Giá trị củaLuật tục trong mối quan hệ với pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 74)

3.1. Giá trị của Luật tục trong mối quan hệ với pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường. nguyên và môi trường.

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta nói chung cũng như hệ thống pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái không ngừng được tăng cường và hoàn thiện, thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò điều chỉnh các giá trị trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, ở các buôn, bản, làng dân tộc ít người, việc áp dụng Luật tục để điều chỉnh các quan hệ cộng đồng trong đó có vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái vẫn là phổ biến. Việc phát triển song song trong thực tế hai hệ thống pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường và những quy định của Luật tục của đồng bào các dân tộc tiểu số miền núi về bảo vệ môi trường đã đặt ra một vấn đề hết sức bức xúc và có tính thời sự là xác định vị trí của các hệ thống này, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa chúng trong việc điều chỉnh các quan hệ về tài nguyên, môi trường sinh thái như là một vấn đề cấp bách, cần thiết trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái ở nước ta hiện nay.

Pháp luật nói chung cũng như pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái ở nước ta hiện nay có giá trị rất lớn trong xã hội, là công cụ điều chỉnh và điều hoà các mối quan hệ xã hội. Còn Luật tục nói chung trong đó có cả những quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái ở một phạm vi nhất định nó cũng có vai trò, giá trị xã hội quan trọng như pháp luật nhưng cũng rất khác so với pháp luật. Luật tục cũng là những quy định chuẩn mực về bảo vệ tài nguyên môi trường, giới hạn hành vi ứng xử của mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân tộc sao cho phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng. Luật tục nói chung cũng như những quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên và môi trường bao hàm và cụ thể hoá các chuẩn mực về đạo đức, pháp lý, xã hội tạo nên các giá trị văn hoá, tinh thần, truyền thống của dân tộc, không ngừng được củng cố trong tiến trình phát triển lịch sử.

Luật tục là công cụ điều chỉnh và điều hoà các giá trị xã hội giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với gia đình - dòng họ, cá nhân với buôn làng, với xã hội đặc biệt là giữa cá nhân với môi trường tự nhiên ...

Những quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái cũng có tính phổ biến, tính quy phạm và tính cưỡng chế như pháp luật. Nhưng chúng được xây dựng một cách đơn giản, thô sơ hơn như:

Tính phổ biến các quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên và môi trường chỉ trong phạm vi một tộc người hoặc một nhóm tộc người gồm nhiều buôn, bản, làng của đồng bào dân tộc. Còn pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường có hiệu lực với toàn xã hội trong phạm vi một quốc gia.

Tính quy phạm của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường rất đơn giản, không chặt chẽ và tính cưỡng chế của Luật tục được thực hiện chủ yếu do tự giác, và nếu phải cưỡng chế thì đó cũng là sự cưỡng chế của cộng đồng.

Về hình thức, Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường chỉ là những quy định nằm rải rác ở các chương trong các Luật tục hoặc chỉ là những tập tục truyền thống và nó được lưu truyền chủ yếu bằng miệng thông qua các “lời nói có vần” như bài hát, hát cúng, trường ca ... hoặc qua hoạt động thực hành xã hội, thậm chí có những Luật tục đã được văn bản hoá, song nhìn chung đều có kết cấu đơn giản được nhận thức bởi trực giác, cảm nhận của con người trước các hiện tượng thiên nhiên.

Như vậy, giữa Luật tục và luật pháp nói chung cũng như Luật tục và pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường, tuy có khác nhau về thang bậc, trình độ phát triển, phạm vi và hiệu lực điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhưng lại cùng thực hiện vai trò duy trì và ổn định trật tự xã hội, điều chỉnh và điều hoà các mối quan hệ xã hội cũng như việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Mặc dù Luật tục chỉ là những quy định rất đơn giản, có vẻ như lạc hậu nhưng Luật tục lại có một giá trị to lớn đối với việc bảo vệ các nguồn tài

nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, đó là những vấn đề cần thiết không thể thiếu được cho sự sống còn của các cộng đồng dân tộc. Cùng với sự phát triển, thay đổi của xã hội, sự chuyển biến kinh tế xã hội ở các vùng dân tộc miền núi, Luật tục nói chung cũng như các quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái cũng có những biến đổi nhất định cả về nội dung và hiệu lực, nhưng về cơ bản Luật tục với những nội dung truyền thống của nó vẫn tồn tại và đang phát huy tác dụng một cách khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái như các quy định, cách thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, đất đai, động thực vật quý hiếm...

