Tổng quan về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng (Trang 44)

hiện nay

Kể từ khi Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tục bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng, coi tham nhũng là “quốc nạn”, “kẻ thù bên trong” và là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Quyết tâm này được thể hiện thành những nỗ lực ngày càng lớn của nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong những năm gần đây [44, tr.28].

Trước hết, phải kể đến khung chính sách mà Việt Nam đã xây dựng và tham gia trong những năm qua, bao gồm:

Nghị quyết Trung ương 3 (được Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X thông qua ngày 21/8/2006) được xem như Nghị quyết đầu tiên của Việt Nam về phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, đến ngày 12/5/2009, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến 2020” với 5 ưu tiên như sau:

1. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật;

2. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ;

3. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch;

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng;

5. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng [45].

Mặc dù vẫn còn sớm để đánh giá tính hiệu quả của Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng, những sáng kiến phòng chống tham nhũng quan trọng đã đạt được những kết quả ban đầu. Cải cách hành chính công, được thực hiện từ năm 2007, đã đơn giản hóa và chuẩn hóa gần 5.000 thủ tục hành chính, cắt giảm hơn 37% chi phí cho người dân và doanh nghiệp [40, tr.34]. Hệ thống kiểm toán cũng được chuẩn hóa, các cơ quan tư pháp đã ban hành thông tư về tăng cường phối hợp giữa phát hiện, điều tra và giải quyết các vụ án hình sự,các cơ quan chống tham nhũng cũng đẩy mạnh cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu về phòng chống tham nhũng. Ngày 21/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân bầu và Quốc hội phê duyệt. Đề án 137 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó đưa vấn đề chống tham nhũng vào các chương trình giáo dục đào tạo được tiến hành thí điểm vào năm 2011- 2012 tại 14 cơ sở giáo dục.

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) vào tháng 6/2009 và tham gia đánh giá thực thi vào năm 2011. Chính phủ Việt Nam cũng tự đánh giá và chỉ ra 102 trên tổng số 145 điều khoản của UNCAC đã được thực thi đầy đủ trong các quy định pháp luật của Việt Nam và chỉ còn 14 điều khoản đang được điều chỉnh. Việt Nam gia nhập Chương trình hành động chống tham nhũng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 6/2004, đồng thời đã phê chuẩn Công ước Chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc vào tháng 12/2011.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia một số diễn đàn và sáng kiến khu vực bao gồm Hiệp định chống tham nhũng của ASEAN, Sáng kiến chống tham nhũng của ADB –OECD cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Liên minh nghị viện Đông Nam Á về chống tham nhũng (SEAPAC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, Diễn đàn toàn cầu về chống tham nhũng và bảo vệ liêm chính. Chính phủ Việt Nam

cũng kí các hiệp ước song phương về phòng chống tham nhũng với một số nước châu Á như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Hàn Quốc [45, tr.29].

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng khung pháp lý cho hoạt động phòng chống tham nhũng, đó là sửa đổi và thông qua một số luật liên quan đến vấn đề này [46, tr.29-30]. Trước hết phải kể đến Pháp lệnh về phòng chống tham nhũng đầu tiên được thông qua vào năm 1998 và được nâng lên thành Luật phòng chống tham nhũng vào năm 2005, sau đó được sửa đổi hai lần vào các năm 2007 và 2012. Luật phòng chống tham nhũng xác định một loạt hành vi được coi là tham nhũng như: tham ô, hối lộ, lạm quyền và bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi. Ngoài ra Luật tập trung vào các hành vi được thực hiện bởi các “chủ thể có chức vụ quyền hạn”. Tiêu chí của Luật là tăng cường nhận thức và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng và các cán bộ nhà nước, đặc biệt thông qua việc đưa ra yêu cầu kê khai tài sản, minh bạch ngân sách và xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) đã xác định rõ hơn các hình phạt với những hành vi tham nhũng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2011 cũng làm rõ các thủ tục và chế tài được áp dụng với những hành vi này. Các chế tài phòng chống tham nhũng rất nghiêm khắc và được xác định theo mức độ hậu quả và giá trị tiền tệ của hành vi phạm tội cụ thể, với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự không hình sự hóa các hành vi tham nhũng nhỏ với mức hối lộ dưới 500.000 đồng, trừ khi hành vi đó gây “hậu quả nghiêm trọng” hoặc tái phạm nhiều lần.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành thì cán bộ nhà nước tham nhũng sẽ bị xử phạt hành chính dù họ có bị xử lý hình sự hay không. Các mức phạt hành chính bao gồm từ khiển trách, cho tới trừ lương hoặc đuổi việc. Luật phòng chống tham nhũng cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ

chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm với những vụ tham nhũng xảy ra trong đơn vị dưới quyền của mình (Điều 5 Luật phòng chống tham nhũng).

Luật tố cáo năm 2011 tăng cường bảo vệ cho người đứng ra tố cáo tham nhũng. Luật này cùng với Luật khiếu nại năm 2011 đã thay thế Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, trong đó quy định cụ thể hơn về thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và vai trò của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và giữ bí mật cho người tố cáo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong khung pháp lý về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. So sánh với các tiêu chuẩn quốc tế, các quy định về làm giàu bất hợp pháp, đưa hối lộ, tham nhũng trong khu vực tư và tham nhũng của quan chức nước ngoài chưa được quy định trong các Luật phòng chống tham nhũng. Thêm vào đó, các quy định hiện hành về công khai tài sản chưa hoàn thiện, cụ thể là mới chỉ yêu cầu công khai tài sản tại nơi làm việc của cán bộ chứ chưa công khai rộng rãi trước công chúng (Điều 46 Luật phòng chống tham nhũng). Các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa tạo được sự tin tưởng, còn các quy định về vai trò của người tố cáo trong điều tra, về cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại... còn thiếu rõ ràng, hợp lý.

