Dịch chiết sau khi cô chia thành 5 mẫu, đem ly tâm ở các khoảng thời gian 5 phút, 10 phút, 15 phút, 20 phút, 25 phút với tốc độ 5000 vòng/ phút. Các mẫu sau khi ly tâm đem đánh giá cảm quan và thu được kết quả như bảng 3.11.
Bảng 3.11. Ảnh hưởng của thời gian đến các chỉ tiêu cảm quan của dịch chiết
Mẫu Thời gian (phút) Màu sắc Độ trong
1 5 Vàng pha xanh Còn cặn lơ lửng
2 10 Vàng sáng pha xanh Còn cặn lơ lửng (đã giảm đi đáng kể)
3 15 Vàng sáng pha xanh Dịch trong, không còn cặn lơ lửng
4 20 Vàng sáng pha xanh Dịch trong, không còn cặn lơ lửng
5 25 Vàng sáng pha xanh Dịch trong, không còn cặn lơ lửng
Từ kết quả thu được, ta thấy:
- Dịch chiết sau ly tâm 5 phút vẫn còn nhiều cặn lơ lửng, lượng tạp chất tách ra ít, màu sắc kém sáng.
- Dịch chiết sau ly tâm 10 phút trong hơn, tạp chất tách ra nhiều hơn nhưng vẫn còn một lượng cặn nhất định lơ lửng trong dich chiết.
- Dịch chiết sau ly tâm 15 phút trong hơn, tạp chất đã lắng hết, màu sắc sáng rõ. - Dịch chiết sau ly tâm 20 - 25 phút, dịch trong và sáng nhưng lượng tạp chất trong dịch cũng không thay đổi.
Như vậy có thể thấy lượng tạp chất trong dịch chiết phụ thuộc vào thời gian ly tâm. Thời gian càng dài, lực ly tâm càng có điều kiện tác động lên toàn bộ các phần tử trong dịch rong, khả năng phân tách các tạp chất cao nên lượng tạp chất tách ra càng nhiều, dịch chiết càng trong và sáng hơn. Nhưng nếu càng kéo dài thời gian ly tâm, sự tác động của lực ly tâm đến các thành phần trong dịch đã đạt đến trạng thái ổn định và lượng tạp chất trong dịch chiết lúc này không còn nhiều như lúc đầu nên chúng sẽ thay đổi ít hoặc không thay đổi.
Do vậy, để dịch chiết thu được trong và sáng màu, đồng thời tránh lãng phí thời gian và năng lượng, ta chọn thời gian thích hợp nhất là 15 phút để làm thông số cố định cho quá trình ly tâm.