Theo ThS. Nguyễn Việt Hương [24] trong cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam, Luật tục đã từng có vai trò to lớn và hiện vẫn đang là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách phù hợp và hữu hiện nhất. Những giá trị đó của Luật tục được xem xét dưới góc độ và trong phạm vi cộng đồng dân tộc, trong phạm vi một hệ thống xã hội độc lập. Nhưng các bản, buôn, làng dân tộc Việt Nam không phải là một thực thể xã hội biệt lập mà là một bộ phận của một hệ thống xã hội rộng lớn, là những đơn vị cấu thành quốc gia, mà quốc gia tồn tại được là nhờ được điều chỉnh, quản lý bằng một hệ thống quy phạm đặc biệt là pháp luật. Vì vậy giữa Luật tục và pháp luật tồn tại trong một mối quan hệ với thực tế.

Trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng ngay một lúc và triệt để pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường trong cộng đồng các dân tộc ít người là hết sức khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Chính sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tộc người, sức ỳ của thói quen ứng xử theo tập tục có sẵn và hiệu lực tác động thực tế hiện nay của Luật tục đã khiến cho pháp luật nói chung cũng như pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường khó thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống tộc người. Nói cách khác, sẽ cứng nhắc khi đặt vấn đề “luật

hoá” mọi ngõ ngách của đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc ít người miền núi.

Trong mối quan hệ với pháp luật, giá trị của Luật tục được thể hiện ở chỗ Luật tục trong những phạm vi nhất định và ở một số lĩnh vực nhất định có khả năng hỗ trợ rất cao cho pháp luật; Luật tục có vai trò bổ sung và tác dụng hỗ trợ cho pháp luật trong những điều kiện, lĩnh vực nhất định.

Đối với những quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng vậy, trong những phạm vi nhất định nó có thể bổ trợ cho pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường. Pháp luật nói chung cũng như pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường ở nước ta, với tính cách là quy phạm chung của toàn xã hội, không phải lúc nào và ở bất cứ phạm vi, lĩnh vực nào cũng phản ánh đúng và đầy đủ thực tại khách quan của sự phát triển xã hội. Đặc biệt là trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá của các dân tộc ít người còn đang rất khác biệt nhau. Các quy phạm pháp luật ở trình độ khái quát cao sẽ khó xâm nhập vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống cộng đồng, như những quy định về quyền sử dụng tài nguyên, quyền sử dụng, chuyển nhượng đất đai, thuế sử dụng đất đai, rừng núi.... cũng sẽ trở nên khó chấp nhận đối với một số tộc người sống du canh, du cư, trình độ sản xuất còn thấp kém và còn phải phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên thông qua các hoạt động săn bắt, chăn nuôi, làm nương rẫy.... Nhưng trong cộng đồng tộc người này và giữa các cộng đồng tộc người với nhau vẫn tồn tại quan hệ sở hữu, quan hệ sản xuất thông qua việc sử dụng tài nguyên, đất đai, rừng núi, đồng cỏ.... Chính trong các điều kiện đó Luật tục đã thể hiện giá trị bổ trợ cho pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể. Ví dụ như, có rất nhiều dân tộc như M’nông, Ê đê, H’mông.... sinh sống chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên ở rừng núi để canh tác nương rẫy là chính, do đó Luật tục đã có những quy định cụ thể và rất có hiệu quả về việc đốt nương rẫy, tập tục làm rẫy, trồng tỉa, lễ

nghi liên quan đến việc làm nương rẫy; quy định về chặt phá rừng, bán đất rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng thiêng....

Như vậy, trong một số lĩnh vực nhất định vai trò bổ trợ của Luật tục có ý nghĩa rất quan trọng khi mà pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường hiện nay chưa tìm được cách thức truyền tải khả năng tác động sâu sắc dến ý thức của cá nhân trong cộng đồng đồng bào dân tộc. Hơn nữa, tổ chức quản lý từ phía Nhà nước đối với các vùng đồng bào dân tộc mới chỉ ở góc độ quản lý hành chính, pháp luật, chưa thâm nhập sâu được vào thực tế đời sống của họ (Theo sự thăm dò ý kiến ở một số nơi mà tôi có điều kiện tới thì đến khoảng 60 - 70% người dân không biết đến pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường là gì mà họ chỉ vẫn dựa theo những tập quán truyền thống từ lâu nay để quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường).