Ngoài ra, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như của chính Đảng và Nhà nước, ở Việt Nam hiện tồn tại một khoảng cách lớn giữa khuôn khổ pháp luật và việc thực thi khuôn khổ pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động phòng chống tham nhũng còn thể hiện ở việc xây dựng được khung thể chế phòng chống tham nhũng khá đầy đủ, mặc dù tính hiệu quả của nó còn nhiều hạn chế, kể từ khi Luật phòng chống tham nhũng được ban hành vào năm 2005. Hiện nay, vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam mà trách nhiệm này về nguyên tắc được trao cho tất cả các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là các cơ quan sau [45, tr.31].

- BCĐTWPCTN (BCĐTWPCTN) được thành lập vào năm 2005 theo Luật phòng chống tham nhũng và nằm dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho tới năm 2012. Hiện tại, BCĐTWPCTN được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, do Tổng bí thư trực tiếp đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, điều phối và giám sát hoạt động phòng chống tham nhũng trên cả nước. Văn phòng BCĐTWPCTN được thành lập từ năm 2007 để hỗ trợ cho công việc của BCĐTWPCTN, tuy nhiên, kể từ tháng 2/2012, cơ qua này được thay thế bởi Ban nội chính Trung ương.

- TTCP (TTCP) được thành lập từ năm 1956 nhưng chỉ được giao nhiệm vụ chống tham nhũng một cách rõ ràng sau khi có Luật phòng chống tham nhũng năm 2005. Cục phòng chống tham nhũng của TTCP được thành lập năm 2006 để giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến tham nhũng. TTCP có quyền tiếp nhận khiếu nại và tố cáo của người dân và chịu trách nhiệm thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng không có chức năng khởi tố.

- Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm và thẩm quyền truy tố các vụ án tham nhũng và đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các cấp chính quyền, các bộ, ngành, cơ quan kinh tế, tổ chức xã hội, quân đội và người dân.

- Bộ Công an có cơ quan chuyên trách về điều tra tham nhũng với nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng trong cả nước điều tra, xử lý các loại tội phạm về tham nhũng; trực tiếp điều tra các vụ việc nghiêm trọng và tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

- Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm kiểm toán các bộ, ngành của Chính phủ, vì vậy cũng có trách nhiệm theo dõi và phát hiện tham nhũng trong nhánh hành pháp.

Ngoài ra, các cơ quan của Đảng cũng hướng dẫn và giám sát công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ Đảng CSVN.

Theo đánh giá của tổ chức Liêm chính toàn cầu, năng lực của các cơ quan phòng chống tham nhũng ở Việt Nam nhìn chung là yếu (chỉ đạt 60 trên tổng số 100 điểm), đặc biệt trên các khía cạnh tính độc lập và hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, hệ thống cơ quan này cũng được mô tả là “có chức năng chồng chéo”, “phân mảnh và thiếu phối hợp với nhau” [30, tr.41]. Đây là những hạn chế quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện khung pháp luật hiện hành về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tham gia vào hoạt động phòng chống tham nhũng còn cần kể đến vai trò của xã hội dân sự, doanh nghiệp và các nỗ lực từ bên ngoài. Cụ thể:

Xã hội dân sự là một phạm trù mới ở Việt Nam và mới chỉ tham gia ở mức độ hạn chế vào phòng chống tham nhũng, chủ yếu do tính nhạy cảm của vấn đề. Tuy nhiên vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng ngày càng tăng lên, đặc biệt thông qua việc thực hiện các nghiên cứu có mục đích vận động chính sách nhằm chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả trong quản lý hành chính, khai thác tài nguyên, cung cấp dịch vụ công, cũng như vận động người dân tham gia ủng hộ minh bạch và liêm chính. Năm 2012, một tổ công tác phòng chống tham nhũng trong Nhóm công tác về sự tham gia của người dân được thành lập để điều phối tốt hơn và đảm bảo sự đóng góp mang tính xây dựng của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng.

Hoạt động phòng chống tham nhũng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế, mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang tăng cường hệ thống quy tắc nội bộ về chống tham nhũng do áp lực từ những quy định về chống hối lộ ở nước ngoài. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các nhà tài trợ quốc tế và đối tác phát triển đã góp phần không nhỏ vào những nỗ lực phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Ví dụ, Đối thoại phòng chống tham nhũng được tổ chức hàng năm bởi nhóm tài trợ Vương quốc Anh

cùng TTCP là đại diện cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển khác để thảo luận về thực trạng và giải pháp cho vấn đề tham nhũng trong những lĩnh vực khác nhau. Các đối tác phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp bằng chứng về các vấn đề quản trị chủ chốt, thường xuyên làm việc với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự để tiến hành những nghiên cứu nhằm mục đích này [45, tr.32-33]

Mặc dù những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ không ngừng gia tăng trong những năm qua, có rất ít bằng chứng cho thấy những nỗ lực đó đã thu được kết quả đáng kể trong việc làm giảm mức độ tham nhũng. Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) kiểm soát tham nhũng của Việt Nam từ năm 2002 liên tục tăng giảm qua các năm nhưng cao nhất chỉ là 33,6 vào năm 2011 – tiến bộ rất nhỏ so với đánh giá vào năm 2002 là 34,6 [58].

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng (Trang 44)