hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên
Đánh giá đầy đủ, đúng đắn thực trạng hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử sơ thẩm là một vấn đề quan trọng để tìm ra nguyên nhân của những thành tựu cũng như của những tồn tại, làm cơ sở cho việc xác định những giải pháp và đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên.
Trong những năm qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Số lượng án hình sự mà các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trên toàn quốc thụ lý giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Theo cung cấp của Cục thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì số lượng án hình sự mà Viện kiểm sát nhân dân các cấp trên toàn quốc đã thụ lý và giải quyết trong các năm 2004, 2005, 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 như sau:
Bảng 2.1: Số lượng án hình sự mà Viện kiểm sát nhân dân các cấp trên toàn quốc đã thụ lý và giải quyết
Năm Số lƣợng án thụ lý Số lƣợng án giải quyết Số vụ Số bị can Số vụ Số bị can 2004 51.580 82.675 49.182 77.505 2005 52.692 85.648 50.732 81.425 2006 58.406 97.189 56.553 92.632 2007 59.096 100.652 57.332 96.466 6 tháng đầu 2008 30.076 52.597 27.456 46.932
(Nguồn: Phân tích các báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Nhìn vào bảng thống kê có thể thấy, tình hình số lượng các vụ án hình sự và số lượng bị can bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát các cấp thụ lý ngày càng có xu hướng tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2004 có 51.580 vụ với số lượng 82.675 bị can thì năm 2005 là 52.692 vụ và 85.648 bị can. Tương tự như thế các năm 2006, 2007 đều tăng về số vụ và số lượng bị can. Trong khi đó, số lượng Kiểm sát viên không có thay đổi nhiều. Tuy vậy, Viện kiểm sát các cấp vẫn giải quyết gần như cơ bản các vụ án liên quan đến ra quyết định truy tố trước tòa án và thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Có thể nói rằng, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm do đội ngũ Kiểm sát viên tiến hành trong nhiều năm qua đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trước tình hình tội phạm luôn gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết được khối lượng lớn các vụ án hình sự, năm sau tăng hơn năm trước về tỷ lệ số vụ việc.
Do được quán triệt đầy đủ và kịp thời tinh thần các văn kiện chỉ đạo của Đảng như: Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị với các yêu cầu và trách nhiệm cụ thể như "…sai sót trong việc bắt, giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương đó phải chịu
trách nhiệm". Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị với trách nhiệm của Viện kiểm sát như: "Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm
quyền phê chuẩn của mình". Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ
Chính trị, Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự…cũng như kế hoạch công tác và các hoạt động chỉ đạo nghiệp vụ thường xuyên liên tục của ngành kiểm sát - cho nên, đội ngũ Kiểm sát viên toàn ngành đã ý thức được đầy đủ vai trò và trọng trách của mình. Đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tích cực triển khai các biện pháp quản lý và xử lý tin báo tố giác về tội phạm. Hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án cũng như kịp thời phát hiện và đề nghị hủy các quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ trái pháp luật của Cơ quan điều tra. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc phê chuẩn bắt, gia hạn tạm giữ, tạm giam. Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy số người bị bắt, bị tạm giữ sau đó bị khởi tố hình sự chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tình trạng tạm giữ hình sự tràn lan sau đó xử lý hành chính tại các địa phương cơ bản đã được khắc phục.
Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tăng cường kiểm sát việc khởi tố vụ án, đảm bảo việc khởi tố vụ án có căn cứ theo Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự, việc khởi tố vụ án được tiến hành theo đúng quy định tại Điều 104, 105, 106 Bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ theo quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm nào cũng xảy ra tình trạng Viện kiểm sát kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tin báo về tội phạm và phải đưa ra yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra, hoặc ra
quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2006, Viện kiểm sát các cấp đã yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 54 vụ án hình sự với 73 bị can, hủy 12 quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Cả năm 2006, Viện kiểm sát ra quyết định hủy 101 quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra vì những quyết định này không có căn cứ pháp luật. Điều này cho thấy Kiểm sát viên luôn bám sát hoạt động khởi tố, bảo đảm việc khởi tố vụ án là có căn cứ và hợp pháp.
Công tác kiểm sát việc khám nghiệm như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, công tác kiểm sát xét phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Cơ quan điều tra ngày càng được chú trọng và quan tâm ở mức độ cao, đảm bảo đúng yêu cầu theo quy định tại các Điều 150, 151, 126, 127 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã thường xuyên và bám sát tiến độ, kết quả điều tra, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm trong hoạt động điều tra. Đảm bảo cho hoạt động điều tra phải chứng minh được những vấn đề theo yêu cầu của Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo các yếu tố cần và đủ của chứng cứ để phục vụ công tác truy tố, xét xử. Vì vậy, đã khắc phục và hạn chế được tình trạng phải hoàn trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra sau khi đã kết thúc điều tra, để yêu cầu điều tra bổ sung. Trong chương trình, kế hoạch công tác năm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiều năm gần đây, việc khống chế và đưa ra tỷ lệ: án trả lại cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung không quá 2% tổng số án đã kết thúc điều tra, đã gần như là một chỉ tiêu cố định và là một trong những căn cứ quan trọng để xét thi đua đối với các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân trong toàn quốc [39].
