Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực của đề tài

Một phần của tài liệu nghiên cứu xây dựng quy trình chiết tách phlorotannin thô từ một số loài rong nâu thuộc chi rong quạt vùng biển nam trung bộ, định hướng sử dụng làm thực phẩm chức năng có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn (Trang 27)

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về polyphenol từ thực vật trên đất liền đã và đang được triển khai tại các Viện nghiên cứu, trường đại học cũng như các cơ sở sản xuất như Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Viện Hóa học công nghiệp….Đối tượng nghiên cứu được quan tâm nhiều nhất là polyphenol từ lá trà.

Nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thành Quân trường Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài cấp trường với tên đề tài “Nghiên cứu trích ly polyphenol từ lá trà để ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm” đã nghiệm thu năm 2007. Trong đề tài này các tác giả đã tìm ra phương pháp tách chiết polyphenol có sử dụng vi sóng thu được hiệu quả tách chiết tốt (82,46 % sau 6 phút chiếu vi sóng), cao hơn phương pháp tách chiết bằng gia nhiệt thông thường trong 60 phút , phương pháp tách chiết có hỗ trợ siêu âm sau 60 phút hay phương pháp ngâm chiết sau 24 giờ.

Năm 2009, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Tự Hải, trường Đại học Đà Nẵng,

được giao đề tài cấp Bộ với tên “Nghiên cứu chiết tách hợp chất polyphenol từ cây chè, cây đước và ứng dụng làm chất ức chế thân thiện môi trường trong chống ăn mòn

kim loại” với mục tiêu là nghiên cứu xây dựng qui trình chiết tách polyphenol từ lá trà già và vỏ cây đước ở Quảng Nam - Đà Nẵng và ứng dụng hợp chất polyphenol ức chế sạch – thân thiện môi trường bảo vệ kim loại. Đề tài này hiện nay đang thực hiện. Ngoài ra còn một số công bố khoa học về polyphenol chiết từ lá chè, lá dâu, quả mướp đắng, cây xoan, cây nhân trần tía. Tuy nhiên các công trình nói trên chỉ mới đưa ra hoạt tính chống oxy hóa trên cơ sở khả năng quét gốc DPPH mà chưa có công trình nào đưa một cách đầy đủ về hoạt tính chống oxy hóa của chúng trên cở sở khảo sát khả năng quét các anion như superoxide anion (O2-), hoạt tính khử sắt (III), khả năng tạo phức chelat với các ion hóa trị (II), khả năng oxy hóa lipid.

Các nghiên cứu về quy trình tách chiết phần lớn là áp dụng cho đối tượng là lá chè và sản phẩm thu được mới chỉ là polyphenol dưới dạng thô. Phần lớn các công trình mới chỉ đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố như dung môi (chỉ sử dụng cồn, nước, acid), nhiệt độ, tỉ lệ nguyên liệu : dung môi lên khả năng chiết polyphenol. Theo các tài liệu mà chúng tôi nhận được, cho đến năm 2009, chưa công trình nào đưa ra một cách đầy đủ thành phần các hợp chất polyphenol có trong lá chè. Nhóm tác giả Mai Tuyên [8] đưa ra thành phần chất chiết từ lá chè là cafein vào khoảng 2 - 2,1% và polyphenol vào khoảng 7 - 8% khối lượng mẫu lá chè khô. Quy trình chiết cụ thể như sau: Chiết bằng dung dịch ethanol : nước, loại cafein và tạp chất bằng cách chiết với cloroform và cuối cùng chiết bằng ethyl acetate để thu được polyphenol tinh chế.

Vũ Hồng Sơn và Hà Duyên Tư [7] đưa ra quy trình chiết tối ưu polyphenol

từ chè vụn là thời gian từ 45 đến 60 phút; pH từ 2,5 - 3,5; tỉ lệ nước : nguyên liệu từ 10:1 đến 15:1 và nhiệt độ trích ly từ 800C đến 900C.

Ngược lại với polyphenol từ thực vật trên cạn, các nghiên cứu về polyphenol từ thực vật biển nói chung và rong biển nói riêng rất ít. Theo những tài liệu mà chúng tôi tham khảo được, thì chỉ có một vài công bố của nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang trong vài năm gần đây đề cập đến hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của dung dịch chiết cồn và quy trình chiết polyphenol (phlorotannin) từ loài rong nâu thuộc chi Dictyota.

Bùi Minh Lý và cộng sự [5] đã đưa ra quy trình chiết phlorotannin từ loài rong Dictyota dichotoma tối ưu để thu được hiệu suất chiết phlorotannin cao nhất như

sau: tỉ lệ dung môi (cồn ethanol : nguyên liệu) thích hợp là 2,5:1 đến 3:1, nhiệt độ chiết 500C sau 24 giờ.

Trong báo cáo Trần Thị Thanh Vân và cộng sự [9] đã đưa thành phần của dịch chiết ethanol của rong nâu thuộc 03 chi (Sargassum, Dictyota, và Turbinaria)

bao gồm: phlorotannin, iod hữu cơ, acid béo và lượng nhỏ các chất terpenoid, alkaloid, ….Đặc biệt với dịch chiết ethanol từ chi rong Dictyota có chứa các chất terpenoid, alkaloid nhiều hơn hai chi còn lại. Điều này gợi ra hướng công nghệ chiết phân đoạn dịch chiết này để có thể thu được các chất có hoạt tính khác trong rong nâu.

Nói chung, ở nước ta, tình hình nghiên cứu chiết rút các thành phần hoá học phổ biến trong rong thì rất nhiều, nhưng chiết tách phlorotannin, thử nghiệm hoạt tính sinh học và định hướng ứng dụng của chúng còn rất ít.

Một phần của tài liệu nghiên cứu xây dựng quy trình chiết tách phlorotannin thô từ một số loài rong nâu thuộc chi rong quạt vùng biển nam trung bộ, định hướng sử dụng làm thực phẩm chức năng có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn (Trang 27)