần lớn đất thổ cư trong ngõ. Sau đó, người làng Phất Lộc – Thái Bình cũng theo gương ấy kéo ra ngụ cư tại đây, do vậy hầu hết đất ngõ thuộc về người Phất Lộc nên đến một lúc nào đó được gọi là Phất Lộc. Nếu tính từ ông cụ họ Bùi lên Thăng Long đến nay thì trẻ nhất là đời thứ 10 (Gia phả còn ghi được 8 đời trước đó ở Phất Lộc – Thái Bình).
Hay như họ Đỗ Đức ở phường Thịnh Quang (nay vẫn mang tên này, thuộc quận Đống Đa, sau có một chi di vào làng Hạ Đình, thuộc xã Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân) thì gia phả ghi cụ tổ thứ nhất có thể là ở Lạc Đạo (Hưng Yên) di sang Thịnh Quang từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Họ này từng có ông Đỗ Chân Thiết, một chiến sĩ của phong trào Đông Du – Phan Bội Châu, bị Pháp bắt xử tử, có bà Đỗ Thị Tâm, đảng viên Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học, bị bắt và đã tự sát trong nhà tù Hỏa Lò để phản
51
đối chế độ nhà tù thực dân. Gần đây, có nhà văn Đỗ Đức Thu nổi tiếng thời 1938 – 1945.
Trong thực tế lịch sử, lại còn có một số nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long – Hà Nội. Đó là những người nước ngoài đến lập nghiệp nơi đây. Đa số là người Hoa. Không kể những người Hoa ở lại từ thời Bắc thuộc. Chỉ kể những người Hoa được phép sinh sống ở Thăng Long trải qua các triểu đại Lý – Trần – Lê. Sử cũ còn ghi năm 1274 có 30 thuyền người Hoa xin nhập tịch nước ta, được phép cư ngụ ở Thăng Long. Trong "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) ghi chép là trong số 36 phường họp thành Kinh đô Thăng Long có hẳn một phường người Hoa được cư trú. Đó là phường Đường Nhân. Thời cổ có lúc cả thế giới gọi người Hoa là người nhà Đường. Phường đó tương ứng cới khu vực phố Hàng Ngang và lân cận.
Khoảng thế kỷ XVII người Hoa chỉ được phép ở phố Hiến (Hưng Yên). Sang thế kỷ XVII họ được lên Thăng Long. Hẳn là đông đúc nên có lúc họ xin chính quyền thành Thăng Long cho đứng ra tu bổ xây kè dọc bờ sông Hồng từ bến Hàng Mắm đến tận bến Tây Long (tức chỗ Nhà Hát Lớn ngày nay). Chả là thuở đó sông Hồng chảy sát chân đê, tức chân đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ.
Suốt quá trình nhập cư đó có rất nhiều gia đình người Hoa đã Việt hóa, nhập tịch làng ta, trang phục như ta, đàn bà cũng vấn khăn, nhuộm răng, ăn trầu. Cho mãi đến năm 1945 có tới hàng chục cửa hàng của các chi phái họ Phan từ Quảng Đông sang mở cửa hiệu ở Hàng Ngang từ trăm năm trước đã Việt hóa hoàn toàn. Đó là các hiệu Phan Hưng Thành, Phan Hòa Thành, Phan Thái Thành...
Ngoài người Hoa, phải kể đến người Chăm. Đó là những lớp người được đưa từ phương Nam ra trong nhiều trường hợp khác nhau. Trường hợp tự nguyện không ít, như sử đã ghi: Năm 1039 một hoàng tử con vua Chăm đã
52
cùng 5 gia tộc vượt biển ra Thăng Long quy phục nhà Lý, năm 1390, lại có 2 hoàng tử làm như vậy đối với nhà Trần, và năm 1448 có một quý tộc Chăm là Phan Mỗ đem bà con họ hàng làng xóm tất cả 340 người sang quy phục nhà Lê. Các làng ở Hà Nội trong tên gọi có chữ Sở phần lớn là các sở đồn điền dành cho người Chăm như Vĩnh Tuy Sở, Thịnh Quang Sở, Xuân Tảo Sở, Quán La Sở... Đặc biệt là có làng Phú Gia (quận Tây Hồ) có hai họ Bố và Ông là gốc Chăm (mãi tới đời Tự Đức khoảng 1848 - 1850 một viên quan huyện hách dịch không muốn dân xưng bố và ông với quan nên bắt đổi Bố ra Hi và Ông ra Công. Nay hai họ này vẫn là cư dân chính làng Phú Gia. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí có nên ông Phương Đình Pháp, một vị quan can đảm thời vua Lê Cảnh Hưng, đã ngăn không cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem gươm đi lên chính điện gặp vua, ông Pháp là người Quán La Sở và gốc Chăm. Hay bà Phan Ngọc Đô, một phi tần được Lê Thánh Tông đưa ra Thăng Long, cho ở tại trang Thiên Niên (nay là Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ). Bà đã dậy cho dân vùng này dệt lĩnh, là một mặt hàng lụa rất mỏng, mịn, mặc mát, nhuộm thâm.
Luồng nhập cư liên tục và mạnh mẽ vậy nên cư dân tất phải xáo trộn. Có điều là đã có bao nhiêu thế hệ "tứ chiếng" ấy kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Tất nhiên bấy nhiêu thế hệ đã đem đến Thăng Long – Hà Nội những lề thói của địa phương mình song chung đúc lại, chắt lọc ra, hòa với người Thăng Long bản địa tạo nên cái chất "kinh kỳ" mà thực chất là lối sống có văn hóa (nhiều người gọi đó là tính thanh lịch).
Nói cách khác, các thế hệ nhập cư Thăng Long đã tự điều chỉnh, tự hoàn chỉnh nhân cách, nâng cao lên cho hợp với điều kiện và môi trường kinh đô. Họ tồn tại được còn do là kết quả của quá trình hòa đồng, dung hội lâu dài.
53
Tuy không thuần khiết như làng quê – vì là tứ trấn quần cư – nhưng cũng đã (và phải) hình thành những cộng đồng mới đã nhiều: hàng phố, bạn phường... Và thế là theo đó cũng hình thành tính cách riêng của Kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội mà nhiều người gọi là tính cách thanh lịch Tràng An.[26,tr36,37,38]
Như vậy, dân cư của Hà Nội rất đa dạng về nguồn gốc. Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng, dân cư Hà Nội có thêm một số dân tộc khác như Dao, Mường Tày. Về góc độ hành chính, họ là người Hà Nội. Tuy nhiên, về góc độ văn hóa họ chưa thể được gọi là người Tràng An. Do vậy, đối tượng người Hà Nội được đề cập đến trong luận văn phải hội tụ đầy đủ những đặc điểm văn hóa của người Tràng An.
2.1.2.4 Một số đặc điểm văn hóa của người Hà Nội - Tri thức cao
Từ xưa khi nói đến "sĩ phu Bắc Hà", người ta thường nghĩ ngay đến những người có học vấn ở Hà Nội. Ngày nay cũng gần như vậy. Nền dân trí của người Hà Nội vào loại cao nhất nước, không chỉ ở trình độ phổ cập giáo dục cao, tỷ lệ người đi học rất cao, mà còn ở sự tự học của mọi người thông qua mọi phương tiện có thể, như đọc sách, đến các thư viện, tham dự các hội thảo hoặc nghe nói chuyện, tham khảo các tài liệu mới, tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua trao đổi tại các câu lạc bộ...