Giải pháp về tổ chức quản lý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của người Hà Nội (Khảo sát trên địa bàn quận Đống Đa (Trang 121 - 123)

Hoạt động du lịch văn hóa tâm linh gắn liền với nhu cầu về tôn giáo tín ngưỡng của du khách. Vì vậy, để hoạt động du lịch này diễn ra vừa đảm bảo tự do tín ngưỡng, chống mê tín dị đoan nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong tín ngưỡng tôn giáo rất cần những giải pháp thiết thực của các Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Trên phương diện quản lý, các Cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa cần tập trung vào:

Phát huy tính tích cực trong tôn giáo tín ngưỡng đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức lành mạnh, hướng thiện, tinh thần đoàn kết, tính khoan dung, gắn bó với dân tộc, truyền thống "uống nước nhớ nguồn"...

Nhà nước nên ban hành Luật tôn giáo tín ngưỡng dựa trên Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã ban hành năm 2004. Ngoài những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tín đồ, chức sắc, về hoạt động tôn giáo... luật cũng nên có những quy định về những vấn đề cụ thể như nghi thức mở lễ hội và các hoạt động hầu đồng, hầu bóng hay hoạt động cúng bái...

Quan tâm giải quyết hợp lý những nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Song, cần cung cấp cho họ một cách có hệ thống những thông tin khoa học cần thiết về tín ngưỡng tôn giáo để quần chúng nâng cao nhận thức, có cơ sở lựa chọn niềm tin đúng đắn của mình, tránh được những vi phạm hoặc khắc phục những thiếu sót trong suy nghĩ cũng như trong hành động tín ngưỡng.

Nhà nước cần phải tăng cường hoạt động quản lý về mặt văn hóa của các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, bởi tín ngưỡng tôn giáo là văn hóa, thậm

129

chí là một dạng văn hóa đặc biệt. Cần loại bỏ những mặt trái, mặt hạn chế cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Nhà nước cần xây dựng chính sách văn hóa đối với tín ngưỡng tôn giáo để đưa ra những quan điểm, thái độ ứng xử, biện pháp giải quyết với tín ngưỡng tôn giáo từ phương diện văn hóa. Nó tạo tiền đề cho các cấp, các ngành ở cơ sở xây dựng những quy định về sinh hoạt văn hóa tại các địa bàn, các khu dân cư. Ở các cơ sở thờ tự cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đó đề ra nội dung cụ thể về các hoạt động cúng bái, lễ hội... nhằm loại trừ các hình thức mê tín dị đoan, các hủ tục, lợi dụng bám vào tín ngưỡng tôn giáo. Qua đó, làm cho người dân thấy rõ trách nhiệm, chủ động tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực cũng như xu hướng "thương mại hóa" trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, góp phần bảo vệ đời sống tín ngưỡng tôn giáo chính đáng của cộng đồng tín đồ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hoạt động du lịch tâm linh diễn ra theo hướng tích cực phục vụ cho lợi ích văn hóa xã hội và nhu cầu của du khách, cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền địa phương, ngành du lịch và ban quản lý các điểm du lịch tâm linh trong tổng thể du lịch của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hoạt động quản lý cần được phân cấp rõ ràng giữa các đơn vị tránh tình trạng chồng chéo. Ban quản lý di tích và danh thắng làm công tác chuyên môn liên quan đến việc lập hồ sơ các di tích cần đánh giá đúng hiện trạng, xác định rõ những giá trị tiêu biểu. Quan trọng hơn là đưa ra các phương án để bảo tồn, tôn tạo thích hợp nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích. Đối với các di tích chưa có ban quản lý di tích riêng, chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý trực tiếp về mặt hành chính đối với di tích và hoạt động lễ hội. Chính quyền địa phương nên sát sao hơn trong việc quản lý các hoạt động tâm linh tín ngưỡng diễn ra tại di tích để tránh những hiện tượng mê tín dị đoan. Đặc biệt, ngành du lịch khi coi di tích là tài nguyên quan trọng cần có những đóng

130

góp thiết thực như phát triển cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch tâm linh. Họ cũng cần tư vấn, hỗ trợ các điểm mà ban quản lý nơi đó thiếu trình độ hay thiếu vốn đầu tư để tránh tình trạng di tích nhếch nhác, nhuốm màu mê tín dị đoan.

Đối với các lễ hội, các cơ quan chức năng cũng nên có những chính sách cũng như chiến lược phù hợp góp phần tạo nên sự hài lòng cao nhất và cho sự phát triển du lịch. Tính thiêng liêng của lễ hội cần được giữ gìn, tránh tình trạng "hiện đại hóa các lễ hội". Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như quy định rõ ràng về giá dịch vụ tại các điểm tổ chức lễ hội, tránh tình trạng "cò", "chèo kéo" làm mất hình ảnh của điểm đến. Đặc biệt là chọn những lễ hội lớn trên địa bàn thành phố để phát triển du lịch văn hóa tâm linh tạo sự cô đọng và thu hút lượng lớn du khách tham gia.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của người Hà Nội (Khảo sát trên địa bàn quận Đống Đa (Trang 121 - 123)