Mặc dù đã được biết đến từ năm 1986 với tên là “phlorotannin” do trong thành
phần của chúng gồm các monome phloroglucinol nhưng những nghiên cứu ban đầu về phlorotannin mới chỉ tập trung vào phân tích định lượng, nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện môi trường như ánh sáng, nhiệt độ đến khả năng tổng hợp phlorotannin và so sánh hàm lượng phlorotannin của các loài rong nâu tại các vùng biển khác nhau trên thế giới.
Theo Ragan M. A [25] thì phlorotannin được định nghĩa như sau: chúng là polyme sinh học được hình thành từ gốc phloroglucinol (1,3,5 trihydroxybenzen) (Hình 1.1, i) và có thể cấu thành lên đến 15% trọng lượng khô của rong nâu (Ragan Glombitza, 1986; Targett và Arnold, 1998).
Các gốc phloroglucinol này liên kết với nhau bằng nhiều cách khác nhau. Chính vì vậy mà chúng tạo nên nhiều dạng cấu trúc khác nhau và đôi khi có trọng lượng phân tử lên đến 650 KDa. Cho đến nay, trên thế giới có một số cấu trúc của các hợp chất thuộc nhóm phlorotannin từ rong nâu đã được xác định và nhiều dịch chiết thô của chúng đã được khảo sát hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, rất ít công trình công bố một cách đầy đủ các cấu trúc của tất cả các dẫn xuất của phloroglucinol trong dịch chiết phlorotannin thô được chiết từ một loài rong cụ thể và hoạt tính của chúng và các công trình này chỉ được công bố trong 10 năm trở lại đây.
Hình 1.1. Cấu trúc của phloroglucinol (i ) và phlorotannins [tetrafucol A (ii), tetraphlorethol B (iii), fucodiphlorethol A (iv), tetrafuhalol A (v), tetraisofuhalol
(vi), phlorofucofuroeckol (vii)] (modified after Ragan and Glombitza, 1986)[29]
Phần lớn các nghiên cứu về cấu trúc của phlorotannin không đề cập đồng thời đến hoạt tính của chúng hoặc là chỉ xác định cấu trúc của một vài hợp chất mà chúng có hoạt tính. Sử dụng các phương pháp hóa học (chiết, acetyl hóa toàn phần, sắc kí gel, sắc kí bản mỏng) và các phương pháp vật lý (Phổ NMR, HPLC, FAB-MS), Karl-Werner Glombitza và cộng sự [21] đã xác định được cấu trúc của phlorotannin chiết từ loài rong
Carpophyllum angustifolium bao gồm các cấu trúc trihydroxyheptaphlorethol-A octadecaacetate, trihydroxyoctaphlorethol-A eicosaacetate và trihydroxyoctaphlorethol-B eicosaacetate. Sử dụng phương pháp nghiên cứu tương tự như trên nhóm tác giả này tiếp tục đưa ra 03 dạng cấu trúc khác nhau của phlorotannin chiết từ loài rong Cystophora retroflexa. Dạng 1: difucol hexa-acetate, dạng 2: phlorethols (có 03 chất), dạng 3:
fucophlorethol (có 10 chất như: tetraphlorethol-E nona-acetate, pentaphlorethol-B undeca-acetate, hexaphlorethol-A trideca-acetate, fucotriphlorethol-G dodeca-acetate, fucotriphlorethol-H... . Trong công trình của mình, Koki Nagayama và cộng sự [22] đã đưa ra đồng thời cả hoạt tính và cấu trúc của một số hợp chất thuộc nhóm phlorotannin được chiết từ loài rong Ecklonia kurome. Cấu trúc của chúng như sau: eckol (trimer, 9%), phlorofucofuroeckol A (pentamer, 28%), dieckol (hexamer, 24%), 8,8′-bieckol (hexamer, 7%) và các chất còn lại chưa xác định (khoảng 30%). Để có thể đưa ra tương đối đầy đủ cả cấu trúc và hoạt tính này các tác giả dựa trên các công bố trước đó vài năm. Tương tự như vậy các nhà khoa học Hàn Quốc cũng đưa ra cấu trúc đầy đủ của các dẫn xuất của phloroglucinol chiết từ loài rong Ecklonia cava bao gồm: phloroglucinol (1), eckol (2), fucodiphloroethol G(3), phlorofucofuroeckolA(4), 7- phloroglucinol eckol (5), dieckol (6), và 6,60-bieckol (7), và hoạt tính của chúng.