trong Luật tục.
Như chúng ta biết, bản thân các bộ Luật tục là một kho tàng tri thức về tài nguyên và môi trường sinh thái. Đó là tri thức về các loại đất đai, rừng núi,
sông suối, động thực vật... Những tri thức đó được chắt lọc, đúc rút thành kinh nghiệm và sự hiểu biết hàng nghìn đời của các dân tộc ít người. Trong Luật tục Êđê, M'nông, trong số hơn 200 điều luật thì hầu như không có điều luật nào lại không có bóng dáng của cây cỏ, chim thú. Bởi vì, để nói về con người và quan hệ, hành vi của con người, người Tây Nguyên đều mượn các hình tượng cây cỏ, chim thú để nói, thể hiện sự am tường sâu sắc của con người Tây Nguyên đối với môi trường tự nhiên mà họ đang sinh sống. Với vốn hiểu biết đó sẽ giúp con người có thể bảo tồn và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Trong các bộ Luật tục, cũng như trong đời sống thường ngày, các dân tộc ít người luôn đặt bản thân mình ngang hàng và hoà mình với thiên nhiên. Khác hẳn với lối sống và cách suy nghĩ của con người trong xã hội hiện đại tự đặt mình cao hơn tất cả, từ đó có cách ứng xử theo kiểu "chinh phục", khuất phục sự bất lợi của tự nhiên, dẫn tới chỗ tàn phá, huỷ diệt thiên nhiên một cách mù quáng, chỉ vì lợi ích của bản thân mình như chúng ta thấy xảy ra ở hầu hết các nơi trong một vài năm gần đây. Còn các dân tộc ít người, với cách tư duy và lối sống của họ như vậy, nếu chúng ta biết khai thác sẽ góp phần vào việc bảo vệ và khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, theo PGS. TSKH Ngô Đức Thịnh [53], vấn đề "thiêng hoá" tự nhiên là một quan niện cổ truyền của hầu hết các dân tộc ít người. Họ cho rằng, con người cũng như mọi vật xung quanh đều có linh hồn (Yang), con người và tự nhiên đều bình đẳng, hoà vào nhau làm một. Do vậy, con người thường lấy các hiện tượng tự nhiên để đối sánh, cái gì thuận theo tự nhiên là phải; trái với tự nhiên là sai, là tội lỗi. Như Luật tục M'nông có đoạn:
"Ngu như lợn cũng không ăn thịt con Hăng như chó cũng chưa ăn thịt con Dữ như cọp cũng chưa ăn thịt con
Là người sao lại giết con"
Các bộ Luật tục đều cho rằng, con người là một bộ phận của tự nhiên, lấy tự nhiên để đối sánh, để nói về con người và quan hệ con người. Do vậy, có thể nói rằng hầu như toàn bộ các điều của Luật tục Êđê, M'nông không có điều nào lại không có sự hiện diện của các hiện tượng tự nhiên. Thiên nhiên, môi trường tự nhiên ở đây lại được mô tả một cách hết sức sinh động, chứng tỏ sự hiểu biết của con người về nó cũng rất kỹ càng. Như khi lấy các con vật để nói về tính cách hay ba hoa, không giữ lời hứa.
“Kẻ buổi sáng như con chim bhĩ trống, buổi chiều như bhĩ mái, một khi bay vào rừng lại kiếm chuyện mới.
Kẻ có dọng nói như tiếng nứa nổ khi cháy rừng, như tiếng kêu của chim phượng hoàng đất.
Kẻ như thân cỏ mà muốn vươn cao hơn cây gỗ, như đám cỏ tranh mà muốn vượt lên cây tre, như con thú rừng mà muốn băng qua ngọn cây cao trên đỉnh núi”
(Luật tục Êđê - trang…..)
