Tài chính giáo dục

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Trang 42 - 43)

Một ví dụ điển hình là Kênia. Sau khi giành được độc lập năm 1963, để huy động mọi người dân tham gia xây dựng đất nước, Tổng thống Kênia lúc đó là Jomo Kenyatta đã đề ra phong trào “harambee” với ý nghĩa “tất cả chúng ta hãy cùng đoàn kết”. Bằng sự đóng góp tự nguyện của người dân kể cả về tiền mặt, lao động lẫn nguyên vật liệu và đất đai, “harambee” đã hỗ trợ rất hiệu quả cho nhiều dự án về giao thông, y tế… nhưng trong đó giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên nhất. Tham gia hỗ trợ cho tất cả các cấp học, từ mẫu giáo cho tới đại học, năm 1991, riêng ngành giáo dục đã được “harambee” hỗ trợ khoảng 19,5 triệu schilling Kênia so với 11,7 triệu schilling Kênia cho tất cả các ngành khác. Tính đến năm 1987, ba phần tư các trường trung học là do phong trào “harambee” xây dựng. Ngày này “harambee” đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội Kênia và là một động lực quan trọng cho sự phát triển [27, tr93].

Một ví dụ khác có thể thấy ở châu Á, đó là Trung Quốc, lịch sử các trường địa phương (minban) đã có từ những năm 1940. Số lượng các trường này dao động trong suốt những thập kỷ sau và sau đó đã được chính thức đưa vào hệ thống giáo dục công lập. Tuy nhiên, giáo viên thuộc hệ thống trường này vẫn chủ yếu do cộng đồng địa phương trả lương. Năm 1990, 41% giáo viên tiểu học và 10% giáo viên trung học Trung Quốc hưởng lương từ nguồn tài chính địa phương.

Ở Butan, vào năm 1986, nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng các lớp tiểu học nhánh ở những nơi xa trường và năm 1990, các lớp học này chính thức được tách ra và gọi là trường cộng đồng. Năm 1995, 102 trường tiểu học cộng đồng đã được thành lập trong khi đó, cả Butan cũng chỉ có 143 trường tiểu học và 19 trường trung học bậc cao công lập.

Khác với châu Phi và châu Á, tài chính cộng đồng ở Mỹ Latinh không mấy phát triển mặc dù đã có một số nước tỏ ra khá thành công. Chẳng hạn ở Enxanvađo, tuy nguồn tài chính cho các trường chủ yếu từ nhà nước và các hỗ trợ từ bên ngoài nhưng vẫn có một số lượng tương đối lớn các trường do địa phương quản lý và khoảng 30% chi phí tăng thêm của các trường này là do địa phương hỗ trợ. Một báo cáo tương tự ỏ Bôlivia cho thấy cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giáo dục, đặc biệt là xây dựng và sửa chữa trường.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Trang 42 - 43)