Một số kiến nghị và giải pháp

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 91)

Như đã phân tích ở chương 1 và 2, trong đời sống của cộng đồng người dân tộc ít người miền núi, Luật tục vẫn đóng một vai trò quan trọng, điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ phát sinh trong cộng đồng buôn làng, nhất là trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường. Luật tục có vai trò quan trọng trong việc củng cố, gắn bó các thành viên trong cộng đồng, đóng góp trong việc gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng, bảo tồn được bản sắc văn hoá các dân tộc. Bên cạnh đó, Luật tục tạo cho con người có những đức tính cần cù, siêng năng, chân thật, chung thuỷ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển

nông thôn ở nước ta hiện nay. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có các chính sách, biện pháp để kế thừa, duy trì, bảo vệ những Luật tục tiến bộ, phù hợp; cần sớm ban hành Luật Dân tộc, đưa những quy định tiến bộ củaLuật tục bộ thành những điều luật cụ thể nhằm áp dụng rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc ít người miền núi.

Nhà nước cần phải có kế hoạch vận dụng, kế thừa có chọn lọc và phát huy các yếu tố tích cực của Luật tục nói chung cũng như các quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường đang được các cộng đồng dân tộc ít người miền núi vận dụng vào việc xây dựng nếp sống văn hoá, làng bản văn hoá theo chính sách, đường lối xây dựng và phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước phù hợp với pháp luật.

Nhà nước cần có những kế hoạch, định hướng nghiên cứu Luật tục một cách cụ thể trên cả phương diện các quy định cũng như sự vận hành của Luật tục. Xem xét có chọn lọc những yếu tố tích cực, tiêu cực “gạn đục, khơi trong”, tăng cường việc sưu tầm, nghiên cứu, khảo sát thực trạng của Luật tục và pháp luật ở các địa phương. Từ đó mới có thể xây dựng những phương án, kế hoạch thực hiện trước mắt và lâu dài.

Nhà nước cần chú trọng công tác giáo dục ý thức pháp luật thường xuyên trong nhân dân đặc biệt là các vùng dân tộc ít người miền núi, nghiên cứu, tìm hiểu dư luận, phản ứng của nhân dân về Luật tục và pháp luật. Tuyên truyền phổ biến các kiến thức cơ bản nhất về môi trường tự nhiên, vị trí vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống con người. Trên cơ sở đó tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như vận dụng các quy định của Luật tục về việc quản lý, khai thác bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái. Nhà nước nên cung cấp thường xuyên các tài liệu, sách báo liên quan đến vấn đề tài nguyên và môi trường. Có thể biên dịch một số văn bản cần thiết ra tiếng dân tộc để phục vụ đồng bào.

Nhà nước cần chú ý xây dựng, tổ chức cơ sở quản lý làng, bản ở các vùng dân tộc ít người miền núi một cách vững mạnh có hiệu quả. Củng cố các đội ngũ già làng, trưởng bản trong việc quản lý các mặt hoạt động trong buôn, bản, làng, từng bước nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật của Nhà nước và năng lực quản lý nhà nước, xã hội của họ. Phải thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn tại chỗ về các kiến thức xã hội nói chung, cũng như các kiến thức về tài nguyên môi trường, bảo vệ tài nguyên môi trường…. Nên xây dựng những buôn, bản, làng thí điểm.

Ngoài ra, để thực hiện tốt mối quan hệ giữa Luật tục với hệ thống pháp luật nói chung cũng như hệ thống pháp luật bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường các cơ quan Nhà nước Trung ương nên chỉ đạo phối hợp với các cơ quan địa phương trong việc tiến hành song song các công tác như xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, phát tiển kinh tế – xã hội, giao thông, thông tin liên lạc, từng bước nâng cao dân trí, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân. Trên cơ sở đó mới tiến hành từng bước xoá bỏ những tập tục, lạc hậu, cổ hủ, trái pháp luật, dần dần đưa những quy định của pháp luật vào đời sống, đưa những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ít người miền núi.