Hoặc khi nói về các tội lỗi mà không được xét xử, Luật tục M’nông ví như:
“Chuyện xích mích mà không giải quyết Nó sẽ nở như hoa rting (Hoa phượng) Nó sẽ rộ như hoa mpay
Nó sẽ bung như hoa mhay Nó sẽ nẩy như vỏ quả dứa”
Khi nói về tính trung thực và khách quan của con người xử kiện, Luật tục M’nông mượn hình ảnh:
“Hai bên hòn đá, cá trê đứng giữa Hai bên cây lúa, cây nêu đứng giữa
Bên gió bên bão, chiếc diều đứng giữa”
Ngoài ra, trong các bộ Luật tục còn khá nhiều điều mang tính chất tổng kết về kinh nghiệm sản xuất của nhân dân như về trồng tỉa, làm rẫy, chăn nuôi, bắt cá, săn bắt, chia thịt, bắt voi rừng, các tục lệ liên quan đến các con vật nuôi như lợn, chó, trâu, gà…
Về kinh nghiệm trồng tỉa, Luật tục M’nông quy định: “Đất thấp lặng gió ta trồng dưa
Đất thấp bằng ta trồng bắp Dọc bờ suối trồng chuối và mía Trên đồi cao chỉ trồng cây gai
Bầu bí trỉa chung với lúa (lúa nương) ớt, cà ta trồng rẫy cũ
Trỉa lúa sơm cho kịp chất tro Trỉa đậu sớm cho kịp trờ nắng”
(Luật tục M’nông - Tục lệ trồng tỉa) Hay về chăn nuôi:
“Nuôi lợn làm chuồng Nuôi trâu phải làm chuồng Nuôi voi phải có cọc Buổi sáng thả ra bãi cỏ Buổi trưa lùa xuống bờ suối Buổi chiều phải lùa về nhà”
(Luật tục M’nông - Tục lệ chăn nuôi) Còn về săn bắt:
“Đi ngồi túp chỉ đi một mình Đi núp thú chỉ đi một mình
Đi săn bắt phải đi cả làng Người cầm ná, người cầm lao Người làm bẫy, người đặt cung Người dẫn chó, người mang cơm”
(Luật tục M’nông - Tục lệ săn bắt)
Với kinh nghiệm, tư duy như vậy, nhìn thoáng qua chúng ta có cảm giác đó chỉ là những lời nói vần điệu, véo von vui vẻ là chính. Nhưng khi nghiên cứu ký chúng ta mới thấy được giá trị văn hoá của những lời nói vần điệu đó. Đồng bào các dân tộc ít người cư xử với đất đai, cây cỏ, chim thú không như là vật vô tri, vô giác mà là với những vật có hồn, có thần linh. Luật tục các dân tộc ít người ở đây coi việc phá hoại, làm ô uế đất đai, rừng rú, cây cỏ là sự xúc phạm tới thần linh và con người sẽ phải chịu sự trừng phạt. Do vậy, phải làm các nghi thức chuộc tội. Chính quan niệm mang tính chất tâm linh và tín ngưỡng này về mặt khách quan, nó tạo nên một cách ứng xử đầy nhân bản, ngăn chặn được sự tàn phá vô ý thức của con người đối với thiên nhiên.
Luật tục Thái cũng chứa đựng những tri thức của cộng đồng, về quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Luật tục Thái quan tâm đặc biệt đến quyền sở hữu, quyền sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mà về phương diện nào đó, việc xác định quyền sở hữu công cộng của bản mường và quyền sử dụng của cá nhân là một trong các nhân tố quan trọng góp phần quản lý tốt và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước, các lâm thổ sản khác. Các quy định của Luật tục về bảo vệ nguồn nước, rừng cấm, rừng đầu nguồn, về săn bắt, về khai thác tổ ong trong rừng,… theo hướng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên này cũng góp phần vào việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên một cách bền vững.
Tóm lại, Luật tục của một số dân tộc ít người ở Việt Nam như là bộ “bách khoa thư” về đời sống mọi mặt của tộc người, chứa đựng các tri thức dân gian vô cùng phong phú, đúc rút từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ.