Tài nguyên thiên nhiên trong đời sống của các dân tộc ít người ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 29)

Nam.

Con người từ lúc xuất hiện (cách đây vài triệu năm) đã sống dựa vào tự nhiên, dựa vào rừng núi để săn bắt và hái lượm, dựa vào sông suối để kiếm nguồn thuỷ sản, để lấy nước uống và suốt một thời kỳ dài hàng nhiều thế kỷ đó con người và tự nhiên sống hoà hợp với nhau. Đó là thời kỳ nguyên thuỷ.

Con người ngày càng được tiến hoá, và đời sống của họ đã chuyển từ trạng thái kinh tế săn bắt hái lượm sang trạng thái kinh tế sản xuất, bắt đầu bằng việc thuần dưỡng cây cối, súc vật, xuất hiện các điểm quần cư (làng mạc) đầu tiên thì cũng là lúc con người chuyển từ trạng thái sống hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên sang trạng thái có sự tác động trở lại của thiên nhiên.

Trong quá trình chung sống lâu dài với tự nhiên, dần dần nhận thức của con người về tự nhiên, môi trường được tích luỹ và ngày càng mở rộng, và hình thành thế ứng xử thích hợp của con người đối với thiên nhiên, môi trường[46, 197]

ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của ngành dân tộc học, cho đến nay có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc là các dân tộc ít người. Các dân tộc này chủ yếu sống ở miền núi, như miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. Đây là những nơi tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quý của đất nước với hành chục ngàn loài thực vật và đất rừng phù hợp với trồng cây công nghiệp; các nguồn khoáng sản như than đá, quặng kim loại.... Trong 54 dân tộc này thuộc 3 hệ ngôn ngữ khác nhau: hệ Nam á, Nam đảo và Hán -Tạng, trong mỗi hệ ngôn ngữ lại có các nhóm ngôn ngữ khác nhau, như: Môn - Khơ Me, Tày - Thái, Việt - Mường....

ở nước ta, miền núi và cao nguyên chiếm 3/4 diện tích cả nước, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc ít người. ở đây có rất nhiều tiềm năng

về kinh tế. Nơi đây, hiện có 21,8 triệu ha, với những bình nguyên, cao nguyên rộng bằng phẳng, những núi đồi trập trùng, có tầng đất dày, chất đất tốt, lại trải dài trên nhiều vùng khí hậu khác nhau, nên có khả năng phát triển nhiều loại cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, nhiều loại cây ăn quả, cây dược liệu. Đồng cỏ chăn nuôi cũng tập trung trên địa bàn này. Nơi đây còn có hơn 10 triệu ha rừng và đất rừng với nhiều loại gỗ quý, trữ lượng cao và nhiều loại động thực vật có giá trị kinh tế và khoa học lớn. Tài nguyên nước trên mặt và nước ngầm cũng rất phong phú, chiếm khoảng 20% tổng trữ lượng; trữ năng thuỷ điện dồi dào, ước tính khoảng 54 tỷ KW, bằng 54% trữ năng điện trong cả nước… Đó là những thế mạnh của miền núi , miền trung du nói chung, các vùng dân tộc ít người nói riêng, mà không một nơi nào khác của đất nước có được [10, 109-110].

Với tiềm năng tự nhiên dồi dào, phong phú như vậy, trong một thời gian dài các dân tộc ít người miền núi nước ta chủ yếu dựa và tự nhiên mà sống, mọi sinh hoạt cuộc sống đều dựa vào thiên nhiên và cho đến tận bây giờ nhiều nơi vẫn như vậy. Do đó vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên được đồng bào các dân tộc ít người được quy định rất cụ thể trong các bản Luật tục của các dân tộc. Bởi vì họ quan niện rằng, cuộc sống của họ tồn tại được chính là nhờ môi trường thiên nhiên, nếu môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Như chúng ta biết, trước đây đồng bào các dân tộc ít người bảo vệ, giữ gìn nguồn sống của họ như thế nào, cá con không được bắt, cây con không được chặt, không được làm bẩn nước đầu nguồn, có các phương pháp khai thác rừng, đốt rừng làm nương rẫy…

Nếu trước đây, các vùng miền núi chỉ có các dân tộc ít người sinh sống, các phong tục tập quán còn giữ gìn được nhiều, thì các vùng này vẫn còn được coi là những vùng "rừng xanh, núi đỏ", "ma thiêng nước độc". Đến nay,

với lượng di dân từ các vùng đồng bằng lên ngày một đông, hoặc do nhu cầu sinh sống đã có sự di chuyển của các tộc người từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là từ khi xuất hiện nền kinh tế thị trường, đất nước mở cửa đã ảnh hưởng lớn đến phong tục tập quán của các dân tộc ít người miền núi, đời sống của họ bị xáo trộn, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, đất đai canh tác ngày càng giảm đi và môi trường sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng.

Trong thời gian gần đây với quá trình đô thị hoá diễn ra ở khắp mọi nơi, môi trường, tài nguyên thiên nhiên bị xâm chiếm ngày một tăng, đời sống ngày càng bị xáo trộn, nhưng các dân tộc ít người miền núi nước ta vẫn hầu hết sinh tụ ở các vùng núi và vẫn luôn bám lấy rừng núi, dựa vào rừng núi, sông suối mà sinh sống, vẫn dựa vào thiên nhiên là chủ yếu.

Tuỳ theo các điều kiện tự nhiên, môi trường khác nhau mà các dân tộc hoặc các nhóm dân tộc sinh sống ở đó có những cung cách làm ăn, khai thác tài nguyên và ứng xử với thiên nhiên khác nhau, biết cách dựa vào thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên. Trong khi đó môi trường miền núi của nước ta rất đa dạng, nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng rất phong phú, bao gồm các loại củ, quả, cây, lá, các loại động vật...có thể đảm bảo sự tồn tại của con người. Do đó trong một thời gian dài các dân tộc ít người vùng mìn núi nước ta chủ yếu dựa vào kinh tế săn bắt, hái lượm. Đến nay, mặc dù dân số tăng lên, khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng ở một số vùng phương thức hái lượm, săn bắt không còn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc ít người miền núi nước ta. Dẫu vậy, ở một số vùng, nhất là vùng cao, vùng sâu trong những năm gần đây, các phương thức săn bắt, hái lượm vẫn còn tồn tại.

Nói chung, cho đến nay đời sống kinh tế, văn hoá-xã hội của các dân tộc ít người miền núi vẫn dựa vào thiên nhiên là chính. Chúng ta thử lấy một vài ví dụ từ thực tiễn hiện nay ở các vùng miền núi.

Về canh tác ruộng nước thì chỉ có một vài dân tộc sống ở những vùng thấp, thung lũng như Tày, Thái, Mường, Êđê, Chăm... Nhưng nhiều nơi vẫn khai thác từ đất đồi núi để làm ruộng bậc thang. Nhưng dù là loại ruộng gì đi chăng nữa, để cấy lúa đều phải có nguồn nước. Dân tộc Thái có câu: "Có nước mới có ruộng, có ruộng mới có cơm", còn dân tộc Mường có câu: "làm cơ phải có mó, làm ló (lúa) phải có nước"..., mà muốn có nước để nuôi sống cây lúa thì lại phải dựa vào sông, suối, rừng đầu nguồn. Chính vì vậy mà đối với đồng bào các dân tộc ít người miền núi, việc giữ gìn, bảo vệ những khúc rừng đầu nguồn là vô cùng quan trọng, ai xâm phạm những khu rừng này thường bị phạt rất nặng.

Ngoài ra, đa số các dân tộc cư trú ở vùng cao từ Bắc vào Nam đều lấy nương làm rẫy làm nguồn sống chính và để làm nương rẫy lại phải dựa vào thiên nhiên, vào rừng núi. Với việc việc dựa vào núi rừng chính như vậy, họ phải tìm mọi cách để bảo vệ, khai thác sao cho hợp lý, không mất đi nguồn sống chính của họ, như phải làm rẫy luân canh, đốt rừng làm rẫy như thế nào, làm đất ra sao để không bị rửa trôi, không để rừng biến thành hoang mạc. Đây cũng là một nghệ thuật, là tri thức địa phương, tri thức tộc người, không phải ai cũng nhận ra được.

Là những cư dân trồng trọt, trong quá trình lịch sử, các dân tộc ít người nước ta đã tạo ra những cánh đồng tươi tốt trên các thung lũng như Lộc Bình, Lạng Sơn, Tràng Định, Hoà An, Chợ mới ở Việt Bắc, Mường Thanh, Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Tấc (Phù Yên) ở Tây Bắc; ven biển miền Trung, Trường Sơn - Tây Nguyên và Đồng Bằng sông Cửu Long. Nhờ những tri thức tộc người, tri thức địa phương cùng với điều kiện của thiên nhiên, môi trường mang tính đặc thù mà mỗi vùng dân tộc, mỗi vùng đã sản xuất ra những sản phẩm, những loại cây trồng, vật nuôi có tiếng và có giá trị kinh tế cao như Ngô nếp và gạo nương ở vùng cao, gạo Điện Biên, Đào Sa Pa, Mận Bắc Hà,

Mộc Châu, Cà Phê Đắc Lắc, những kho thóc lớn ở Tây Nguyên, các loại cây công nghiệp và cây dược liệu (hồi, trẩu, quế, cánh kiến đỏ che, thảo quả, các loại cây thuốc...) ở một số tỉnh, Trâu ở Tuyên Quang, Ngựa ở Cao Bằng và Kon Tum, Lơn Mường Khương, Voi ở Đắc Lắc v.v.... Trước đây, khi rừng còn nhiều, sông suối còn nhiều ốc, cá, săn bắt và hái lượm cũng thu được nhiều sản phẩm phong phú, giá trị. Cuộc sống của các dân tộc (trừ một số nhóm nhỏ cư dân lệ thuộc vào tầng lớp trên) dù là những cư dân làm nương rẫy du canh, cũng tương đối ổn định, đói kém ít xảy ra... [10, 13]. Trước đây, cũng như hiện nay, trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người môi trường tự nhiên vẫn đóng một vị trí vai trò quan trọng, không thể thiếu được như muốn làm một cái nhà cũng phải vào rừng rồi làm cây sáo, cây khèn, lấy củi đốt, lấy lá cây rừng làm thuốc, các loại củ, măng làm thức ăn....đều phải vào rừng.

Tóm lại, trên cơ sở lý thuyết chúng ta có thể nói được như vậy, nhưng trong đi sâu vào thực tiễn cuộc sống của các dân tộc ít người ở miền núi chúng ta mới biết được họ vẫn còn dựa vào thiên nhiên nhiều như thế nào, môi trường thiên nhiên có vai trò quan trọng như thế nào đối với đời sống sinh hoạt của họ, gần như trong tất cả các lĩnh vực ăn, mặc, ở, sinh hoạt đều dựa vào thiên nhiên, gắn bó mật thiết với thiên nhiên và thấy được sự tác động trở lại của thiên nhiên đến đời sống sinh hoạt của họ. Từ đó, việc hình thành những kinh nghiệm và cách thức bảo vệ, khai thác môi trường tài nguyên thiên nhiên từ rất lâu đời ở các dân tộc ít người miền núi nước ta là điều hiển nhiên.

Một phần của tài liệu Luật tục với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của một số dân tộc ít người ở Việt Nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)