0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (112 trang)

Thực tiễn áp dụng các quy định về lỗi trong việc định tội danh

Một phần của tài liệu MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI PHẠM (Trang 39 -39 )

THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM

2.1.1. Thực tiễn áp dụng các quy định về lỗi trong việc định tội danh

danh

Lỗi là dấu hiệu phải được mô tả trong tất cả các cấu thành tội phạm. Điều đó không phải chỉ xuất phát từ nguyên tắc có lỗi trong luật hình sự mà còn vì nhiều tội phạm khác nhau ở dấu hiệu lỗi trong khi các dấu khác có thể giống nhau. Theo nguyên tắc có lỗi trong luật hình sự bị coi là tội phạm trong trường hợp chủ thể có lỗi khi thực hiện hành vi đó. Tính chất của lỗi có ảnh hưởng quan trọng đến tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Cùng hành vi khách quan nhưng tính chất lỗi khác nhau (cố ý hoặc vô ý) thì hành vi có tính chất nguy hiểm khác nhau và do vậy thuộc những tội danh khác nhau.

Theo quy định của luật hình sự, lỗi có hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong đó, lỗi cố ý được phân thành lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý được phân thành lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả. Nội dung của các trường hợp có lỗi này được quy định trong các điều luật thuộc Phần chung Bộ luật hình sự. Các điều luật đó mô tả cấu trúc tâm lý với hai yếu tố lí trí và ý chí của các trường hợp có lỗi. Trong cấu thành tội phạm, sự mô tả dấu hiệu lỗi chỉ có nghĩa xác định loại lỗi (cố ý hoặc vô ý) và có thể cả hình thức lỗi ở một số trường hợp (cố ý gián tiếp hoặc cố ý trực tiếp cũng như vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Việc xác định này phải tuân theo yêu cầu sau đây:

Trước hết đòi hỏi loại lỗi (cố ý hoặc vô ý) được xác định trong cấu thành tội phạm phải phù hợp với tội danh. Tội danh có thể chưa thể hiện rõ dấu hiệu hành vi nhưng đòi hỏi phải thể hiện rõ loại lỗi. Có tội danh thể hiện trực tiếp loại lỗi như tội danh cố ý gây thương tích, tội danh vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản v.v.. Có tội danh không trực tiếp thể hiện loại lỗi như vậy những vẫn có thể làm cho chúng ta hiểu loại lỗi thuộc tội như vậy thuộc tội danh đó là cố ý như: tội danh hiếp dâm, tội danh huỷ hoại tài sản v.v.. hoặc là vô ý: như tội danh vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội danh thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước v.v.. Đối với tội danh không trực tiếp thể hiện loại lỗi thì vấn đề bảo đảm sự thống nhất giữa tội danh và dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm được đặc biệt chú ý. Nếu nhà làm luật muốn giới hạn phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ đối với trường hợp cố ý trực tiếp hoặc chỉ đối với trường hợp vô ý vì quá tự tin thì phải thể hiện rõ trong cấu thành tội phạm. Cách thể hiện cho hai trường hợp này có thể là thêm dấu hiệu “biết rõ” hoặc là “biết”. Ví dụ: “Nguời nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự nguời mà mình biết rõ là không có tội…” hoặc “ Nguời nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn…”. Khi đã xác định tội danh thuộc tội cố ý và thể hiện dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội pham là cố ý thì có nghĩa dấu hiệu lỗi cố ý bao trùm toàn bộ cấu thành tội phạm mà không thể có dấu hiệu lỗi vô ý cho phần nào đó của cấu thành tội phạm. Trường hợp dấu hiệu lỗi không được nêu trong cấu thành tội phạm thì được hiểu đó là tội cố ý và dấu hiệu cố ý ngầm định này cũng bao trùm toàn bộ cấu thành tội phạm. Khi đã xác định tội danh thuộc tội phạm vô ý thì phải thể hiện rõ dấu hiệu lỗi vô ý trong cấu thành tội phạm. Về nguyên tắc, cấu thành tội phạm của các tội phạm vô ý đều được xây dựng với hình thức cấu trúc là cấu thành tội phạm

vật chất. Vô ý là sự phủ định chủ quan ít nghiêm trọng hơn cho nên hành vi chỉ có thể có tính nguy hiểm của tội phạm khi có sự kết hợp giữa sự phủ định chủ quan này với sự phủ định khách quan trong đó đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. [45,74,75,76]

