Các quy định củaLuật tục về bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 50)

Luật tục của các dân tộc ít người ở nước ta đều có những điều khoản liên quan tới việc quản lý, khai thác và bảo vệ các tài nguyên, môi trường sinh thái, như tài nguyên rừng, đất đai, sông suối, động thực vật… trước các nguy cơ hoả hạn, dịch bệnh, làm nhiễm độc và ô uế nguồn nước. Ai vi phạm do gây ra các tai hoạ kể trên đều bị ghép vào tội vi phạm lợi ích cộng đồng. Do đó, các Luật tục đã đặt ra các điều khoản rất thực tế, dễ ăn sâu vào tâm thức của từng con người. Để hiểu rõ hơn chúng ta tìm hiểu cách thức quản lý, khai thác và bảo vệ từng thành phần của môi trường trong Luật tục của một số dân tộc ít người ở Việt Nam.

2.5.2.1. Vấn đề quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng

Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống con người, điều tiết khí hậu, điều hoà nguồn nước, bảo vệ đất đai… Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc [31, 6]. Các dân tộc ít người ở nước ta, sống chủ yếu ở các vùng rừng núi (3/4 diện tích là rừng núi) thì rừng lại càng cần thiết đối với họ, rừng gần như quyết định cuộc sống của họ (với cuộc sống săn bắt hái lượm trước đây). Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cái gì cũng cần đến rừng, lấy củi, làm nhà cửa, lương thực thực phẩm rau quả,… Nói chung rừng không thể thiếu được trong đời sống của các dân tộc ít người. Do đó, họ đã có những quy định rất chặt chẽ, cụ thể về cách thức quản lý, khai thác và bảo vệ rừng, được thể hiện trong các bộ Luật tục. Mặc dù ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có những cách thức bảo vệ khác nhau nhưng nó rất phù hợp với điều kiện sống của từng cộng đồng đó.

Trong việc quản lý và bảo vệ rừng, vấn đề nan giải, phức tạp nhất là nạn cháy rừng. Nếu để việc này xảy ra thì thiệt hại không lường trước được, như chúng ta thấy nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở nước ta cũng như trên thế giới trong những năm vừa qua. Nắm được tầm quan trọng đó, đã từ rất lâu các dân tộc ít người ở nước ta đã rất chú ý tới vấn đề cháy rừng trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Vả lại, các dân tộc ít người thường canh tác nương rẫy nên cháy rừng luôn là mối đe doạ thường xuyên. Do đó, ở các Luật tục thường có những quy định rất chi tiết, như:

Trong Luật tục Êđê đã có hẳn những điều luật về các vụ cháy rừng (Điều 80 -Về các vụ cháy rừng), quy định về việc đốt lửa bừa bãi, vô ý thức khi vào rừng, khuyên răn mọi người phải hết sức chú ý khi dùng lửa, nếu ai gây ra sẽ bị trừng phạt rất nặng. “Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điếc, kẻ đui.

Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, người dại,…

Cây rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi; hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng phải xét xử họ.

Ai có con thì phải dạy con, có cháu thì phải dạy cháu, kẻo có khi đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi. E rằng họ sẽ đốt đuốc cầm theo.

Cho nên nếu biết được con đàn bà ấy là ai, thằng đàn ông ấy là ai thì việc xét xử phải đi đến buộc phải bồi thường nặng” [52, 102]

Những quy định trong Luật tục về nạn cháy rừng mang tính chất cảnh báo rất nhiều, nếu rừng bị cháy sẽ mang tai hoạ đến cho mọi người, cho cộng đồng như thế nào, để từ đó ý thức bảo vệ rừng của họ được nâng cao hơn, như Luật tục Êđê quy định: “E rằng đi rẫy lo việc nương rẫy mà không biết đi,

cầm theo những đầu dây còn cháy dở có thể huỷ diệt cả rừng. Lửa sẽ bén vào rừng thiêu trụi cỏ cây, mọi vật.

Còn e rằng lửa sẽ cháy lan, thiêu trụi cả xóm làng người ta, thiêu trụi cả chòi, cả kho lúa người ta đã dựng lên trong rừng, trong rẫy, mà xung quanh chưa kịp dọn quang” [52, 102].