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định mới là: Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra
phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn mới có giá trị pháp lý (Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003) mà đối với một người chỉ khi nào bị khởi tố là bị can bằng một quyết định có căn cứ, đúng pháp luật và mới bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn như; tạm giam, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, truy nã…theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo tinh thần Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì: những trường hợp phải đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội là một dạng "oan" và nếu xảy ra trường hợp nêu trên, không thể cho rằng Cơ quan Viện kiểm sát đã tiến hành tố tụng trong vụ án không có trách nhiệm.
Do nhận thức được như vậy nên trong nhiều năm vừa qua, đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã đề cao trách nhiệm trong việc kiểm sát điều tra. Đảm bảo việc phê chuẩn của Viện kiểm sát, đặc biệt là phê chuẩn khởi tố bị can, phê chuẩn tạm giam, bắt tạm giam là cần thiết, có căn cứ, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. Vì vậy, số lượng các vụ án bị đình chỉ, trong đó có đình chỉ do bị can không phạm tội đã giảm nhiều. Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, các Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chú trọng việc tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra các cấp khắc phục vi phạm, rút kinh nghiệm để tránh xảy ra các sai sót trong quá trình điều tra các vụ án. Chú trọng trong việc tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lên lãnh đạo trong việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo các quyết định của Viện kiểm sát là cần thiết, có căn cứ, đúng pháp luật. Ví dụ, theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân về kiểm sát hoạt động điều tra trong hai năm từ 2004 - 2005 (khi
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực), Viện kiểm sát các cấp không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp: 152 trường hợp; không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 325 trường hợp; không phê chuẩn lệnh bắt để tạm giam: 433 trường hợp; không phê chuẩn lệnh tạm giam: 612 trường hợp do Cơ quan điều tra đề xuất. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân, đội ngũ Kiểm sát viên các cấp đã có nhiều nỗ lực cố gắng và đạt kết quả tương đối tốt. Đặc biệt là từ khi thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Do quán triệt được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành kiểm sát, nên các Kiểm sát viên trong toàn ngành đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử nói chung và hoạt động xét xử sơ thẩm nói riêng của hệ thống Tòa án nhân dân. Theo cung cấp của Cục thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì số lượng án hình sự Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh trên toàn quốc đã xét xử sơ thẩm trong các năm 2004, 2005, 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 như sau:
Bảng 2.2: Số lượng án hình sự Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh trên toàn quốc đã xét xử sơ thẩm
STT Năm Số vụ án bị đƣa ra xét xử sơ thẩm Số bị cáo bị đƣa ra xét xử sơ thẩm
1 2004 48.974 76.562
2 2005 48.859 77.810
3 2006 55.766 90.507
4 2007 56.542 94.292
5 6 tháng đầu 2008 27.313 46.032
(Nguồn: phân tích các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao).
Nhìn vào bảng số liệu trên có thể thấy trong hơn 4 năm vừa qua, đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh trên toàn quốc đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử sơ thẩm một khối lượng lớn án hình sự. Khối lượng công việc
năm sau cao hơn năm trước, trong khi tính chất các vụ án ngày càng phức tạp hơn vì tội phạm ngày càng tinh vi xảo quyệt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đã xuất hiện nhiều đường dây hoạt động phạm tội theo kiểu "xã hội đen" với nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, tội phạm về chức vụ mà người phạm tội dùng vị trí, ảnh hưởng và các mối quan hệ của mình gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử sơ thẩm, các Kiểm sát viên của các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã bám sát và kiểm sát hoạt động của Tòa án ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử, cụ thể là: kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của Tòa án, kiểm sát về thời hạn chuẩn bị xét xử, kiểm sát nội dung các quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm sát việc giao các quyết định của Tòa án. Đảm bảo các hoạt động chuẩn bị xét xử này của Tòa án được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Đặc biệt là Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong xét xử sơ thẩm của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Tại phiên tòa xét xử, ngoài nhiệm vụ phải kiểm sát hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử và hoạt động tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng nhằm đảm bảo hoạt động xét xử của Tòa án công minh, đúng pháp luật, quyền và lợi ích của hợp pháp của những người tham gia tố tụng được đảm bảo, tôn trọng trong quá trình xét xử, các Kiểm sát viên đã tập trung thực hiện tốt phần nhiệm vụ cơ bản và rất quan trọng, đó là thực hiện chức năng công tố tại phiên tòa. Trong nhiều năm gần đây đặc biệt là từ khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, hoạt động thực hành quyền công tố tại các phiên tòa xét xử án hình sự nói chung và tại các phiên tòa hình sự sơ thẩm nói riêng đã có sự thay đổi đáng kể theo định hướng cải cách tư pháp. Do làm tốt công tác
thực hành quyền công tố từ giai đoạn điều tra, do có sự chủ động chuẩn bị trước khi mở phiên tòa nên các Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm đã chủ động xét hỏi các bị cáo, hỏi những người tham gia tố tụng khác, thực hiện việc luận tội và tranh luận có hiệu quả, thuyết phục. Bảo vệ được quan điểm truy tố, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và giáo dục đối với người phạm tội, song vẫn đảm bảo được tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động xét xử.
Quán triệt tinh thần cải cách tư pháp, đặc biệt là tinh thần nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị với yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể là: "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp", các Kiểm sát viên trong toàn ngành kiểm sát đã nhận thức và đáp ứng được yêu cầu của công tác tranh tụng. Hoạt động tranh tụng được bắt đầu ngay từ giai đoạn điều tra và được tập trung cao độ tại phần tranh luận