Khi xem xét, so sánh một số quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường với pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường của nước ta hiện nay; có thể thấy rất nhiều điều của Luật tục phù hợp với tinh thần pháp luật. Cùng một nội dung, nếu được thể hiện dưới hình thức Luật tục thì các quy định này có hiệu lực thi hành cao hơn, còn nếu trình bày dưới hình thức pháp luật thì vấn đề trở nên khó hiểu, bất cập. Vì vậy vai trò bổ trợ của Luật tục nói chung và Luật tục về bảo vệ bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái vẫn còn có giá trị trong những điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, các quy định của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường của các dân tộc ít người ở nước ta hiện nay còn được thể hiện ở khả năng bổ sung và hỗ trợ cho pháp luật. Pháp luật nói chung cũng như pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, dù hoàn thiện đến đâu thì cũng không thể dự liệu được hết các tình huống cụ thể và trong thực tế luôn tồn tại những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc chưa quy định đầy đủ. Trong trường hợp đó những quy định của Luật tục sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ.

Giá trị hỗ trợ, bổ sung của Luật tục về bảo vệ tài nguyên môi trường được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hỗ trợ cho việc thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật, cho việc chi tiết hoá, cụ thể hoá pháp luật cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế như việc xây dựng các quy ước nông thôn mới dựa theo những điểm tiến bộ của Luật tục.

Ví dụ: hỗ trợ cho pháp luật về đánh bắt hải sản như nghiêm cấm sử dụng một số phương tiện và phương pháp đánh bắt gây nguy hại cho nguồn cá thì Luật tục đã có các quy tắc hướng dẫn về cách thức đánh bắt cá, nghiêm cấm đánh bắt cá bằng thuốc cá (các chất độc), nghiêm cấm đánh bắt cá con, đánh bắt cá vào mùa cá sinh nở

“Bắt con ếch phải chừa con mẹ Bắt con cá phải chừa con mẹ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa…”

(Luật tục M’nông – Tội thuốc cá suối) [51, 280]

Hỗ trợ cho việc bảo vệ quản lý và khai thác tài nguyên rừng theo như Luật bảo vệ và phát triển rừng, ở các Luật tục có những quy định về Quản lý các khu rừng thuộc về ai, các già làng, trưởng bản, buôn; thẩm quyền quản lý của những người này đối với các vùng rừng núi họ quản lý còn có hiệu lực đến đâu. Rồi với các quy định về khoanh vùng rừng núi để bảo vệ và ai vi phạm bị phạt rất nặng. Và có những quy định về trách nhiệm bảo vệ rừng của các cá nhân và cộng đồng.

Ngoài ra đối Luật tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, pháp lệnh bảo vệ động thực vật quý hiếm… cùng với các quy định về quản lý, sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên này thi ở các Luật tục cũng còn có những quy định hỗ trợ cho pháp luật rất tốt như những quy định về bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn của Luật tục Thái, những quy định về bảo vệ động thực thực vật của luật tục các dân tộc Tây Nguyên… Nói chung mỗi thành phần môi trường

hiện nay đang có những văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể thì từ trước ở các dân tộc miền núi đã có những quy định về bảo vệ các thành phần này và nó đã từng có hiệu quả rất cao. Do vậy, trong sự phát triển xã hội hiện đại ngày nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên moi trường đang dần được hoàn thiện thì chúng ta cũng không nên bỏ qua hay xem thường những quy định mà đã từng có hiệu lực rất cao ở các cộng đồng dân tộc.

Như vậy, việc tách bạch vai trò bổ sung và hỗ trợ của Luật tục trong mối quan hệ với pháp luật chỉ có tính chất tương đối. Trong thực tế, nhất là trong vực bảo vệ tài nguyên môi trường, các giá trị này của Luật tục luôn hoà quyện vào nhau trong mối quan hệ chặt chẽ. Nhưng cũng cần khẳng định rằng, vai trò và giá trị hỗ trợ, bổ sung của Luật tục dù lớn đến đâu cũng không vượt qua vai trò chủ đạo và hiệu lực tối cao của pháp luật. Vì vậy, việc tiếp thu, kế thừa và phát huy giá trị của Luật tục phải đảm bảo không mâu thuẫn với các nguyên tắc của pháp luật, phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, văn hoá chung của đất nước.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 74)