Trong Luật tục M’nông cũng vậy, vấn đề cháy rừng được cộng đồng rất quan tâm. Để bảo vệ tốt, trước hết thường có những quy định mang tính chất phòng ngừa, dạy bảo ý thức của mọi người về những tác hại của vụ việc đó gây ra cho công đồng, cho chính cuộc sống hàng ngày của họ

“Chòi bị cháy chỉ một người buồn Nhà bị cháy cả buôn phải buồn Rừng bị cháy mọi người đều buồn Cháy qua suối kỳ đà chết sạch Cháy bãi cỏ kỳ nhông chết thui..” Vì vậy:

“Rừng bị cháy ta phải giúp dập" Hoặc

"Rừng bị cháy mà không dập tắt Người đó sẽ không có rừng Người đó sẽ không có đất"

(Luật tục M’nông, Điều 18. Tội từ chối dập tắt lửa cháy)

Ngoài ra, trên thực tế mà tôi đã gặp ở một số vùng dân tộc Thái, vấn đề ngăn chặn nạn cháy rừng cũng được quy định thành lệ rất cụ thể. Trước khi đốt rẫy họ thường phát xung quanh rẫy hai, ba sải tay để có một khoảng cách an toàn nhất định tránh lửa có thể bén tới chân rừng. Hoặc đốt nương cũng phải chọn những ngày không có gió, còn những ngày có gió to, gió lào tuyệt đối không ai được đốt nương. Những điều này không được quy định thành

những văn bản, nhưng nó cũng là một kinh nghiệm trong phòng chống cháy rừng và đã thành tục lệ.

Trong Luật Mường (Hịt khòng Mường Bản) cũng có đoạn quy định: “Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước

- Dùng nước phải biết tránh luồng nước - Dùng lửa hãy giữ gìn nạn cháy” [54, 446]

Như vậy, trên thực tế các quy định của Luật tục của một số dân tộc ít người, chúng ta thấy ở đây việc quy định về cách bảo vệ, phòng chống nạn cháy rừng rất cụ thể, sát thực tiễn, thể hiện sự am hiểu về các vấn đề này của các cộng đồng dân tộc ít người là rất cơ bản, có khoa học. Do đó, khi đã được quy định thì mọi người rất hưởng ứng tuân theo và nó ăn sâu vào trong tâm thức của từng con người họ. Nhiều lúc khiến họ rất vui khi phải thực hiện những quy định của cộng đồng đề ra. Đây là một vấn đề có lẽ pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường của nước ta, cũng như các luật pháp khác của Nhà nước chưa làm được.

Ngoài ra, các cách thức bảo vệ rừng cũng được các Luật tục quy định rất cụ thể, việc vi phạm những điều luật về bảo vệ rừng bị xử phạt nghiêm khắc. Thông thường đồng bào quan niệm rừng, môi trường thiên nhiên là tài sản chung của tất cả mọi người, không phải của riêng ai và là nguồn sống không thể thiếu được của họ. Do vậy, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ lấy rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Trong Luật tục M’nông quy định: “Khu rừng sâu đâu phải của nai Chỉ dệt vải đâu phải tơ nhện Khu rừng đó là của tổ tiên Khu rừng đó là của con cháu Khu rừng đó là của ông bà

Khu rừng đó là của chúng ta”

Để bảo vệ rừng tốt, Luật tục M’nông đề cao vai trò của rừng trong đời sống hàng ngày, không có rừng có nghĩa là cuộc sống không tồn tại. Do đó, nếu ai phá rừng sẽ bị lên án bằng cách:“Làm nhà đừng dùng cây nữa; Làm chòi đừng đừng dùng cây nữa; Làm rẫy không phát rừng nữa; Khi thiếu đói đừng đào củ nữa;…” [51, 268]

Luật tục M’nông còn cho rằng, đất rừng là sở hữu nhiều đời, ai đem bán là có tội với hậu thế, bán rừng, bán đất sẽ bị xử phạt, sẽ bị buôn làng lên án.

“Bán rừng, bon làng phạt Bán đất, bon làng khiếu nại Bán rẫy, bon làng khiếu nại”

và như vậy sẽ không có cây cối để dùng, không có bóng cây che nắng, che mưa, gây lụt lội, hạn hán, làm cho đời sống của con cháu nghèo khổ.

