NHIỆM CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên nói chung và quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự nói riêng bao gồm các quy định trong các luật, pháp lệnh như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002.
Để tăng quyền hạn cho đội ngũ Kiểm sát viên trong quá trình tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự, ngoài các biện pháp gián tiếp thì các biện pháp trực tiếp, cụ thể và quyết định là phải sửa đổi các quy định trong các văn bản luật đã nêu theo hướng trang bị thêm, trang bị mới các quyền năng pháp lý trong tố tụng cho Kiểm sát viên. Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên chủ yếu cần tập trung tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát không thể tiến hành tố tụng tập thể mà phải thông qua những cá nhân đại diện cho mình, đó chính là các Kiểm sát viên. Như vậy, để tăng khả năng hoạt động độc lập, tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì việc đại diện phải đầy đủ, Kiểm sát viên phải được trao đầy đủ quyền của chủ thể mà nó đại diện.
Khi xem xét quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thấy:
- Đây là một điều luật quy định mang tính chất tổng hợp và liệt kê các quyền, nhiệm vụ của Kiểm sát viên, song quy định như vậy vừa không hợp lý khoa học, vừa chưa đầy đủ. Không hợp lý, khoa học ở chỗ luật đã không tách bạch, cụ thể hóa đâu là nhiệm vụ, đâu là quyền hạn của Kiểm sát viên. Cho dù vấn đề quyền hạn luôn đi đôi và gắn liền với nhiệm vụ. Đồng thời việc tách bạch giữa nhiệm vụ, quyền hạn trong một số trường hợp cũng không thể tuyệt đối được.
Chưa đầy đủ, chặt chẽ thể hiện ở chỗ; còn nhiều quyền năng pháp lý của Kiểm sát viên chưa được đề cập đầy đủ tại Điều 37 Bộ luật tố tụng hình
sự. Ví dụ: Quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (quy định tại Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), quyền quyết định kháng nghị, kiến nghị (quy định tại các điều 9, 14 Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002) v.v...
Bên cạnh đó, trước yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, yêu cầu của việc nâng cao chất lượng công tố, thì đã đến lúc cần phải tăng cường, trang bị thêm các quyền năng pháp lý mới cho đội ngũ Kiểm sát viên. Việc tăng cường quyền hạn cho đội ngũ Kiểm sát viên bằng cách sửa đổi quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được thực hiện theo ba hướng sau:
Thứ nhất: Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định
tại Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cần phải trang bị thêm cho đội ngũ Kiểm sát viên một loạt nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là:
- Quyền quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can;
- Quyền yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
- Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên;
- Quyết định áp dụng, thay đổi hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, quyết định gia hạn điều tra, quyết định gia hạn tạm giam, yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;
- Quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra;
- Quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra.
- Quyết định việc truy tố, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định trưng cầu giám định;
- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng;
- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án; - Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
Các quyền hạn, nhiệm vụ nêu trên theo quy định của khoản 2, 3 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 hiện hành chỉ thuộc về Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát. Nay theo xu hướng cải cách tư pháp, nâng cao vị trí, vai trò của Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng thì cần phải mạnh dạn và kiên quyết trao cho Kiểm sát viên.
Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cần tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên. Kịp thời thay đổi hoặc hủy bỏ hoặc đình chỉ các quyết định, hành vi, biện pháp không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên. Trong trường hợp Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp thực hiện việc thụ lý giải quyết một vụ án hình sự cụ thể thì đương nhiên họ có đầy đủ quyền hạn của một Kiểm sát viên, vì trước khi được bổ nhiệm các chức danh Viện trưởng, Phó Viện trưởng theo quy định hiện hành, họ phải là một Kiểm sát viên. Mô hình trang bị quyền hạn, nhiệm vụ như trên hoàn toàn không những không làm mất đi nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành kiểm sát, mà còn đảm bảo sự tương thích so với mô hình phân định quyền hạn giữa Chánh án, Phó Chánh án với Thẩm phán của ngành Tòa án theo quy định hiện tại của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Thứ hai: ngoài các quyền hạn, nhiệm vụ được quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và giải pháp bổ sung các quyền hạn, nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã nêu ở trên cần quy định (bổ sung) thêm hai quyền hạn, nhiệm vụ khác đó là:
- Quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố (cáo trạng) tại phiên tòa hình sự sơ thẩm;
- Quyền quyết định kháng nghị, kiến nghị (hiện tại Điều 9 và Điều 14 Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 có quy định các quyền cụ thể này của Kiểm sát viên song Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không đề cập cụ thể các quyền này).