Tiến hành tổ chức cho các đồng bào dân tộc ít người miền núi, các buôn làng xây dựng quy ước nông thôn mới, quy ước buôn, làng, bản về nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, tăng cường phát huy dân chủ ở cộng đồng. Những quy ước mới này phải là chỗ dựa để cải biến những Luật tục trái với quy định của pháp luật để nhằm từng bước hạn chế rồi đi đến xoá bỏ những tập tục lạc hậu, phản tiến bộ, bảo tồn và duy trì những yếu tố tích cực của các giá trị văn hoá truyền thống của Luật tục và phát huy cơ chế vận dụng của Luật tục trước đây và hiện tại. Tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong xã hội như vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái. Những quy

ước mới này như những sự bổ sung cho Luật tục, hỗ trợ nhau trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Tổ chức và nâng cao vị trí vai trò của tổ hoà giải cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh, trât tự và sự bình yên trong nhân dân, bảo vệ tốt các nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái ở địa phương. Tổ hoà giải sẽ là những người vận dụng pháp luật của Nhà nước kết hợp với Luật tục của địa phương nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, mang tính đặc thù địa phương như vấn đề tranh chấp đất đai ở địa phương, vấn đề vi phạm sở hữu, khai thác nguồn tài nguyên và môi trường địa phương, các vi phạm đến lợi ích của cộng đồng. Để thực hiện tốt vấn đề này các cơ quan Nhà nước có chức năng nên có những văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn, học tập chung và ở những địa phương nhất định.

Trên đây là một số giải pháp và kiến nghị nhằm hài hoà hoá mối quan hệ giữa Luật tục và pháp luật nói chung cũng như pháp luật về bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường sinh thái ở các vùng dân tộc ít người miền núi, góp phần trong việc bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của cả nước cũng như trên thế giới.

Kết luận

Trong đời sống các dân tộc ít người miền núi, từ lâu đời đã có những quy định của Luật tục, quy ước nhằm sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường. Những quy định đó đã thể hiện được cách ứng xử đa dạng của đồng bào các dân tộc với tài nguyên môi trường. Trong quá trình thực hiện

công cuộc định canh định cư, đưa những tiến bộ khoa họckỹ thuật vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, chúng ta cần thiết phải có sự hiểu biết tường tận và kết hợp chặt chẽ với những kinh nghiệm ứng xử của đồng bào các dân tộc ít người với tài nguyên môi trường, có như vậy công cuộc định canh định cư , các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên mới có hiệu quả bền vững.

Có thể nói rằng, Luật tục (hay tập quán pháp) là hệ thống những quy định của một cộng đồng dân tộc về cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, của con người với các hình thái khác nhau của cộng đồng. Luật tục được hình thành từ lâu đời và trải qua những thời kỳ lịch sử của quá trình phát triển tộc người, đã dần dần được bổ sung, hoàn chỉnh. Hệ thống những quy định về cách ứng xử theo phong tục tập quán đó đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và ngày nay vẫn tồn tại một cách sống động, vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc.

Hiện nay, khi thực hiện chính sách chủ đạo và nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ít người là xây dựng trên địa bàn của họ một cuộc sống văn minh, hiện đại, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, một cuộc sống chất lượng cao, trên cơ sở giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hoá truyền thống phong phú và độc đáo của dân toọc mình không thể nào bỏ quên hoặc xem nhẹ, hoặc có những quan niệm phiến diện đối với Luật tục. Có thể nói rằng trong một điều kiện xã hội nhất định, đó là cách ứng xử tốt nhất mà đồng bào đã sáng tạo nên, lựa chọn và sàng lọc qua nhiều thế hệ, để ứng xử với tự nhiên và xã hội. Nhiều quy định đó vẫn còn ý nghĩa tích cực trong đời sống hôm nay, nhất là trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, do được hình thành từ xa xưa, những quy định của Luật tục đến nay đã xuất hiện nhiều bất cập, không phù hợp hoặc từ những quan niệm,

hoặc từ những quy định cụ thể. Vì vậy, đòi hỏi khi ứng dụng vào cuộc sống hiện nay cần phải có sự điều chỉnh nhất định. Có như vậy Luật tục mới không cản trở pháp luật mà còn bổ trợ cho pháp luật, làm cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách triệt để.

Việc điều chỉnh cũng phải dựa trên cuộc sống bản sắc văn hoá của mỗi tộc người, mỗi vùng, phải được đồng bào ở những vừng đó chấp nhận, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành tránh sự áp đặt tuỳ tiện, máy móc những quy định của Luật tục hiện vẫn còn có ý nghĩa tích cực trong đời sống hàng ngày nhất là trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và moi trường. Cần phải được vận dụng, phát huy trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách và quản lý xã hội.

Như vậy, với sự phong phú, đa dạng của Luật tục trong việc quản lý cộng đồng, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng, bảo vệ tài nguyên và môi trường đã thể hiện được vị trí, vai trò quan trọng của Luật tục trong đời sống của các dân tộc ít người, Dưới góc độ pháp lý, Luật tục cần được tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc, cụ thể hơn nữa để từ đó có thể vận dụng cũng như kết hợp với pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, định hướng về việc phát huy vai trò của Luật tục, cần xây dựng một khung pháp lý thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của Luật tục trong việc tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường ở các dân tộc ít người của nước ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)