Về kỹ thuật xây dựng pháp luật có hai cách mô tả dấu hiệu lỗi vô ý trong cấu thành tội phạm. Cách thứ nhất áp dụng cho các tội phạm vô ý trong đó chủ thể vi phạm quy tắc xử sự xã hội thông thường nói chung. Trong trường hợp này, dấu hiệu lỗi vô ý được mô tả cùng với hành vi và hậu quả theo kiểu: Người nào vô ý + hành vi + hậu quả. Ví dụ: “Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì…” (Điều 108 Bộ luật hình sự). Cách thứ hai áp dụng cho các tội phạm vô ý trong đó chủ thể vi phạm quy định pháp luật trong những lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội như lĩnh vực an toàn giao thông, lĩnh vực an toàn lao động, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm v.v.. Trong trường hợp này, dấu hiệu lỗi vô ý được mô tả gắn liền với hậu quả theo kiểu: Người nào vi phạm + quy định cụ thể + vô ý gây + hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ (vô ý) gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì…”.(Điều 202 Bộ luật hình sự) . Trong trường hợp này, lỗi vô ý có thể được hiểu là vô ý vì quá tự tin (chủ thể biết mình có hành vi vi phạm). Nếu nhà làm luật muốn giới hạn dấu hiệu lỗi chỉ có lỗi vô ý vì quá tự tin thì phải mô tả theo kiểu như “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn (vô ý) gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiệm trọng cho sức khoẻ của nguời tiêu dùng thì…”.(Điều 244 Bộ luật hình sự).

Như vậy, việc mô tả dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm có những đòi hỏi phức tạp hơn so với việc mô tả các dấu hiệu khác. Nhưng việc tuân thủ các đòi hỏi này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Việc mô tả dấu hiệu lỗi cụ thể rõ ràng sẽ giúp cho việc nhận thức về cấu thành tội phạm theo loại tội - tội cố ý hoặc vô ý được thống nhất. Từ đó mới có thể xét xử được đúng.

Trong thực tiễn xây dựng luật, việc mô tả dấu hiệu lỗi cố ý của cấu thành tội phạm có thể được bỏ qua trong trường hợp bản thân tội danh cũng như hành vi đã chứa đựng nội dung lỗi là cố ý như tội danh giết người, tội danh hiếp dâm hoặc hành vi dùng vũ lực, hành vi chiếm đoạt. Nhưng đối với tội phạm vô ý thì việc mô tả dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm là bắt buộc cho mọi trường hợp. Nếu trong cấu thành tội phạm, dấu hiệu lỗi không được mô tả theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội phải hiểu đó chỉ có thể là lỗi cố ý. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc: Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vô ý chỉ có khi luật quy định cụ thể, trực tiếp dấu hiệu lỗi vô ý trong cấu thành tội phạm.

Tương tự như cách quy định dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm, dấu hiệu lỗi cũng phải được mô tả khi được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng mà dấu hiệu đó thuộc về mặt khách quan hoặc khách thể như dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội hoặc dấu hiệu về đặc điểm của đối tượng tác động v.v… Nếu dấu hiệu lỗi không được mô tả thì chỉ được phép hiểu lỗi của chủ thể đối với tình tiết định khung phạt tặng nặng phải là cố ý. Dấu hiệu lỗi ở đây có thể được quy định là cố ý hoặc vô ý hoặc cả cố ý và vô ý. Từng khả năng này xảy ra trong các trường hợp sau:

- Dấu hiệu lỗi được xác định là cố ý trong trường hợp xét thấy không cần thiết buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khung

hình phạt nặng mà lỗi của họ đối với tình tiết định khung hình phạt không phải là cố ý.

- Dấu hiệu lỗi được xác định là vô ý trong trường hợp xét thấy cần thiết phải buộc người phạm tội chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng nặng hơn khi lỗi của họ đối với tình tiết định khung hình phạt là cố ý (ví dụ: thuộc khung 3) hoặc với lỗi cố ý thì hành vi đã cấu thành tội phạm khác (Ví dụ: Nếu lỗi của người phạm tội cố ý gây thương tích và vô ý đối với hậu quả chết người thì thuộc khung 4 của tội này còn nếu lỗi là cố ý thì không còn là tội này mà là tội giết người).[45,79]

- Dấu hiệu lỗi được xác định là cố ý đối với hành vi và vô ý đối với hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết buộc người phạm tội chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng dù lỗi của họ đối với tình tiết định khung hình phạt là cố ý hay vô ý.

Như vậy, dấu hiệu lỗi được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản chỉ có thể là cố ý hoặc vô ý và tuỳ thuộc vào loại lỗi đã được mô tả mà tội phạm được xác định là tội cố ý hay vô ý. Việc xác định loại tội có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện để có thể áp dụng nhiều chế định khác của luật hình sự như chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chế định các giai đoạn thực hiện tội phạm, chế định đồng phạm, chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm v.v.. Vấn đề được đặt ra là có thể mô tả hai loại lỗi trong một cấu thành tội phạm được không, nếu thấy trường hợp cần thiết. Cụ thể: Một tội danh thể hiện là tội cố ý và nhà làm luật cũng muốn xác định tội đó là tội cố ý vì đúng với bản chất những lại muốn hạn chế phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ là trường hợp gậy hậu quả nguy hiểm cho xã hội và lỗi đối với hậu quả này là vô ý mà không thể là cố ý được vì với lỗi cố ý hành vi phải cấu thành tội phạm khác. Tội đua xe trái phép trong Bộ luật hình sự có thể được coi là ví dụ về trường

hợp này. Trong những trường hợp cần thiết như vậy có thể chấp nhận có hai loại lỗi trong cấu thành tội phạm nhưng phải diễn đạt khác trường hợp bình thường để thể hiện rõ đó là tội cố ý và chỉ giới hạn trong phạm vi các trường hợp gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và lỗi đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Cách diễn đạt trong Bộ luật hình sự hiện nay về tội đua xe trái phép (trường hợp gây hậu quả) không theo cách trên đây mà theo cách thông thường nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu coi tội đua xe trái phép là tội cố ý thì lỗi đối với hậu quả như cách diễn đạt hiện nay phải là lỗi cố ý nhưng như vậy sẽ không hợp lý vì với lỗi cố ý hành vi có thể cấu thành tội giết người khi hậu quả là chết người… Nếu hiểu lỗi đối với hậu quả là vô ý thì theo cách diễn đạt thông thường tội đua xe được coi là tội vô ý. Điều này lại không phù hợp với tội danh.