Trong hai quyền năng pháp lý quan trọng nêu trên thì quyền được thay đổi, rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố (cáo trạng) tại phiên tòa sơ thẩm, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng. Thực tiễn giải quyết án hình sự trong thời gian vừa qua cho thấy, do luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền năng này cho Kiểm sát viên khi thực hiện quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm nên trong nhiều trường hợp Kiểm sát viên rất lúng túng. Vì quyết định truy tố (cáo trạng) do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ký ban hành nên khi được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có tâm lý bằng mọi giá bảo vệ cáo trạng, không dám quyết định phủ nhận quyết định của cấp trên. Do vậy, khi tại phiên tòa sơ thẩm xuất hiện các diễn biến dẫn đến cần có sự thay đổi quan điểm từ phía cơ quan công tố, các Kiểm sát viên đã rơi vào tình huống khó xử, vì theo nguyên tắc xét xử trực tiếp và liên tục, Kiểm sát viên không thể đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để báo cáo, xin ý kiến Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về việc rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố. Ngoài ra đối với những vụ án mà Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm theo sự ủy quyền của Viện kiểm sát cấp trên, tại phiên tòa Kiểm sát viên cũng có tâm lý tương tự vì không giám phủ nhận quyết định
của Viện kiểm sát cấp trên. Đây là những hệ lụy phát sinh do vấn đề trang bị quyền hạn cho Kiểm sát viên còn chưa đầy đủ, hợp lý.
Rõ ràng, theo nhận thức chung, theo nguyên tắc, theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, thì các chứng cứ về vụ án hình sự phải được thẩm định qua phiên tòa xét xử. Phiên tòa là một cuộc điều tra công khai và các chứng cứ được xác định tại phiên tòa có giá trị pháp lý cao nhất làm căn cứ để giải quyết vụ án. Nếu có những căn cứ để thay đổi cáo trạng thì không có lý do gì đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cứ bám vào cáo trạng để luận tội bị cáo. Việc làm này làm cho dư luận cho rằng Viện kiểm sát là cơ quan bảo thủ, không thực tế và thậm chí không thực hiện đường lối cải cách tư pháp [16].
Thứ ba, cần bổ sung một quyền năng pháp lý mang tính chất hoàn
toàn mới và vô cùng quan trọng làm thay đổi hoàn toàn vai trò của đội ngũ Kiểm sát viên hiện nay, đó là quy định trong luật việc Kiểm sát viên chỉ đạo Điều tra viên trong hoạt động điều tra vụ án. Theo đó, ngoài việc đề cập quyền hạn này trong luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, thì cần phải bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự một nguyên tắc mang tính chất nền tảng trong mối quan hệ tố tụng giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên. Các Điều tra viên phải thực hiện sự chỉ đạo và các yêu cầu của Công tố viên/ Kiểm sát viên. Nếu không đồng ý với sự chỉ đạo và các yêu cầu của Kiểm sát viên thì Điều tra viên vẫn phải chấp hành xong có quyền kiến nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân của Kiểm sát viên đó hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.
Bên cạnh việc bổ sung quyền hạn quan trọng này cho Kiểm sát viên trong Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân…cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Pháp lệnh Kiểm sát viên, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, các Nghị định và Thông tư có liên quan theo hướng quy định rõ trách nhiệm cụ thể của Kiểm
sát viên (trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát) khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Song song với nó là trách nhiệm của Điều tra viên trong mối quan hệ với Kiểm sát viên trong quá trình tiến hành tố tụng. Cần có những quy định mang tính ràng buộc và đảm bảo để cho cơ chế chỉ đạo điều tra của Kiểm sát viên được tôn trọng và thực hiện triệt để trên thực tế. Ví dụ: Quy định cơ chế tham gia của Kiểm sát viên (nhận xét, đánh giá, xác nhận) trong thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn Điều tra viên, trong tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Điều tra viên; trong khen thưởng, kỷ luật hoặc đề bạt chức danh tố tụng đối với Điều tra viên. Như vậy, về lâu dài ở tầm vĩ mô, cần phải nghiên cứu thay đổi vị trí của cả Cơ quan điều tra so với hiện nay mới có thể giải quyết một cách thấu đáo mối quan hệ giữa công tố và điều tra trong hoạt động tố tụng hình sự. Khi đã có cơ chế công tố chỉ đạo điều tra, Kiểm sát viên chỉ đạo Điều tra viên thì cần loại bỏ việc quy định sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát có thể quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung như quy định tại Điều 168 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trình tự này sẽ trở lên thừa, làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án một khi điều tra và công tố gắn kết chặt chẽ với nhau.