Rồi

“Rừng ta sẽ thành rừng của con nai

Bán đất, rừng có tội với con cháu” [51, 524] hoặc ở Điều 16 - Tội ăn cắp cây trong rừng:

“...Chặt cây mà chặt lén với bon làng Ăn cắp cây trong rừng có tội” [51, 546]

Còn Luật tục Thái, ngoài việc phòng chống cháy rừng, việc bảo vệ rừng cũng rất được chú trọng. Để bảo vệ rừng tốt, Luật tục Thái quy định về sự cân bằng sinh thái giữa con người với rừng núi; nó thể hiện trong tập quán phân loại rừng thành từng khu vực nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau của cuộc sống như:

- Rừng núi phòng hộ nằm trên khu vực đầu nguồn nước, tuyệt đối cấm khai thác.

- Rừng núi dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà và phục vụ các nhu cầu cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương

- Núi rừng phục vụ cuộc sống tâm linh, được gọi bằng tên chung là “rừng thiêng”, gồm:

+ Một loại, nơi rừng cấm để làm lễ cũng “thần linh bản” (xên phi bản) hoặc “thần linh mường” (xên phi mường).

+ Loại hai, chỉ có ở đất Chiềng (xiềng) tức trung tâm của mường môứi có ngọn núi được chọn để cúng khí thiêng của đất, mang ý niệm là “siêu linh cạn” (phi bốc) đối lập với “siêu linh nước” (phi nặm) mang tên là “Núi hồn mường” (pom minh mương). Bề mặt của núi thường phủ lớp rừng thiêng.

+ Loại ba, gồm những khu rừng già dành để chôn cất người chết. Đối với các khu “rừng thiêng” Luật tục không chỉ nghiêm cấm việc chặt, phá đốt và khai thác tre, gỗ mà còn giữ tục kiêng chĩa ngọn súng, quay mũi tên bắn tới; tuốt gươm trần, dương ngọn giáo, mác chỉ vào như để chém, đâm. “Rừng thiêng” là nơi hết sức vắng vẻ. Có thể coi đây là khoảng trống của tự nhiên, nên khi có việc phải đi độc thân hoặc vài ba người vào nơi hoang vắng như thế thường không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh vì sợ hãi, cô quạnh. Chính vì thế, nơi đây đã trở thành “ngôi nhà thiên nhiên” của các loài muông thú. Chim kêu, vượn hót, hổ gầm vang rừng núi. Nếu loại rừng này còn đến ngày nay thì chắc chắn sẽ trở thành rừng quốc gia đầy hấp dẫn du khách thập phương.

Ngoài các quy định trên, hầu hết ở các dân tộc ít người nước ta đều có những quy định bảo vệ, khai thác tài nguyên rừng của riêng mình. Có nơi chỉ là những lời truyền miệng qua các câu truyện dân gian, có nơi đã hình thành những điều khoản của Luật tục như Luật tục của một số làng bản Tày, Nùng; Luật tục Gia Lai….

Như Luật tục của một số làng bản Tày, Nùng có những điều khoản cấm không để cháy rừng. Ai làm cháy rừng sẽ phải chịu toàn bộ tiền phạt của cả bản với quan trên (quan kiểm lâm quy định: làng nào làm cháy rừng thì mỗi hộ bị phạt 2 hào, tương đương 100 kg thóc).

Hoặc có những điều cấm không được chặt cây cối hoặc để trâu bò phá cây cối ở nơi thờ thó tỷ. Nếu ai vi phạm mà năm ấy, chẳng may trong bản có dịch bệnh, hoả hoạn để tới mức phải mời thầy cúng về cúng giải hạn thì người đó phải chịu hoàn toàn phí tổn cho việc hành lễ ấy.

ở các dân tộc ít người vùng rừng núi Thừa Thiên - Huế như dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều cũng vậy, hơn ai hết, họ hiểu giá trị của rừng, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, do đó họ có những cách thức bảo vệ rừng nhất định. Như việc chặt phá rừng làm rẫy, họ đều phải tuân thủ những nguyên tắc rất chặt chẽ là nghiêm cấm phát rẫy trên đất rừng của làng khác, hoặc chặt phá những khu rừng nhất định. Ví dụ như ở người Tà Ôi, Vân Kiều Luật tục quy định không được chặt phát rẫy tại các khu rừng sau đây: Rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng độc.

