Giải pháp về các hoạt động và sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của người Hà Nội (Khảo sát trên địa bàn quận Đống Đa (Trang 124 - 126)

Các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh cần đa dạng hóa các hoạt động để phục vụ nhu cầu của du khách. Du khách đến đó không chỉ tham quan tìm hiểu về di tích mà họ được hướng dẫn thực hành các nghi lễ. Đối với hoạt động này cần có sự hướng dẫn của chức sắc, các nhà tu hành. Vì chính họ mới có thể am hiểu sâu sắc về các nghi thức thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Họ có thể tư vấn và làm thay đổi những thói quen hoặc những quan niệm không đúng của du khách khi hành lễ.

Các sinh hoạt tôn giáo khác tại các di tích cũng cần được quan tâm hơn nữa. Các nhà chức sắc có thể mở các khóa học, lớp bồi dưỡng về kiến thức tôn giáo, các khóa tu làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh tinh thần ngày càng tăng trong xã hội. Tuy nhiên, các lớp này phải có tổ chức quy củ về cách thức thực hiện, đối tượng tham gia, người hướng dẫn... tạo sự trong sáng trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng.

Tại các di tích Phật giáo có thể tổ chức du lịch thiền cho du khách. Bởi hiện nay, nhu cầu về loại hình này đang phát triển. Khách du lịch thiền cũng rất đa dạng, bao gồm cả người lớn tuổi, người trẻ tuổi và không chỉ giới hạn ở giới doanh nhân. Du lịch thiền phải được tổ chức kết hợp giữa hoạt động

132

viếng thăm các chùa, thiền viện hay các địa danh tâm linh khác với các lớp học yoga, điều trị tâm lý, hoặc nghe giảng đạo... Trong mỗi chuyến đi cần cho du khách tham gia vào các sinh hoạt giống như các nhà tu hành, thưởng thức những món chay tịnh khiến họ có thể trải nghiệm trực tiếp văn hóa Phật giáo. Tổ chức loại hình này cũng cần chú ý tới lợi ích tinh thần cho du khách giúp họ có thể thư giãn, giải tỏa stress, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Du lịch thiền có thể tổ chức vào các tuần rằm, mồng một âm lịch hoặc kết hợp với các dịp lễ hội của các di tích. Để tổ chức được, các di tích cũng cần chú ý đến không gian, môi trường cảnh quan để tạo ra sự yên tĩnh, thanh tịnh, gần gũi với thiên nhiên.

Đối với các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, du khách là những người tham gia trực tiếp cũng cần phải nâng cao ý thức về việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bài trừ hình thức mê tín dị đoan, bảo vệ môi trường cảnh quan, giữ vệ sinh chung....Ngoài ra, du khách phải có mục đích trong sáng thể hiện ở mọi hành động của mình. Du khách phải ý thức được điểm đến tâm linh là chốn trang nghiêm, thanh tịnh không giống như các điểm du lịch thông thường. Do vậy, du khách đến đây phải chú ý đến ngôn ngữ, hành động, cử chỉ và cả trang phục.

Du khách được tự do thể hiện niềm tin của mình đối với đối tượng thiêng liêng mà họ ngưỡng vọng. Tuy nhiên, các hoạt động cầu nguyện, chiêm bái, tham gia các nghi lễ phải tuân thủ theo những quy định tại nơi đến. Du khách tránh rơi vào tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa" đối với các điểm du lịch tâm linh mà phải có ý thức tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, giá trị văn hóa, hệ thống giáo lý và đạo đức tôn giáo.

Các du khách khi đến các điểm du lịch tâm linh thường nảy sinh nhu cầu về đồ lễ. Đồ lễ là tượng trưng cho lòng thành kính của họ trước các thánh thần. Các đồ lễ thường là đồ mã, hoa quả, đồ ăn thức uống và được bày bán ở

133

hầu hết các di tích. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng thương mại hóa đồ cúng lễ, du khách phải được trang bị hiểu biết về đồ lễ như loại đồ lễ nào là phù hợp với nơi thờ tự nào cách bày đồ lễ ra sao để vừa đảm bảo giá trị tâm linh và giá trị thẩm mỹ. Hơn nữa, họ cũng cần được hướng dẫn về cách thức đồ lễ để tránh tình trạng lộn xộn ở các nơi thờ tự. Đối với các gian hàng đồ lễ, các nhà quản lý cần có dàn xếp chỗ hợp lý, kiểm tra, giám sát về hoạt động kinh doanh của họ tránh tình trạng lộn xộn gây mất mỹ quan cho di tích.

Các ấn phẩm về tôn giáo tín ngưỡng được bày bán tại các di tích phải được kiểm tra nghiêm ngặt để loại bỏ các tài liệu nhuốm màu mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến niểm tin của con người. Trong khi đó, cần tăng cường cung cấp các tài liệu giới thiệu về di tích, hệ thống thờ tự, về văn hóa tâm linh...

Đối với du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực cũng cần chú trọng được khai thác các món chay. Đặc biệt, tại các chùa các nhà tu hành thường xuyên tổ chức hoạt động ẩm thực chay vào các ngày lễ liên quan tới đạo Phật và di tích. Chính họ có thể hướng dẫn du khách cách chế biến, thưởng thức các món chay, phân tích những ý nghĩa của món chay trong đời sống tâm linh của con người. Từ đó, du khách có thêm những am hiểu về văn hóa ẩm thực Phật giáo. Đối với các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn có thể cung cấp cho khách giống như một loại dịch vụ ăn uống. Từ đó có thể tăng thêm nguồn thu cho di tích để phục vụ cho hoạt động tôn tạo, tu bổ di tích.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của người Hà Nội (Khảo sát trên địa bàn quận Đống Đa (Trang 124 - 126)