Khái niệm phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Trang 36 - 38)

Trong những năm qua, phân cấp luôn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương. “Philíppin là một ví dụ, nước này vừa kỷ niệm 10 năm thực hiện Luật Chính quyền địa phương, được thông qua vào tháng 10/1991. Ở Inđônêxia, Quốc hội đã thông qua Luật 22 và 25, những luật cơ bản về tính tự chủ cấp địa phương. Trên cơ sở Hiến pháp mới năm 1997, Luật Phân cấp của Thái Lan được thông qua năm 1999. Ở Đông Á, Hàn Quốc đã thông qua Luật Phân cấp vào năm 1991. Tính đến năm 2004, đã có hơn 116 quốc gia đang phát triển trên thế giới được Ngân hàng thế giới phân loại đã có hệ thống phân cấp quản lý” [33,tr254]. “Còn nếu tính toán dựa trên mức độ phân bố nguồn chi tiêu thì các nước phát triển đã phân cấp gấp hai lần các nước đang phát triển” [40,tr496]. Thậm chí nhiều nước đang phát triển coi phân cấp là liều thuốc đặc trị đối với nạn quan liêu, tham nhũng, là điều kiện thúc đẩy nền kinh tế vốn trì trệ yếu kém ở quốc gia mình. Trong cuốn sách “ Tính đến thực tế của ai” ấn hành năm 1997, Robert Chambers, tác giả, đồng thời là giáo sư Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc trường Đại học Sussex, Anh một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, đã nói về phân cấp như sau: “… mô hình đang nổi lên cho xã hội loại người là sự phân quyền, dân chủ và sự đa dạng. Những gì là địa phương, sự riêng biệt đang được coi trọng. Những xu hướng tập quyền độc đoán và đồng nhất đã bị thay đổi. Điều được khám phá cho xã hội loài người đó không phải là sự tập trung hoá hay những nguyên tắc phức tạp, mà là sự phân quyền và những nguyên tắc giản đơn – những điều kiện có thể hài hoà và kết hợp hành vi cấp địa phương”. Vậy trong lĩnh vực giáo dục, liệu có cần thiết phải tiến hành phân cấp? Quá

trình phân cấp đã được thực hiện như thế nào và những ảnh hưởng của nó có thực sự mang lại những kết quả tích cực cho người dân hay không? Chúng ta hãy cùng điểm qua quá trình này ở một số nước đang phát triển:

Những nguyên nhân dẫn đến tiến hành phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục ở các nước đang phát triển.

Trước tiên, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục duy trì cơ chế quản lý tập trung hay không. Tại nhiều nước đang phát triển, phương hướng quản lý tập trung đã và đang là gánh nặng đối với sự tăng trưởng, hội nhập khu vực và quốc tế. Phương thức này thường tạo ra sự thiếu hiệu quả, trì trệ trong quản lý, sự chồng chéo về trách nhiệm và sự cồng kềnh của bộ máy hành chính. Nghiên cứu hiện trạng quản lý giáo dục ở các nước Đông Nam Á, do Ngân hành Phát triển châu Á (ADB) thực hiện năm 1996, “cho thấy ở Campuchia, riêng ngành giáo dục đã có tới 75.000 viên chức, chiếm hơn một nửa tổng số viên chức đất nước này và 20% trong số đó chỉ đơn thuần làm công tác quản lý hành chính. Còn cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia hiện có 16 vụ với số viên chức bình quân mỗi vụ lên tới 58 người” [27,tr 378].

Ngoài ra, phương thức quản lý này thường làm cấp quản lý trung gian thiếu các quyền hạn thực hiện công việc một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm đáp ứng những vấn đề đặc thù của địa phương. Chẳng hạn, ở nhiều nước đang phát triển, các viên chức giáo dục quận và khu vực không thể sa thải những giáo viên hay những viên chức quản lý nhà trường hoạt động yếu kém mà không có sự đồng ý của các cơ quan cấp trung ương. Hay khi cần phải thay đổi mức phân bổ tài chính giữa các trường, cấp quản lý trung gian cũng phải mất nhiều thời gian để xin ý kiến từ cấp trung ương.

Vậy cơ chế quản lý phân cấp có phải là sự thay thế hợp lý cho cơ chế quản lý tập trung? Với những khó khăn và hạn chế của mô hình quản lý giáo dục tập trung như: việc ra quyết định không rõ ràng, thiếu hiệu quả trong việc

quản lý tài chính và hành chính thì với những thuận lợi, ưu điểm trên lý thuyết của việc phân cấp, phân cấp đang là sự lựa chọn của nhiều quốc gia. Nhận xét về quá trình này, GS.Turkia Ould Daddah, Tổng Giám đốc Học viện Quốc tế khoa học hành chính châu Âu đã nói: “Hiện nay, các hệ thống hành chính không còn vận hành theo lối tuân thủ nữa mà phải theo chế độ báo cáo kết quả dựa các mục tiêu, các nguồn lực, vật lực đã có. Điều này đòi hỏi phải thực sự tăng cường quyền hạn cho đội ngũ cán bộ làm việc trong điều kiện linh hoạt hơn”. Nhìn chung quá trình phân cấp về cơ bản đã cải thiện được hiệu quả, tính tự chịu trách nhiệm cũng như linh hoạt hơn trong việc đáp ứng những mục tiêu cụ thể ở từng địa phương, khuyến khích được sự tham gia và tăng cơ hội cho người dân được hưởng các lợi ích của giáo dục. Đặc biệt, với những chính phủ ít thành công trong công tác quản lý tài chính thì tính hiệu quả của phân cấp lại càng trở nên hấp dẫn, trong đó mô hình tài chính cộng đồng hiện đang nổi lên như một cách thức để cấp trung ương có thể giảm bớt một phần gánh nặng tài chính trong lĩnh vực giáo dục xuống cấp địa phương.

Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục ở một số nước đang phát triển

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Trang 36 - 38)