Như vậy, việc tránh làm rẫy ở những khu rừng đầu nguồn thường gắn với những lý do tôn giáo, coi đó là nơi trú ngụ của thần. Nhưng bên trong những tập tục đó chứa đựng phần nào ứng xử của đồng bào đối với môi trường sinh thái.

Tóm lại, việc quản lý bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng được quy định rất chặt chẽ và cụ thể trong các điều khoản của các bộ Luật tục. Ngoài ra, việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên rừng này còn được thể hiện rộng rãi trong các phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày của từng dân tộc khác nhau mà không được ghi chép thành văn bản. Nó được truyền miệng từ đời này đến đời khác và ăn sâu trong tâm thức của từng con người. Với cách thức bảo vệ rừng như vậy của các dân tộc ít người ở nước ta trước đây, trong một thời

gian dài các dân tộc ít người đã bảo vệ được những cánh rừng luôn xanh tươi. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện nay, nếu biết vận dụng tốt các phong tục tập quán, luật lệ quản lý và bảo vệ rừng trên cơ sở của Luật bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước để xây dựng nên một quy chế bảo vệ và phát triển rừng ở từng cơ sở thì việc quản lý, bảo vệ và khái thác tài nguyên rừng sẽ có hiệu quả hơn.

2.5.2.2. Quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước

Tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Vì vậy, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên nước là một nhiệm vụ của tất cả mọi người trên thế giới. ở nước ta, luật tài nguyên nước mới được ban hành và đang dần dần đi vào cuộc sống của người dân. Ngoài pháp luật về tài nguyên nước của Nhà nước, ở các dân tộc ít người nước ta từ lâu đã có những phong tục tập quán, luật lệ bảo vệ và giữ gìn nguồn nước rất cụ thể. Các dân tộc ít người đều cho rằng có nước sẽ có tất cả. Người Thái có khẩu ngữ quen thuộc là: “có nước mới có ruộng, có ruộng mới có lúa”, có nơi còn quy định “ăn cắp nước lã phải phạt 80 lạng bạc, kèm theo rượu, trâu, phải cúng cho chủ hồn nước 3 đồng bạc và trả lại số nước đã lấy” [64, 311].

Để bảo vệ tốt nguồn nước, dân tộc Thái có những quy định rất chặt chẽ về các vùng nước, các khúc sông suối, họ thường quy những vùng nước, khúc sông suối cần bảo vệ thành những vùng linh thiêng như “vũng cấm” (văng hảm) hay “Vũng mường” (văng mương). Đây là những chỗ sông, suối sâu thẳm, xanh biếc và được mở rộng ra hai bên bờ nơi có phủ khu rừng già, nước chảy lững lờ nên có cảnh quan bề ngoài như một cái ao trời phú. Theo tôn giáo tín ngưỡng Thái thì đây là những chỗ để các siêu linh dưới nước trú ngụ và là những nơi để tế chủ nước cũng như tổ chức hội đánh cá.

Với cách thức bảo vệ này các vùng mường Thái đã có một thời gian dài luôn có các khúc sông , suối nước sâu trong vắt, với nhiều loài cá, tôm cua...

Điều đó là nguồn thức ăn từ sông suối trở nên vô tận nhờ ý thức của con người gìn giữ bằng cách tuân thủ những quy định của Luật tục.

Đối với người Thái Mai Châu (Hoà Bình), là cư dân lấy việc canh tác ruộng nước làm nguồn sống chính từ lâu đời, người Thái Mai Châu coi nước là yếu tố quan trọng nhất của tự nhiên đem lại lúa gạo nuôi sống con người. Để bảo vệ tốt tài nguyên này người Thái Mai Châu cũng có những quy định rất cụ thể đối với từng loại nguồn nước. Ví dụ như:

- Bảo vệ mạch nước ngầm (bỏ nặm): “Bỏ” là mạch nước tự nhiên chảy ra từ lòng đất hay các khe đá. ở Mai Châu, đây không chỉ là nguồn nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày mà còn là nơi cung cấp nước tưới cho đồng ruộng.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)