Như vậy, việc quy định dấu hiệu lỗi sao cho phù hợp và phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định của luật hình sự sẽ giúp các nhà làm luật quy định rõ ràng hơn về dấu hiệu lỗi trong từng CTTP của từng tội danh cụ thể từ đó những người áp dụng pháp luật cũng có sự thống nhất và tránh được việc định tội danh sai và dẫn đến oan sai. Vấn đề định tội là một vấn đề khó khăn, phức tạp và đặc biệt quan trọng do vậy để định đúng tội danh và để loại bỏ những hậu quả tiêu cực thì việc xác định đúng lỗi của người phạm tội có ý nghĩa vô cùng quan trọng và sau đây là một số ví dụ để ta thấy được sự quan của việc xác định đúng lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh:

Khoảng 14 giờ ngày 01 tháng 7 năm 1998, Đinh Văn Đ (31 tuổi) vào quán của bà Nguyễn Thị Vân ở xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thấy Vũ Văn Tập cùng một số người đang chơi xóc đĩa ăn tiền, trên chiếu bạc có khoảng 45.000 đồng. Khi Trần Văn Tân (người cầm cái) hô: “Bán lẻ” thì Đinh Văn Đ liền hô: “Nhận” và tự ý lật bát. Thấy mình được ăn, Đ định lấy tiền nhưng không được vì tất cả mọi người đều đã vơ tiền về. Đ nói: “Ở đây

chơi thế nào thế?”. Tập trả lời: “Bọn tao chơi thế đấy, không có tiền thì đừng có lật bát”. Vừa nói Tập vừa dùng chân đạp Đ. Đ nhặt được chiếc bát sứ trên chiếu và dùng nó đập mạnh vào cằm Tập. Chiếc bát vỡ làm hai mảnh, một mảnh rơi xuống đất còn một mảnh vẫn ở trên tay Đ. Đ liền kéo mạnh một cái rồi bỏ trốn. Tập đã chết sau đó khoảng 1 giờ. Tại Bản Giám định pháp y số 03/GĐYP ngày 02 tháng 7 năm 1998, Tổ chức Giám định pháp y tỉnh Lào Cai đã kết luận: “Vũ Văn Tập bị chết do mất máu cấp vì đứt hoàn toàn động mạch và tĩnh mạch cảnh bên phải”. Vì hành vi phạm tội như trên, tại Bản Cáo trạng số 157/KSĐT-TA ngày 25 tháng 10 năm 2000, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã truy tố Đinh Văn Đ về tội giết người. Tuy nhiên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 138/HSST ngày 15 tháng 11 năm 2000, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai lại cho rằng, bị cáo Đinh Văn Đ không phạm tội giết người mà phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên phạt Đinh Văn Đ 10 năm tù về tội này với tình tiết định khung tăng nặng “dẫn đến chết người”, với nhận định: “... Về mặt chủ quan, do không tư thù cá nhân từ trước và mâu thuẫn trên chiếu bạc cũng không nghiêm trọng, do đó Đinh Văn Đ không hề có ý định sẽ giết chết Vũ Văn Tập. Hơn nữa, khi tiện tay vơ chiếc bát đập vào mặt Vũ Văn Tập, bị cáo cũng không lường trước được hậu quả có thể dẫn đến chết người...”.

Nghiên cứu dấu hiệu pháp lý của hai tội phạm này ta thấy, tội giết người (hoàn thành) và tội cố ý gây thương tích (trong trường hợp dẫn đến chết người) khác nhau ở những điểm cơ bản sau đây: 1) Khách thể của tội phạm: Nếu khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của con người thì khách thể của tội cố ý gây thương tích lại là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ của con người; 2) Lỗi của người phạm tội: Nếu lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân (mong muốn hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết) thì lỗi của người phạm tội cố ý gây thương tích (trong trường hợp dẫn đến chết người) lại là lỗi

hỗn hợp: cố ý với hành vi gây thương tích (mong muốn hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại sức khoẻ) nhưng vô ý với hậu quả chết người (không thấy trước hoặc có ý thức loại trừ hậu quả chết người).

Thực tiễn xét xử cho thấy, để định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt hai tội này qua tiêu chí cơ bản sau đây:

- Nếu lỗi của người phạm tội với cái chết của nạn nhân là lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) thì định tội giết người. Đây là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể (hoặc tất yếu) làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện vì mong muốn hoặc có ý thức chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.

Một phần của tài liệu MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI PHẠM (Trang 39 -39 )

×