HIỆN QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỘI NGŨ KIỂM SÁT VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
Việc tăng cường quyền hạn cho đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, xét xử sơ thẩm cần đi đôi với việc đề cao trách nhiệm của chính đội ngũ Kiểm sát viên này. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Cụ thể hơn là trách nhiệm trước pháp luật và Viện trưởng Viện kiểm sát. Cần nghiên cứu xây dựng các thiết chế, chế tài để xử lý khi Công tố viên/ Kiểm sát viên hoặc thiếu trách nhiệm hoặc lạm dụng, lợi dụng quyền hạn vì các động cơ cá nhân gây ra hậu quả ở các mức độ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát đối với Kiểm sát viên trong việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khi tiến hành tố tụng. Coi sự giám sát, kiểm tra của Viện trưởng, Phó Viện trưởng là một cơ chế giám sát trong quan hệ tố tụng. Xác định rõ trách nhiệm của Viện trưởng,
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi Kiểm sát viên trong đơn vị mình phụ trách có sai sót vi phạm gây hậu quả trong khi thực hiện quyền hạn nhiệm vụ.
Trong ngành kiểm sát cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng một hệ thống thanh tra pháp luật chuyên ngành để chuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ Kiểm sát viên, xử lý các vi phạm và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đội ngũ này.
Song song với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế nêu trên cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội đối với hoạt động công tác của đội ngũ Kiểm sát viên. Kịp thời phát hiện những hành vi trái pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng của các Kiểm sát viên để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.